Hoa đào – Ý nghĩa, cách trồng, chăm sóc đào ra hoa đúng Tết

4708 lượt xem

Nhắc đến sắc hoa Tết chắc hẳn chúng ta không thể bỏ qua sắc đào rực rỡ. Phong tục chơi đào ngày Tết ở miền Bắc đã có từ lâu đời, gắn liền với đời sống văn hóa và tinh thần của người dân nơi đây. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được Ý nghĩa của hoa đào, cách trồng đào cũng như chăm sóc cho cây hoa đào ra hoa đúng Tết. Vì vậy, Đặng Gia Trang đã cập những kiến thức cần thiết để bạn có thể tự trồng nên cây đào to đẹp nhất trong bài viết dưới đây.

1/ Giới thiệu về cây hoa đào

1.1 Nguồn gốc

Cây đào có tên khoa học là Prunus persica. Tên tiếng anh: Peach blossom, chi: Prunus, họ hoa hồng: Rosaceae. Hoa đào có nguồn gốc không rõ ràng, có người nói ở Iran cũng có người nói hoa đào xuất xứ từ Trung Quốc. Và được đưa vào Ba Tư cũng như khu vực Địa Trung Hải theo con đường tơ lụa vào khoảng thời gian ban đầu của lịch sử nhân loại; có lẽ vào khoảng thiên niên kỷ 2 TCN (Huxley và những người khác, 1992). Tuy nhiên cũng có những ghi chép cây xuất hiện đầu tiên tại Anh từ năm 1616. Hiện nay tại Việt Nam cây được trồng rất nhiều làm cây hoa cảnh, cây cho quả.

1.2 Đặc điểm, hình dáng

Cây đào là loại cây thân gỗ nhỏ, thường được trồng để làm cảnh (lấy hoa) hoặc lấy quả, thân có màu xanh hoặc đỏ tía, có thể cao từ 1 – 10m. Rễ cây là loại rễ cọc, phân nhánh nên có khả năng chịu hạn tốt và chịu úng kém. Lá cây có hình mũi mác hay elip, mặt dưới có chứa các gân lá nổi. Lá cây hoa đào thường dài khoảng 7 – 15cm và rộng từ 2 – 3cm, thường xanh tốt vào mùa xuân, rụng lá vào mùa thu.

Hoa nở vào đầu mùa xuân, trước khi ra lá. Hoa đơn hay có đôi, đường kính 2,5–3 cm, màu hồng. Số lượng cánh hoa từ 5 – 25 cánh tuỳ từng loại. Cánh hoa thường có màu sắc: hồng nhạt, hồng đậm, đỏ. Nụ hoa có hình trứng, hình elip, hình cầu, bầu dục, tròn…

Cây cho quả Đào dạng hạch. Quả của cây có hạt lớn và có lớp vỏ gỗ cứng bao bên ngoài. Thịt quả sắc vàng hay trắng ngà và vô cùng thơm ngon. Quả bên ngoài được bao phủ bởi lớp lông tơ.

1.3 Điều kiện sinh trưởng

Loài cây này có thể chịu được lạnh từ khoảng -26 °C tới -30 °C. Các chồi hoa thường bị chết đi ở khoảng nhiệt độ từ -15 °C đến -25 °C, phụ thuộc vào khoảng thời gian rét. Một vài giống thì dễ nhạy cảm với lạnh hơn trong khi các giống khác có thể chịu được nhiệt độ thấp hơn (vài độ).

Ngoài ra, nó cần nhiều nhiệt trong mùa hè để quả có thể chín được, điều này có nghĩa là nhiệt độ cao nhất trong mùa hè có thể nằm trong khoảng 20 °C – 30 °C. Đào cần được trồng ở nơi có nhiều ánh nắng, với sự thông thoáng gió tốt. Điều này cho phép không khí lạnh bị thổi đi vào những đêm sương giá và giữ cho khu vực được mát mẻ vào mùa hè.

2/ Các loại cây hoa đào ngày Tết

Đào phai

Giống đào hoa màu nhạt, phơn phớt hồng, gọi là đào phai, cũng có loại cánh kép, có loại cánh đơn, trông mỏng manh và thanh nha. Bạch đào là đào trắng, giống này rất hiếm, hiện nay gần như không còn giữ được. Một giống đào khác nữa là từ giống đào phía bắc. Đây là loại đào ăn quả có màu hoa phớt hồng, hoa đơn năm cánh cứng cáp, mang dáng vẻ tự nhiên khỏe khoắn. Loại nào này hiện được nhiều người ưa chuộng, thường mang về từ các vùng Mộc Châu, Sơn La vào ngày giáp Tết.

hoa dao phaiHình ảnh hoa đào phai

Đào bích

Hoa đào Bích là giống hoa đào có hoa màu đỏ, mật độ hoa sai, cánh hoa dày, bông to , số lượng cánh hoa từ 20-22 cánh, tỉ lệ nở hoa cao > 95%, hoa nở tập trung, độ bền cành hoa là 15-16 ngày. Thân mềm dễ tạo dáng bonsai. Giống cây hoa đào bích Tết có khả năng sinh trưởng, phát triển và chống chịu sâu bệnh tốt như: bệnh chảy gôm, bệnh phấn trắng, mốc cành, rệp…

đào bíchHình ảnh hoa đào bích

Bạch đào

Giống đào Bạch có hoa màu trắng, đường kính hoa to > 3,5 cm, số lượng cánh hoa từ 18-20 cánh, tỉ lệ nở hoa cao > 90%, hoa nở tập trung, độ bền cành hoa là 12-15 ngày, được người tiêu dùng ưa chuộng, có khả năng sinh trưởng, phát triển và chống chịu sâu bệnh tốt đặc biệt là bệnh chảy gôm.

bạch đàoHình ảnh hoa đào bạch

Đào thất thốn

Đào Thất Thốn hay còn gọi là đào Tiến Vua – một loại hoa đào tại mỗi tầng hoa có tới 7 cánh, vốn kén người trồng đã nở hoa chào đón mùa xuân năm nay khi Tết Nhâm Dần 2022 đã sắp cận kề. Cây ra hoa kép và mỗi tầng hoa đều có 7 cánh, mỗi bông to có đường kính lên tới 4 – 5 cm. Đặc biệt, những bông hoa kép có thể có tới 30 – 50 cánh/bông nên đặc biệt quý hiếm.

đào thất thốnHình ảnh hoa đào thất thốn

Đào đá

Đào đá hay còn gọi là đào rêu mốc, đào đá có giá thấp nhất 1 triệu và cao nhất lên đến hàng chục triệu đồng. Đào đá là loại mọc lâu năm trong rừng sâu nên thân cây thường xù xì, cành to khỏe và có những loại thực vật khác ký sinh ở trên cây tạo nên hình dạng đặc biệt của cây. Đào đá thường ít hoa hơn so với đào bích hay đào phai, thay vào đó, hoa to và có 5 cánh đơn rất đẹp mắt.

đào đáHình ảnh hoa đào đá

Đào má hồng

Đào “má hồng” là loại đào lai, được ghép từ gốc cây đào rừng của Đà Lạt với mầm của các loại hồng đào, liễu đào, bích đào, bạch đào… có nguồn gốc từ làng đào Nhật Tân (Hà Nội).
đào má hồngHình ảnh hoa đào má hồng

3/ Ý nghĩa của hoa đào

3.1 Trong ngày Tết Cổ Truyền

Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới đào có những ý nghĩa biểu tượng sau:

Hoa đào là hình ảnh của sự đổi mới và sức sinh sản dồi dào. ở Trung Quốc người ta lấy nó biểu tượng cho lễ cưới.

Hoa đào nở trong mùa Xuân, là biểu trưng cho tình bạn thân thiết. Ngày xưa ba vị Lưu – Quan – Trương đã kết nghĩa nguyện thề làm bạn thân trong một vườn đào rực rỡ.

Hoa đào tượng trưng cho sự trong trắng và thủy chung theo quan niệm của người Nhật Bản.

Hoa đào biểu tượng cho mùa xuân. Từ lâu, hoa đã trở thành một phần không thể thiếu trong những ngày Tết. Hoa đào đại diện cho miền Bắc còn hoa mai thì đặc trưng cho miền Nam. Đối với người Việt ta, ngày Tết mà thiếu những loài hoa đó thì coi như chưa được trọn vẹn lắm.

Nhiều người chuộng chơi hoa đào trong ngày tết vì loài hoa này mang lại nét tươi đẹp, ấm áp, hoa có màu đỏ sẽ mang lại sự may mắn và hạnh phúc và đặc biệt có tác dụng trừ tà ma theo truyền thuyết dân gian, ngoài ra nó làm cho tình bạn ngày càng gắn kết, thân thiết trường tồn.

3.2 Ý nghĩa của hoa đào trong phong thủy

Trong phong thủy, hoa đào được xem là tinh hoa của Ngũ hành, có thể xua đuổi bách quỷ mang đến cho con người cuộc sống bình an, hạnh phúc. Nên ứng dụng vào ý nghĩa đó người ta thường trồng cây hoa đào trước cửa nhà vào ngày Tết.

Không chỉ thế, hoa đào còn tượng trưng cho dương khí trong phong thủy mang đến nguồn sinh khí mới. Giúp mọi người trong nhà luôn khỏe mạnh và bình an trong năm mới.

Như vậy ý nghĩa khi cắm hoa đào trong nhà, hoặc treo tranh hoa đào trong gia đình vừa giúp gia đình tránh được tà khí. Vừa mang đến nguồn sinh khí mới, niềm vui mới. Cánh hoa đào đỏ khoe sắc thắm như tượng trưng cho sự may mắn đến với gia đình.

4/ Cách nhân giống cây đào ngày Tết

Có 2 phương pháp nhân giống cây hoa đào là phương pháp gieo hạt và ghép cành. Thông thường, nhiều người lựa chọn nhân giống cây đào bằng phương pháp ghép cành để thực hiện nhằm rút ngắn thời gian hơn so với phương pháp gieo hạt. Cách làm như sau:

Lựa chọn cành ghép

Nên chọn những cành khỏe mạnh, không sâu bọ, chọn những cành có tuổi thọ ít nhất từ 1 năm để đảm bảo cây phát triển nhanh và tốt.

Phương pháp ghép

Ghép áp:

  • Cắt đoạn từ 6 – 10cm bỏ các phần ngọn và mầm yếu, giữ lại khoảng 2 – 3 mắt.
  • Cắt cây gốc ghép: Chọn phía gốc ghép trơn nhẵn dài 3-4cm, rạch một vết dao nghiêng 45 độ hướng lên trên để cắt 1/3 lớp gỗ, chừa lại 2-3 lá thật trên gốc ghép. Đối với chồi ghép cũng vạt một mặt xiên tương tự, sau đó tiến hành áp mặt cắt của chồi ghép vào gốc ghép để ghép.
  • Cắt ghép cành: Nên đặt mặt dài của cành ghép vào trong, sau đó dùng ni lông tự phân hủy quấn chặt từ dưới lên quanh vết ghép theo hình tròn để cố định.

Ghép mắt nhỏ có gỗ:

Cây đào được trồng thành vườn, hoa bắt đầu nở

  • Chọn gốc ghép cách mặt đất khoảng từ 20 – 25cm.
  • Cắt lấy mắt ghép: Vết cắt ở gốc phải bằng với kích thước của cành ghép, cách mắt dưới khoảng 1/2 cm.
  • Cấy mắt ghép vào gốc sau đó cố định lại cành ghép trên gốc bằng nilong.
  • Chờ cành ghép phát triển (khoảng từ 2 – 4 tuần) lúc này có thể cắt tháo dây buộc.

5/ Trồng hoa đào đón Tết

5.1 Thời vụ trồng đào

– Có thể trồng nhiều vụ trong năm, nhưng thời vụ chính để trồng đào là vào mùa xuân (tháng 2- 3) và mùa thu (cuối tháng 9 – đầu tháng 10).

5.2 Các bước trong quy trình kỹ thuật trồng đào cảnh

Bước 1: Lựa chọn giống trồng

– Căn cứ vào nhu cầu thị trường, phong tục tập quán của từng địa phương từng vùng mà chọn giống đào cho phù hợp.

Bước 2: Làm đất trồng đào

– Cây Đào không kén đất, đất thích hợp là loại đất thịt nặng hoặc đất thịt pha cát, không bị ngập úng, có độ pH 5,6 – 6,5

– Đào là cây không chịu úng nên cần chọn đất cao ráo, thoát nước tốt, làm đất tơi xốp, lên luống cao 25 – 30cm, rộng 70cm, tạo rãnh để thoát nước tốt.

– Đào hố trồng: hố được đào với kích thước: rộng 15 – 20cm, sâu 20 – 30cm để đặt cây đào giống xuống chính giữa hố.

Bước 3: Bóc túi bầu nilon

– Đặt cây đào giống nằm dọc trên tay thuận của người trồng, sau đó dùng tay còn lại bóc bỏ túi bầu, đặt cây vào chính giữa hố.

Bước 4: Đặt cây đào giống vào giữa hố

Cây đào giống được đặt ngay ngắn vào giữa hố trồng.

Bước 5: Lấp đất

– Sau khi đặt cây xuống hố, tiến hành lấp đất.

– Dùng cuốc, xẻng vun đất bốn xung quanh gốc cây, dùng tay ấn nhẹ đất phía xung quanh bầu cây làm cho cây không bị đổ khi tưới nước. Lấp đất cao đến phần cổ rễ của cây đào giống.

Bước 6: Cắm cọc chống đổ

– Đối với cây đào cảnh, sau khi trồng xong chúng ta phải tiến hành chống cọc cho cây khỏi bị đổ. Việc chống cọc phải được tiến hành ngay sau khi trồng.

Bước 7: Tủ gốc cho cây đào cảnh

– Sau khi trồng nên tiến hành tủ gốc để giữ ẩm cho cây.

– Vật liệu giữ ẩm gồm: Rơm, rạ, cỏ mục…

6/ Chăm sóc đào sau khi trồng

6.1 Bón phân

Nguyên tắc bón: Ngay sau khi trồng đến 15 tháng 7 âm lịch phải thường xuyên bón thúc cho cây sinh trưởng phát triển tốt nhất, sau đó chuyển sang giai đoạn bón khác.

Lượng đạm sẽ giảm dần từ lần bón đầu tiên đến lần bón cuối.

Cứ khoảng 15 – 20 ngày bón thúc một lần, có 3 cách bón:

Cách 1: Rạch lớp lớp cách gốc 20 – 25cm rắc phân đều xung quanh và lấp đất.

Cách 2: Hòa phân vào nước tưới vào gốc.

Cách 3: Phun phân qua lá.

Nên áp dụng xen kẽ cả 3 cách bón trên. Mỗi lần bón thúc với liều lượng 18 – 27kg/1 sào Bắc Bộ (tức 0,1 – 0,15kg/1 cây tùy theo tuổi cây).

Phân qua lá sử dụng tốt cho đào là Atonik, Đầu trâu 501, Đầu trâu 502…

Nếu có điều kiện ngâm ủ phân chuồng, bã đậu tương, phân cá cho hoai mục, hòa loãng và bổ sung NPK vào nước phân đó để tưới cho cây (chú ý nếu áp dụng biện pháp này không nên tưới đậm đặc mà tưới làm nhiều lần, tưới khi đất khô, không tưới vào ngày mưa hoặc trời mới bị mưa).

6.2 Tưới nước

Cây sau khi trồng xong phải được tưới nước ngay (ngay cả trong mùa mưa), độ ẩm đất thường xuyên phải đạt 70% trong 15 ngày đầu để cây không bị chết, bộ rễ nhanh chóng tiếp xúc với đất, lượng nước tưới 3 – 5 lít/cây/ngày. Những ngày sau tùy thuộc vào độ ẩm đất, thời tiết có thể cách 3 – 5 ngày tưới một lần. Trước khi tưới nên chọc hai lỗ ở hai bên gốc cây để nước ngấm xuống dễ dàng, có thể tưới rãnh hoặc tưới nhỏ giọt đảm bảo cho cây ẩm mà không làm thân cây thường xuyên bị nước dễ gây bệnh chảy gôm cho cây.

6.3 Phòng trừ sâu bệnh

– Bệnh chảy nhựa

Bệnh gây hại chủ yếu trên thân cành, nhất là chỗ phân nhánh. Khi bệnh, vỏ cây nứt ra, nhựa vàng trong suốt chảy ra, lâu dần sẽ chuyển thành màu nâu đỏ, chỗ bị bệnh lồi lên, tần vỏ và gỗ bị mục. Lá cành bệnh bị vàng, bệnh nặng có thể làm cây chết khô.

Biện pháp phòng trừ:

+ Không trồng đào nơi đất quá chặt. Nếu bắt buộc trồng trên đất thịt cần bón phân hữu cơ.
Quét vôi gốc cây đề phòng sâu hại. Khi trời sương muối và nắng cháy cần có biện pháp che chắn cho cây.

+ Đối với cây bị bệnh, quét hợp chất lưu huỳnh + vôi 5oBe sau đó quét luyn lên vết thương.

– Bệnh xoăn lá đào

Đây là bệnh rất phổ biến, ảnh hưởng tới sự ra hoa của đào. Ban đầu lá dầy lên, màu xanh xám. Phần bệnh bị xoăn, màu đỏ hoặc đỏ tím, trên mặt lá xuất hiện bột màu trắng xám. Về sau lá thành màu nâu và rụng.

Biện pháp phòng trừ

+ Phun thuốc hợp chất lưu huỳnh+vôi loãng 3-5oBe vào đầu mùa xuân, phun liên tục 2-3 lần cách nhau 7-10 ngày.

+ Thu hái lá bệnh và đốt để giảm nguồn lây.

+ Không bón phân chưa hoai.

– Bệnh thủng lá đào

Đây là bệnh phổ biến, sẽ tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh khác xâm nhập. Ban đầu xuất hiện các đốm nhỏ, sau lan rộng, xung quanh đốm có viền màu xanh vàng, về sau đốm bệnh khô, mép nứt ra và rụng xuống tạo thành các vết thủng.

Biện pháp phòng trừ

+ Nên bón phân hữu cơ, tránh bón phân nhiều đạm.

+ Tỉa cành thông thoáng, loại bỏ cành bệnh, trồng đào nơi thoáng gió và thoát nước tốt.

+ Không nên trồng xen lẫn giữa lê và đào vì có thể lây nhiễm lẫn nhau.

+ Khi bị bệnh, phun thuốc lưu huỳnh + vôi 3-5oBe hoặc phun Sunfat kẽm 1 phần +vôi 4 phần nước 240 phần hoặc phun Zineb 0,2%.

– Rệp đào

Tên khoa học của rệp đào là Myzus persicae Sulzer thuộc bộ cánh đều, họ rệp.

Biện pháp phòng trừ

+ Bảo vệ các loài thiên địch của rệp như bọ rùa, chuồn chuồn cỏ, ruồi ăn rệp, ong kén rệp.

+ Phun thuốc phòng ngừa 3 lần trong năm: đầu xuân, tháng 6-7 và giữa thu. Thuốc sử dụng là Phoxim 0,2% hoặc DDVP 0,1% hoặc nước xà phòng loãng (1 xà phòng+150 nước).

+ Khi bệnh nặng, sử dụng 1 bột lưu huỳnh 2 nước 2 dầu hỏa + 0,02 bột giặt; tất cả đun nóng lên, để nguội rồi phun.

7/ Kỹ thuật chăm hoa đào Tết cho cây to và chắc khỏe

Ngoài các biện pháp chăm sóc như tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa tạo tán… muốn cho cây đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán chúng ta cần phải thực hiện thêm các biện pháp kỹ thuật như: khoanh vỏ hoặc đảo cây, vặt lá (tuốt lá)…

Vào tháng 10 – 11 (tuỳ từng năm nhuận hay năm thường, phụ thuộc vào cây sinh trưởng tốt hay xấu để áp dụng) chúng có thể tiến hành các biện pháp sau:

7.1 Dừng bón phân, tưới nước cho đào

– Từ tháng 10 trở đi không bón phân, hạn chế tối đa tưới nước

– Tùy điều kiện trời mưa rét hay nắng ấm, người trồng đào phải phun nước ấm (hoặc nước lạnh) để kích thích đào nở sớm (hay hãm cho đào nở đúng dịp).

7.2 Tuốt lá đào

– Giữa tháng 11 âm lịch, tiến hành tuốt hết lá bằng tay. Tác dụng của việc tuốt lá là để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, đảm bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp. Năm nào thời tiết nóng thì tuốt lá muộn hơn 2 – 5 ngày, ngược lại thời tiết rét nhiều thì cần tuốt lá sớm hơn.

– Khi tuốt lá xong, nếu trời nắng nóng kéo dài, phải làm giàn che và phun nước lạnh thường xuyên toàn bộ tán cây, phun phân ure pha nồng độ 1% lên thân lá hoặc tưới để hãm cho đào không ra hoa sớm. Phun GE chuối để kích thích đào ra nụ, ra hoa, hoa to, cánh dày, màu đẹp kết hợp bón gốc bằng phân hữu cơ trùn quế Sfarm.Người trồng chăm sóc hoa đào TếtLặt lá đào

– Đào thuộc loại cây rụng lá hàng năm về mùa đông. Sau khi lá rụng, nụ hoa phát triển và lớn nhanh. Nếu để tự nhiên thì đào rụng lá vào cuối tháng chạp và hoa nở vào cuối tháng giêng hoặc tháng hai năm tới. Cho nên muốn có hoa đẹp trong dịp Tết, đi đôi với việc hãm cây nói trên, phải tuốt lá trước một thời gian, dài hay ngắn tùy giống, tùy cây khỏe hay yếu, cây trẻ hay già.

– Thường tuốt lá đào bích từ 5 – 20/11 âm lịch, đào bạch từ ngày 1- 15/10 âm lịch tùy vào thời tiết từng năm. Những cây già, yếu thời gian tuốt lá chậm hơn so với những cây to khỏe. Cần phải bảo vệ mắt hoa ở cuối nách lá. Nên bứt từng lá, không được một tay tuốt lá thẳng từ đọt xuống, sẽ làm tổn thương đến mầm hoa.

7.3 Khoanh vỏ cây đào

Khoanh vỏ là biện pháp hãm cây nhằm hạn chế sự sinh trưởng, bắt cây chuyển sang giai đoạn ra hoa.

– Thời gian khoanh vỏ: Các giống khác nhau sẽ có thời điểm khoanh vỏ khác nhau: Đào Bích là khoảng 15/8 (âm lịch), đào Phai là 5/8, đào Thất Thốn là 1/7. Hãm trước những cây khỏe, có toàn bộ lá xanh tốt. Hãm sau những cây yếu, một phần lá đã chuyển sang màu vàng. Không hãm những cây già.

– Cách khoanh vỏ: Chọn vị trí thân cây cách gốc 20 – 40cm, dùng dao sắc khoanh 1 vòng tròn 360 độ sâu tới phần gỗ của cây, đay đi đay lại 2 – 3 lần để tạo ra vết khoanh rõ rệt. Cần khoanh vỏ vào buổi sáng ngày không mưa. Động tác khoanh vỏ chỉ thành công khi sau 1 ngày thấy nhựa cây đùn ra vết khoanh, và sau 2 – 3 đến một tuần, lá đào hơi chuyển màu từ xanh đậm sang xanh nhạt và hơi rủ xuống là được. Nếu lá vẫn chưa chuyển là chưa được, cần phải hãm lại bằng cách khứa thêm một vòng khác ở trên vết cũ. Nếu vẫn chưa được thì phải hãm lần thứ 3.

7.4 Bọc túi nilon và thắp điện sưởi ấm cho cây đào

– Nếu rét đậm kéo đài (nhiệt độ < 10 độ C) quá 7 ngày thì hầu hết nụ đào bích sẽ bị nát nên ta phải sưởi ấm bằng cách bọc cây đào bằng túi nilon.

– Phun nước ấm 40 – 500 độ C vào quanh gốc bổ sung 5 – 6 lần/ngày, thắp bóng điện vào ban đêm và phun GE chuối để kích thích cho đào ra hoa đúng tết.

7.5 Thúc và hãm thời gian ra hoa cho cây hoa đào

– Mặc dù đã thực hiện những biện pháp chăm sóc và điều khiển như trên, nhưng thời gian ra hoa có năm vẫn không đúng Tết. Vì nếu gặp rét đậm, hoa sẽ ra chậm. Ngược lại, gặp thời tiết ấm hoa sẽ ra sớm hơn. Do đó nếu cần thiết thì phải tiến hành thúc và hãm:

+ Thúc: Đầu tháng 12 âm lịch, nếu thấy các nụ hoa chưa nhú một cách rõ ràng, báo hiệu hoa sẽ nở chậm, cần phải thúc bằng cách: Tưới phân đạm, xới xung quanh gốc sâu khoảng 5cm, bón phân trùn quế, phun GE chuối, tưới nước ấm 35 – 40 độ C.

+ Hãm: Vào cuối tháng 11 âm lịch nếu thấy nụ hoa nhú to, hoa sẽ nở sớm, cần áp dụng các biện pháp hãm là che ánh nắng, tạo bóng tối cho cây cả ngày trong thời gian 10 – 15 ngày. Thường xuyên theo dõi thời tiết và sinh trưởng của cây. Làm giàn che bằng lưới đen, kết hợp với pha phân đạm nồng độ 1% vào nước lạnh phun lên thân lá hoặc tưới vào gốc.

– Dùng dao khứa quanh thân một vòng đứt vỏ như đã nói ở trên. Bới đất, chặt bớt rễ từ 10 – 20% rễ, cần xén rải rác đều xung quanh gốc; không tưới nước, xới xáo. Thúc, hãm chỉ làm trong trường hợp thật cần thiết, vì cả hai trường hợp đều ảnh hưởng đến phẩm chất của hoa.

8/ Cách chăm sóc cành đào – cây đào Tết nở đẹp, lâu tàn

8.1 Chọn cành

Đối với loại đào chơi cành, nên tìm mua đào tơ, thân to mập, nhiều cành dăm, mắt dày, nhiều nụ. Loại đào này không mang lá, nên sự mất nước qua lá không có hoặc rất ít. Do đó khi cắm đào vào bình chỉ cần đổ một ít nước giữ cân đối trọng lượng để bình khỏi đổ.

chưng cành cây hoa đào tếtChứng cành đào

8.2 Cách giữ hoa đào tươi lâu suốt tết

– Theo TS Đặng Văn Đông để giữ hoa đào tươi lâu, sau khi mua cành đào mang về nhà nên đốt gốc, đốt cành hay nhúng ngay vào chậu nước nóng già 70 – 80 độ C để nhựa của cành đào không chảy và các chất dinh dưỡng dự trữ nuôi hoa trong cành không thẩm thấu được ra ngoài. Tuy nhiên, khi đốt cũng chỉ đốt vừa phải, “Nếu đốt quá lâu, quá nhiều sẽ gây tổn thương mạch, tắc mạch, sẽ lại làm cành đào chóng tàn”

– Khi cắm cành đào vào lọ nên thay nước sạch 2 – 3 ngày/lần và mỗi lần thay nước cho 1 viên aspirin nhằm hạn chế vi khuẩn gây thối cành, tàn hoa. Nếu muốn đào nở nhanh hơn thì để trong phòng kín, thắp điện, đốt hương. Nếu muốn đào nở chậm lại cho nước đá vào bình, đặt ở chỗ thoáng khí, ban đêm mang ra ngoài ban công.

– Nếu cành đào cắm trong nhà nở quá nhanh, ta có thể dùng dao sắc cứa một vòng quanh thân, cách gốc cành đào 1 gang tay để hạn chế chất dinh dưỡng lên thân nuôi hoa. Một cách khác thường được người dân sử dụng là cho sỏi vào trong bình giữ lạnh, đào sẽ nở chậm. Ngược lại, với thời tiết giá rét như năm nay, muốn kích đào nở nhanh, người chơi có thể dùng một nắm vôi đắp quanh gốc, làm như vậy thì chỉ sau một đêm đào sẽ nở tung. Ta cũng có thể tưới nước ấm, nếu thấy nụ còn nhỏ thì ta nên tưới sớm hơn.

Hoa đào chưng Tết vừa đẹp bắt mắt lại còn mang đến sự bình an, may mắn, thịnh vượng cho gia chủ. Để có được những cành đào nở đẹp thu hút đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, chăm chút của người trồng. Hy vọng bài viết này của Đặng Gia Trang sẽ giúp các bạn hiểu thêm về kỹ thuật kích đào ra hoa và áp dụng tốt cho vườn nhà mình.

Tham khảo: Giáo trình trồng và chăm sóc cây đào cảnh – Bộ NN&PTNT

Biên soạn: Sfarm.vn

*Xem thêm

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết