Kỹ thuật chăm sóc sầu riêng ra hoa đậu trái đóng vai trò thúc đẩy, đảm bảo quá trình phát triển của cây sầu riêng, cho cây đạt năng suất cao nhất. Ngoài các kỹ thuật chăm sóc sầu riêng bà con cần phải lưu ý các loại sâu bệnh gây hại. Mời bà con SFARM xem ngay bài viết để biết thêm về kỹ thuật chăm sóc sầu riêng ra hoa đậu trái, các loại bệnh cần phòng của cây sầu riêng nhé!
Cách chăm sóc cây sầu riêng khi ra hoa
Giai đoạn ra hoa là thời điểm quan trọng cần có kỹ thuật chăm sóc riêng để đảm bảo năng suất và chất lượng trái. Giai đoạn ra hoa cây sầu riêng đòi hỏi phải có thời gian khô hạn (nhiệt độ cao, ẩm độ thấp) để phân hóa mầm hoa. Dưới đây là các bước kỹ thuật chăm sóc sầu riêng vào giai đoạn ra hoa.
Xem thêm: Kỹ thuật chăm sóc sầu riêng và phòng trị 9 loại bệnh phổ biến
Điều tiết nước
Điều tiết nước trong giai đoạn ra hoa nhằm mục đích để hoa ra đều, tập trung. Ở giai đoạn này, các Bác cần kiểm soát lượng nước giữ đất có độ ẩm vừa phải, tránh tình trạng cây quá khô gây ảnh hưởng đến hoa. Các kỹ thuật các Bác có thể áp dụng là: xiết nước, phun NPK tạo mầm.
Xiết nước
Xiết nước ở cây sầu riêng diễn ra vào tháng 12-1 hàng năm là thời kỳ phân hóa mầm hoa (ra mắt cua). Vào thời kỳ này cây sầu riêng sẽ có các biểu hiện:
– Cây phân hóa mầm hoa ít hoặc chưa phân hóa mầm hoa. Biện pháp là phải dọn sạch cỏ rác trong và ngoài tán cây nhằm tạo độ thông thoáng tốt, đất nhanh khô để cây cảm ứng ra hoa.
– Đất có hiện tượng khô, cây có biểu hiện héo mà chưa ra mầm hoa. Biện pháp là tưới qua 1 lần nước, tưới nhẹ cho đủ ẩm (lượng nước tưới bằng 1/3 lúc bình thường). Rồi tiếp tục xiết nước tạo khô hạn, chờ cây ra hoa đều, tập trung thì chọn đọt hoa đó. Tỉa bỏ hết số hoa đã ra trước hoặc sau đó, để mục đích trên cùng 1 cây, thời gian thu hoạch quả không kéo dài quá 15 ngày.
Phun NPK tạo mầm
Phun NPK tạo mầm (Nitơ, Phốt-pho,Kali) giúp kích thích phát triển mầm hoa, bên cạnh với việc tạo khô hạn đồng loạt thì phải phun NPK 10-60-10, NPK 0-60-20, liều lượng gấp đôi bao bì hướng dẫn, xịt vào vùng mang trái vào sáng sớm (trước 9 giờ sáng) và chiều mát (từ 15 giờ chiều trở đi). Xịt 2 lần cách nhau 7 ngày, hoa sẽ ra nhiều. Khi mầm hoa xuất hiện mà trời mưa thì phun thuốc có hoạt chất propineb phòng bệnh khô mầm hoa.
Tưới nước nuôi hoa sầu riêng
Tưới nước nuôi hoa sầu riêng là việc hết sức quan trọng giúp cây sầu riêng duy trì nước hợp lý để nuôi hoa sầu riêng và phát triển tốt.
Thời điểm tưới phù hợp
Khi mầm hoa ra sáng đều (dài 3-4cm) trên các vị trí để trái thì tưới nước trở lại. Tránh trường hợp tưới nước sớm hơn khi mầm ra hoa sẽ có các tác hại sau:
– Các hoa ở đầu cành phát triển mạnh (nơi không khuyến cáo để trái vì dễ bị gãy cành). Còn các mầm hoa ở vùng mang trái bị rơi vào trạng thái ngủ (đui hoa) nên sẽ mất sản lượng.
– Kích thích phát triển lá cây sầu riêng trên mỗi chùm hoa, dinh dưỡng tập trung nuôi lá làm hoa nhỏ lại, cuống hoa dài, yếu ớt, ảnh hưởng đến đậu trái, nuôi trái.
Cách tưới nước
Các Bác nên tưới nước từ từ, xòe đều từ mép tán cây vào đến gốc, ưu tiên tưới dưới tán vì đây là khu vực có nhiều rễ tơ hút nước. Trường hợp khi trời mưa trái mùa, rễ sẽ không hút thêm nước nên không lo sốc nước gây rụng hoa hoặc quả non. Lần tiếp theo khi tưới là khi thấy mặt đất khô, khoảng 2-5 ngày sau. Tránh tưới quá nhiều trong một lần để tránh gây sốc nước.
Phun phân bón qua lá
Giai đoạn sầu riêng ra hoa, cây cần các nguyên tố trung lượng, vi lượng để hình thành hạt phấn, sức sống của hạt phấn và tạo độ dai chắc cho cuống hoa. Nên khuyến cáo sử dụng phân bón lá để cung cấp dinh dưỡng cho cây.
– Thời điểm phun: Khi nụ hoa hình thành rõ. Loại phân: Sử dụng phân bón lá Amino 4500 + NPK 20-20-20. Cách phun: Phun định kỳ 7-10 ngày.
– Trường hợp cây đang ra nụ mà cây ra đọt non thì sử dụng NPK 20-20-20, với liều lượng gấp đôi bao bì hướng dẫn. Xịt lúc trời mát, 7-10 ngày xịt 1 lần, liên tục cho đến khi lá già.
– Trường hợp hoa xả nhị mà cây ra đọt non thì phải phun phân MKP 0-52-34 với liều lượng 4kg/phuy 200 lít để hạn chế đọt non, lá non phát triển, tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa lá và quả non gây rụng quả non.
Tỉa hoa sầu riêng
Thời điểm tỉa hoa sầu riêng chính xác là khi chùm hoa hình thành 3-5cm. Cách làm: Dinh dưỡng từ lá di chuyển vào nuôi hoa, nuôi quả nên những quả trên cành cao sẽ to lớn và ngon hơn. Do vậy cách tỉa hoa như sau:
– Đối với cành cấp 1, vị trí để chùm hoa đầu tiên cách thân từ 0,5-1,8m. Cây mà càng lớn, cành ở dưới thấp thì vị trí để chùm hoa đầu tiên càng cách xa thân. Nếu để hoa, quả gần thân thì hoa, quả ở vị trí này phát triển rất kém.
– Đối với cành cấp 2, giữ lại những chùm hoa ở vị trí cành to, khỏe, ở nách cành cấp 2. Không để hoa ở đầu cành, chọn cách chùm hoa khỏe hướng xuống dưới, không để các chùm hoa hướng ngang. Tùy vào sức khỏe cành nên để 4-10 chùm hoa/cành. Khoảng cách giữa các chùm 20-25cm vì nếu để dày làm hoa nhỏ đậu phấn kém.
– Tỉa bớt hoa trong 1 chùm: cần tỉa bớt những hoa trên cùng 1 chùm bởi vì số lượng hoa trên trùm rất nhiều, có chùm lên tới trên 45 hoa. Nên tỉa để giữ lại những hoa khỏe mạnh nhất để cây tập trung dinh dưỡng để nuôi.
- Thời điểm tỉa: Khi hoa dài khoảng 8-10 cm.
- Cách làm: Ưu tiên giữ lại những nụ hoa ra cùng đợt và những hoa tròn, mập, cuống hoa khỏe, hoa không bị nhiễm sâu bệnh. Để không quá 10 hoa/chùm.
Cách phân biệt các đợt hoa xả nhị
Phân biệt các đợt hoa xả nhị để có biện pháp chăm sóc riêng biệt cho những cây sầu riêng có cùng thời gian xả nhị và xác định chính xác thời điểm thu hoạch của những quả xả nhị cùng đợt. Có 2 phương pháp phân biệt các đợt hoa xả nhị:
– Trường hợp cây để 1 đợt hoa/cây: Đánh số cho từng cây, ghi chép sổ sách cụ thể ngày xả nhị của từng cây.
– Trường hợp cây để 2 đợt hoa/cây: Đánh dấu sơn các màu khác nhau cho từng lứa hoa xả nhị khác nhau trên cây.
Cách chăm sóc cây sầu riêng khi nuôi quả
Giai đoạn chăm sóc cây sầu riêng khi nuôi quả đòi hỏi sự cẩn thận và các kỹ thuật chăm sóc riêng để cây sầu riêng đạt được năng suất cao dưới. Dưới đây là các cách chăm sóc sầu riêng khi nuôi quả:
Tỉa quả
Sau giai đoạn tỉa bớt hoa trên 1 chùm, chỉ không để quá 10 hoa/chùm. Hầu hết số hoa này đều đậu quả. Nhằm mún cây tập trung dinh dưỡng để quả đảm bảo về chất lượng cũng như trọng lượng quả, vì vậy nên cần thiết phải tỉa bớt quả.
Cách tỉa và thời điểm tỉa quả:
– Lần 1: Quả được 3-4 tuần sau khi hoa nở, tỉa những quả có cuống nhỏ, chen chúc trong chùm quả, trái méo, trái bị sâu bệnh (để lại 6-8 quả/chùm).
– Lần 2: Quả được 8 tuần sau khi hoa nở: Tỉa quả cong vẹo, dị dạng (để lại 3-4 quả/chùm).
– Lần 3: Quả được 10 tuần sau khi hoa nở: cắt tỉa những trái có hình dạng không đặc trưng của giống. Tạo thuận lợi cho phát triển cơm, kích thước và hình dáng trái. Chỉ để 2-3 quả/chùm, khoảng 70-120 quả/cây.
Phun phân qua lá để dưỡng quả
Phun phân qua lá sẽ giúp cây nhanh chóng cung cấp dinh dưỡng để nuôi quả.
– Thời điểm phun: Từ giai đoạn nuôi hoa đến khi quả được 60 ngày tuổi.
– Cách phun: Trong thời điểm này cây có hiện tượng ra đọt non thì phun MKP (10g/lít nước, 2kg/phuy) hoặc KNO3 (200-300g/bình 16 lít) định kỳ 3 ngày/lần (có thể phun luân phiên 2 loại phân này) để hạn chế đọt non, lá non phát triển để tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa lá và quả non gây rụng quả non.
Bón phân nuôi quả
Bón phân nuôi quả được thực hiện như sau:
– Lần 1: khi quả được 60 ngày tuổi (quả sầu riêng bằng quả trứng gà). Loại phân bón: bón phân NPK 15-15-15. Lượng bón: Bón 0,5kg/cây/lần/2 lần, cách nhau 10-15 ngày. Cách bón: Lần 1 bón 200-300g/cây/lần rắc quanh tán cây. Nếu đất không đủ ẩm phải tưới nước để phân tan. Sau 10-15 ngày bón tiếp lần 2 với lượng phân còn lại.
– Lần 2: Khi đậu trái được 80-85 ngày. Loại phân bón: NPK có công thức 12-12-17+TE hoặc 12-7-17+TE. Cách bón: Lượng phân bón 0,15-0,25kg/cây/lần, bón lần tiếp theo sau đó 10-15 ngày.
– Lần 3: Loại phân sử dụng là K2SO4. Riêng giai đoạn cách bón phân chia làm 2 giai đoạn chính. Giai đoạn 1: Khi quả được 105 ngày (sầu riêng Monthong), bón 0,3kg/cây, tùy lượng quả trên cây. Giai đoạn 2: Sau khi bón lần 1 được 7 ngày, bón 0,3-0,5kg/cây.
Lưu ý: Đối với giống sầu riêng Ri6 do thời gian thu hoạch sớm hơn sầu riêng Monthong 15-20 ngày. Vì vậy thời gian bón phân cho cây Ri6 giai đoạn nuôi trái cần sớm hơn so với giống Monthong khoảng 10-15 ngày.
Một số biện pháp chống sượng quả
Các trường hợp sầu riêng sượng và biện pháp chống sượng quả cho cây sầu riêng như sau:
– Trường hợp trái chuyển từ non sang già: đây là giai đoạn tích lũy tinh bột của cây sầu riêng nên bổ sung các vi lượng như Mg2+, Zn2+, Cu2+… Khi trái sầu riêng chuyển hóa tinh bột thì việc bổ sung Kali (kali trắng) là rất cần thiết. Không bón kali đỏ làm trái dễ bị sượng.
– Trường hợp mưa nhiều làm bồn sâu chứa nước, cây thừa nước: cách giải quyết là khai thông bồn thoát nước tốt. Đặc biệt trong các giai đoạn này là phải cắt nước hoàn toàn cho cây, nếu trời mưa phải khai thông bồn đó là giai đoạn sầu riêng trước khi chín rụng 15-20 ngày và sầu riêng trước khi thu hoạch (cắt trái) 10-15 ngày.
Cách chăm sóc cây sầu riêng khi thu hoạch quả
Để có được một mùa bội thu sầu riêng thì các Bác nên xác định thời điểm thu hoạch quả thích hợp nhất để quả sầu riêng tốt nhất có được một mùa thu hoạch năng suất nhất:
– Dựa vào sổ nhật ký ghi chép thời gian xả nhị đến khi quả được 125-135 ngày (đối với sầu riêng Monthong), 105-115 (ngày đối với sầu riêng Ri6), nông dân nên thu hoạch trước khi quả chín từ 5-7 ngày, tránh tình trạng thu hoạch quá sớm, hay quá muộn (đặc biệt không để quả tự rụng xuống đất) đều ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái.
– Dựa vào dấu sơn phân biệt các đợt quả trên cây. Dựa vào hình thái bên ngoài sự nở của gai quả, khi quả chín gai trên múi sầu riêng nở và rãnh quả sâu hơn. Dựa vào âm thanh khi gõ quả.
Lưu ý: Tuyệt đối không thu hoạch quả non làm mất uy tín.
Chăm sóc cây sầu riêng sau khi thu hoạch là việc hết sức cần thiết để chuẩn bị tiếp cho mùa vụ tiếp theo. Các bước có thể thực hiện như sau:
- Bước 1: Bón phân trước thu hoạch: cần bón 5-10 kg/cây phân chuồng ủ hoai, kết hợp tưới gốc bằng humic acid powder 95% hoặc humic acid granules 99%.
- Bước 2: Cắt tỉa cành sầu riêng sau thu hoạch. Tỉa những cuống trái còn sót, cành sâu bệnh, cành khô chết, cành vượt, cành hướng địa, giúp vườn thông thoáng, dễ quản lý sâu bệnh hại. Đối với cây suy thì tuyệt đối không cắt cành chùm ổ quạ, cây khỏe thì có thể cắt cành ổ quạ, chừa lại cành bơi.
- Bước 3: Phun thuốc rửa vườn sầu riêng sau khi thu hoạch. Có thể dùng các thuốc gốc Phosphonate…
- Bước 4: Bón phân nuôi cơi đọt mới. Bón phân NPK có hàm lượng lân cao kết hợp với acid amin từ đạm cá và chiết xuất rong biển hữu cơ kết hợp với acid humic (humic acid powder 95% hoặc humic acid granules 99%) tưới gốc cho cây.
Lưu ý sâu bệnh giai đoạn ra hoa đậu trái
Sâu bệnh là một vấn đề đáng lo ngại gây ảnh hưởng đến cây sầu riêng khiến quả sầu riêng không được trái đẹp, ngon, đầy cơm. Dưới đây là một số loại sâu bệnh gây hại đến cây sầu riêng trong giai đoạn ra hoa đậu trái.
Nhện đỏ
Nhện đỏ là đối tượng gây hại mạnh nhất, xuất hiện vào mùa khô và chúng tập trung chủ yếu ở dưới mặt lá, đặc biệt là các lá bánh tẻ. Tác hại chúng gây ra là nhiều vết chích liên kết lại tạo ra những khoang, những đốm lớn mất màu ảnh hưởng đến sự quang hợp của lá, lá có thể bị khô và rụng.
Biện pháp phòng trừ: Sử dụng hoạt chất Sulfur (10-15g/16 lít nước), Fenpyroximate (10-15ml/8-10 lít nước), Diafenthiuron (7-10ml/8 lít nước), hoặc hoạt chất sinh học Abamectin (6-8ml/16 lít nước), hoặc sử dụng Sulfur dạng khác (140g/16 lít nước).
Rầy phấn trắng
Rầy phấn trắng thường sống ở mặt dưới của lá cây. Những lá bị rầy phấn trắng tấn công thường có những chấm vàng. Khi bị gây hại nặng thì lá sẽ khô, quăn, cong lại, lá rụng toàn bộ (chủ yếu là lá non) và ngọn cây bị khô đi.
– Biện pháp phòng: Phun thuốc trừ rầy định kỳ khi mỗi đợt lá mới hình thành.
– Biện pháp trừ: Khi phát hiện chồi bị hại thì tiến hành xử lý thuốc 2 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày. Thuốc phòng trừ rầy phấn trắng: Sử dụng luân phiên các loại thuốc có các hoạt chất chính sau: Sử dụng hoạt chất Imidacloprid (5-7ml/8 lít nước), thiamethoxam (1g/8 lít nước), hoặc buprofezin (20-25ml/8-10 lít nước). Có thể phun kết hợp phân bón qua lá với thuốc phòng trừ rầy phấn trắng để giúp bộ lá phát triển tốt hơn.
Bệnh xì mủ thân, thối trái do nấm Phytophthora
Bệnh xì mủ thân, thối trái do nấm Phytophthora: nấm tồn tại trong đất, gây hại trên sầu riêng ở mọi giai đoạn từ lúc ươm đến khi trưởng thành và khi đang cho hoa quả. Đặc biệt là vườn sầu riêng giai đoạn kinh doanh. Gây bệnh hầu hết các bộ phận rễ, thân, lá, hoa và quả.
– Phòng bệnh: Tiến hành tiêm phòng 4 đợt cho cây sầu riêng giai đoạn cụ thể là:
- Lần 1: Sau khi thu hoạch.
- Lần 2: Khi cây chuẩn bị làm hoa.
- Lần 3: Khi trái bằng quả cam (60 ngày sau khi xả nhụy).
- Lần 4: Khi quả đạt 1,5-2 kg (100 ngày sau xả nhụy). Cách tiêm là tiêm trực tiếp vào thân cây 2-3 mũi/cây. Pha theo tỷ lệ 1:1 (dùng nước sạch).
– Trị bệnh: phun phosphonate với nồng độ 2% (2 lít thuốc trong 100 lít nước trực tiếp lên quả). Phun lặp lại lần tiếp theo sau đó 7 ngày. Nếu phát hiện xì mủ thân, hãy vệ sinh, gọt bỏ vùng mô bị thối rồi quét thuốc có hoạt chất Fosetyl-Aluminium kết hợp với Metalaxyl và Mancozeb, hoặc sử dụng Phosphorous acid lên vết bệnh. Thực hiện 3 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 15 ngày.
Trên đây, SFARM Blog đã thông tin cho các anh chị về các kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng khi ra hoa đậu trái, các loại sâu bệnh và cách phòng ngừa. Hi vọng bài viết giúp các Bác có các kỹ thuật cho từng giai đoạn của sầu riêng cũng như các lưu ý khi phòng các loại sâu bệnh để có được một mùa vụ tốt nhất.
Xem thêm:
- Kinh nghiệm xử lý ra hoa sầu riêng và đậu quả chất lượng
- 5 bước phục hồi và chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch
- 3 bước giải cứu vườn sầu riêng nhiễm mặn hiệu quả nhất
- Sầu riêng bón phân hữu cơ cho năng suất cao
- 4 lưu ý khi trồng sầu riêng nông dân cần phải biết
Nguồn tham khảo:
https://khuyennong.lamdong.gov.vn/hoat-dong-khuyen-nong/chuyen-giao-khkt/200-hu-ng-d-n-cac-bi-n-phap-cham-soc-cay-s-u-rieng-giai-do-n-ra-hoa-d-u-qu