Sử dụng cây hương liệu trong phòng trị sâu bệnh cho cây trồng

1845 lượt xem

1/ Cây hương liệu là gì?

Cây hương liệu là những loại cây có mùi nồng, hắc hoặc có vị cay, đắng,… có khả năng tách chiết tạo thành các dung dịch có lợi trong diệt trừ sâu hại. Sử dụng các loại cây này là một phương pháp tự nhiên giúp kiểm soát sâu hại và hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học chiết xuất từ các loại cây hương liệu giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng và an toàn với sức khỏe con người.

2/ Đối tượng

Bất cứ loại côn trùng gây hại nào

3/ Phương pháp

Làm thuốc phun từ lá của những loại cây có mùi hắc, có thể sử dụng một loại cây hoặc là trộn hai loại cây với nhau. Mùi hắc sẽ xua đuổi các loài gây hại. Đặc biệt khuyến cáo phun với tỏi, hành và ớt.
Nguyên liệu từ cây mang đi phơi, xay nhỏ thành bột, trộn với nước sôi và để nguội để phun. Có thể trộn từ 20 – 500 g với 1 lít nước.
Tần suất: Phun trước khi dự kiến đỉnh điểm của sâu bệnh vào đầu mùa hè và nhắc lại thường xuyên cần thiết tùy thuộc vào số lượng sâu xuất hiện trong năm đó. Cần ứng dụng thêm trong mùa mưa vì chất phun sẽ bị mưa làm trôi khỏi cây.
Cảnh báo: Một số loại cây bị ảnh hưởng do dịch từ những cây khác, vì vậy nên kiểm tra dấu hiệu bị thiệt hại (thường là lá bị biến dạng).

cay-huong-lieu-1

4/ Một số cây hương liệu thường được sử dụng

4.1 Cây họ cúc

Trong các cây họ cúc chứa một thành phần hóa học thực vật mạnh có tên gọi pyrethrin. Chất này sẽ xâm chiếm hệ thần kinh của côn trùng và làm chúng không hoạt động được. Hoa cúc còn có màu sắc sặc sỡ giúp thu hút côn trùng, giúp dẫn dụ các loài thiên địch.

Người dùng có thể tự chế dung dịch thuốc trừ sâu từ hoa cúc bằng cách đun sôi 100 gram hoa cúc phơi khô với một lít nước trong vòng 20 phút, sau đó, lọc lấy nước, để nguội rồi cho vào bình xịt. Loại thuốc này hiệu quả đối với động vật có máu lạnh, côn trùng và động vật không xương sống. Nước hoa cúc giữ được tới 2 tháng. Người dùng có thể trộn thêm với dầu cây xoan để tăng hiệu quả.

4.2 Cây ruốc cá

Cây ruốc cá (cây dây mật) được sử dụng để diệt trừ sâu bọ, côn trùng, rầy xanh, rệp bông… Tại một số vùng ở nước ta, người dân hái cây duốc cá tươi, làm thành vòng treo trên sừng những con trâu bị dòi hay có ký sinh.

Để điều chế thuốc trừ sâu rầy từ cây ruốc cá, bạn ngâm rễ cây rồi giã, vắt lấy nước, sau đó đem phun. Ngoài ra, hạt cây khi rang lên, giã thành bột cũng có thể đem ngâm nước rồi phun. Khoảng 7kg bột cây ruốc cá có thể ngâm với 400 – 500 lít nước và phun cho khoảng một ha.

Thuốc bảo vệ thực vật từ cây ruốc cá cho hiệu quả 70-80% với sâu ba ba hại rau muống, rầy xanh hại chè, rầy bông, tuy nhiên không độc với bọ rùa, ong mắt đỏ.

4.3 Tỏi

Tỏi giúp xua đuổi các loại sâu hại như: kiến, rệp, sâu, bọ cánh cứng, ấu trùng, ruồi,chuột nhắt, giun tròn, nấm và vi khuẩn.

Có thể pha chế dung dịch tỏi như sau: giã 1 củ tỏi trộn với 1 lít nước và sử dụng ngay. Ngoài ra ta có thể mang củ tỏi phơi khô giã ra và sử dụng như bột, bột tỏi có thể hòa với nước phun chống bệnh nấm vảy, nấm mốc sương, gỉ sắt trên đậu và bệnh tàn rụi của cà chua. Trồng tỏi xung quanh cây ăn quả và các loại cây khác giúp đuổi rệp vừng, sâu đục thân, chuột nhắt, chuột chũi và mối.

Thời gian tốt nhất để phun là vào chiều tối, sẽ hiệu quả hơn với sâu bọ và ít ảnh hưởng đến côn trùng có ích như ong. Tỏi là chất trừ sâu có phạm vi rộng nên cũng sẽ diệt cả côn trùng có ích và côn trùng có hại. Mùi còn lại trên cây được phun hoặc rắc tồn tại trong vòng 1 tháng.

4.4 Cây thuốc lá

Trong cây thuốc có chứa nhiều chất kiềm thực vật là Nicotin và Nornicotin có thể trừ được sâu miệng nhai và chích hút như rệp, nhện đỏ, sâu ăn lá, hại hoa màu và cây công nghiệp.

Có thể nghiền nhỏ lá thuốc đem rắc lên luống rau, ruộng lúa để trừ sâu. Hoặc có thể đem ngâm với nước vôi 24-28 giờ, sau lọc lấy nước và pha thêm xà phòng phun trừ sâu.

4.5 Cây xoan ( sầu đâu)

Người Ấn Độ cổ đại rất coi trọng chất dầu từ cây xoan bởi tác dụng đuổi các loài gây hại cho côn trùng. Thực tế, nước từ quả xoan và lá cây còn có thể làm dung dịch trừ sâu bởi chất đắng chứa bên trong.

Cụ thể, người dùng hòa 15 ml dầu xoan và một phần thìa cà phê nước rửa bát vào khoảng 1,9 lít nước ấm, khuấy đều rồi cho vào bình xịt. Dầu xoan có thể thay bằng dung dịch nước từ quả hoặc lá xoan phơi khô, nghiền nhỏ. Dung dịch này có hiệu quả với hầu hết các loại sâu, rệp.

cay-huong-lieu-2

4.6 Hương thảo

Hương thảo có thể đuổi muỗi và một số loài côn trùng gây hại. Hương thảo có mùi hương nồng, có thể dùng để nấu ăn, nhưng côn trùng lại rất khó chịu với mùi này. Thoa vài giọt tinh dầu hương thảo lên chăn gối, áo quần có thể giúp cho muỗi không dám tới gần.

Bạn có thể tự tay làm nước hương thảo để xịt đuổi côn trùng, bằng cách nấu một phần nước và một phần hương thảo trong 30 phút, sau đó chiết lấy nước và giữ trong ngăn làm mát của tủ lạnh; dùng nước này để xịt vào không khí sẽ giúp nhà cửa thơm mát hơn. Tuy vậy bản thân cây hương thảo hoặc là cành hương thảo đã cắt ra khỏi cây vẫn đạt được hiệu quả đuổi côn trùng. Bạn có thể đặt chậu cây hương thảo tại bệ cửa sổ, gần hồ cá, hoặc ở những nơi ẩm thấp mà muỗi ưa thích.

4.7 Cây bạc hà

Hương thơm mát dịu của bạc hà khiến chúng ta dễ chịu, nhưng nó lại gây khó chịu đối với một số côn trùng như muỗi, kiến và cả chuột. Do cây này có đặc điểm mọc lan ra xung quanh rất nhanh nên trồng bạc hà trong chậu để tiện đặt trong vườn hoặc hành lang.

Biện pháp sử dụng cây hương liệu để phòng trừ sâu hại ngày nay đang được sử dụng khá phổ biến, với tính chất an toàn và hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đây là một trong những biện pháp mà người canh tác hữu cơ nên áp dụng để kiểm soát sâu bệnh hại nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho sản phẩm.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết