Hiểu đúng và đủ về nông nghiệp hữu cơ

1777 lượt xem

Có thể bạn đã biết, đã đọc, đã tìm hiểu, hoặc chỉ một lần nghe thoáng qua mọi người bàn tán về cụm từ “nông sản hữu cơ” hay “Nông nghiệp hữu cơ”. Cụm từ đó có liên quan gì đến vấn đề được quan tâm hàng đầu, đó là an toàn vệ sinh thực phẩm hay không? Liệu Nông nghiệp hữu cơ đã được mọi người hiểu đúng và rõ ràng chưa? Xin mời các bạn cùng SFARM tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Theo tổ chức Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), tổ chức bảo trợ và hỗ trợ cho các tổ chức nông nghiệp hữu cơ trên thế giới với hơn 800 thành viên của hơn 117 quốc gia, đã định nghĩa như sau: “Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống nuôi trồng kết hợp hướng đến sự bền vững, tăng cường độ phì của đất và sự đa dạng sinh vật đất. Việc canh tác này cấm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc kháng sinh, phân bón hóa học, giống biến đổi gen và hormone tăng trưởng”.

hieu-dung-va-du-ve-nong-nghiep-huu-co-2

1/ Vậy sản phẩm hữu cơ có được phân loại không?

Câu trả lời là có! Sản phẩm hữu cơ được phân thành 4 loại tùy thuộc vào hình thức canh tác:

  • Hữu cơ hoàn toàn (100% organic): không thêm một chất hóa học nào khác.
  • Hữu cơ (Organic): có trên 95% chất hữu cơ được sử dụng.
  • Sản xuất với thành phần hữu cơ: có ít nhất 70% hữu cơ được sử dụng.
  • Có thành phần hữu cơ: dưới 70% hữu cơ được sử dụng.

2/ Thế, sản phẩm sạch có khác gì với sản phẩm hữu cơ?

Cả 2 loại sản phẩm đều giống nhau về bản chất đều là sản phẩm an toàn với sức khỏe, nhưng khác nhau về phương pháp canh tác.

Sản phẩm sạch vẫn có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc cỏ có nguồn gốc tổng hợp, kể cả các giống cây trồng biến đổi gen. Tuy nhiên, quy trình sản xuất phải được ghi chép cẩn thận, có thể truy nguyên nguồn gốc và khi kiểm tra, sản phẩm được sử dụng liên tục thì dư lượng không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đồng thời, hoạt động sản xuất cũng không gây ô nhiễm môi trường. Người sản xuất phải đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… và tiêu chuẩn này sẽ liên tục thay đổi theo yêu cầu bảo vệ sức khỏe của cơ quan ban hành.

3/ Chất lượng và độ an toàn của thực phẩm hữu cơ ra sao?

Theo kết quả từ QLIF (Quality Low Input Food), thực phẩm hữu cơ cho thấy sự khác biệt rõ ràng về chất dinh dưỡng thiết yếu (vitamin, chất chống oxi hóa, omega-3…), ít nguy hại về kim loại nặng, khuẩn E-coli và Salmonella. Sản phẩm hữu cơ có vị tốt hơn sản phẩm thông thường, mặc dù mẫu mã sản phẩm sẽ không bắt bằng do không sử dụng chất bảo quản và sẽ dễ hư hỏng hơn các sản phẩm cùng loại.

hieu-dung-va-du-ve-nong-nghiep-huu-co

4/ Vậy nông nghiệp hữu cơ mang lại gì cho con người ?

  • Về sinh học: Canh tác hữu cơ chú trọng việc đa dạng hóa cây trồng nhằm hỗ trợ côn trùng có ích và vi sinh vật có lợi trong đất. Từ đó, giúp phục hồi đa dạng sinh học vườn trồng như: ếch, chim, giun đất,… Việc phòng ngừa sâu bệnh chủ yếu dựa vào phương pháp luân canh, xen canh, sử dụng pheromone (chất dẫn dụ côn trùng), bẫy côn trùng, sử dụng thiên địch… nên đảm bảo an toàn cho hệ sinh thái.
  • Đất: Canh tác hữu cơ sử dụng phân ủ xanh, phân hữu cơ, điều này làm đất luôn giữ được kết cấu tốt hơn canh tác thông thường, giảm sự xói mòn, rửa trôi dinh dưỡng, giữ nước tốt hơn. Do đó, sản lượng nông sản có thể duy trì ổn định kể cả điều kiện bất lợi như hạn hán, mưa bão kéo dài và cũng phục hồi sau stress nhanh hơn (do tính ổn định đã được thiết lập).
  • Giá trị sản phẩm và chi phí cho tương lai: Giá trị mặt hàng hữu cơ đã tăng lên 63 tỷ đô la năm 2012 trên thế giới từ cột mốc 52 tỷ đô la năm 2008. Không chỉ như thế, về lâu về dài việc canh tác sản phẩm hữu cơ còn giúp ổn định an ninh lương thực thế giới, nuôi sống dân số thế giới đang ngày một tăng cao.
  • Sức khỏe: Với việc áp dụng sản xuất hữu cơ trong trồng trọt, người canh tác tránh tiếp xúc với các nông dược độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Về phía người sử dụng, sản phẩm không tồn dư các hóa chất độc hại cũng như các nguồn nấm khuẩn gây hại, đồng thời phát huy tốt nhất các thành phần dinh dưỡng có lợi trong các loại nông sản. Từ đó bảo vệ an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Mong rằng với những khái niệm sơ lược về Nông nghiệp hữu cơ, các bạn đã hiểu đúng và rõ ràng hơn. Chính sự thay đổi nhận thức của mỗi chúng ta sẽ làm cuộc sống này tốt đẹp hơn. Vì một nền nông nghiệp sạch – vì một tương lai bền vững!

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (2 bình chọn)