Quản lý đọt sầu riêng, kỹ thuật đi đọt sầu riêng hiệu quả

1488 lượt xem

Quản lý đọt sầu riêng đúng cách theo từng giai đoạn của sầu riêng sẽ giúp cây đạt năng suất cao, cây sẽ tập trung hoàn toàn dinh dưỡng nuôi trái đầy cơm, vàng ngon. Mời bà con SFARM xem ngay bài viết để biết thêm về giai đoạn phát triển, lí do cần quản lý đọt sầu riêng, các kỹ thuật chăm sóc của đọt sầu riêng sao cho hiệu quả nhất nhé!

Giai đoạn phát triển của đọt sầu riêng

Trong điều kiện tự nhiên, sự phát triển của đọt sầu riêng diễn ra qua 6 giai đoạn: Mũi giáo → Đuôi cá → Lưỡi kiếm (lá đỏ) → Chiếc thuyền → Đọt chuối (lá non mở) → lá già. Khoảng thời gian này giao động từ 60 – 70 ngày.

Quá trình phát triển sầu riêng
Quá trình phát triển sầu riêng

Lí do cần quản lý đọt sầu riêng

Nếu không quản lý tốt đọt sầu riêng thì đọt, bông và trái sẽ cạnh tranh dinh dưỡng từ cây mẹ. Làm đọt non ra không đúng thời điểm, cây sẽ quên nhiệm vụ sinh nở của mình, chúng sẽ bỏ trái để dồn sức cho lá được mở, gây thất thu năng xuất, trái bị méo mó, giảm phẩm chất. 

Theo GS.TS Trần Văn Hâu, cây sầu riêng có các giai đoạn sinh trưởng tách rời. Nhưng trong thực tế, sản xuất do các yếu tố thời tiết hoặc kỹ thuật canh tác mà các giai đoạn sinh trưởng chồng lên nhau như ra đọt trong quá trình hoa – phát triển trái, ra hoa đậu trái nhiều đợt gây cạnh tranh dinh dưỡng trong quá trình quản lý sự phát triển của cây. Do đó, để giữ trái thì ngày nay nhu cầu có được kỹ thuật để khống chế đọt (điều khiển đọt theo mong muốn của người canh tác) trở nên cấp thiết hơn.

Đi đọt sầu riêng trong quá trình ra hoa sẽ dẫn đến cây ra bông lá 
Đi đọt sầu riêng trong quá trình ra hoa sẽ dẫn đến cây ra bông lá

Dấu hiệu cần chuẩn bị đi đọt sầu riêng

Một số dấu hiệu chứng tỏ cây sầu riêng chuẩn bị đi đọt:

– Tất cả các lá chuyển sang màu xanh đậm, dày và có độ giòn khi gập ngang. Lúc này lá đã già và sẵn sàng cho chu kỳ đọt mới.

– Mũi giáo ở đỉnh đọt cao nhất có dấu hiệu xòe đuôi tôm. Điều này dễ quan sát nhất là vào ban đêm, bà con dùng đèn rọi trên ngọn cây mũi giáo sẽ thẳng và ánh lên màu đồng.

– Dựa vào thời gian đi đọt định kỳ: Giai đoạn mang bông cây thường nhóm đọt khi bông 25 – 35 ngày. Còn mang trái thì khoảng 35 – 40 ngày và 60 – 65 ngày là thời kỳ cây sầu riêng tự phát triển chồi non theo chu kỳ tự nhiên để duy trì sự phát triển và cân bằng dinh dưỡng.

Dấu hiệu cần chuẩn bị đi đọt sầu riêng
Dấu hiệu cần chuẩn bị đi đọt sầu riêng

Chăm sóc đọt sầu riêng từng giai đoạn

Giai đoạn 4 tuần đầu sau khi đậu trái: Nuôi trái nuôi đọt

Vào giai đoạn 4 tuần đầu sau khi đậu trái, việc áp dụng vừa nuôi trái vừa đuôi đọt ở các vườn lâu năm và trồng sầu Ri 6 nếu áp lực rụng không cao. Thường với các trường hợp rụng nhiều thì sẽ dùng biện pháp chặn đọt. Nhưng hãy cân nhắc vừa nuôi trái vừa đuôi đọt bởi vì:

– Đây là giai đoạn sầu riêng phát triển chậm nhất, thực hiện quá trình phân chia tế bào, không có gia tăng kích thước. Bên cạnh đó đây cũng là giai đoạn rụng trái non diễn ra mạnh nhất.

– Vấn đề đáng lo là cạnh tranh dinh dưỡng, thời tiết, nấm bệnh dẫn đến tình trạng rụng trái đặc biệt  với các loại giống mỏng hạt, một số giống mẫn cảm với việc rụng trái thì sẽ áp lực cao hơn.

Giai đoạn tuần thứ 5 tới tuần thứ 6: Dìu đọt

Việc dìu đọt ở giai đoạn tuần thứ 5 tới tuần thứ 6 là một biện pháp kỹ thuật quan trọng giúp tăng năng suất. 

Thứ nhất, áp dụng biện pháp dìu đọt để cơi đọt này mở lá lụa đủ khả năng quang hợp. Thứ hai, khi quang hợp được sẽ hỗ trợ cho cây nuôi trái, đồng thời khi lá đã tự quang hợp thì sẽ không cạnh tranh dinh dưỡng với trái. Khi cơi đọt già hóa, lụa hoàn toàn thì sẽ trở thành 1 cơi đọt đắc lực hỗ trợ cho cây nuôi trái.

Ngoài ra, tùy vào đặc tính của từng giống sầu riêng có thể cân nhắc việc dìu đọt:

– Với các giống Ri 6, Musang King việc rụng giảm hoặc không rụng thì có thể cân nhắc biện pháp dìu đọt.

– Đối với giống Monthong thời điểm này vẫn còn rụng, giống này có thể rụng cho đến 40-45 ngày.

Giai đoạn tuần thứ 6 đến tuần 12: Cơi đọt nuôi trái

Đây là giai đoạn quan trọng tác động lên cơi đọt nuôi trái bởi vì ở thời điểm này việc cạnh tranh dinh dưỡng trong những tuần này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơm trái như: sầu riêng sượng, cháy múi, nhão cơm, sượng cứng, lên màu kém, không bóng, vàng da,…

Việc cơi đọt nuôi trái phù thuộc vào giai đoạn cây phát triển mạnh về kích thước trái:

– Đối với Ri 6 và Musang King: 45 – 75 ngày sau khi đậu trái.

– Đối với các loại khác: 55 – 90 ngày sau khi đậu trái.

Ngoài ra, tuy cùng 1 giống nhưng mỗi vùng miền do đặc điểm địa hình, thời tiết khác nhau nên quy trình trái ở Miền Đông sẽ đi chậm hơn so với miền Tây từ 10-20 ngày:

– Ri 6, Musang King: Miền Đông chậm hơn miền Tây 10-20 ngày/quy trình trái. Tây Nguyên chậm hơn miền Tây 20-30 ngày/quy trình trái.

– Monthong: Miền Đông chậm hơn miền Tây 15-25 ngày/quy trình trái. Tây Nguyên chậm hơn Miền Tây 35-45 ngày/quy trình trái.

Các kỹ thuật cơi đọt sầu riêng cần biết

Các kỹ thuật đi đọt sầu riêng hay kỹ thuật làm cơi đọt sầu riêng cần biết bao gồm: kéo đọt, thả đọt, dìu đọt, chặn đọt, đốt đọt.

Kéo đọt sầu riêng

Kéo đọt trên là một biện pháp sử dụng dinh dưỡng và chất kích thích sinh trưởng để giúp cho các cơi đọt đã hình thành rồi phát triển mạnh mẽ và đồng loạt (thời điểm cơi đã nhú mũi giáo hoặc mới xuất hiện ở các nách lá). 

Lợi ích của kéo đọt sầu riêng:

– Chuẩn bị giai đoạn nuôi quả: Qua kéo đọt, chuẩn bị đủ bộ lá trưởng thành (2-3 cơi) có khả năng quang hợp tốt để chuẩn bị đủ năng lượng nuôi hoa, trái, thúc đẩy cây và quả phát triển mạnh mẽ. 

– Hạn chế rụng bông trái non: kéo đọt đúng thời điểm giúp nhà nông chủ động kiểm soát tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng. Kéo đọt làm lá nhanh già, đủ khả năng quang hợp, không bị trùng vô dịp ra bông, hạn chế sự đào thải bông, trái non.

Vậy kéo đọt sầu riêng khi nào?

– Giai đoạn cây con: Kéo đọt sầu riêng thường được thực hiện ở cây sầu riêng sau khi cây đã được trồng khoảng 1-4 năm tuổi.

– Giai đoạn mầm hoa xuất hiện khoảng 7-10 ngày (mầm hoa dài 4-5 cm): Ra hoa là giai đoạn nhạy cảm, rất dễ dẫn đến hiện tượng rụng bông trái non. Vì vậy kéo đọt trong giai đoạn này là kỹ thuật khó, cần lưu ý nên kéo đọt khi mầm hoa xuất hiện 7-10 ngày và sử dụng thêm phân thuốc giúp nhanh già lá.

– Giai đoạn sau thu hoạch: Đây là biện pháp quan trọng, quyết định khả năng ra hoa. Nếu cơi đọt ốm yếu, lá bị sâu bệnh tấn công cây sẽ ra hoa và nuôi trái kém.

Thời điểm cần kéo đọt sầu riêng
Thời điểm cần kéo đọt sầu riêng

Thả đọt sầu riêng

Thả đọt nghĩa là theo những đặc tính tự nhiên của cây để cây phát triển đọt tự nhiên mà không có sự tác động về dinh dưỡng, chất kích thích sinh trưởng mà chỉ quản lý sâu bệnh cơi đợt.

Vậy thả đọt sầu riêng khi nào?

Thời điểm an toàn để thả đọt sầu riêng là khi cây đã qua giai đoạn mang bông ổn định. Cụ thể là trong giai đoạn từ 65 -70 ngày bà con có thể thả đọt, để an toàn bà con áp dụng thả đọt vào giai đoạn 80 – 85 ngày là thả đọt thoải mái.

Dìu đọt sầu riêng

Dìu đọt sầu riêng là việc dùng chất dinh dưỡng để thúc đẩy sự phát triển và tạo sự già hóa của lá, của cơi đọt nhanh hơn để đáp ứng:

– Mục đích sắp tới cần cho sự quang hợp của cơi đọt này.

– Còn đối với cây ở giai đoạn mang trái: tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng đến giai đoạn phát triển kích thước trái mạnh nhất, tránh tình trạng sượng cơm, cháy múi,…

Dìu đọt mang lại lợi ích nhiều hơn hẳn so với phương pháp chặn đọt, các lợi ích đó là:

– Thuận theo sinh lí cây: Khi đi đọt chúng ta chỉ đang kích thích cây nhanh đi đọt và dùng các sản phẩm hỗ trợ cho quá trình phát triển của lá, đồng thời nguồn dinh dưỡng được cung cấp cũng dùng để nuôi bông phát triển.

– Cân nhắc việc chặn đọt: Chặn đọt là phương án cuối cùng được áp dụng khi thật sự cần thiết vì nó phá vỡ quá trình sinh lý tự nhiên của cây trồng, kìm hãm sự phát triển của cây, làm cây suy yếu, về sau rất khó phục hồi cây.

– Đảm bảo đủ số lá nuôi trái: ở giai đoạn xiết nước tạo mầm, cây sầu riêng sẽ gặp tình trạng rụng lá già hàng loạt do stress trong thời gian dài cắt nước, áp dụng phương pháp dìu đọt cây sẽ có thêm lá để nuôi trái đạt chuẩn.

– Phương pháp dìu đọt sầu riêng: 3-5 lít đạm cá/đạm đậu nành + 0,5kg humic + 200 lít nước, hoặc: 4 lít đạm cá + 1kg DAP + 1 sủi GA3 + 220 lít nước.

Lá vàng vàng gốc nếu không dìu đọt sầu riêng
Lá vàng vàng gốc nếu không dìu đọt sầu riêng

Chặn đọt sầu riêng

Chặn đọt là ức chế khả năng phát triển của đọt, dùng dinh dưỡng, chất điều hòa sinh trưởng làm giảm hoặc dừng sự phát triển của cơi đọt trong khoảng thời gian nhất định nhằm mục đích:

– Kiểm soát đọt giai đoạn cây ra hoa đậu trái

– Tập trung dinh dưỡng cho cây nuôi trái

– Giảm thiểu sự cạnh tranh dinh dưỡng gây rụng hoa, rụng trái non làm giảm năng suất.

Chặn đọt sầu riêng sẽ giúp sầu riêng ra hoa, đậu trái đạt năng suất. Đặc trưng về chu kỳ sinh lý tự nhiên là tầm 3-4 tháng/lần sầu riêng sẽ ra đọt. Giai đoạn ra đọt sẽ thường bị trùng với giai đoạn ra hoa, đậu trái non, nếu thời tiết mưa nhiều sẽ kích thích cây ưu tiên phát đọt nhiều hơn.

Do đó, bà con không chủ động xử lý chặn đọt sầu riêng thì sẽ gây ra hiện tượng đọt non cạnh tranh dinh dưỡng với trái non. Từ đó, nhiều hiện tượng trái non rụng sẽ bắt đầu.

Hai kỹ thuật chặn đọt sầu riêng hiệu quả nhất:

  1. Chặn đọt bằng hóa chất: một số hóa chất cần dùng là

– Paclobutrazol: đây là chất ức chế sinh trưởng được sử dụng phổ biến ở Việt Nam. Nhưng sử dụng Paclobutrazol quá nhiều sẽ dẫn đến những hệ quả như là cây nhanh già cỗi, suy kiệt, các vụ sau năng suất giảm nhanh chóng, đất bị chai, cằn.

– KCLO3: có tính chất hoạt động gần giống như PBZ khi sử dụng trên cây trồng sẽ tạo hiện tượng sốc cho cây trồng, dẫn đến hiện tượng stress giúp cây trồng ra hoa. Nhưng cần chú ý và cân nhắc trước khi sử dụng vì ngưỡng an toàn của KCLO3 rất thấp. Có thể gây hiện tượng cháy lá bất thường.

– Thioure: được sử dụng vào quá trình làm bông sầu riêng, đây là đạm 3 hấp thụ cực nhanh phá vỡ miên trạng để cây ra hoa nhanh. Nhưng nếu sử dụng quá liều cây sẽ không phân hủy hết sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

  1. Chặn đọt bằng dinh dưỡng: Có 2 cách chặn đọt hiệu quả

– Chặn đọt bằng kali (K2SO4): đây là loại phân bón chứa hàm lượng kali 52% và S 18%, nó ức chế quá trình sinh trưởng. Tuy nhiên, dùng với hàm lượng cao sẽ kìm hãm xì đọt nên cần kết hợp thêm các loại phân bón có thành phần lân cao để đạt hiệu quả hơn.

– Chặn đọt sầu riêng MKP: chứa thành phần lân và kali cao. Có chức năng làm già lá nhanh và kali ức chế quá trình sinh trưởng, vì vậy tùy vào độ sung của cây mà chúng ta nên phối hợp thêm với kalisunphat với hàm lượng thích hợp.

Đốt đọt sầu riêng

Đốt đọt sầu riêng là dùng dinh dưỡng/hóa chất làm rụng lá non trên cơi đọt mới. Mục đích để làm giảm cạnh tranh dinh dưỡng với trái.

Có nên phá đọt sầu riêng không?

Phá đọt sầu riêng hay còn gọi là đốt đọt sầu riêng là biện pháp không nên khuyến khích sử dụng. Mặc dù phương pháp này có một số lợi ích nhất định như là giảm cạnh tranh dinh dưỡng. 

Nhưng đem lại nhiều rủi ro quá lớn có thể gây hại nghiệm trọng cho cây như là: cháy lá gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, cạn kiệt dinh dưỡng, khó phục hồi.

Do đó, không nên thường xuyên phá đọt sầu riêng. Biện pháp này chủ yếu áp dụng ở khu vực Tây Nguyên để giảm công lao động, số lần chặn đọt, địa hình hiểm trở.

Trên đây, SFARM Blog đã thông tin cho các anh chị về quản lý đọt sầu riêng, kỹ thuật đi đọt sầu riêng hiệu quả. Anh chị cần đọc từng giai đoạn và các kỹ thuật cũng như các lưu ý để có được một mùa vụ tốt nhất. 

Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết