Với sắc vàng rực rỡ cùng hương thơm dịu nhẹ, hoa cúc vàng làm cho không gian nhà trở nên tươi mới hơn. Không chỉ vậy, hoa cúc vàng còn là biểu tượng của sự trường thọ, lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà, cha mẹ. Chính vì lẽ đó nên hoa cúc vàng rất được ưa chuộng trong những dịp lễ, Tết
Tuy nhiên, để có những chậu cúc vàng nở hoa rực rỡ ngay Tết thì cách trồng như thế nào? Chăm sóc ra sao? Cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé!
1/ Các yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của hoa cúc vàng
Nhiệt độ
Hoa cúc thích hợp với nhiệt độ trong khoảng 15-23 độ C và có thể chịu được nhiệt độ trong ngưỡng cho phép từ 10-35 độ C. Đặc biệt, cây cúc ở giai đoạn cây con cần nhiệt độ cao hơn các giai đoạn khác
Thời gian chiếu sáng
Hoa cúc là cây ngày ngắn, ưa sáng và đêm ưa lạnh, khí hậu mát mẻ. Hầu hết các giống hoa cúc trong giai đoạn sinh trưởng cần ánh sáng ngày dài trên 13 giờ. Nhưng đặc biệt vào giai đoạn ra hoa cần ánh sáng ngày ngắn hơn 10-11 giờ
Độ ẩm
Độ ẩm thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển tốt 60-70% và độ ẩm không khí nằm trong khoảng 55-65%
2/ Kỹ thuật trồng hoa cúc vàng trong chậu đón Tết
2/1 Thời vụ
Để cây đạt năng suất, chất lượng hoa tốt và thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên Đán nên trồng hoa cúc vàng trong những ngày tháng 10 Âm lịch, chậm nhất là 25/10 Âm lịch
2/2 Chuẩn bị
Nhà che
Để cây có môi trường phát triển tốt nhất thì chúng ta nên trồng hoa cúc ở trong nhà, lán có mái che
Giống hoa cúc
Hiện nay, giống hoa cúc được chia làm 2 loại chính
– Cúc có cành (có nhiều hoa): cúc pha lê vàng hè, HL1,…
– Cúc đơn (cây chỉ có 1 hoa): vàng Đài Loan, CN42, CN93, CN43, CN98,..
Chậu trồng
Tùy thuộc vào mục đích trưng bày chậu hoa cúc vàng vào dịp Tết. Có rất nhiều loại chậu phù hợp, thông thường sẽ sử dụng chậu có kích thước 30x20x15cm (chiều cao x đường kính miệng chậu x đường kính đáy)
Giá thể trồng
Cây cúc sinh trưởng, phát triển tốt khi đất trồng tơi xốp, khả năng giữ ẩm tốt, thoát nước tốt, đặc biệt sạch nấm bệnh và vi khuẩn. Do đó, có thể chọn một trong hai cách sau
– Sử dụng đất ủ trồng cây với đầy đủ dinh dưỡng, hệ vi sinh vật có lợi cho cây trong suốt thời gian sinh trưởng. Chính là đất sạch hữu cơ Sfarm chuyên dùng cho hoa – kiểng
– Hoặc phối trộn đất trồng theo công thức phối trộn lý tưởng sử dụng là phối trộn 2 đất sạch : 3 phân trùn quế : 2 trấu hun : 3 mụn dừa
2/3 Kỹ thuật trồng
Cây cúc giống đạt tiêu chuẩn trồng & cách trồng
Tiêu chuẩn cây giống
Tốt nhất nên chọn cây giống nuôi cấy mô. Cây giống phải có chiều cao từ 5-7cm, có từ 5-7 lá, thân có đường kính khoảng 0,2cm, chiều dài rễ từ 0,5-3cm và có nhiều hơn 4 rễ
Cách trồng
– Số cây/chậu tùy thuộc vào kích thước và kiểu dáng của chậu. Thông thường, đối với chậu có kích thước 30x20x15cm có thể trồng 5 cây/chậu
– Cho giá thể đã chuẩn bị vào chậu và cách miệng chậu 5cm. Sau đó, trồng các cây giống vào và phân bố đều xung quanh chậu để tán cây được đều
– Nên trồng vào buổi chiều mát sau 16 giờ. Sau trồng cần tưới đẫm nước
– Cuối cùng, xếp các chậu cách nhau 10-15cm tính từ mép chậu
* Lưu ý: Không trồng cây quá sát vào thành chậu
Điều tiết sinh trưởng cho hoa cúc trồng chậu
Nếu trồng hoa cúc vào tháng 11 thì trong 10 ngày sau trồng cần chiếu sáng bổ sung liên tục, cứ 4 tiếng chiếu sáng mỗi ngày từ 22 giờ đến 02 giờ sáng hôm sau. Cách 6m2 đặt một bóng đèn 75W và cao hơn so với ngọn cây 0,8-1m
3/ Chăm sóc cây hoa cúc vàng trồng chậu nở hoa đúng Tết
Bấm tỉa ngọn
– Các loại cúc bông lớn sau khi trồng 15-20 ngày đã có thể bấm ngọn để lại 3-5 cành
– Các loại cúc bông nhỏ việc bấm ngọn cũng được thực hiện 15-20 ngày sau khi trồng và thực hiện 2-3 lần bấm ngọn để tạo thành nhiều nhánh nhỏ
– Khi cây đã cho nụ vẫn tiến hành bấm ngọn thường xuyên nhằm tỉa bớt những nụ xung quanh nụ chính
Tưới nước
Với cây hoa cúc sau khi trồng vào chậu, để cây nhanh bén rễ hồi xanh, phát triển tốt nên tưới nước 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát. Sau đó, chỉ cần tưới nước và duy trì độ ẩm đất đạt 65-70% để cây sinh trưởng phát triển
Bón phân
Để hoa cúc vàng sinh trưởng, phát triển tốt cho hoa rực rỡ cần tiến hành bón lót và bón thúc cho cây. Cần chuẩn bị phân hữu cơ vi sinh (phân trùn quế,…), phân đạm, lân, kali hoặc phân đậu tương, đạm cá…
– Bón thúc lần 1: lúc cây phân cành mạnh, chuẩn bị phân hóa mầm hoa cần bổ sung đầy đủ các loại dinh dưỡng trong đó tỉ lệ đạm cao hơn
– Bón thúc lần 2: lúc cây bắt đầu ra nụ cần bổ sung đồng đều các hàm lượng dinh dưỡng đam, lân và kali
– Bón thúc lần 3: lúc cây bắt đầu ra hoa cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, khoáng chất trong đó tỉ lệ kali cao hơn
Sâu, bệnh hại
Thường xuyên làm cỏ dại để hạn chế sâu ẩn trú và giữ cho vườn luôn thông thoáng. Chú ý một số đối tượng gây hại nguy hiểm như bệnh sương mai, sâu xanh, sâu khoang, sâu vẽ bùa, nhện đỏ, bọ trĩ,…
Mong rằng với những chia sẻ trên, Tết năm nay vườn nhà có thêm sắc cúc vàng rực rỡ và tươi tắn. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 bạn nhé!
*Xem thêm
- Bí quyết chăm sóc đào ra hoa đúng dịp Tết
- Kỹ thuật trồng hoa vạn thọ chậu đón Tết an khang
- Kỹ thuật trồng hoa cát tường chậu đón Tết tài lộc
- Kỹ thuật trồng hoa đồng tiền chậu đón Tết tài lộc