Hoa ly – Ý nghĩa, phân loại và cách trồng đơn giản từ chuyên gia

1731 lượt xem

Hoa ly – loại hoa có dáng dấp kiêu sa, hương thơm nồng nàn và luôn nhận được sự yêu thích từ người thưởng thức. Chính vì vậy, nghề trồng hoa ly dần phát triển và nở rộ tại nhiều nơi trên cả nước. Mặc dù đây là loại hoa mang lại giá trị kinh tế cao nhưng song song đó cũng đòi hỏi người canh tác phải am hiểu nhiều về kỹ thuật. Vì vậy, hôm nay hãy cùng SFARM tìm hiểu cách trồng hoa ly đơn giản, bạn nhé!

1/ Các giống hoa ly thông dụng

Giống Sorbonne (thơm): Cao 85-100 cm, có 3-7 hoa, hoa màu hồng nhạt, lá nhỏ, thời gian sinh trưởng 95-100 ngày.
Giống Acpulco (thơm): Cao 95-110cm, có 4-7 hoa, hoa hồng đậm có đốm chấm đỏ, lá to, thời gian sinh trưởng 95-100 ngày.
Giống Tiber (thơm): Cao 80-100cm, có 4-6 hoa, hoa hồng nhạt, lá nhỏ, thời gian sinh trưởng 85-100 ngày
Giống Belladonna (thơm): Cao 85-100 cm, có 3-5 hoa, hoa màu vàng, lá to, thời gian sinh trưởng 80-90 ngày.
Giống Concador (thơm): Cao 85-90 cm, có 4 -7 hoa, hoa màu vàng, lá to, thời gian sinh trưởng 82-88 ngày.
Giống Curly (thơm): Cao 70-85 cm, có 3-5 hoa, hoa màu hồng đậm, lá thuôn nhọn, thời gian sinh trưởng 75-90 ngày.

Trong các giống nêu trên, giống Sorbonne là giống chiếm ưu thế bởi màu sắc, hương thơm, khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu thâm canh cao và hiệu quả kinh tế đáng kể.

Hoa LyGiống Sorbonne

2/ Điều kiện trồng

2.1 Vị trí trồng

Cách để trồng hoa ly hiệu quả thì không thể bỏ qua vị trí trồng. Nơi thích hợp trồng ly phải là khu đất cao, dễ thoát nước, thoáng gió, điều kiện ánh sáng tốt. Không nên trồng hoa ly gần các khu công nghiệp có lượng khí thải cao.

2.2 Nhiệt độ

Hoa ly là cây chịu rét khá, chịu nóng kém, ưa khí hậu mát ẩm, nhiệt độ thích hợp ban ngày là 20-25 độ C, ban đêm là 12-15 độ C. Từ khi xuất hiện nụ đến khi ra hoa nhiệt độ chênh lệch ngày/đêm ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của thân. Nếu chênh lệch từ 0-16 độ C thì độ cao của cây dao động từ 14,2 – 27cm.

Hoa Ly (8)

2.3 Ánh sáng

Hoa ly là cây ưa cường độ ánh sáng ở mức trung bình, cường độ ánh sáng thích hợp từ 12-15 nghìn lux. Vào mùa hè nhóm ly châu Á và ly thơm cần che bớt 50% ánh sáng. Ngược lại trồng trong nhà lưới vào mùa Đông, ánh sáng không đủ, nhị đực sẽ sản sinh etylen, dẫn đến nụ bị rụng, do vậy cần bỏ bớt lưới che phủ để tăng cường ánh sáng tự nhiên cho cây.

2.4 Độ ẩm

Cây hoa ly không ưa độ ẩm cao, điều kiện ẩm độ lý tưởng từ 80-85%. Giai đoạn đầu cây cần nhiều nước, thời điểm ra hoa nhu cầu nước ít hơn, nhiều nước củ dễ bị thối, rụng nụ.

Hoa Ly (7)

3/ Thời vụ

Hiện ở nước ta, hoa ly được trồng nhiều tại các tỉnh phía Bắc, một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó, Đà Lạt là vùng có diện tích trồng lớn và truyền thống phát triển hoa ly lâu đời.

Đối với các tỉnh phía Bắc trồng lily chủ yếu ở vụ Đông T10-T11 (23-29/9 âm lịch) để thu hoạch vào dịp Tết Nguyên Đán. Ngoài ra có thể trồng vụ Đông Xuân T11- T12 để thu hoạch vào dịp 8/3.

Tại Đà Lạt, trồng trong nhà kính thì có thể trồng quanh năm. Cần tính toán thời gian sinh trưởng của từng giống và dự báo thời tiết để trồng có hoa nở đúng dịp như mong muốn.

Hoa LyThời vụ trồng hoa ly

4/ Đất trồng

Ly yêu cầu đất đai màu mỡ, tơi xốp, thoáng khí, tầng canh tác dày, không chứa mầm bệnh và thoát nước tốt. Loại cây này rất mẫn cảm với muối, nồng độ muối trong đất cao, cây không hút được nước sẽ làm ảnh hưởng tới sinh trưởng và ra hoa. pH đất thích hợp từ 5.5-7.0. Đất cát pha, đất thịt nhẹ rất thích hợp với trồng hoa ly.

5/ Cách chọn và xử lý củ giống trước khi trồng hoa ly

5.1 Lựa chọn củ

  • Củ đầy đặn, vảy củ đều, có ít hoặc không có vết tổn thương bên ngoài bề mặt của củ: cùng một kích thước củ, số vảy càng ít càng tốt, trọng lượng càng nặng càng tốt, rễ phát triển nhiều (rễ ít hoặc ngắn sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng chiều cao của cây).
  • Trong trường hợp chọn củ có kích thước nhỏ thì có thể chọn những củ có số lượng vảy nhiều sẽ cho tỷ lệ ra hoa cao.
  • Nên chọn những củ giống đã được trồng khảo nghiệm và đánh giá đầy đủ.
  • Đối với những giống có tỷ lệ cháy lá cao nên chọn củ có kích thước nhỏ.

5.2 Xử lý củ trước khi trồng

Thúc mầm cho củ (cho ra rễ trước)

  • Giúp kích thích sự phát triển của rễ thân. Nếu chồi phát triển nhanh hơn rễ thân thì cây sẽ sinh trưởng kém.
  • Sau khi nhận được củ giống cần lập tức mở khay củ rồi để nơi thoáng mát để thúc mầm (nhiệt độ thích hợp là 15 độ C) tránh để ở nơi có nhiệt độ cao.
  • Đối với những vùng trồng nhiệt độ cao nên tiến hành thúc mầm trước khi trồng. Chỉ tiến hành khi củ chưa nhú mầm hoặc đã nhú mầm nhưng chiều dài mầm ≤5 cm. Khi chiều dài mầm >5 cm thì nên trồng ngay mà không cần tiến hành thúc mầm.
  • Sau khi củ tan đá, trải một lớp giá thể xuống dưới đáy khay dày khoảng 1-2 cm. Giá thể này có thể là xơ dừa hoặc mùn cưa. Sau đó xếp lần lượt các củ ly sát nhau thành 1 lớp đơn. Chú ý xếp các củ có đỉnh củ hướng lên trên, củ xếp ngay ngắn. Cuối cùng phủ lớp giá thể lên trên đỉnh của lớp củ dày khoảng 6-8 cm, tưới ẩm rồi đặt trong kho lạnh ở 10-12 độ C trong vòng 1-2 tuần cho đến khi rễ thân bắt đầu phát triển và chiều dài mầm 5-8 cm thì mang củ ra trồng.

Hoa Ly (2)Xử lý củ giống

Xử lý nấm bệnh trên củ

Trước khi gieo trồng, nên tiến hành khử trùng bằng một số thuốc diệt nấm, vi khuẩn để phòng ngừa bệnh hại và tăng sức đề kháng cho củ. Có thể dùng Daconil 75WP (15g/10 lít nước) hoặc Ridomil Gold 68WP (20-25 g/10 lít nước) ngâm củ 8-10 phút, sau đó vớt củ, để ráo rồi đem trồng.

6/ Cách trồng hoa ly

Chuẩn bị đất trồng: Cải tạo và khử trùng đất trước khi trồng. Sau đó tiến hành làm đất tơi xốp (cày bừa), san phẳng, nhặt sạch cỏ dại và lên luống. Thường căn cứ vào diện tích nhà lưới để phân luống, rạch hàng khống chế độ rộng của luống từ 1,1-1,5 m

Mật độ trồng: phụ thuộc vào các yếu tố kích thước củ, giống, thời vụ

Thời điểm trồng: Điều kiện mát mẻ là thời điểm thích hợp nhất để trồng hoa ly. Buổi sáng nên kết thúc việc xuống giống trước 9 giờ, và tiến hành trồng vào buổi chiều sau 14 giờ.

Độ sâu trồng củ: Thường thì mùa đông trồng nông hơn mùa hè. Củ càng to thì trồng càng sâu, giống có hệ rễ phát triển nhiều yêu cầu trồng sâu hơn một chút (thông thường gấp 2 lần chiều cao củ). Đối với trồng đất thì rạch hàng sâu 10-12 cm rồi đặt củ ngay ngắn, mầm củ hướng lên trên. Trong trường hợp trồng chậu thì độ dày giá thể tối thiểu lót ở đáy chậu là 5 cm. Độ dày lắp đất mùa đông: 6-8 cm, mùa hè: 8-10 cm.

Che phủ trước và sau trồng: Củ mọc mầm thường yêu cầu nhiệt độ đất tương đối thấp, do đó trước khi trồng vài ngày cần tiến hành che lưới đen. Dùng 2 lớp lưới đen che cách mặt luống từ 2,0-2,5 m. Sau khi trồng xong có thể dùng trấu hoặc rơm rạ phủ lên mặt luống để hạn chế bốc hơi nước, giảm bức xạ và tránh làm tổn hại đến cấu trúc đất. Sau 15 – 20 ngày bỏ 1 lớp lưới đen ở trên ra.

7-buoc-ky-thuat-cham-soc-hoa-ly

Cách trông hoa ly với phân trùn quế

7/ Chăm sóc

7.1 Nước tưới

Nước tưới cho hoa ly cần căn cứ vào các yếu tố sau đây:

  • Loại hình đất: Đất cát pha giữ nước kém và ngược lại.
  • Khí hậu trong nhà lưới: Nhiệt độ cao, độ ẩm thấp làm cho cây dễ mất nước.
  • Giống: Số lá và kích thước lá ở các giống khác nhau có sự thoát hơi nước khác nhau
  • Tình hình sinh trưởng của cây: Giai đoạn sinh trưởng khác nhau thì sự thoát hơi nước khác nhau.
  • Hàm lượng muối: Đất có hàm lượng muối cao sẽ làm giảm khả năng hút nước của cây nên trong trường hợp này, cần cẩn thận không được để đất quá ướt. Tưới nước hợp lý, giảm lượng nước tưới cho mỗi lần tưới có tác dụng tốt cho kết cấu đất.

Các giai đoạn sau cần căn cứ vào tình hình độ ẩm của đất để tưới nước. Thông thường vào thời kỳ khô hạn mỗi ngày cần cung cấp 8 – 9 lít/m2 đất. Thời điểm tưới nước thích hợp trong ngày là vào buổi sáng đặc biệt là vụ đông, mùa hè có thể tưới nước vào buổi chiều để có thể bù đắp lại được lượng nước bốc hơi trong ngày.

Xác định lượng nước tưới phù hợp: Nước ngấm sâu xuống phần đáy của củ, bề mặt của đất không được đóng váng, độ ẩm trên bề mặt đất và dưới đáy củ là đồng nhất, khi dùng tay nắm đất mà không thấy nước chảy ra là được.

Hoa Ly (3)Tưới nước bằng phương pháp nhỏ giọt

7.2 Bón phân

  • Trong 3 tuần đầu: tránh việc tưới phân, nếu bón dễ gây tồn đọng ion muối trong đất, ảnh hưởng đến hệ rễ.
  • Tuần thứ tư (cây cao 20-30 cm): bắt đầu bón phân, tuy nhiên lượng bón vẫn không nên quá nhiều.
  • Các giai đoạn sau cần bón theo thời kỳ sinh trưởng và mức độ phát triển của cây.
  • Sử dụng phân bón trực tiếp vào đất hoặc hòa phân với nước để tưới. Tuy nhiên nên dùng phân tưới vì phương pháp này có thể tiết kiệm được phân, cung cấp kịp thời và giúp cho cây hút dinh dưỡng dễ dàng.
  • Có thể chia các đợt bón phân trên diện tích 1ha như sau:

Lần 1: 20 ngày sau trồng. Bón phân NPK 15-9-20, liều lượng 15kg khi cây đạt chiều cao 12-15cm.

Lần 2: Bón giai đoạn 35 ngày sau trồng. Bón 15kg phân bón Complex 12-11-17 +TE kết hợp làm cỏ và xới phá váng.

Lần 3: Thời điểm từ 50-55 ngày sau trồng: Bón bổ sung 10kg Complex 12-11-17+TE kêt hợp với 10kg Nitrabor + 10kg MgSO4, tưới đẫm nước, vun gốc cao 3-5cm giúp cây đứng vững.

Bổ sung thêm dinh dưỡng vi lượng và phân bón lá giúp cây phát triển toàn diện.

Hoa Ly (6)

7.3 Giàn đỡ

Hệ thống giàn đỡ cho cây có thể cần thiết phụ thuộc vào thời gian trồng và giống cây trồng. Cây trồng vào giai đoạn mùa đông hoặc đối với những giống cây hoa ly cao, to dễ bị đổ thì cần phải căn lưới giữ cây. Có thể dùng lưới đan sẵn (20×20 cm) đặt trên luống sau khi trồng, sau đó nâng dần lên theo chiều cao của cây hoặc để khi cây cao 30-50 cm thì tiến hành làm giàn đỡ cây.

7.4 Kỹ thuật tăng giảm ánh sáng

Phụ thuộc vào điều kiện ánh sáng của từng vùng để có biện pháp can thiệp phù hợp. Vào mùa đông, lượng ánh sáng thường không đủ cho cây sinh trưởng và phát triển, cần tác động ánh sáng bằng cách chiếu sáng nhân tạo 3 tiếng mỗi ngày từ 18-21 giờ. Thực hiện liên tục trong 20 ngày sau khi trồng được 35-45 ngày, nhằm giảm tỷ lệ thui nụ, nụ biến dạng.

8/ Sâu bệnh hại

Bệnh hại hoa ly chủ yếu do nấm, vi khuẩn và virus gây ra, đặc biệt một số bệnh thường gặp như: bệnh thối củ do nấm Penicillium, bệnh hoa lá và lá nhỏ do virus, bệnh thối gốc, thối vảy củ hoặc thối thân do nấm Fusarium, Rhizoctonia… Cần kiểm soát tốt nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cũng như cung cấp dinh dưỡng đầy đủ giúp cây phát triển khỏe mạnh. Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc được sử dụng ở Việt Nam để đề xuất biện pháp phòng trừ kịp thời.

Đối với sâu hại trên hoa ly chủ yếu gồm rệp bông, bọ trĩ, nhện… Cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện kịp thời sâu hại và loại bỏ bằng biện pháp thủ công, ngắt bỏ phần lá, cây bị hại.

Hoa Ly (4)Sâu bệnh hại hoa ly

9/ Nhân giống

Có hai biện pháp nhân giống hoa ly phổ biến hiện nay bao gồm: nhân giống từ củ và nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô.

  • Nhân giống từ củ:

Nhân giống hoa ly từ củ được áp dụng phổ biến tại Việt Nam, đây là biện pháp tách củ cây con sinh ra từ cây mẹ. Có thể trồng chuyên cây chỉ để thu giống hoặc kết hợp trồng cây kinh tế và thu hoạch củ ở vụ Hè.

Ưu điểm: Dễ làm, không đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Không tốn nhiều chi phí.

Nhược điểm: Hệ số nhân giống từ phương pháp này khá thấp, chưa kể chất lượng củ giống không cao. Nhân giống liên tục trong thời gian dài dễ bị thoái hóa giống, tích lũy virus và truyền sang vụ mùa sau, cây sinh trưởng kém.

  • Nhân giống bằng biện pháp nuôi cấy mô tế bào:

Phương pháp này khắc phục được nhược điểm của cách làm truyền thống, áp dụng phổ biến tại các nước tiên tiến và mang lại hiệu quả kinh tế.

Ưu điểm: Hệ số nhân giống nhanh, cây giống đồng nhất, sạch bệnh. Tiết kiệm thời gian, chi phí và công lao động. Đặc biệt đối với phương pháp này có thể tạo ra giống mới nhờ độ biến bị trong mô tế bào.

Mặc dù vậy, phương pháp nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào hiện vẫn còn mới ở Việt Nam, chưa được áp dụng rộng rãi.

10/ Thu hoạch

Cây hoa ly sau 50-55 ngày trồng sẽ bắt đầu hình thành nụ, 2-3 tuần sau đó có thể cho thu hoạch. Tiêu chuẩn thu hoạch là khi nụ thứ nhất dưới gốc phình to và có màu, nếu thu muộn hơn một số hoa đã nở gây khó khăn trong quá trình vận chuyển, thu sớm hơn nụ chưa phát triển đầy đủ ảnh hưởng đến phẩm chất hoa. Trường hợp trên cây có 6 nụ nên loại bỏ 2 nụ dưới cùng là tốt nhất.

Hoa Ly (5)Thu hoạch hoa ly

Nên thu hoạch vào buổi sáng sớm để tránh mất hơi nước, không được giữ hoa sau khi cắt quá lâu trong nhà lưới (tối đa 1 tiếng), như vậy cành dễ bị héo, nụ khô tóp lại.

Sử dụng kéo sắc cắt cành cách gốc 10-15cm, giữ lại 5-6 lá cho củ tiếp tục phát triển. Cắm ngay cành hoa vào nước sạch nhằm hạn chế tối đa việc thất thoát hơi nước.

Trong bài viết sau, SFARM sẽ trình bày cụ thể hơn về cách bón phân cũng như phòng trị sâu bệnh hại trên hoa ly.

Hi vọng, với những chia sẻ về cách trồng hoa ly nêu trên, các bạn sẽ có một vụ mùa ly rạng rỡ và thành công nhất. Để được hỗ trợ thêm về cách trồng hoa ly cũng như thông tin chi tiết về sản phẩm, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua Hotline 0902 652 099 hoặc 0901 331 008 bạn nhé!

Sfarm.vn

*Xem thêm

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (1 bình chọn)