Đất trồng bị thoái hóa: thực trạng, nguyên nhân và giải pháp

1919 lượt xem

1/ Thực trạng

Ngày nay đất trồng đang dần bị thay đổi về đặc tính và tính chất ban đầu theo chiều hướng xấu do tác động của điều kiện tự nhiên và con người. Hiện tại trên thế giới đang có khoảng 10-20% diện tích đất khô hạn đã bị suy thoái. Gần 1/3 diện tích đất trồng trọt của thế giới đã bị bỏ hoang trong 40 năm qua do xói mòn không thể sản xuất được. Tổng diện tích đất bị thoái hóa liên tục tăng theo các năm, đồng nghĩa với sự lớn dần về diện tích của các sa mạc, hoang mạc trên thế giới.

Đặc trưng tình trạng sa mạc hóa ở Việt Nam phân bố trên khắp đất nước, trong đó chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, miền núi. Đây là những vùng đất trống, đất cát ven biển và đất rừng nghèo đã và đang bị suy thoái. Tổng diện tích đất đai bị thoái hóa ở Việt Nam hiện nay đã lên tới 9,34 triệu ha. Nhiều vùng đất bị chua hóa, cạn kiệt dinh dưỡng trong đất, bạc màu khô hạn, xói mòn rửa trôi, xâm nhập mặn.

đất thoái hóa

2/ Nguyên nhân

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất bị thoái hóa bao gồm các yếu tố tự nhiên và con người.

2.1 Do tự nhiên

  • Vận động địa chất của trái đất: Sóng thần, núi lở, sông suối thay đổi dòng chảy,..
  • Do thay đổi thời tiết: Mưa, nắng, gió, bão,..

2.2 Do con người

  • Chặt đốt rừng làm nương rẫy

Đây là nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng xâm nhập và gia tăng mạnh mẽ diện tích đất thoái hóa, sa mạc hóa ở Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung.

  • Canh tác trên đất dốc lạc hậu: cạo sạch đồi, chọt lỗ bỏ hạt, không chống xói mòn

Canh tác bằng hình thức lạc hậu dẫn đến đất ngày càng bị thoái hóa, khai thác cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất mà không cải tạo đất. Các hệ sinh thái trong đất cũng như cấu trúc đất ngày càng bị phá hủy, càng ngày cây trồng không thể hấp thu được dinh dưỡng trong đất nữa.

  • Chế độ canh tác độc canh, bỏ hoang hóa, bón phân không hợp lý

Canh tác lâu năm một loại cây trồng trên một diện tích nhất định làm cho dinh dưỡng trong đất ngày càng mất đi, các loại dịch hại dần dần thích nghi với môi trường sống và phá hoại cây trồng. Ngoài ra, bón phân hóa học nhiều dẫn đến tồn dư các chất hóa học trong đất, dần dần cây trồng bị ngộ độc và không thể tồn tại được. Các chất hóa học ngấm sâu trong lòng đất gây biến đổi các đặc tính hóa, lý của đất. Làm cho độ phì và độ tơi xốp trong đất giảm, pH đất thiếu cân bằng.

Sau nhiều năm chỉ bón phân vô cơ, đất trồng vừa giảm năng suất do nghèo kiệt chất hữu cơ và mất cân đối dinh dưỡng, vừa gây độc cho sản phẩm nông nghiệp. Khi bón các loại phân vô cơ vào đất, chính là đưa các muối khoáng vào dung dịch đất một cách không hợp lý trong thời gian dài, làm cho đất mất kết cấu tự nhiên vốn có.

  • Đất bị thoái hóa do ô nhiễm các vi sinh vật, tuyến trùng

Do canh tác độc canh, sử dụng nhiều sản phẩm hóa học nên quần thể vi sinh vật trong đất thay đổi. Nhiều loài vi sinh vật có lợi bị tiêu diệt. Hình thành nhiều quần thể có hại cho đất và cây trồng.

3/ Giải pháp

3.1 Bảo vệ và trồng rừng

Qua đó cần quản lý nguồn nước, điều tiết nguồn nước tưới một cách hợp lý, tăng mật độ cây xanh, trồng rừng và bảo vệ rừng để làm tăng nguồn nước ngầm, chống xói mòn. Tránh trực di các chất dinh dưỡng trong đất và bảo vệ cấu trúc đất. Ngăn chặn các hoạt động khai thác rừng bừa bãi và các hoạt động đốt rừng thông qua việc kiểm soát các hoạt động đốt rừng làm nương rẫy.

3.2 Tưới tiêu hợp lý

Nhằm bảo vệ nguồn nước và điều tiết nguồn nước tập trung, dự trữ nước cho mùa khô hạn và hạn chế được hiện tượng lũ lụt nên xây dựng hệ thống tưới tiêu nước và kỹ thuật tưới nước hợp lý. Đây là biện pháp rất quan trọng trong việc phục hồi khả năng sản xuất và tăng độ phì nhiêu của đất đã bị thoái hóa.
Kỹ thuật tưới tiêu nước cũng rất quan trọng. Nhìn chung, do đặc tính vật lý của các loại đất này phần lớn là kém, khả năng giữ nước giữ ẩm kém, nên cần áp dụng các kỹ thuật tưới đảm bảo đưa lượng nước cho đất. Mặc khác, tránh tạo dòng chảy trên bề mặt. Như vậy, vừa sử dụng được lượng nước hữu hiệu cho cây, vừa giữ ẩm cho đất, tránh được sự thất thoát nước trên bề mặt, cũng như xói mòn và rửa trôi đất khi tưới.

3.3 Trồng cây che phủ

Trồng cây che phủ giúp hạn chế sự bốc thoát hơi nước, giữ độ ẩm cho đất. Đặc biệt trong trồng trọt, việc trồng cây che phủ là vô cùng quan trọng giúp bảo vệ hệ sinh thái đất, bảo vệ cây trồng khỏi tác động xấu của tự nhiên.

đất thoái hóa

3.4 Luân canh cây trồng

Luân canh các loại cây trồng khác nhau trên một diện tích đất trồng nhằm hạn chế việc cạn kiệt chất dinh dưỡng trong đất. Bằng việc trồng luân canh với các loại cây có khả năng cung cấp lại dinh dưỡng cho đất sẽ giúp bảo vệ đất trồng khỏi bị thoái hóa và bổ sung lại các dinh dưỡng trong đất bị mất đi do cây trồng hấp thu qua quá trình canh tác.

3.5 Bổ sung các chất hữu cơ cho đất

Ngày nay đất trồng đang dần bị thoái hóa và mất dần đi cấu trúc cũng như chất mùn trong đất. Bón phân hữu cơ một phần giúp cung cấp dinh dưỡng lại cho đất một phần cải thiện cấu trúc đất, làm cho môi trường đất trở nên khỏe mạnh, giúp bổ sung các vi sinh vật cho đất làm cho cây trồng có thể phát triển tốt.

Đất trồng đang dần bị thoái hóa, điều đó cho thấy các hệ sinh thái tự nhiên đang bị đe dọa. Trước thực trạng rừng đang bị phá hủy, môi trường đất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các hoạt động canh tác lạc hậu cũng như việc sử dụng quá mức các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Trước tình hình đó chúng ta cần đưa ra những giải pháp tốt nhất nhằm cải thiện lại đất đã bị thoái hóa.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
4.9/5 - (50 bình chọn)