Các tiêu chí cơ bản trong canh tác hữu cơ

1628 lượt xem

Phong trào làm nông nghiệp hữu cơ đang lên cao trong những năm trở lại đây, đặc biệt là các loại rau ăn sống mà không qua sơ chế như: xà lách, cải xanh, diếp cá, rau thơm,…. Những “thương hiệu hữu cơ” dần mọc lên như nấm mọc sau mưa để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Do đó cần phải có tiêu chí canh tác hữu cơ để có thể phát triển sản phẩm đạt chất lượng nhất.

Việc sản xuất hữu cơ không phải đơn giản mà phải tuân theo nhiều điều kiện nghiêm ngặt như vị trí trồng, cách thức canh tác, giống,…Hiện hay, bộ tiêu chuẩn và chứng nhận phổ biến nhất đang được dùng tại nước ta là bộ tiêu chuẩn của Hệ thống đảm bảo có sự tham gia ( PGS) phát triển dưới sự hợp tác của ADDA và Hội Nông dân Việt Nam.

Hệ thống tiêu chuẩn này mặc dù được khởi đầu phát triển ở các quốc gia khác như Brazil, New Zealand, Ấn Độ, Mĩ,… nhưng để thực hiện tại Việt Nam, đã có những điều chỉnh dựa trên hoàn cảnh địa phương, những điều kiện đặc biệt của nông dân và nhu cầu của người tiêu dùng.

Hệ thống đánh giá này bao gồm 6 nguyên tắc chung và 22 tiêu chí cơ bản trong sản xuất. Trong đó, 6 nguyên tắc chung gồm:

  • Tin tưởng nhau
  • Minh bạch
  • Cùng hợp tác và cùng chịu trách nhiệm
  • Phát triển
  • Chia sẻ niềm tin “Thức ăn lành cho cuộc sống khỏe mạnh”
  • Quan tâm về “đời sống nông thôn”

tiêu chí canh tác hữu cơ

Cụ thể, PGS đã đề ra 22 tiêu chí cụ thể, chi tiết và nghiêm ngặt cần thực hiện trong canh tác hữu cơ gồm:

  1. Nguồn nước được sử dụng trong canh tác hữu cơ phải là nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm (theo quy định trong tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn của TCVN 5942-1995)
  2. Khu vực sản xuất hữu cơ phải được cách ly tốt khỏi các nguồn ô nhiễm như các nhà máy, khu sản xuất công nghiệp, khu vực đang xây dựng, các trục đường giao thông chính…
  3. Cấm sử dụng tất cả các loại phân bón hóa học trong sản xuất hữu cơ.
  4. Cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
  5. Cấm sử dụng các chất tổng hợp kích thích sinh trưởng.
  6. Các thiết bị phun thuốc đã được sử dụng trong canh tác thông thường không được sử dụng trong canh tác hữu cơ
  7. Các dụng cụ đã dùng trong canh tác thông thường phải được làm sạch trước khi đưa vào sử dụng trong canh tác hữu cơ.
  8. Nông dân phải duy trì việc ghi chép vào sổ tất cả vật tư đầu vào dùng trong canh tác hữu cơ.
  9. Không được phép sản xuất song song: Các cây trồng trong ruộng hữu cơ phải khác với các cây được trồng trong ruộng thông thường.
  10. Nếu ruộng gần kề có sử dụng các chất bị cấm trong canh tác hữu cơ thì ruộng hữu cơ phải có một vùng đệm để ngăn cản sự xâm nhiễm của các chất hóa học từ ruộng bên cạnh. Cây trồng hữu cơ phải trồng cách vùng đệm ít nhất là một mét (01 m). Nếu sự xâm nhiễm xảy ra qua đường không khí thì cần phải có một loại cây được trồng trong vùng đệm để ngăn chặn bụi phun xâm nhiễm. Loại cây trồng trong vùng đệm phải là loại cây khác với loại cây trồng hữu cơ. Nếu việc xâm nhiễm xảy ra qua đường nước thì cần phải có một bờ đất hoặc rãnh thoát nước để tránh bị xâm nhiễm do nước bẩn tràn qua.
  1. Các loại cây trồng ngắn ngày được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trọn vẹn một vòng đời từ khi làm đất đến khi thu hoạch sau khi thu hoạch có thể được bán như sản phẩm hữu cơ.
  2. Các loại cây trồng lâu năm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trọn một vòng đời từ khi kết thúc thu vụ trước cho đến khi ra hoa và thu hoạch vụ tiếp theo có thể được bán như sản phẩm hữu cơ.
  3. Cấm sử dụng tất cả các vật tư đầu vào có chứa sản phẩm biến đổi gen GMOs.
  4. Nên sử dụng hạt giống và các nguyên liệu trồng hữu cơ sẵn có. Nếu không có sẵn, có thể sử dụng các nguyên liệu gieo trồng thông thường nhưng cấm không được xử lý bằng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trước khi gieo trồng.
  5. Cấm đốt cành cây và rơm rạ, ngoại trừ phương pháp du canh truyền thống.
  6. Cấm sử dụng phân người.
  7. Phân động vật lấy vào từ bên ngoài trang trại phải được ủ nóng trước khi dùng trong canh tác hữu cơ.
  8. Cấm sử dụng phân ủ được làm từ rác thải đô thị.
  9. Nông dân phải có các biện pháp phòng ngừa xói mòn và tình trạng nhiễm mặn đất.
  10. Túi và các vật đựng để vận chuyển và cất giữ sản phẩm hữu cơ đều phải mới hoặc được làm sạch. Không được sử dụng các túi và vật đựng các chất bị cấm trong canh tác hữu cơ.
  11. Thuốc bảo vệ thực vật bị cấm trong canh tác hữu cơ không được phép sử dụng trong kho cất trữ sản phẩm hữu cơ.
  12. Chỉ được phép sử dụng các đầu vào nông dân đã có đăng ký với PGS và được PGS chấp thuận.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (6 bình chọn)