Kỹ thuật trồng & chăm sóc bưởi da xanh chuẩn chuyên gia

1641 lượt xem

Bưởi khá đa dạng trong chủng loại, mỗi giống có đặc điểm và hương vị đặc trưng khác nhau, phổ biến nhất hiện nay là giống bưởi da xanh. Giống này được ưa chuộng bởi màu hồng đẹp mắt của múi bưởi, vị ngọt thanh nơi cuống họng, không chua, phù hợp với khẩu vị người Châu Á. Nếu bạn muốn làm giàu từ loại trái cây này mà chưa biết cách trồng bưởi da xanh chuẩn xác nhất, hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu qua bài viết sau.

1/ Điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng đến cây bưởi da xanh

1.1 Đất trồng

Bưởi da xanh thích hợp trồng trên loại đất giàu chất dinh dưỡng, hàm lượng chất hữu cơ >3%, tơi xốp, thoát nước tốt như đất cát pha hoặc đất bùn, tầng canh tác dày ít nhất 0,6m, ít nhiễm mặn, mực thủy cấp thấp dưới 0,8m.

1.2 Ánh sáng và nhiệt độ

Ánh sáng: Cường độ ánh sáng để bưởi da xanh quang hợp tốt nhất tương đương lúc 9 giờ sáng.

Nhiệt độ: Khoảng nhiệt thích hợp nhất cho sự sinh trưởng của cây bưởi da xanh từ 23 – 29 độ.

2/ Cách chọn giống bưởi da xanh

Bưởi da xanh được nhân giống bằng 2 phương pháp chính: bưởi chiết và bưởi ghép. Sau nhiều cuộc thí nghiệm đồng ruộng, chúng tôi khuyên bạn nên chọn bưởi ghép để trồng. Vì vẫn giữ được đặc tính nổi trội của cây mẹ, nhanh cho trái hơn bưởi ghép. Đặc biệt cho trái tầng thấp sẽ dễ dàng hơn trong khâu thu hoạch và tuổi thọ cây lâu hơn.

Nếu có thể bạn hãy đặt cây giống ở những nhà vườn uy tín, quan sát được đặt tính của cây mẹ, bạn sẽ an tâm hơn về chất lượng quả sau này. Chọn những cây giống hoàn toàn khỏe mạnh, lá phát triển xanh tốt và không có dấu hiệu của bệnh hại.

Để giữ nguyên đặc trưng của giống, bạn nên trồng bưởi da xanh trong khu riêng, tránh hiện tượng thụ phấn chéo, lai với các giống khác, làm giảm năng suất và mất dần đặc tính vốn có của giống.

3/ Thời vụ trồng bưởi

Có thể trồng bưởi da xanh quanh năm, nhưng bạn nên trồng vào cuối mùa khô đầu mùa mưa – từ tháng 3 đến tháng 6 dương lịch, tận dụng những trận mưa đầu mùa tưới mát cho cây con vừa bén rễ.

4/ Chuẩn bị đất trồng bưởi da xanh

Vườn trồng bưởi nên thiết kế theo hệ thống mương liếp, nhằm xả phèn, ngăn ngừa xâm nhập mặn có thể xảy ra, nâng cao tầng canh tác. Mương rộng khoảng 2m, liếp rộng 6 – 8m. Nên thiết kế liếp theo hướng Bắc Nam, để bưởi có thể nhận đủ ánh sáng với cường độ đồng đều giữa các cá thể.

Bưởi thường được trồng theo biện pháp đắp mô, chiều cao mô khoảng 40cm rộng 90cm, giúp thoát nước tốt trong mùa mưa, không ngập úng. Trộn đều đất đắp mô với 10kg phân ủ hoai, 500g vôi, rải 1 lớp đất mỏng lên trên mô, sau 1 tháng mang cây giống ra trồng.

Khoảng cách trồng 5x6m (Mật độ 35 cây/1.000m2) là đủ không gian cho cây

5/ Kỹ thuật trồng bưởi da xanh chuẩn chuyên gia

Sau khi mua cây giống, rạch bầu nilon bên ngoài, cẩn thận tránh làm tổn thương đến bộ rễ.

Đào hố nhỏ trên mô to hơn bầu rễ một chút, đặt bầu rễ vào, phủ đất lên trên ém chặt đất phần gốc lại, cắm cọc xung quanh cố định cây, khi cây lớn thì gỡ ra. Sau đó tưới nước, dùng rơm rạ hoặc lục bình phủ quanh gốc để giữ ẩm.

6/ Kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh

6.1 Tưới nước

Nhu cầu nước của bưởi cao vào giai đoạn cây con, ra hoa và đậu quả. Từ khi trồng đến 1 tháng sau cần cung cấp đủ nước cho cây bám rễ, nếu thiếu nước ở giai đoạn ra hoa đậu quả sẽ làm giảm khả năng thụ phấn và làm giảm năng suất, nên đặc biệt lưu ý giai đoạn này.

Khi thấy đất khô thì tưới nước, tưới vào buổi sáng hoặc chiều mát. Vào mùa mưa, chú ý thoát nước vì bưởi không chịu được ngập úng lâu dài, dẫn đến thối rễ, rụng lá.

6.2 Trồng cây chắn gió

Vì sử dụng bưởi chiết, bộ rễ cây không ăn sâu, phát triển kém hơn sự sinh trưởng của tán, dẫn đến cây dễ đổ ngã. Cần trồng cây chắn gió xung quanh vườn như giâm bụt cao hoặc các loại cây ăn trái khác họ với bưởi, góp phần tăng kinh tế gia đình.

6.3 Bảo vệ quả

Dùng bao xốp bọc quả đang là biện pháp hiệu quả nhất được bà con nông dân tin dùng, vừa bảo vệ quả khỏi các tác động xấu của thời tiết làm mất thẩm mỹ, đặc biệt tránh sự gây hại của ruồi đục quả – đối tượng gây hại trên loại cây có múi.

Bao từ phần cuống xuống thẳng phía dưới, dùng chun cố định chỗ cuống, để hở phần dưới. Dùng bao màu trắng để quá trình quang hợp của quả không bị ảnh hưởng.

7/ Kỹ thuật cắt tỉa tạo tán cho bưởi da xanh

Tỉa cành tạo tán là kỹ thuật quan trọng trong cách trồng bưởi da xanh làm cho bộ tán cân đối.

Khi cây cao 50 – 80cm, tiến hành hãm ngọn, từ thân chính mọc ra nhiều ngọn nhỏ, chỉ giữ lại 3 ngọn khỏe mạnh mọc theo 3 hướng khác nhau, đây gọi là cành cấp 1.

Cách trồng bưởi

Cách trồng bưởi chuẩn chuyên gia

Sau một thời gian, từ cành cấp 1 mọc ra cành cấp 2, chỉ giữ lại 1 – 2 cành cấp 2/cành cấp 1 để tiện chăm sóc và tập trung dinh dưỡng, nên giữ lại những cành cách thân chính 20 – 30cm, cành cách cành 20 – 25cm.

Từ cành cấp 2 mộc ra nhiều cành cấp 3, số lượng cành cấp 3 không hạn chế. Tuy nhiên, cắt bỏ những cành hư, mọc quá dày.

Sau 2 năm chăm sóc tốt, cây bưởi da xanh sẽ có tán cân đối, hạn chế đỗ ngã, cho quả khắp cây.

8/ Kỹ thuật bón phân cho cây bưởi da xanh

Trong hướng dẫn trồng bưởi da xanh, phân bón là yếu tố quan trọng trong việc tạo nên chất lượng quả bưởi, tuân theo quy tắc bón phân 4 đúng. Tùy vào từng thời điểm có phương pháp, liều lượng, và loại phân khác nhau.

8.1 Các loại phân bón

– Phân hữu cơ: Đi đôi với nhu cầu canh tác nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, phân hữu cơ đang là lựa chọn hàng đầu của nông dân. Bón trung bình 20 – 25 kg/cây/năm phân hữu cơ giúp cây sinh trưởng tốt, cho quả nhiều và tăng tuổi thọ cây. Bón phân Trichoderma có tác dụng phòng trừ các bệnh do nấm gây hại.

Lưu ý: Phân hữu cơ phải được xử lí hoai mục và sạch mầm bệnh, tuyệt đối không được bón phân tươi hay xác bã thực vật vì chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh. Trong đó, phân trùn quế với dinh dưỡng lành tính được ưa chuộng dùng bón cho bưởi.

– Phân vô cơ: Bổ sung dinh dưỡng bằng phân DAP hoặc NPK tổng hợp chứa đủ các loại nguyên tố dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu của cây.

8.2 Bón phân theo từng giai đoạn phát triển của cây bưởi

– Năm thứ nhất: Bổ sung phân ure định kỳ hàng tháng với liều lượng 1kg/ 100 lít nước do lượng phân bón lót còn nhiều, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng ở giai đoạn cây con.

– Năm thứ 2 và 3: Trong 2 năm này bón khoảng 40kg phân chuồng + 250kg super lân + 300kg ure + 300kg kali / 1hecta, chia ra làm 4 đợt cách đều nhau:

  1. Sau mùa mưa bón hoàn toàn phân hữu cơ và phân lân, rải đều tay cho mỗi cây.
  2. 30% lượng ure và phân kali
  3. Bón tiếp 30% lượng phân ure và phân kali
  4. Bón hết lượng phân còn lại

– Sau năm thứ 3 trở đi: Cây bắt đầu cho trái đều đặn cần cung cấp dinh dưỡng nhiều hơn để nuôi trái. Bón như công thức ở năm thứ 2 và 3.

Phương pháp bón phân: Xới nhẹ phần đất quanh gốc theo hình chiếu tán, bề rộng rãnh khoảng 30cm, cho phân vào, lắp đất và tưới nước. Phương pháp này giúp hạn chế quá trình bốc hơi và chảy tràn của phân bón.

9/ Kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại trên bưởi da xanh

Bưởi da xanh sinh trưởng khỏe mạnh, ít bị sâu bệnh tấn công. Một số loại côn trùng thường gặp như: Sâu vẽ bùa, sâu đục thân, ruồi đục quả. Khi thấy các đối tượng xuất hiện, áp dụng các biện pháp vật lý (Bẫy đèn, bẫy màu) để xua đuổi, biện pháp cuối cùng là sử dụng thuốc trừ sâu để tiêu diệt nếu xuất hiện với mật độ cao. Đối với ruồi đục quả, bao quả là biện pháp tối ưu cho đến hiện tại.

Bạn cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện bệnh thán thư hoặc bệnh vàng lá thối rễ tấn công và có biện pháp hợp lý. Nên định kỳ dọn vệ sinh vườn bưởi hàng tháng, quét vôi ở gốc và cắt tỉa các cành hư hại.

10/ Cách kích thích bưởi ra hoa, đậu quả trên bưởi da xanh

Đối với bưởi da xanh không cần kích thích ra hoa, nhưng muốn cây ra hoa tập trung và đồng loại cần áp dụng các biện pháp tạo stress cho cây như: Cắt nước gây khô hạn hoặc lãi lá cành mang trái.

Mỗi chùm trái để tối đa 2 quả, tốt nhất là 1 quả/chùm. Chỉ để quả khi cây từ 3 năm tuổi trở lên.

11/ Thu hoạch bưởi da xanh

Khi quả bưởi căng tròn, da sáng, các lỗ tinh dầu nở to thì có thể thu hoạch, từ lúc nở hoa đến lúc thu hoạch kéo dài khoảng 7 – 8 tháng.

Nếu lúc thu hoạch rơi vào giai đoạn giá thấp. có thể neo trái trên cây từ 20 – 30 ngày bằng cách phun bổ sung phân bón lá, phân đạm và tưới đủ nước cho cây.

Vậy là Đặng Gia Trang đã hướng dẫn xong cách trồng bưởi da xanh cho bạn rồi. Nhìn chung bưởi da xanh cũng dễ trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao nữa. Đây sẽ là hướng đi chính xác cho tương lai của nhà nông. Để tiết kiệm chi phí đầu tư, hạn chế bạc màu đất nhưng tăng được năng suất, chất lượng bưởi, bà con cũng có thể tham khảo sử dụng các loại phân hữu cơ (phân trùn quế SFARM, phân gà Nhật Aki dạng viên, phân bò ủ vi sinh SFARM) kết hợp trichoderma SFARM để có hiệu quả kinh tế cao nhất!

Mọi thắc mắc về sản phẩm chăm sóc cây, phân bón, đất trồng SFARM, vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 để được hỗ trợ và tư vấn.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết