Thiết lập sự cân bằng giữa côn trùng gây hại và thiên địch

1661 lượt xem

1/ Định nghĩa của côn trùng gây hại và thiên địch

Côn trùng gây hại trong nông nghiệp là thuật ngữ để chỉ những loài côn trùng tấn công cây trồng, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển, năng suất của cây trồng. Từ đó, chúng tác động trực tiếp đến yếu tố kinh tế của người sản xuất và kéo theo nhu cầu sử dụng thuốc hóa học hàng loạt về sau.

Trong khi đó, thiên địch là những loài có ích đối với nông nghiệp, chuyên tấn công côn trùng gây hại. Chúng thường là những loài săn mồi (ăn thịt), gây bệnh, tuyến trùng, ký sinh, bán ký sinh lên côn trùng gây hại, khiến chúng suy yếu hoặc chết và mất khả năng tấn công cây trồng.

Tuy nhiên, cả 2 khái niệm này đều dựa trên cảm nhận cục bộ của người canh tác đối với sinh vật trên khu vực canh tác. Tùy vào mục đích sử dụng, phương pháp canh tác, điều kiện tự nhiên mà có thể thay đổi.

Ví dụ như, loài thiên địch kiến vàng thường xuất hiện trong vườn cây ăn trái, chuyên tấn công sâu, bướm, ngài, ruồi đục trái gây hại trên vườn. Nhưng lại trở thành loài gây hại khi mục đích sử dụng thay đổi từ thu hoạch nông sản sang du lịch. Vì chúng sẽ tấn công bất kì vật gì trên lãnh thổ và vết cắn để lại gây mẫn ngứa, đau rát, dị ứng.

can-bang-thien-dich2

2/ Mối quan hệ của côn trùng gây hại và thiên địch

Về mặt tự nhiên, côn trùng gây hại là nguồn thức ăn chính cho thiên địch thông qua hoạt động săn mồi (ăn thịt), chích hút (dịch), ký sinh, sinh sản đối với con mồi. Thông thường để hoàn thành chu kỳ sống, mỗi cá thể thiên địch phải giết rất nhiều loài gây hại

Để đảm bảo sự tồn tại của quần thể côn trùng gây hại, chúng đã thiết lập hàng loạt cơ chế thích nghi, thay đổi môi trường sống, sinh sản nhanh và nhiều, khả năng di chuyển tốt hơn các loài thiên địch.

Từ đó dẫn đến, khi điều kiện môi trường thuận lợi, mật độ côn trùng gây hại và thiên địch tăng lên và ngược lại sẽ cùng giảm xuống khi bất lợi.

3/ Tác động của thuốc trừ sâu đối với mối quan hệ của côn trùng gây hại và thiên địch

Ngắn hạn, thuốc hóa học là “thần dược chữa bách bệnh” của người canh tác, khi có thể tiêu diệt nhanh loài gây hại trên vườn. Tuy nhiên, thuốc hóa học thường mang phổ tác dụng rộng nên vô tình tiêu diệt luôn thiên địch.

Tuy nhiên, như đã nói, loài gây hại có khả năng thích nghi và tái tạo quần thể tốt hơn nên chúng nhanh chóng vượt qua stress và tăng nhanh mật độ nhanh hơn, vì thiên địch đã bị thuốc hóa học tiêu diệt. Điều này cũng dẫn đến loài gây hại thứ yếu (đang được kiểm soát) bùng phát.

Điển hình như tình trạng kháng thuốc của loài rầy nâu Nilaparvata lugens Stal., không chỉ chích hút mà còn truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho cây lúa. Việc lạm dụng thuốc trừ sâu quá mức đã dẫn đến dịch rầy khó kiểm soát giai đoạn 2006 – 2008 trên các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và Đồng bằng Sông Hồng.

can-bang-thien-dich

4/ Thiết lập và duy trì trật tự tự nhiên

Xây dựng hệ thống canh tác đa dạng và hình thành một hệ sinh thái khép kín với các biện pháp:

  • Luân canh cây họ đậu, rau màu nhằm giảm áp lực bệnh, ké dòng di cư của côn trùng gây hại.
  • Trồng xen, trồng ven bờ các loại cây họ cúc, họ sả để xua đuổi côn trùng và tạo nơi trú ngụ cho côn trùng khi điều kiện thời tiết bất lợi hay phun thuốc hóa học.
  • Tận dụng các mô hình như nuôi cá, tôm trên ruộng vừa hạn chế sâu bệnh vừa tăng thu nhập từ vật nuôi.
  • Giảm tối đa mức độ sử dụng thuốc trừ sâu, vì đây là nguyên nhân chính gây sụt giảm mật số thiên địch. Người sản xuất có thể sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, thuốc trừ sâu tự nhiên như hoa cúc khô, lá cây thuốc lá (chứa nicotine), cây dây mật, ớt cay giả nhuyễn hòa với nước, để thay thế.
  • Thả thiên địch
  • Đối với thiên địch là côn trùng, việc thả nhằm mục đích duy trì mật số khi luân canh gián đoạn, dập dịch đang phá hoại,… Một ví dụ về mức độ hiệu quả của thả thiên địch là việc thả nhên bắt mồi Amblyseius. Sp khi thấy loài nhện đỏ (500 con/cây) nhiều. Sau 7-8 tuần, mật số nhện bắt mồi tăng khoảng 13 lần, nhện đỏ không thấy xuất hiện nữa.
  • Ngoài ra có thể nhân nuôi và thả vi khuẩn (Bacillus thuringiensis ký sinh trên sâu bướm, bọ cánh cứng), virus (trên bướm), nấm (Beauveria bassiana), nấm xanh,… Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động này rất chậm, thường từ 2-3 để thấy kết quả rõ rệt và cần không sử dụng các loại thuốc trừ nấm và vi khuẩn.
  • Bẫy đèn, bẫy vàng, bẫy Pheromone dùng để thu hút loài gây hại.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết