Chuối cau là giống chuối đặc trưng tại Việt Nam, nổi bật với quả nhỏ, thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Với nhu cầu tiêu thụ lớn và kỹ thuật trồng không quá phức tạp, cây chuối cau đang dần trở thành lựa chọn kinh tế của nhiều nông hộ. Trong bài viết này, SFARM sẽ giúp bà con tìm hiểu chi tiết các bước trồng và bón phân hữu cơ chuối cau đúng kỹ thuật để đạt năng suất tối ưu. Cùng tìm hiểu ngay!
1. Giới thiệu về chuối cau
Chuối cau là một trong những giống chuối đặc sản phổ biến tại Việt Nam, được ưa chuộng nhờ hình dáng nhỏ nhắn, vị ngọt đậm và mùi thơm dễ chịu. Đây là loại trái cây không chỉ xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày mà còn mang lại giá trị nông sản cao cho bà con nông dân.
Về hình thái, cây chuối cau có thân giả thẳng, lá xanh đậm, tán lá gọn và phù hợp với nhiều mô hình canh tác. Nhờ khả năng thích nghi tốt với khí hậu nhiệt đới, cây chuối cau được trồng rộng rãi từ Bắc vào Nam.
Quả chuối cau thường ngắn, mập, có độ cong nhẹ, vỏ mỏng và chuyển màu vàng ươm khi chín. Phần thịt chuối mềm dẻo, vị ngọt thanh khi chín, rất được ưa chuộng tại các vùng nông thôn lẫn thành thị.
So với các loại chuối khác như chuối tiêu, chuối sứ hay chuối ngự, chuối cau nổi bật nhờ kích thước nhỏ gọn, thời gian thu hoạch ngắn và giá trị thương phẩm cao. Ngoài ra, chuối cau còn dễ tiêu thụ nhờ hình thức bên ngoài đẹp, dễ đóng gói và bảo quản.

2. Các giống chuối cau phổ biến hiện nay
Chuối cau có nhiều giống khác nhau, mỗi loại mang một đặc điểm riêng về hình dáng, hương vị và khả năng thích nghi với vùng trồng. Việc lựa chọn đúng giống chuối cau không chỉ giúp cây sinh trưởng khỏe mà còn nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế. Cùng SFARM điểm qua một số giống chuối cau được trồng phổ biến hiện nay nhé!
2.1. Chuối cau lửa
Chuối cau lửa là giống được nhiều nông dân ưa chuộng nhờ vào màu sắc bắt mắt và hương vị thơm ngọt. Nguồn gốc của chuối cau lửa đến từ tỉnh Đồng Tháp. Quả chuối cau lửa khi chín có màu đỏ hơi tím nhẹ, vỏ hơi dày nhưng phần thịt lại mềm ngọt.
Chuối cau là giống cây dễ trồng, khả năng thích ứng tốt với nhiều điều kiện khí hậu và đất đai. Tuy nhiên, để cây phát triển khỏe mạnh và cho năng suất cao, nên trồng ở những vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm, đất tơi xốp, thoát nước tốt. Các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và một số vùng miền Trung là nơi đặc biệt thích hợp để phát triển giống chuối này.
Với thời gian thu hoạch ngắn và khả năng thích nghi tốt, chuối cau lửa rất phù hợp để canh tác và xuất khẩu trong và ngoài nước.

2.2. Các loại chuối cau khác thường gặp
– Gợi ý giống theo vùng miền, mục đích trồng (ăn trái, làm cảnh…)
Chuối cau lùn:
Chuối cau lùn là giống phổ biến được trồng tại miền Tây Nam Bộ. Giống này có thân thấp, chỉ cao khoảng 1.5–2m, bẹ xanh nhạt. Quả chuối nhỏ, ngắn, khi chín có màu vàng đậm và vị rất ngọt. Loại này thích hợp trồng ở vùng đất phù sa, dễ thu hoạch do chiều cao cây thấp. Người dân thường trồng để ăn hoặc bán lẻ tại chợ.
Chuối cau rừng:
Đây là giống chuối mọc tự nhiên trong rừng hoặc được bà con trồng xen trong nương rẫy. Chuối cau rừng thường được phân bổ ở Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc. Cây thường thấp, chịu được điều kiện khắc nghiệt, không cần chăm sóc nhiều. Quả nhỏ, có vị ngọt nhẹ. Chuối cau rừng chủ yếu dùng trong sinh hoạt hàng ngày hoặc phục vụ khách du lịch khi tham quan địa phương.
Chuối cau trồng làm cảnh:
Chuối cau cảnh thường nhỏ gọn, dễ trồng nên được ưa chuộng trồng trong sân vườn làm cảnh. Loại này có thể ra hoa và quả nhỏ, tuy nhiên chủ yếu trồng để trang trí. Cây dễ sống, phù hợp với môi trường đô thị, biệt thự sân vườn.

3. Kỹ thuật trồng chuối cau đúng chuẩn
Trồng chuối cau đúng kỹ thuật là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng trái. Dưới đây là phương pháp kỹ thuật trồng chuối cau chi tiết cho bạn.
3.1. Thời vụ trồng chuối cau
Chuối cau có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên. thời điểm thích hợp để trồng là vào đầu mùa mưa. Lúc này, độ ẩm không khí và lượng nước trong đất giúp cây con phục hồi nhanh, bén rễ mạnh và hạn chế tỷ lệ chết giống.
Tại đồng bằng Bắc bộ nên trồng từ tháng 9 đến 11. Các vùng miền còn lại có thể trồng từ tháng 6 đến 8, tránh các đợt mưa lớn kéo dài hoặc giai đoạn khô hạn gay gắt.
3.2. Chuẩn bị đất trồng
Cây chuối cau ưa đất phù sa, thịt nhẹ, tơi xốp, giàu mùn và thoát nước tốt. Hoặc những vùng đất cao, dễ thoát nước như đất đồi. Độ pH lý tưởng từ 5.5 đến 6.8, cây vẫn có thể thích nghi trong khoảng từ 4.0 đến 8.0. Chuối cần được cung cấp các khoáng chất trong đất như Ca, Mg, N, P, K, trong đó 2 yếu tố chính cần thiết là N và K.
Cách xử lý đất trước khi trồng
Trước khi trồng, đất cần được cày bừa kỹ, xử lý cỏ dại và bón vôi khử chua. Đất cần cày sâu 30 cm, cày 2 lần, lần 2 vuông góc với lần 1. Chia lô chống cháy mùa khô nếu đất rộng.
Đào hố và bón phân: Đào hố trồng kích thước 40–60cm. Tiếp đến trộn tro trấu, phân chuồng cùng với lớp đất mặt, lấp đầy hố. Trước khi trồng 20 ngày, dùng 0,5 kg vôi bột xử lý hố trồng. Sau đó bón lót bằng hỗn hợp phân chuồng hoai mục, tro trấu, vôi và supe lân, sau đó lấp đất lại trước 10–15 ngày.

3.3. Mật độ và khoảng cách trồng
Đối với chuối cau, giống chuối thấp cây nên có thể trồng dày. Tuy nhiên, phải chọn cây con đồng đều để khoảng cách trồng phù hợp giúp cây có đủ ánh sáng và dinh dưỡng để phát triển. Khoảng cách trồng phù hợp của chuối cau là 2x2m, trồng theo hình chữ nhật.
Trên đất màu mỡ, nên trồng với khoảng cách 3×4 m (khoảng 830 cây/ha). Đất trung bình nên trồng 3×3 m (khoảng 1.100 cây/ha). Đất xấu có thể trồng 2×2,5 m để tận dụng diện tích và cạnh tranh dinh dưỡng hiệu quả.

3.4. Cách trồng cây chuối cau
Xử lý giống trước khi trồng
Việc xử lý giống trước khi trồng là bước quan trọng giúp loại bỏ sâu bệnh, kích thích rễ phát triển và nâng cao tỷ lệ sống của cây sau khi xuống giống.
Với giống tách cây con:
- Chọn cây mẹ có năng suất và trái ra ổn định, chất lượng. Ưu tiên những cây con cao từ 70–80 cm, thân mập, không sâu bệnh, có từ 4–6 lá thật.
- Dùng dao sắc cắt bỏ phần rễ thối, lá già và gọt sạch phần rễ còn lại trên củ. Cắt bớt 2/3 số lá ngoài, chỉ giữ lại lá cuốn trung tâm để hạn chế mất nước.
- Ngâm phần gốc vào dung dịch thuốc diệt khuẩn như Benlat C hoặc Bordeaux 2% từ 15–20 phút. Sau đó đặt cây vào nơi mát, khô ráo từ 1–2 ngày để vết cắt khô lại, rồi mới đem trồng.
Với giống cấy mô
- Chọn cây cao từ 25–35 cm, thân cứng cáp, đường kính tối thiểu 1.5 cm, có ít nhất 6 lá thật, không sâu bệnh.
- Nên nhúng gốc vào dung dịch kích rễ hoặc thuốc trừ nấm sinh học trước khi đem ra vườn. Cây giống cấy mô nên được tập huấn từ bầu trước khi trồng ra đất, tránh sốc môi trường.
Kỹ thuật trồng
Để cây chuối cau sinh trưởng mạnh, hạn chế sâu bệnh và đạt năng suất cao, người trồng cần thực hiện đúng kỹ thuật trồng từ khâu đặt cây đến lấp đất và tưới nước ban đầu.
- Sau khi đã xử lý đất và bón lót xong, dùng cuốc khoét một hố chính giữa hố lớn, sâu hơn chiều cao của bầu cây khoảng 3cm. Đối với cây chuối cau cấy mô, đặt bầu cây xuống nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bầu đất.
- Khi đặt cây vào hố, cần giữ cho cây đứng thẳng, không bị nghiêng để tránh đổ ngã sau này. Vừa lấp đất vừa dùng tay hoặc chân giậm nhẹ để đất ôm sát gốc, giúp giữ ẩm và hạn chế rễ bị lỏng.
- Sau khi lấp đất xong, lớp đất nên phủ cao hơn cổ gốc khoảng 5–6cm, đảm bảo phần thân ngầm được che phủ kín.
- Một lưu ý quan trọng là không nên nén đất quá chặt sát thân cây, tránh làm dập bẹ thân giả khiến cây khó phát triển. Tốt nhất là nén đất theo hướng song song với thân cây hoặc dậm nhẹ xung quanh để cố định cây.
Ngay sau khi trồng, cần tưới đẫm nước để giúp đất tiếp xúc tốt với rễ và tạo điều kiện cho cây phục hồi nhanh. Trong vài ngày đầu, nên che nắng nhẹ hoặc trồng xen cây thấp để hạn chế nắng gắt ảnh hưởng đến cây con.

4. Chăm sóc cây chuối cau sau trồng
Chăm sóc đúng cách sẽ giúp cây sinh trưởng tốt, kháng bệnh cao và cho năng suất ổn định. Dưới đây là các bước chăm sóc cây chuối cau sau trồng.
4.1. Bón phân cho cây chuối cau
Lịch bón phân: phân chuồng, NPK, hữu cơ, vi sinh
Bà con nông dân cần phải quản lý và bón phân theo kế hoạch để đảm bảo sự phát triển và năng suất của cây chuối. Mỗi năm, lượng phân trung bình cho 1 ha chuối là: 1650kg đạm, 880kg lân và 3120 kg Kali.
Liều lượng, thời điểm từng giai đoạn phát triển
Chuối cần được bón phân theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Bón lót
Sau khi trồng cây xuống hố và lấp đất, tiến hành bón lót để tạo nền dinh dưỡng cho cây phát triển. Mỗi gốc chuối nên bón từ 10–15 kg phân chuồng hoai mục, kết hợp với 60g Urea, 145g SA, 200g Supe lân và 200g KCL.
Đào một rãnh tròn cách gốc cây khoảng 20–30 cm, rắc đều hỗn hợp phân vào rãnh, sau đó lấp đất lại, phủ thêm lớp rơm rạ giữ ẩm và tưới nhẹ để kích thích rễ hấp thụ dưỡng chất.
Bón thúc
Đối với vụ đầu tiên sau khi trồng, quy trình bón phân được chia thành 6 lần, mỗi tháng bón một lần. Tỷ lệ NPK được sử dụng lần lượt là 15-50-10, 15-20-15, 20-20-15, 20-10-20, 15-0-20, và 15-0-20. Bón thúc được chia làm 3 đợt chính theo từng giai đoạn sinh trưởng:
- Lần 1: Sau trồng khoảng 1,5–2 tháng, bón 500g phân NPK (12:8:12) cho mỗi gốc. Rắc đều quanh gốc, lấp đất, phủ rơm để giữ ẩm. Nếu đất chua rắc thêm ít vôi bột.
- Lần 2: Bón vào khoảng tháng thứ 5, tức là 1 tháng trước khi cây trổ buồng.
- Lần 3: Bón 1 tháng sau khi cây ra buồng để nuôi trái.
Ở lần 2 và 3, sử dụng 100g đạm + 200g kali cho mỗi gốc. Trộn đều, rải quanh gốc rồi tưới nước nhẹ. Nếu trồng diện tích lớn, có thể hòa phân vào bể nước và sử dụng máy bơm để tưới đồng đều.
Tham khảo thêm một số loại phân hữu cơ nhiều thành phần dinh dưỡng của SFARM.
4.2. Tưới nước hợp lý
Trong 2 tuần đầu sau trồng, cần tưới nước mỗi ngày để giữ ẩm cho cây. Khi cây trưởng thành, hệ rễ phát triển đủ mạnh chỉ cần tưới 2 lần/tuần là đủ. Mùa mưa cần đảm bảo thoát nước tốt để tránh ngập úng gây thối rễ.
4.3. Các kỹ thuật chăm sóc khác
Trồng dặm cây non
Sau khi trồng khoảng một tháng nếu cây kém phát triển thì phải trồng dặm lại bằng những cây tốt để phát triển kịp những cây trồng trước cho đồng đều vườn. Dùng dao chặt ngang thân cây cách gốc 20 – 30cm đối với cây mọc kém, chặt ngang thân giúp lá non dễ mọc hơn.
Cắt tỉa lá già, tỉa quả non
Thường xuyên cắt bỏ lá úa để tập trung dinh dưỡng cho quả và giảm nguồn bệnh.
Sau khi cây chuối cau trổ hoa và hình thành khoảng 10–13 nải mỗi buồng, người trồng cần bẻ bắp và tỉa bớt quả non để tập trung dinh dưỡng cho các nải còn lại. Việc tỉa nên thực hiện vào buổi chiều nắng ráo, tránh trời mưa để hạn chế chảy nhựa.
Khi cắt, nên dùng dao sắc để tạo vết cắt gọn. Sau khi tỉa xong, có thể bôi tro bếp sạch vào vết cắt để sát trùng, giúp vết thương mau khô, hạn chế chảy nhựa và ngăn nấm bệnh xâm nhập.
Làm cây chống buồng
Khoảng 1 tháng sau khi cây ra buồng, trọng lượng của buồng chuối bắt đầu tăng, khiến cây dễ bị đổ ngã nếu gặp gió mạnh hoặc mưa lớn. Lúc này, việc làm cây chống buồng là cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả cây và trái.
Cách làm đơn giản: Bà con chuẩn bị 2 cây tre hoặc gỗ chắc, buộc chéo bằng dây kẽm hoặc thép để tạo thành khung chữ X. Đặt khung vào vị trí giữa thân cây và cuống buồng, rồi cố định thêm một thanh ngang nối hai chân chống để tạo điểm tựa. Cuối cùng, dùng dây mềm buộc nhẹ cuống buồng vào thanh gỗ để buồng chuối được giữ chắc chắn, không bị gãy.
5. Phòng trừ sâu bệnh hại ở cây chuối cau
Trong quá trình canh tác, cây chuối cau dễ bị tấn công bởi nhiều loại sâu bệnh nếu không được theo dõi và xử lý kịp thời. Dưới đây là một số bệnh hại và cách phòng trừ:
Sùng đục củ
Đây là loại ấu trùng màu trắng, thường đục khoét bên trong củ chuối. Dấu hiệu nhận biết là chất thải màu vàng nâu, làm củ bị thối, cây sinh trưởng yếu, buồng nhỏ và trái lép.
Cách xử lý: Thường xuyên vệ sinh vườn, rải Furadan hoặc Basudin quanh gốc chuối. Có thể dùng bả mồi tự nhiên như thân chuối bổ đôi úp xuống đất để thu hút và tiêu diệt thành trùng.

Sâu cuốn lá
Sâu non có màu trắng phấn, tấn công lá bằng cách cuốn lại rồi làm tổ bên trong. Gây hại nặng vào đầu và cuối mùa mưa, đặc biệt trên các vườn chuối rậm rạp.
Cách xử lý: Cắt bỏ các lá bị cuốn, tiêu hủy triệt để để ngăn sâu phát triển. Kết hợp chăm vườn thông thoáng và tỉa lá đúng thời điểm.

Bù lạch (ghẻ chuối)
Côn trùng nhỏ màu nâu hoặc đen, tập trung ở lá bắc và chích hút trái non. Gây ra các vết đốm nâu, khiến vỏ trái xấu, khó xuất khẩu.
Cách xử lý: Phun thuốc trừ sâu sinh học như Decis hoặc Sherpa 25EC vào thời điểm cây vừa trổ hoa và giai đoạn trái còn nhỏ.

Tuyến trùng
Tuyến trùng tấn công rễ, gây hiện tượng vỡ tế bào và làm rễ thối đen. Tuyến trùng khiến cây phát triển chậm, trái lép và dễ ngã đổ.
Cách xử lý: Chọn giống sạch bệnh, xử lý đất trước khi trồng. Nếu phát hiện bệnh, cần loại bỏ cây bị nhiễm và rải Furadan hoặc Basudin với liều lượng 20–30kg/ha.

Bệnh đốm lá Sigatoka
Hai loại bệnh phổ biến là Sigatoka vàng và Sigatoka đen, gây đốm bầu dục màu nâu trên lá, viền vàng rõ. Bệnh phát triển mạnh trong mùa mưa và làm giảm khả năng quang hợp của cây.
Cách xử lý: Cắt bỏ lá bệnh và đem tiêu hủy. Phun thuốc phòng như Bordeaux 2% hoặc Benomyl định kỳ 2–4 tuần/lần trong mùa mưa.

Bệnh chùn đọt
Biểu hiện là cây có nhiều lá mọc chụm lại ở ngọn, lá nhỏ, ngắn cuống, bìa lá cong và vàng. Trên phiến lá thường xuất hiện các sọc xanh nhạt chạy dọc theo gân phụ. Bệnh lây qua con giống không sạch, hoặc qua trung gian như rầy mềm Pentalonia nigronervosa, tuyến trùng.
Cách xử lý: Cần loại bỏ cây bệnh, chọn giống sạch, phun thuốc trừ côn trùng định kỳ và theo dõi thường xuyên vườn chuối để phát hiện kịp thời.

6. Thu hoạch và bảo quản chuối cau
Chuối cau có thể thu hoạch sau 8–10 tháng kể từ lúc trồng. Từ khi trổ buồng đến thu hoạch khoảng 60–90 ngày tùy giống và điều kiện canh tác.
Khi vỏ quả chuyển vàng nhạt, các cạnh tròn đều và no đầy là lúc thích hợp để thu hoạch. Cắt buồng nhẹ nhàng, tránh trầy xước. Sau đó, nhúng nải chuối vào dung dịch Tecto 0,2%, để ráo rồi đóng gói bằng thùng giấy, bảo quản nơi thoáng mát.

7. Gợi ý mô hình trồng chuối cau hiệu quả kinh tế
Chuối cau không chỉ dễ trồng, dễ chăm mà còn là loại cây mang lại lợi nhuận ổn định nếu áp dụng mô hình trồng phù hợp. Tùy vào điều kiện đất đai, quy mô canh tác và mục tiêu đầu ra, bà con nông dân có thể lựa chọn các mô hình sau:
Trồng chuyên canh tập trung
Đây là mô hình được áp dụng phổ biến ở các vùng có diện tích đất lớn như miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên. Người trồng đầu tư chuyên sâu vào một giống chuối cau, áp dụng đồng bộ kỹ thuật từ khâu làm đất, bón phân, tưới tiêu cho đến chăm sóc – phòng bệnh.
Ưu điểm của mô hình chuyên canh là dễ quản lý, đồng đều về chất lượng và sản lượng. Ngoài ra, khi đầu ra ổn định, mô hình này còn tạo điều kiện xuất khẩu hoặc cung cấp cho hệ thống siêu thị.
Trồng xen canh – luân canh
Với các hộ có diện tích đất vừa phải, trồng chuối cau xen canh với cây ngắn ngày hoặc cây họ đậu như: đậu phộng, rau màu hoặc các loại cây phủ đất sẽ giúp tận dụng tối đa tài nguyên đất. Mô hình này vừa cải tạo đất tự nhiên, vừa giảm áp lực sâu bệnh và tăng thu nhập từ nhiều nguồn.
Ngoài ra, việc luân canh chuối cau sau một vài năm trồng liên tục sẽ giúp đất được nghỉ và tái tạo dinh dưỡng, từ đó duy trì năng suất ổn định trong thời gian dài.
Trồng kết hợp du lịch sinh thái, mô hình trải nghiệm
Ở các vùng có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, người trồng có thể kết hợp chuối cau trong các mô hình farmstay, nông trại trải nghiệm. Với ngoại hình đẹp, dễ chăm, buồng sai và có thể trồng xen, chuối cau là lựa chọn lý tưởng cho cảnh quan nông trại.
Du khách có thể tự tay thu hoạch, tìm hiểu quy trình chăm sóc hoặc thưởng thức món ăn chế biến từ chuối ngay tại chỗ. Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và tạo thêm nguồn thu.
Phân tích sơ bộ chi phí – lợi nhuận
Lưu ý: Giá bán và chi phí được tham khảo và cập nhật theo mặt bằng chung thị trường nông sản năm 2025. Con số thực tế có thể thay đổi tùy vào thời điểm và khu vực sản xuất.
Với mô hình trồng 1 ha chuối cau, chi phí đầu tư ban đầu bao gồm cây giống, phân bón, tưới tiêu và công chăm sóc dao động khoảng 50–70 triệu đồng.
Sau khoảng 8–10 tháng, mỗi ha có thể thu hoạch từ 25–30 tấn quả, với giá bán trung bình 12.000 – 14.000 đồng/kg, doanh thu có thể đạt từ 125 – 250 triệu đồng/ha/năm.
Chuối cau không chỉ là loại cây trồng quen thuộc trong đời sống người Việt mà còn mang lại tiềm năng kinh tế lớn nếu áp dụng đúng kỹ thuật và mô hình phù hợp.
Hy vọng bài viết về kỹ thuật trồng chuối cau từ SFARM đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích và dễ áp dụng. Đừng quên theo dõi SFARM Blog để cập nhật thêm nhiều kiến thức nông nghiệp hay ho và các sản phẩm chăm sóc cây trồng chất lượng nhé!
Xem thêm:
- Kỹ thuật trồng cây chuối chuẩn khoa học, năng suất, sai trĩu quả
- Kỹ thuật trồng chuối già lùn Nam Mỹ sai trĩu quả
- Cây chuối cảnh: Đặc điểm, cách trồng và chăm sóc chuẩn, đúng kỹ thuật
- Kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây khỏe, tươi tốt đơn giản
- Thế nào là kết hợp các loại cây trồng một cách hợp lý?
SFARM – Đặng Gia Trang vinh hạnh là nhà cung cấp tin cậy các sản phẩm vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh học của hơn 1500 đại lý, cửa hàng trên toàn quốc. Mời quý Khách hàng liên hệ thông tin sau để đội ngũ SFARM có thể nhanh chóng hỗ trợ:
– Website: https://sfarm.vn/
– Hotline: 0902652099
– Zalo: CSKH SFARM – 0902652099