Cách trồng và chăm sóc cây phú quý

1696 lượt xem

Cây phú quý là một trong những loại cây phong thủy nổi tiếng và phổ biến nhất. Tuy nhiên, có những tin đồn rằng cây phú quý có độc nên nhiều người không dám trồng tại nhà. Vậy qua bài viết này, Đặng Gia Trang sẽ giải thích về ý nghĩa, công dụng cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng và cách chăm sóc cây phú quý nhé.

1/ Cây phú quý là gì?

Cây phú quý có danh pháp khoa học là Aglaonema hybrid, nguồn gốc xuất xứ từ Indonesia. Giống cây ban đầu có màu xanh nhưng hiện nay được lai tạo nên chúng có màu đỏ hồng.

Cây phú quý thuộc loài cây thân thảo, có chiều cao từ 30 – 70cm. Thân cây khá nhỏ, màu trắng pha hồng. Lá cây mỏng, nhẵn, bề mặt màu xanh đậm và có viền màu đỏ hồng.

Loài cây này phân nhánh nhanh, có thể trồng trong đất hoặc trong nước. Nếu trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật thì cây phú quý sẽ nở hoa rất đẹp.

2/ Các loại cây phú quý phổ biến hiện nay

Hiện nay, Việt Nam có 2 loại cây phú quý phổ biến, được phân loại dựa theo màu sắc. Bởi cây quý quý nào cũng khá giống nhau, chỉ màu lá là có khác biệt một chút.

– Cây phú quý hồng:

Đặc điểm của cây phú quý hồng là màu sắc tổng thể thiên hướng hồng hơn chứ không phải màu xanh lá như những loài khác. Có những cây thì lá màu xanh nhưng gân giữa lá và mép lá màu đỏ hoặc hồng đầm. Một số khác có lá màu xanh nhạt hơn và hơi phơn phớt hồng.

– Cây phú quý xanh:

Cây phú quý xanh có màu sắc chủ đạo là màu xanh. Tuy nhiên, phần gân lá vẫn có sắc hồng, nhưng không đáng kể. Hiện nay, loại cây phú quý xanh không được trồng nhiều bằng cây phú quý hồng.

3/ Ý nghĩa phong thủy của cây phú quý

Không chỉ là cây cảnh trang trí bình thường cây phú quý còn có ý nghĩa tốt đẹp về mặt phong thủy. Cây phú quý trong phong thủy được chú ý ngay từ cái tên “phú quý” – “phú” đại diện cho tiền tài, giàu sang; “quý” chỉ sự quý phái, sang trọng. Vì thế, nhiều người thường trồng cây phú quý trong nhà với hy vọng đem lại tài lộc, giàu sang cho gia đình.

Ý nghĩa phong thủy của cây phú quý còn được thể hiện qua màu sắc của chúng. Màu đỏ hồng tượng trưng cho những niềm hoan hỉ, sự may mắn và thường gắn liền với những thứ tốt đẹp. Sắc xanh mang ý nghĩa về sự sinh sôi, phát triển và tươi mát. Chính bởi cây phú quý được kết hợp hài hòa giữa màu đỏ hồng và xanh, nên nhiều người quan niệm rằng cây phú quý sẽ mang lại những điều mới mẻ và tốt lành.

4/ Công dụng của cây phú quý

Tại Việt Nam, cây phú quý rất được ưa chuộng trồng để trang trí không gian trong nhà. Với hình dáng đẹp, kích thước nhỏ vừa phải nên cây phú quý rất thích hợp để bàn. Hơn nữa, cây phú quý còn có thể được đặt trang trí tại phòng khách, phòng ngủ, bàn làm việc với hy vọng mang đến ý nghĩa phong thủy tốt đẹp cho gia chủ. Nhờ những chậu cây phú quý, không gian trong nhà thêm xanh mát và tươi mới. Đặc biệt, chúng sẽ mang lại vận khí tốt cho gia chủ, giúp bạn gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong công việc và cuộc sống.

Về những tin đồn cây phú quý có độc, các nhà khoa học đã bác bỏ tin đồn và nhận định loài cây này rất lành tính, không hề có độc. Ngược lại, cây phú quý còn có những công dụng tốt đối với sức khỏe. Cây phú quý có tác dụng giúp thanh lọc bụi mịn và các chất độc hại trong không khí, tạo môi trường trong lành hơn. Nhờ đó, không gian sống của bạn trở nên sạch hơn, thoáng đãng hơn giúp bạn thoải mái và dồi dào sức khỏe.

5/ Cách trồng cây phú quý

5.1 Trồng cây phú quý bằng đất

Để trồng cây phú quý trong chậu đất, đầu tiên bạn phải chuẩn bị những chiếc chậu phù hợp. Chậu trồng có thể là các chậu nhựa có màu sắc hay chậu sứ, có kích thước đường kính khoảng 8 – 12cm. Lưu ý dưới đáy chậu phải có các lỗ thoát nước, đảm bảo đất không bị đọng nước lâu gây ngập úng.

Tiếp theo, bạn chuẩn bị đất trồng đảm bảo yêu cầu về độ tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoáng khí. Trước khi trồng, thực hiện trộn hỗn hợp 40% đất + 40% mùn cưa, xơ dừa hoặc trấu + 20% phân trùn quế. Sau đó, xới thật tơi đất để thoáng khí, tăng khả năng ngấm nước, rồi đổ đầy 2/3 chậu.

Xới một hố nhỏ vừa để đặt cây con vào trồng, thêm một lớp đất mỏng để phủ kín gốc cây. Khi lấp đất phải nhẹ tay để tránh làm đứt rễ và cây không bị nghiêng đổ. Trồng xong thì tưới nước cho cây bằng bình phun sương, rồi đặt chậu vào nơi thoáng mát.

Lưu ý rằng cây giống để trồng cần phải khỏe mạnh, thân cây bụ bẫm, không bị sâu bệnh và kháng bệnh tốt. Đồng thời, bạn phải chọn những cây có khả năng ra hoa đẹp nhất.

Cách trồng và chăm sóc cây phú quý

Cách trồng cây phú quý trong chậu đất

5.2 Trồng cây phú quý bằng nước

Cách trồng cây phú quý thủy sinh rất phổ biến vì đơn giản và có tính thẩm mỹ cao. Nếu muốn quan sát được bộ rễ màu trắng ngà của cây phú quý thì nên trồng cây trong chậu thủy tinh trong suốt. Muốn chậu cây thêm thú vị hơn thì bạn hãy thêm vào bình những viên đá sỏi màu sắc.

Để cây phú quý phát triển tốt trong môi trường nước, bạn cần đảm bảo nước sạch đã được khử trùng và có độ pH khoảng 6 – 6.8. Sau đó, rửa sạch bình thủy tinh và pha chế nước cùng với dung dịch thủy sinh theo tỉ lệ hợp lý. Có thể pha 1 lít nước sạch với 15ml dung dịch Hydroponic hoặc 5 – 10ml dung dịch Bio life.

Cuối cùng, để cây phú quý làm quen với môi trường nước thì bạn đem ngâm rễ trong nước sạch. Khoảng 2 ngày sau, đặt cây phú quý vào bình thủy tinh đã chuẩn bị sẵn nước và dung dịch thủy sinh.

6/ Cách chăm sóc cây phú quý sau trồng

6.1 Tưới nước

Cách chăm sóc cây phú quý cần khá nhiều nước để sinh trưởng vì chúng có bộ rễ xum xuê, khả năng hút nước và thoát nước cao.

Đối với cây phú quý trồng trong chậu đất, bạn cần duy trì độ ẩm hàng ngày. Tiến hành tưới nước đều đặn khoảng 2 – 3 lần/tuần. Vào những ngày khô nóng hay thấy đất bị khô hạn thì cần bổ sung nước cho cây ngay.

Đối với cây phú quý trồng thủy sinh, bạn thường xuyên kiểm tra và chú ý không để nước trong bình bị cạn. Vào những ngày nắng nóng, bạn cần thay nước cùng dung dịch thủy sinh khoảng 5 – 7 ngày/lần. Còn mùa mưa thì điều chỉnh lại, bạn nên thay nước khoảng 7 – 10 ngày/lần.

6.2 Ánh sáng

Cây phú quý là loại cây ưa bóng nên thường được trồng trong nhà, nơi có ít ánh sáng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, bạn vẫn nên đưa chậu cây phú quý ra ngoài nắng vào buổi sáng sớm để cây quang hợp tốt hơn, giúp cây cứng cáp và lá có màu sắc đẹp hơn.

Tránh để cây phú quý gặp ánh nắng trực tiếp gay gắt làm cháy lá cây. Thế nên, thời điểm cho cây tắm nắng hợp lý nhất buổi sáng sớm, khoảng từ 7 giờ đến 9 giờ. Mỗi tuần chỉ cần đem cây phú quý ra hứng ánh sáng ít nhất 1 lần.

6.3 Bón phân

Cách chăm sóc cây phú quý không phức tạp vì cây không yêu cầu phải bón phân nhiều. Trước khi trồng, bạn đã cung cấp dinh dưỡng cho cây bằng cách trộn hỗn hợp đất như hướng dẫn ở trên. Trong quá trình trồng và chăm sóc, khoảng 20 ngày/lần bạn nên bón thêm thêm hữu cơ tự nhiên như phân trùn quế, phân chuồng hoai mục. Ngoài ra, có thể pha loãng phân NPK với nước để tưới cho cây khoảng 2 tháng 1 lần.

6.4 Phòng trừ sâu bệnh hại

Cây phú quý có khả năng chống chịu tốt nên thường rất ít bị sâu bệnh hại. Tuy nhiên, cây vẫn có thể bị sâu ăn lá gây hại. Lúc này, bạn chỉ cần dùng tay bắt và tiêu diệt trực tiếp là được.

Bên cạnh đó, bạn cần sử dụng dung dịch muối và oxy pha loãng để lau rửa lá cây thường xuyên. Việc này có thể giúp cây phú quý phòng tránh được các loại sâu bệnh.

Trồng cây phú quý trong môi trường ít ánh sáng, nên chúng dễ bị bệnh thối lá. Để tránh lây lan ra cả cây, bạn phải cắt phần lá bị thối rồi rửa sạch chỗ bị thối và toàn bộ cây. Nếu trồng trong nước thì phải rửa sạch bình, thay nước rồi đặt cây ở nơi thoáng mát, có ánh nắng buổi sáng.

Ngoài ra, khi trồng cây phú quý trong nước, nếu phát hiện rễ bị thâm đen, bắt đầu có mùi khó chịu và lá bị vàng thì phải tăng oxy trong nước. Chỉ cần bổ sung chất OLC với liều lượng khoảng 0,1 – 0,2g/1 lít nước để giúp rễ cây hô hấp tốt hơn.

7/ Cách nhân giống cây phú quý

Có rất nhiều cách nhân giống cây phú quý, nhưng phổ biến nhất là tách bụi và giâm cành.

7.1 Tách bụi

Chọn một bụi phú quý cành lá xum xuê, khỏe mạnh rồi dùng dao sắc đã tiệt trùng chia khóm cây thành các phần sao cho mỗi phần có khoảng 3 – 4 thân. Chuẩn bị giá thể trồng gồm tro, xơ dừa, vỏ trấu, phân bò với tỉ lệ 8:2:1:2. Trồng khóm cây phú quý đã tách vào chậu nhựa có giá thể trên.

Sau đó, đặt chậu cây phú quý ở nơi râm mát, tưới nước để giữ ẩm thường xuyên. Một thời gian sau, bụi phú quý đó sẽ phục hồi và nhanh ra rễ mới.

7.2 Giâm cành

Đầu tiên, chuẩn bị giá thể giống như trồng cây tách bụi để làm bầu đất giâm cành. Chọn cây mẹ khỏe mạnh, không sâu bệnh rồi dùng kéo sắc cắt những cành bánh tẻ với độ dài khoảng 5 – 7cm.

Ngâm đoạn cành vừa cắt khoảng 30 giây vào dung dịch kích thích rễ N3M với tỉ lệ 20g/1 lít nước. Sau đó, khi cành đã khô thì cắm cành giâm nghiêng góc 45 độ vào bầu đất đã chuẩn bị sẵn.

Cuối cùng, đặt bầu cây ở những khu vực râm mát, giữ ẩm cho giá thể bằng cách tưới nước đầy đủ. Đến khi cành giâm ra rễ mới và cứng cáp, bạn có thể đem đi trồng như hướng dẫn trên.

8/ Cách sang chậu cây phú quý

Cây phú quý được trồng trong chậu cố định với kích thước từ 8 – 12cm như ban đầu đã chuẩn bị. Loài cây này tuy sinh trưởng nhanh, mọc nhiều lá nhưng có thể tách khóm rồi thêm đất mà không cần thay chậu. Tuy nhiên, nếu bạn muốn chuyển cây phú quý trồng trong chậu đất sang trồng thủy sinh thì cũng rất đơn giản.

Khi đó, bạn cần nhổ cây phú quý trồng trong đất lên, rửa sạch đất cát trên rễ, thân và lá. Lưu ý làm thật nhẹ tay, không chà xát mạnh vào rễ làm cho các lông hút của rễ bị tổn thương. Cắt bỏ những phần rễ già, khô mục hay bị thối, hỏng. Sau đó, chuẩn bị bình thủy tinh trong suốt và dung dịch thủy canh như hướng dẫn ở trên rồi trồng cây phú quý vào.

Như vậy, Đặng Gia Trang đã chia sẻ những kiến thức về ý nghĩa cây phú quý trong phong thủy, công dụng và cách trồng cây phú quý cũng như nhiều thông tin hữu ích khác. Còn gì chần chờ nữa mà bạn không trồng ngay một chậu cây phú quý để trang trí trong nhà? Hy vọng bạn có thể áp dụng những cách chăm sóc cây phú quý trên để trồng thành công một chậu cây cảnh tươi xanh và thật đẹp nhé.

Nếu bạn có điều gì thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099!

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết