Trồng lan trong chậu nghe đơn giản nhưng cũng khiến không ít người lao đao bởi có người mới trồng không biết cách xử lý khiến cây chết ngay, có người lại chăm sóc quá kỹ đến mức cây quá sốc mà chết, có người lại bỏ bê nghĩ rằng không cần chăm như ở rừng,… thế là cây cũng héo chết. Vậy phải làm thế nào mới có thể trồng được một chậu lan đẹp trĩu hoa, xanh tốt vạn người mê? Đọc ngay bài viết dưới đây của chuyên gia Đặng Gia Trang để có cách trồng hoa lan và cách chăm sóc lan chuẩn kỹ thuật nhé!
1/ Kỹ thuật trồng hoa phong lan tại nhà
1.1 Cách thiết kế và bố trí vườn trồng hoa phong lan
– Cách bố trí
+ Trồng treo giàn: Tạo cảm giác thông thoáng giúp cây phát triển đều, nhanh chóng, dễ chăm sóc và di chuyển khi cần thiết. Thuận lợi cho việc chăm sóc lan nếu bạn có nhiều chi phí làm dây treo. Phù hợp với trồng tại nhà, diện tích nhỏ.
+ Trồng lan trên sạp: Có thể trồng được nhiều cây, khi hoa nở trông sẽ rất đẹp nhưng khó khăn trong việc chăm sóc, dễ lây lan mầm bệnh hơn so với cách trồng lan treo. Cách trồng lan trên sạp thích hợp quy mô trang trại.
– Vị trí trồng
+ Trồng trên sân thượng: Đây là vị trí lý tưởng về độ thông thoáng, ánh nắng, nhưng bạn cần chú ý về gió để tránh làm tổn hại cây lan. Cần phải giăng lưới xanh đen để che nắng và nên trồng theo kiểu treo giàn để tạo sự thông thoáng, giảm bớt việc bốc hơi nóng vào buổi trưa. Đặt thêm các chậu cảnh, trồng rau, quả,… để giảm hơi nóng.
+ Trồng ở ban công: Ban công đón nắng sáng, hoặc nắng chiều là vị trí lý tưởng để bạn trồng nên những giò lan xinh xắn, tạo điểm nhấn cho không gian.
+ Trồng trong sân vườn: Tốt hơn trồng ở ban công, sân thượng bởi độ thông thoáng cao và thuận tiện chăm sóc hơn. Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý đến vấn đề phòng trừ sâu bệnh cho lan, nhất là vào mùa mưa.
Cách bố trí và vị trí trồng lan
Tìm hiểu chi tiết: Bí quyết thiết kế vườn lan đẹp mê mẫn cho nhà phố
1.2 Cách chọn giống lan
– Tiêu chuẩn chọn giống
Mới chơi, bạn nên mua lan rừng trưởng thành, đã được thuần trong vườn nhà càng tốt vì dễ trồng, đã thích nghi với điều kiện vườn. Có thể mua keiki (cây con mọc từ thân già) về trồng nhưng sẽ khá rủi ro vì bạn chưa có kinh nghiệm nên dễ chết, khó phát triển, và phải chờ vài mùa mới có hoa ngắm.
Hiện thị trường có nhiều nguồn cung cấp, có thể mua trực tiếp hoặc qua mạng, trên các hội hoa phong lan bán khá nhiều.
Về điều kiện vùng miền không quan trọng lắm vì rất khó xác định trừ khi bạn đến tận nơi cây mọc, tốt nhất là chọn loại thân dài, mập, hoa sai, dày.
Một số giống phong lan đẹp nên trồng
– Chọn giống theo mùa nở hoa
Giống thường nở vào mùa Xuân như Cymbidium, Dendrobium, vào mùa Hạ như Stanhopea hay mùa Thu như Paphiopedilum.
Một số cây tuy cùng một loài nhưng lại nở hoa vào thời điểm khác nhau như Phalaenopsis hay Epidendrum hay Cattleya.
Có những giống lan nở bất cứ vào thời điểm nào trong năm như Brassavola nodosa, Epidendrum ibaguense hay Epidendrum radicans. Đa số vì đây là những cây đã lai giống nhiều lần như: Phalaenopsis, Cattleya. Epicat. v.v… nên sẽ ra hoa bất cứ khi nào cây đã trưởng thành.
– Chọn những giống hoa lâu tàn
Hoa phong lan thường sẽ tàn sau khoảng 2 tuần, nhưng còn tùy thuộc vào nhiệt độ. Nếu quá nóng sẽ sớm tàn và nếu lạnh xuống khoảng 10°C sẽ lâu tàn hơn.
Cymbidium (địa lan), Renanthera (lan phượng vĩ) hoa tàn trong khoảng 8 – 10 tuần
Phalaenopsis (hồ điệp) có khi 10 – 12 tuần mới tàn và hoa nở liên tiếp tới 3 – 4 tháng.
Dendrobium lai giống màu xanh tím từ 8 – 10 tuần.
Cattleya từ 2 – 4 tuần tùy theo giống.
Paphiopedilum (lan hài) từ 4 – 8 tuần.
Psychopsis từ 3 – 4 tuần và nở liên tiếp trong mấy tháng liền.
Vanda, Mokara từ 3 – 6 tuần.
Những giống nào có cánh hoa dày sẽ lâu tàn hơn những giống có cánh hoa mỏng.
Đặc biệt cây Grammatophyllum multiflorum hoa phải 8 – 9 tháng mới tàn. Ngược lại Sobralia và Stanhopea chỉ 2 – 3 ngày là đã tàn nhưng có nhiều dò hoa hay nở liên tiếp cho nên có khi cả tháng mới hết hoa.
Xem thêm: Top 30+ loại hoa lan phổ biến và cực dễ trồng hiện nay
– Lưu ý xử lý lan khi mới mua về
Nên đặt cây mới mua ở nơi thoáng mát từ 1 – 2 ngày để thích nghi với khí hậu. Sau đó ngâm rễ cây qua các dung dịch kháng khuẩn nâm bệnh và chất kích thích ra rễ. Để biết cách xử lý lan khi mới mua về hiệu quả nhất hãy Xem ngay.
1.3 Cách trồng hoa lan trong chậu tại nhà
– Cách chọn chậu
Chậu trồng có lỗ thoát nước. Nên trồng vào các chậu đất nung sẽ giúp phong lan phát triển tốt hơn.
Trước khi trồng hoa, phải rửa sạch chậu. Giá thể trồng chậu thoát nước tốt, ví dụ như: vỏ cây, rêu, xơ dừa, viên đất nung, than,…
Chậu trồng lan
– Một số lưu ý khi chọn giá thể
+ Vỏ cây có độ thoát nước tốt và có khả năng chống úng, nhưng có thể bị phân hủy nhanh chóng.
+ Rêu giữ độ ẩm tốt hơn nhưng dễ đóng rêu nên cần thay chậu thường xuyên.
+ Xơ dừa trước khi sử dụng nên ngâm xả chát để làm sạch Tanin và Lignin.
+ Viên đất nung size lớn bạn nên ngâm trong nước cho sạch bụi rồi sử dụng. Loại giá thể này rất khó phân hủy, do đó có thể tái sử dụng bằng cách ngâm với nước trừ nấm để khử sạch bệnh.
Để hiểu rõ hơn về các loại giá thể, hãy đọc ngay: 6 loại giá thể tốt nhất cho lan mà bạn nên biết
– Tiến hành trồng hoa lan trong chậu tại nhà
Bước 1: Cho giá thể đã chọn vào khoảng 1/5 chậu. Cho giá thể có kích thước lớn như viên đất nung, vỏ dừa xuống đáy trước, tiếp theo có thể thêm rêu, mụn dừa, dớn,… vào đến 1/2 chậu để tăng độ ẩm cho cây. Tiếp tục thêm giá thể nhỏ lên đầy chậu, đảm bảo giá thể trong chậu cách mép chậu từ 1 – 2cm.
Bước 2: Nên cắm cọc (đũa, tre,…) vào quanh mép chậu đối với lan đa thân, còn với lan đơn thân thì cắm một cây vào giữa chậu. Mục đích của cọc là đỡ thân lan đứng vững, dễ thuần với giá thể hơn. Sau đó, dùng dây buộc nhẹ thân lan vào cọc sao cho hướng phát triển của cành luôn hướng vào giữa chậu.
Bước 3: Cây mới trồng nên giảm ánh sáng bằng lưới xanh đen hoặc để trong mái hiên đến khi rễ non phát triển thì mới chuyển dần sang nơi có ánh sáng tốt hơn.
Trồng lan trong chậu
Viên đất nung khá xa lạ với nhiều người, bạn sẽ bất ngờ khi biết viên đất nung là một loại giá thể cực thích hợp để trồng hoa phong lan, tìm hiểu ngay cách trồng lan bằng giá thể viên đất nung
1.4 Cách trồng lan ghép trên thân cây khác
Đối với thân cây còn sống
+ Cần tỉa bớt tán nhánh của thân cây
+ Chỉ ghép hoa phong lan ở phía ánh sáng ban mai chiếu vào (hướng đông)
+ Cách trồng này thích hợp cho hầu hết các giống lan, đặc biệt là lan rừng.
Đối với thân cây khô
+ Phải cắt thân cây thành khúc ngắn để dễ treo
+ Chọn những cây mục. Sau đó, bóc vỏ đi để phá hủy nơi trú ẩn của côn trùng gây bệnh hại cho phong lan
+ Buộc một miếng xơ dừa vào thân cây để giữ ẩm rồi buộc chằng lên đó gốc.
Ghép lan lên thân gỗ
1.5 Cách trồng lan thành băng vỏ dừa
Chọn vỏ của những quả dừa già và khô rồi xé thành từng mảnh to bằng nửa bàn tay
– Đặt các mảnh sát nhau thành băng dài trên giàn gỗ/tre và cố định bằng 2 thanh nẹp tre
– Tốt nhất, bạn nên đục một lỗ nhỏ dưới miếng vỏ dừa trước khi trồng để tránh tình trạng úng nước
– Sau 2 – 3 năm nên thay băng vỏ dừa khác vì băng vỏ dừa ban đầu đã rã mục.
Trồng lan thành băng vỏ dừa
2/ Cách chăm sóc hoa phong lan
Hoa lan là cây dễ chăm sóc nếu đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển.
2.1 Chiếu sáng
– Thiếu nắng phong lan gặp tình trạng: vươn cao nhưng ốm yếu, lá màu xanh tối, ít nảy chồi, khó ra hoa và nhanh tàn
– Thừa nắng phong lan gặp tình trạng: thấp cây, lá vàng có vết nhăn – khô, mép lá có xu hướng cụp vào, dễ ra hoa sớm nên chất lượng hoa kém và cây kém phát triển
– Nắng quá gắt lá sẽ bị cháy, khô dần rồi chết
– Tùy vào loại phong lan và tuổi cây có yêu cầu khác nhau về chiếu sáng. Tốt nhất, nên bố trí vườn theo hướng Tây – Nam để phong lan nhận được ánh sáng đầy đủ nhất.
– Tùy theo độ tuổi của cây lan mà chúng ta sẽ có những cách chiếu sáng cho phù hợp. Một số loại lan điển hình ít chịu nắng như lan Hồ Điệp có thể chịu được 30% nắng, Lan Cattleya chịu được khoảng 50% nắng và lan Vanda lá hẹp có thể chịu được khoảng 70% nắng.
– Việc chiếu sáng ánh nắng còn tùy thuộc vào giai đoạn phát triển. Lan con từ 0 đến 10 tháng bạn chỉ cần chiếu sáng khoảng 50%, Lan nhỡ hơn từ ngoài 12 tháng đến 18 tháng có thể chịu ánh sáng được đến 70% và thời điểm ra hoa cần chiếu sáng nhiều hơn.
2.2 Phân bón
Khi lan đầy đủ dinh dưỡng cây tươi tốt, ra nhiều hoa, hoa to đẹp và bền. Trong khi thiếu dinh dưỡng lan còi cọc, kém phát triển, không hoặc ít có hoa.
Lan cần 13 chất dinh dưỡng khoáng, thuộc các nhóm đa, trung và vi lượng
– Dinh dưỡng đa lượng gồm đạm (N), lân (P) và kali (K)
– Dinh dưỡng trung lượng gồm lưu huỳnh (S), magie (Mg) và canxi (Ca)
– Dinh dưỡng vi lượng gồm sắt (Fe), kẽm (Zn), đồng (Cu), mangan (Mn), bo (B), molyden (Mo) và clo (Cl)
Phong lan rất cần phân bón chứa đầy đủ 13 nguyên tố dinh dưỡng nhưng không chịu được nồng độ cao. Vì vậy, bón phân cho lan phải thực hiện thường xuyên và tuân theo nguyên tắc
– Thời kỳ sinh trưởng thân lá mạnh cần đạm cao, lân và kali thấp. Dùng phân tan chậm và phân bón có hàm lượng N cao như những dòng 30 – 10 – 10
– Thời kỳ hình thành hoa cần đạm thấp, lân và kali cao chọn những phân bón có hàm lượng cân đối như 20 – 20 – 20 hoặc 14 – 14 – 14.
– Thời kỳ hoa nở cần kali cao, lân và đạm thấp chú trọng chọn dùng phân có hàm lượng 7 – 5 – 47 hoặc 6 – 10 – 60,…
Trong đó, phân trùn quế Sfarm viên nén là một loại phân bón tan chậm chứa đầy đủ các nguyên tố đa – trung – vi lượng dễ hấp thụ, các acid hữu cơ và hệ vi sinh vật phong phú cực kỳ phù hợp cho nhu cầu dinh dưỡng của phong lan.
Xem thêm: Kỹ thuật bón phân cho lan đúng cách và hiệu quả nhất
Bón phân là khâu quan trọng trong cách trồng và chăm sóc hoa lan
2.3 Tưới nước
– Nước tưới lan không quá mặn, phèn hay clo và có pH dao động 5 – 6
– Phong lan sẽ khô héo, giả hành teo lại và lá rụng khi thiếu nước. Thừa nước phong lan dễ bị thối đọt gây chết cây, rễ có rong rêu tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển
– Thời điểm tưới thích hợp cho phong lan vào sáng sớm hay chiều mát. Đặc biệt, không tưới vào buổi trưa khi trời đang nắng gắt
– Sau những trận mưa bất thường, nhất là mưa đầu mùa cần tưới lại ngay để rửa bớt các chất cặn đọng lại trên thân lá.
– Tưới phun sương hằng ngày khi độ ẩm dưới 40%, đo độ ẩm bằng dụng cụ đo bán phổ biến trên thị trường.
Xem thêm: Nước mưa tưới lan mẹo nhỏ chuẩn nhà vườn cho hiệu quả đáng mong đợi
Tưới nước cho lan
2.4 Cắt bỏ cành hoa khi hoa đã tàn
Lan có đặc tính không nở hoa quá một lần trên cùng một cành, trừ các loại lan hồ điệp. Để duy trì sức khỏe cho lan, sau mỗi đợt hoa cần tiến hành cắt bỏ cành như sau:
– Đối với lan hồ điệp: cắt cành ngay bên trên 2 mắt dưới cùng khi hoa tàn.
– Đối với các loài lan có củ bẹ: cắt cành ngay bên trên củ bẹ.
– Đối với các loại lan khác: cắt cành càng sát xuống giá thể trong chậu càng tốt.
Cắt bỏ ngồng hoa
2.5 Cách làm lan ra hoa
Kích lan ra hoa an toàn và hiệu quả là sự kết hợp hài hòa giữa ánh sáng, nhiệt độ, nước tưới, phân bón,… Sau đó, nếu lan mà đã đạt đến độ tuổi ra hoa mà bạn vẫn chưa thấy ra hoa thì có thể sử dụng thuốc kích thích lan. Một số loại thuốc được nhiều người dùng và hiệu quả như:
- Thuốc kích thích lan ra hoa Ethrel: tác dụng kích thích hoa lan và các loại thực vật khác được viện sinh học khuyên dùng.
- Thuốc kích thích lan ra hoa Dekamon 22.43L: kích thích sinh trưởng ở hoa lan giúp vừa ra rễ nhanh và ra hoa hiệu quả.
- Đạm cá humic, siêu lân
- Chế phẩm đậu tương, dịch chuối trứng
- Các loại GE hữu cơ như GE chuối, GE nha đam
Xem chi tiết: Cách kích thích lan ra hoa đơn giản và hiệu quả
3/ Môi trường thuận lợi cho lan phát triển
3.1 Đặt cây theo hướng nam, hướng đông nam
Lan là loại cây cần ánh sáng mạnh nhưng gián tiếp để có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Giàn treo leo nên ở hướng nam hoặc đông nam để đảm bảo rằng cây nhận đủ ánh mặt trời với cường độ thích hợp. Nếu chỉ có thể đặt lan ở hướng tây, nên dùng lưới che giảm bớt lượng nắng cho cây. Tốt nhất đừng đặt cây ở hướng bắc, sẽ không cung cấp đủ nắng để cây nở hoa.
3.2 Duy trì nhiệt độ lý tưởng cho lan
Nhiệt độ lý tưởng cho lan sinh trưởng và phát triển là 16-24 độ C. Lan sẽ chết khi thời tiết quá lạnh. Vì vậy, cần duy trì nhiệt độ cho lan trong mức tối ưu để cây phát triển khỏe mạnh.
3.3 Tạo điều kiện cho không khí lưu thông
Hệ rễ của lan là một dạng rễ khí sinh, vì thế cây không sống trong đất. Hãy chọn loại giá thể trồng thích hợp cho từng loại lan cùng như đặt cây ở nơi cao ráo, thoáng mát.
4/ Bệnh hại trên hoa lan và cách phòng trừ
Trong quá trình chăm sóc hoa phong lan cần chú ý đến sâu bệnh, nhất là trong điều kiện chăm sóc kém, điều kiện môi trường không thuận lợi. Tùy theo từng loại sâu bệnh mà dùng các loại thuốc thích hợp. Liều lượng và nồng độ phun cần theo đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.
4.1 Bệnh đốm lá của hoa lan
Do nấm Colletrotrichum gloesporiodes hay Glomerralla cingulata gây ra. Trên lá phong lan xuất hiện một hay vài đốm màu vàng sau chuyển dần sang màu nâu. Nó lan tràn dần và các đốm cũng lớn dần quang hơn. Cần phát hiện kịp thời và cắt ngay các đoạn lá xuất hiện các đốm vàng. Sau đó xịt thuốc Topsin, Kitazin, Thiram. Nếu không có loại thuốc trên, dùng zineb cũng được (15-20g thuốc hòa tan trong 10 lit nước) mỗi tuần phun một lần (nếu nặng có thể mỗi tuần 2-3 lần).
4.2 Bệnh thối đọt của hoa lan
Do nấm Phytophtora palmivora gây ra, làm cho các đọt Phong lan bị đen lại. lúc đầu ở gốc các lá non có màu nâu đạm sau đó trở thành đen và làm lá rụng dễ dàng. Bệnh lan dần xuống thân và làm chết cả cây. Do đó vào mùa mưa cố tránh không để giọt mưa rơi và đọng lại ở các nõn lá. Cũng như các bệnh khác, cần phát hiện kịp thời và cắt bỏ đi phần bị bệnh và làm khô môi trường quá ẩm ướt xung quanh.
Thối đọt hoa phong lan vào mùa mưa
4.3 Bệnh thối rễ và gốc của hoa lan
Do nấm Pellicularia rolsii và Sclerotium rolssi gây ra. Cây phong lan bị vàng lá, rễ bị mềm nhũn và nâu lại. bệnh bắt đầu lan từ đỉnh rễ rồi chuyển vào gốc thân. Do cây phong lan trồng trong các chậu, bộ rễ bị che lấp nên khó thấy bệnh ngay, nhưng để ý thấy cây chậm phát triển, kèm theo có vài lá úa vàng , cần phải nhấc cây khỏi đám gạch, than để kiểm tra bộ rễ ngay.
4.4 Bệnh thán thư trên hoa lan
Vết bệnh thường có hình tròn nhỏ, màu nâu vàng, xuất hiện từ mép lá, chóp lá hoặc giữa phiến lá, kích thước trung bình 3-6mm. Giữa vết bệnh hơi lõm có màu xám trắng, xung quanh có gờ nhỏ màu nâu đỏ, trên mô bệnh có nhiều chấm nhỏ màu đen. Bệnh do nấm Colletotrichicm gloeosrioides gây ra. Nếu phát hiện ra chậu lan bị bệnh tách riêng những chậu bệnh tránh lây lan sang giò khác. Treo các chậu lan ở chỗ khô, thoáng mát, tránh mưa.
Để có cách phòng trị cụ thể hơn, bạn có thể tham khảo thêm: Top 5 bệnh hại nguy hiểm nhất cho lan và biện pháp phòng trừ
5/ Công thức chung làm các loại GE tưới lan
5.1 Các loại GE cơ bản
Trong quá trình chăm sóc hoa phong lan thì chúng ta nên tăng dùng phân hữu cơ sinh học và giảm hóa học để cây lan phát triển khỏe mạnh toàn diện. Do đó, bạn cần phải biết thêm những loại GE hữu cơ dưới đây:
Ge gừng: được sử dụng như một loại thuốc giúp xua đuổi và diệt trừ các sâu bệnh, côn trùng gây hại cho lan, Ge gừng thường được sử dụng để kích thích ra rễ và phát triển cho những mầm kie mới trồng.
Ge nha đam: được sử dụng để làm thuốc trừ sâu tự nhiên, thuốc diệt cỏ và phân bón hữu cơ, có thể được sử dụng để kích thích hooc môn thực vật.
Ge chuối: cung cấp các loại vitamin, khoáng chất và hàm lượng kali giúp cho bền hoa lan, lá xanh tốt, phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, Ge chuối được sử dụng rộng rãi cho cây trồng, cây ăn quả giúp sai quả, ngọt quả và bảo vệ cây khỏe mạnh.
Ge tỏi ớt gừng: được sử dụng như một loại thuốc bảo vệ thực vật giúp xua đuổi mọi loại côn trùng và phù hợp với thiên nhiên.
Ge dứa: có sức diệt khuẩn và khử trùng rất hiệu quả, ngoài ra, nó còn cung cấp dưỡng chất giúp cây phát triển và dễ hấp thu hơn.
Ge quế: có công dụng trị nấm cho lan rất hiệu quả, được sử dụng nhiều như một loại thuốc thực vật giúp lan phát triển khỏe mạnh và tươi tốt.
Ge đậu nành: cũng được xem như một loại phân bón NPK rất tốt cho các loại cây trồng, giúp lan mau lớn, lá xanh tốt và phát triển khỏe mạnh.
Ge tưới lan
5.2 Công thức chung làm GE
1 phần mật rỉ đường SFARM + 3 phần nguyên liệu hữu cơ + 10 phần nước. Nguyên liệu hữu cơ làm GE ở đây là trái cây hoặc phế phẩm của nó như: chuối, gừng, tỏi, ớt, nha đam, quế…. Khi làm các bạn nên sắt nhỏ, càng nhỏ càng tốt nhé.
Ví dụ GE thơm: 100 ml mật rỉ đường + 300g thơm + 1000ml nước (1 lít nước).
Tùy lượng nguyên liệu mà tăng giảm đường và nước cho phù hợp theo công thức. Làm nhiều hơn thì cứ theo tỉ lệ mà nhân lên.
6/ Cách nhân giống lan tại nhà
6.1 Nhân giống bằng thân tơ, thân già
Để nhân thân tơ bạn nên cắt chúng vào cuối năm khi cây thắt ngọn. Sau đó treo để lá rụng tự nhiên ra tết cắt khúc. Nhúng dao lam vào cồn vệ sinh vết cắt, bôi vôi hoặc rooting powder. Tiếp theo để vết cắt khô rúm lại mới bôi keo liền sẹo. Có thể ngâm hoặc phun atonik, hùng nguyễn kích mầm, Không nên dùng kích rất dễ ra hoa. Khi đã khô vết keo, bóc vỏ đặt vào chậu tưới ẩm bình thường. Lưu ý che sáng để tránh ra hoa. Thân già đã ra hoa thao tác cũng vậy. Những thân này mình thấy ươm rất dễ, nhanh lên mầm, khó thối và sẽ ít ra hoa.
Nhân giống lan bằng thân già
6.2 Nhân giống bằng cách kích thích trên thân
Phun Atonik, hùng nguyễn rồi che sáng. Nếu phun kích rất hay ra hoa, chích thân cũng dễ hoa, và tuỳ cây, nếu chích cũng gảy nhẹ, không nên chọc sâu… Lạm dụng quá rất ảnh hưởng cây, làm 2,3 mắt không nên làm nhiều quá. (Mình có anh bạn đã đau đớn thề rằng không bao giờ chích choác cây. Vì số cây của anh đã lần lượt đột ngột ra đi, hoặc èo ọt thảm thương… phải làm lại từ đầu…
Nhân giống hoa phong lan
7/ Ý nghĩa của hoa phong lan
7.1 Ý nghĩa phong thủy
– Ý nghĩa vật chất: Hoa phong lan là loại hoa trung tâm, luôn thu hút những nguồn năng lực tích cực. Không những vậy, hoa lan còn là biểu tượng của sắc đẹp, mang lại ý nghĩa về sự sinh sôi, nảy nở của vật chất và sự phát triển không ngừng.
– Ý nghĩa tình yêu: Hoa phong lan là loài cây biểu trưng cho tình yêu với sức sống mãnh liệt, vẻ đẹp e thẹn, thường sống dựa vào thân cây nhưng lại tự chủ về chất dinh dưỡng, như một người con gái yếu mềm nương tựa vào người yêu.
– Ý nghĩa gia đình: Trong gia đình, hoa lan mang ý nghĩa về sự gắn kết, mang ý nghĩa về sự hoàn mỹ, con cái đông đúc, vợ chồng thuận hòa.
Hình ảnh hoa lan đẹp (Vườn anh Võ Trần Minh Tâm)
7.2 Ý nghĩa màu sắc
Hoa Phong Lan có nhiều ý nghĩa khác nhau, theo đó mỗi màu sắc lại làm thay đổi ý nghĩa ban đầu của nó.
+ Màu xanh: Hoa lan có tất cả các màu sắc nhưng không mang màu xanh tuyệt đối mà chỉ hơi nhàn nhạt, chúng tượng trưng cho sự độc đáo và hiếm có.
+ Màu đỏ: Phong lan màu đỏ tượng trưng cho sự khao khát, mãnh liệt. Trong một số trường hợp nó còn tượng trưng cho sức khỏe, lòng dũng cảm.
+ Màu hồng: Phong lan màu hồng đại diện cho sự duyên dáng, niềm vui và sự hạnh phúc. Bên cạnh đó nó còn tượng trưng cho sức khỏe và lòng dũng cảm.
+ Màu trắng: Phong lan màu trắng đại diện cho sự tôn kính, khiêm nhường, sự trong sạch, thuần khiết, sang trọng và sắc đẹp.
+ Màu tím: Phong lan màu tím biểu trưng cho sự ngưỡng mộ, tôn trọng, phẩm giá và hoàng gia.
+ Màu vàng: Phong lan vàng đại diện cho tình bạn, niềm vui và một sự khởi đầu mới.
+ Màu cam: Phong lan màu cam biểu trưng cho sự nhiệt tình, táo bạo và niềm kiêu hãnh.
+ Màu xanh lá: Phong lan màu xanh lá luôn được xem là biểu tượng cho sự may mắn và phước lành. Nó đại diện cho sức khỏe tốt, tự nhiên và tuổi thọ.
Vậy là Đặng Gia Trang đã hướng dẫn cách trồng lan và cách chăm sóc hoa phong lan đầy đủ nhất cho bạn rồi đó. Đừng quên tìm ngay bao Phân trùn quế viên nén SFARM để chăm được những chậu lan xanh tốt, cho hoa đẹp rực rỡ nhất bạn nhé!
Hiện tại, chúng tôi đang cung cấp các sản phẩm phân hữu cơ (phân gà, phân bò, phân trùn quế, phân mùn mía,…) và các vật tư nông nghiệp hữu cơ chăm sóc cây trồng khác. Liên hệ ngay qua Hotline 0902.652.099 tư vấn và hỗ trợ tìm mua sản phẩm SFARM sớm nhất!
=> Xem ngay video để biết thêm bí quyết tăng sức đề kháng cho Lan bằng phân trùn quế hữu cơ!
Sfarm.vn
*Xem thêm
- Cách trồng lan hồ điệp chuẩn chuyên gia
- Cách trồng và chăm sóc lan ngọc điểm cho màu rực rỡ
- Phân bón tan chậm nào tốt nhất cho lan
- Nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng cháy rễ khi bón phân cho lan