Che phủ đất – biện pháp vàng giúp bảo vệ đất trồng

1797 lượt xem

Trong nông nghiệp, để cây trồng đạt năng suất cao, khỏe mạnh và chống chịu tốt với tác nhân bên ngoài thì vấn đề ưu tiên hàng đầu là chăm sóc đất và tạo môi trường tốt nhất cho rễ cây phát triển. Vai trò của đất trồng quan trọng là thế, nhưng trong nhiều năm trở lại đây, đất trồng lại phải đứng trước tình trạng bạc hóa, kém dinh dưỡng và thoái hóa nghiêm trọng. Đặc biệt, che phủ đất chính là biện pháp vàng giúp bảo vệ đất trồng hiệu quả nhất.

Đã bao giờ bạn thắc mắc, những cánh rừng mưa nhiệt đới dù không được bón phân đầy đủ nhưng vẫn luôn duy trì được độ phì cao và hệ sinh thái bền vững. Nguyên nhân chính nằm ở thảm thực vật bảo vệ và che phủ nền đất. Cũng nhờ có sự che phủ của thảm thực vật mà đất không bị xói mòn, phần lớn nước mưa được rừng và đất rừng giữ lại, thiên tai lũ lụt cũng được giảm nhiều.

Cũng tương tự đối với việc canh tác nông nghiệp, che phủ đất là biện pháp giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn, hạn chế được sâu bệnh. Ở vụ Đông Xuân, khi nhiệt độ thấp, ít mưa, che phủ giúp giữ ấm, hạn chế bốc hơi nước, duy trì độ ẩm đất. Ở vụ Hè Thu, nhiệt độ và lượng mưa khá cao, che phủ đất lại có tác dụng thoát nước và làm mát cho bộ rễ.

12

1/ Lợi ích của việc che phủ đất

  • Đa dạng hóa các loại cây trồng, từ đó làm phong phú điều kiện sinh thái, hạn chế được các loại sâu hại và dịch bệnh
  • Là nơi trú ẩn của một số loại sinh vật, côn trùng có lợi cho đất và cây trồng
  • Tăng lượng cacbon và nitơ trong đất
  • Chống xói mòn
  • Giúp cây phát triển hệ rễ tốt hơn và có lợi cho quá trình hấp thu dinh dưỡng
  • Hạn chế sự phát triển của cỏ dại.
  • Tăng thu nhập từ các cây trồng phụ
  • Cung cấp cho đất lượng phân bón hữu cơ tự nhiên bằng rễ, xác bã thực vật
  • Hạn chế bốc hơi bề mặt, giữ ẩm cho đất

2/ Hình thức che phủ đất

Về cơ bản, việc che phủ đất có hai cách làm chính là che phủ bằng tàn dư thực vật như: rơm, rạ, cỏ, lá thân đậu … hoặc che phủ bằng thảm thực vật như: lạc dại, hàn the ba lá, muồng lá tròn kép, đậu mèo, đậu công, cốt khí,…

2.1 Che phủ bằng tàn dư thực vật

Biện pháp này có nhiều tác dụng như giữ ẩm, tăng hàm lượng hữu cơ thông qua sự phân hủy thực vật, hạn chế sự bốc hơi nước, rửa trôi. Theo các công trình nghiên cứu trên thế giới việc che phủ bằng tàn dư thực vật giúp năng suất tăng từ 18 – 50%.

Đối với vật liệu phủ, trước khi tiến hành phủ đất nên cắt nhỏ vừa phải để việc phân giải được dễ dàng hơn. Tuy nhiên không nên cắt quá nhỏ vì nếu việc phân giải chất hữu cơ diễn ra nhanh quá thì tác dụng ngăn chặn cỏ dại và xói mòn sẽ giảm. Khi che phủ nên làm đất tơi xốp trước, dọn cỏ, rải vôi, phân luống (rau, bắp), đắp mô (cây ăn trái).

Phủ kín mặt đất với bề dày 10 – 15 cm và chờ 10 – 15 ngày để lớp phủ xẹp xuống rồi tiến hành gieo thẳng qua lớp phủ. Hạn chế chính của việc tận dụng tàn dư thực vật là việc không cắt đứt được nguồn bệnh, đặc biệt là bệnh trong đất.

2.2 Che phủ bằng thảm thực vật

Có một số ưu điểm ở phương pháp này mà che phủ bằng tàn dư thực vật không có đó là: vừa dùng làm thảm che phủ nhưng có thể tận dụng làm thức ăn gia súc, tăng thêm thu nhập nhờ bán sản phẩm phụ, giúp rễ cây trồng chính thở (đất cây ăn trái trong mùa nước nổi).

Đặc biệt đối với đất đồi trọc, đất có độ dốc cao, trồng cây che phủ có tác dụng giảm 73-94% mức độ xói mòn do mưa, độ ẩm đất và độ xốp đất cải thiện lần lượt là 6% và 9,3% sau 3 năm trồng. Việc trồng thảm thực vật nên chọn cây đa tác dụng (che phủ kín, hạn chế côn trùng, …), sinh trưởng nhanh, sinh khối lớn, có bộ rễ khỏe và quan trọng là dễ kiểm soát.

Nhược điểm lớn nhất của phương pháp che phủ bằng thảm thực vật là vấn đề cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng chính trong thời gian đầu, người sản xuất cần chăm bón và phòng trừ sâu bệnh cho cả 2 loại cây.

Một số ứng dụng việc trồng cây che phủ ở các nước:

  • Ở Indonesia: trong những năm gần đây, cây lạc dại dần được phổ biến rộng rãi do có thể làm thức ăn cho bò và dê. Người sản xuất kết hợp trồng cây che phủ đất với chăn nuôi gia súc, họ xem đây là nguồn thu nhập phụ đáng kể cho nông trại.
  • Ở Malaysia: trồng cây che phủ được áp dụng trong các vườn tiêu sử dụng nọc chết nhằm hạn chế cỏ dại, xói mòn, cải thiện độ phì cho đất và dự án này được chính phủ tài trợ. Hai loại thực vật được sử dụng là Centrosema pubescens (một loại cỏ họ đậu) và lạc dại. Sau 6 tháng, chi phí làm cỏ giảm do che phủ hầu hết mặt đất.

11

3/ Lạc dại – loại cây điển hình và phổ biến cho phương pháp che phủ đất

Trong các phương pháp che phủ đất, việc trồng lạc dại dưới gốc cây được áp dụng nhiều nhất bởi những ưu điểm mà nó mang lại như:

  • Khi cây ra hoa, đất được cung cấp một lượng đạm đáng kể, làm tăng độ phì đất đai.
  • Hoa vàng hấp dẫn được một số côn trùng có ích (thiên địch) để hạn chế sâu hại cây, làm tăng sự thụ phấn cho hoa cây.
  • Lạc dại che phủ nhanh chóng, khi đạt 90% diện tích vườn, cỏ dại hoàn toàn có thể được kiểm soát.
  • Vào mùa nắng, lạc dại giúp cho độ ẩm được giữ khá tốt, giảm chi phí tưới.
  • Vào mùa mưa, lạc dại có ảnh hưởng tốt phòng chống chống xói mòn đất, hạn chế được mầm bệnh từ đất.
  • Lạc dại còn là ký sinh chủ của rệp sáp giúp chia sẻ áp lực sâu hại cho cây trồng.

Để phát triển nông nghiệp một cách bền vững và hiệu quả, thì việc bảo vệ đất là vấn đề hết sức quan trọng. Biện pháp che phủ cho đất trồng là một trong những biện pháp hiệu quả, rẻ tiền, ít tốn công và lại thu được nhiều kết quả khả quan. Hy vọng, đây sẽ là một gợi ý lý thú cho khu vườn của bạn!

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (1 bình chọn)