Quản lý dinh dưỡng trong canh tác hữu cơ hiệu quả

1757 lượt xem

Trong canh tác hữu cơ, việc đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng cho cả chu trình sống của cây là một điều hết sức quan trọng. Bởi dinh dưỡng trong phương thức canh tác này không thể được bổ sung một cách đột ngột từ các đầu vào hóa học, mà cần trải qua quá trình chuẩn bị hợp lý. Vậy quản lý dinh dưỡng trong canh tác hữu cơ như thế nào thì hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!

1/ Tại sao phải cân đối dinh dưỡng tại nơi sản xuất?

Quản lý dinh dưỡng là yếu tố tất yếu trong canh tác hữu cơ. Nếu thiếu dinh dưỡng trong kế hoạch quản lý phân bón hoặc cây trồng thiếu hụt dinh dưỡng, bạn không thể ngay lập tức sử dụng các đầu vào hóa học mà cần có biện pháp và kế hoạch dài hạn.

Sự thiếu hụt phải được ngăn chặn, bởi vì có ít cách chữa trị khi vấn đề xuất hiện. Tất cả nguồn dinh dưỡng của nơi canh tác phải được xem xét một cách tổng thể. Nên hạn chế dinh dưỡng bị thất thoát ở mức tối thiểu và đạm bị thất thoát không nên vượt quá lượng đạm đầu vào có được từ cố định đạm sinh học.

quan-ly-dinh-duong-trong-canh-tac-huu-co

2/ Các nguồn dinh dưỡng

  • Đất (bể dinh dưỡng trong đất)
  • Không khí
  • Phân bón, thức ăn, rơm, các khoáng,… có nguồn gốc hữu cơ hoặc nằm trong danh mục cho phép.
  • Các cây trồng trên đồng, gồm cả phân xanh
  • Phân sân trại (phân động vật nuôi trong trại)

3/ Quá trình tái sinh dinh dưỡng

3.1 Tái sinh dinh dưỡng trong tự nhiên

Trong tự nhiên, dinh dưỡng tái sinh là kết quả từ mối liên kết khép kín cuộc sống ở phía trên và phía dưới mặt đất. Các cây trồng thường tạo ra các sinh khối ở trong rễ nhiều hơn là các bộ phận cây ở phía trên mặt đất. Rễ được phân hủy liên tục, nhanh chóng và là nguồn thức ăn quan trọng cho các sinh vật đất.

Qua việc làm của chúng và quá trình phóng thích dinh dưỡng sau khi chúng chết, các sinh vật đất được quay vòng vào trong thức ăn cho cây trồng mới phát triển. Khi cây chết, những chất được quay vòng vào cây trồng lại nuôi các sinh vật đất và lại được phục hồi. Vì thế nó là chu trình khép kín và cải thiện sự màu mỡ từ từ cho đất.

3.2 Tái sinh dinh dưỡng tại nơi canh tác

Ngược lại với tự nhiên, trong nông nghiệp nông dân bón phân cho đồng ruộng để thu nhiều sản phẩm hơn. Nếu nông dân không muốn phụ thuộc vào đầu vào từ bên ngoài để mở rộng sản xuất, phải biết được cách sử dụng dinh dưỡng có hiệu quả, nghĩa là tiến hành quản lý dinh dưỡng tốt hơn trong trại sản xuất. Kết quả là dinh dưỡng sẽ được tạo sẵn từ các sinh vật trong trại.

4/ Các biện pháp quản lý tối ưu dinh dưỡng

4.1 Giảm thiểu sự thất thoát

  • Dinh dưỡng thất thoát nhiều là do việc lắng lọc mà nguyên nhân là vì khả năng trao đổi của đất thấp. Làm giảm sự lọc dinh dưỡng bằng việc tăng cường vật chất hữu cơ trong đất.
  • Nếu phân động vật hoặc phân ủ được giữ trong điều kiện nước bị ứ đọng hoặc bị phơi dưới mặt trời, hiện tượng mất nhiều đạm có thể xuất hiện. Vì vậy, cần bảo quản các loại phân một cách hợp lý và đảm bảo không làm ảnh hưởng chất lượng phân.
  • Xói mòn đất lấy đi những phần màu mỡ nhất của đất: vì đất bề mặt chứa đựng phần lớn dinh dưỡng và vật liệu hữu cơ. Có thể được ngăn chặn bằng việc áp dụng cây che phủ một cách hợp lý.
  • Tránh việc đốt các sinh khối (đốt rơm rạ, sinh khối thực vật sau thu hoạch,…)
  • Ngăn ngừa việc thất thoát đạm bằng cách phối hợp trồng xen canh, luân canh các loại cây trồng họ đậu.

4.2 Chu trình dinh dưỡng khép kín

  • Làm tăng tối đa việc tái sinh các tàn dư cây trồng, các sản phẩm phụ, phân động vật và vật thải nông nghiệp. Tất cả các lá cây, cành nhánh, vỏ hạt, quả, rễ cây, chất bài tiết là nguồn dinh dưỡng cần được cung cấp lại cho cây trồng.
  • Những cây có rễ ăn sâu và cây bụi được trồng tại vị trí phù hợp sẽ sử dụng các dinh dưỡng bị lọc và có thể cung cấp một lượng lớn vật liệu phủ nếu được cắt tỉa thường xuyên.
  • Phân ủ có thể được làm từ hầu hết các vật liệu hữu cơ trong trang trại. Không chỉ có ý nghĩa trong việc tái sinh dinh dưỡng mà còn làm tăng khả năng tích trữ dinh dưỡng của đất.
  • Che phủ là cách đơn giản của tái sinh dinh dưỡng bằng việc giữ ẩm cho đất và nuôi các sinh vật đất.
  • Tro bếp là hỗn hợp tập trung nhiều dinh dưỡng như: kali, canxi và magiê. Vì vậy có thể áp dụng bón cho đồng ruộng hoặc trộn vào phân ủ.
  • Các cây trồng khác nhau có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, luân canh và xen canh cây trồng giúp cho việc sử dụng các dinh dưỡng trong đất có hiệu quả nhất.

quan-ly-dinh-duong-trong-canh-tac-huu-co-2

4.3 Các đầu vào tối ưu

  • Đưa các chất thải hữu cơ từ bên ngoài vào nếu nó có sẵn. Một vài nguồn thải hữu cơ rẻ tiền như vỏ hạt cà phê, bã mía, cuống bông,…có thể có sẵn trong vùng và có thể được sử dụng để làm phân ủ.
  • Các chất khoáng như đá phốt phát hoặc đôlômit giúp cung cấp các dinh dưỡng khan hiếm và chúng có chiều hướng tụ lại với nhau hơn là lọc qua và làm hại tới đất.
  • Các cây trồng cố định đạm cung cấp đạm miễn phí. Chúng có thể được trồng như các cây che phủ, cây lương thực, hàng rào hoặc cây thân gỗ.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết