Các loại phân bón thường dùng hiện nay và công dụng của chúng

1398 lượt xem

Các loại phân bón như phân hữu cơ, phân vô cơ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và sinh trưởng của cây trồng. Cùng tìm hiểu các loại phân bón hiện nay, công dụng và vai trò của chúng với SFARM. Xem ngay bài viết dưới đây!

Phân bón là gì?

Phân bón là tên gọi chung của các chất hoặc hợp chất chứa một hay nhiều dưỡng chất thiết yếu, được sử dụng bằng cách bón vào đất hoặc phun lên lá. Mục đích của việc sử dụng các loại phân bón là cung cấp dinh dưỡng cần thiết để cây trồng sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ, xanh tốt, đạt năng suất cao.

Ngoài ra, các loại phân bón hiện nay còn có vai trò cải thiện các tính chất của đất, giúp đất trở nên màu mỡ, phì nhiêu và gia tăng hiệu quả canh tác.

Nhóm các loại phân bón vô cơ

Khái niệm phân bón vô cơ

Phân bón vô cơ (phân bón hóa học) là loại phân bón được sản xuất công nghiệp dưới dạng muối khoáng, chứa các nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu. Các loại phân bón này được sử dụng để cung cấp dinh dưỡng cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.

Ưu điểm và nhược điểm của phân bón vô cơ

Ưu điểm:

  • Các loại phân bón vô cơ có tỷ lệ dinh dưỡng cao, hiệu quả nhanh do dễ hòa tan, giúp cây trồng hấp thụ nhanh chóng.

Nhược điểm:

  • Thành phần dinh dưỡng hạn chế, chứa ít nguyên tố vi lượng cần thiết cho cây trồng. Đồng thời, các loại phân bón vô cơ dễ bay hơi, nhanh tan, dễ bị rửa trôi, gây thất thoát phân bón và lãng phí chi phí.
  • Bón lâu dài hoặc quá nhiều có thể làm đất thoái hóa, chai cứng, giảm độ pH, gây chua đất và tích tụ kim loại nặng.
  • Gây suy giảm mật độ vi sinh vật có lợi trong đất, làm ô nhiễm môi trường.
  • Lượng hóa chất dư thừa trong các loại phân bón vô cơ sau khi bón có thể gây hại cho sức khỏe con người và vật nuôi.
  • Các loại phân bón hóa học thúc đẩy cây phát triển nhanh nhưng không bền vững, ảnh hưởng đến năng suất lâu dài.
Các loại phân bón vô cơ 
Các loại phân bón vô cơ

Các loại phân bón hóa học thường dùng?

Dựa trên thành phần các nguyên tố dinh dưỡng khác nhau và tác dụng riêng biệt của từng loại, các loại phân bón hóa học được phân thành ba nhóm cơ bản, thường được gọi là phân đơn, bao gồm phân đạm, phân lânphân kali. Ngoài ra, còn các loại phân bón hóa học khác như phân hỗn hợp, phân phức hợp và phân vi lượng.

Phân đơn

Là các loại phân bón trong thành phần có yếu tố dinh dưỡng đa lượng N, P₂O₅ hữu hiệu hoặc K₂O hữu hiệu

Phân đạm

Phân đạm là loại phân bón hóa học phổ biến và được sử dụng rộng rãi hiện nay. Phân đạm đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích sự sinh trưởng của cây, giúp cây phát triển nhanh hơn và cho ra nhiều sản phẩm chất lượng như hạt, củ, hoặc quả.

Phân đạm cung cấp Nitơ cho cây dưới dạng ion Amoni (NH₄+) và Nitrat (NO₃-), và hàm lượng Nitơ trong phân sẽ quyết định mức độ dinh dưỡng của phân đạm.

Phân đạm Amoni

Phân đạm amoni là loại phân bón được sản xuất từ các muối amoni, điển hình là NH₄Cl, (NH₄)₂SO₄, và NH₄NO₃. Để điều chế loại phân này, người ta thường cho amoniac (NH₃) phản ứng với các axit tương ứng.

Ví dụ:
2NH₃ + H₂SO₄ → (NH₄)₂SO₄

Tính chất của phân đạm Amoni:

  • Dễ tan trong nước, giúp cây trồng hấp thụ nhanh chóng, nhưng cũng dễ bị rửa trôi bởi nước.
  • Phân này chứa gốc bazơ (NH₄⁺), khi gặp nước có xu hướng làm tăng độ chua của đất. Do đó, phân đạm amoni không thích hợp sử dụng trên đất chua.

Phân đạm Nitrat

Phân đạm nitrat là sản phẩm của các muối nitrat như NaNO₃ và Ca(NO₃)₂. Loại phân này được điều chế bằng cách cho axit nitric phản ứng với muối cacbonat.

Ví dụ:
CaCO₃ + 2HNO₃ → Ca(NO₃)₂ + CO₂ + H₂O

Tính chất của phân đạm nitrat:

  • Tan rất nhiều trong nước, đồng thời dễ chảy.
  • Khi bón, phân đạm nitrat nhanh chóng phát huy tác dụng đối với cây trồng, tuy nhiên, nó cũng rất dễ bị rửa trôi nếu gặp nước mưa.

Phân Ure

Phân Ure có công thức hóa học là (NH₂)₂CO, chứa tới 46% N, được xem là loại phân đạm tốt nhất hiện nay. Phân Ure được điều chế bằng cách cho amoniac (NH₃) phản ứng với CO₂ ở nhiệt độ 180 – 200 độ C và áp suất khoảng 200 atm.

Ví dụ:
CO₂ + 2NH₃ → (NH₂)₂CO + H₂O (ở nhiệt độ và áp suất cao)

Tính chất của phân Ure:

  • Ure là chất rắn màu trắng, dễ tan trong nước và cũng dễ bị chảy nước, giống như các loại phân bón đạm khác.
  • Trong đất, Ure bị phân hủy dưới tác dụng của vi sinh vật. Sản phẩm tạo ra là amoniac hoặc dần chuyển thành muối cacbonat khi gặp nước. Phản ứng phân hủy trong đất có thể là:
    (NH₂)₂CO + 2H₂O → (NH₄)₂CO₃
Các loại phân bón vô cơ thường được sử dụng
Các loại phân bón vô cơ thường được sử dụng

Phân lân

Bên cạnh phân đạm, phân lân cũng là một trong các loại phân bón hóa học quan trọng không thể thiếu trong nông nghiệp. Phân lân cung cấp photpho (P) cho cây trồng trong quá trình sinh trưởng, thúc đẩy các quá trình sinh hóa, trao đổi chất và năng lượng của cây.

Mức độ dinh dưỡng của phân lân phụ thuộc vào tỷ lệ phần trăm khối lượng của P₂O₅ trong thành phần phân bón. Nguyên liệu chính để sản xuất phân lân là apatit và quặng photphoric. Các loại phân lân phổ biến hiện nay là supephotphat và phân lân nung chảy.

Supephotphat

Supephotphat đơn: Thành phần chủ yếu gồm hai muối Ca(H₂PO₄)₂ (dễ tan) và CaSO₄ (không tan, làm đất rắn lại). Hàm lượng P₂O₅ trong supephotphat đơn dao động từ 14% đến 20%. Phân này được điều chế bằng cách cho bột quặng photphorit hoặc apatit tác dụng với axit sunfuric đặc theo phản ứng sau: Ca₃(PO₄)₂  + 2H₂SO₄ (đặc) → Ca(H₂PO₄)₂ + 2CaSO₄ (kết tủa)
Supephotphat kép: Chứa hàm lượng P₂O₅ từ 40% đến 50%, vì chỉ chứa Ca(H₂PO₄)₂. Phân này được điều chế qua hai giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Điều chế axit photphoric từ quặng photphorit và axit sulfuric đặc: Ca₃(PO₄)₂  + 3H₂SO₄ → 2H₃PO₄ + 3CaSO₄ (kết tủa)
    Giai đoạn 2: Cho axit photphoric tác dụng với apatit hoặc photphorit để tạo thành supephotphat kép: Ca₃(PO₄)₂  + 4H₃PO₄ → 3Ca(H₂PO₄)₂

Phân lân nung chảy

Phân lân nung chảy có thành phần chính là hỗn hợp photphat và silicat của canxi và magie. Phân này chứa từ 12% đến 14% P₂O₅ và chỉ thích hợp với loại đất chua. Do muối trong phân lân nung chảy không tan trong nước, nó phát huy tác dụng chủ yếu trên đất chua, nơi các thành phần không bị rửa trôi nhanh chóng.

Quá trình sản xuất phân lân nung chảy được thực hiện qua các bước sau:

Nung hỗn hợp: Hỗn hợp bột quặng apatit, đá xà vân và than cốc được nung ở nhiệt độ trên 1000 độ C trong lò đứng.

Làm nguội và nghiền: Sản phẩm nóng chảy sau đó được làm nguội nhanh bằng nước, sấy khô và nghiền thành bột để tạo thành phân lân nung chảy.

Phân Kali

Phân kali là loại phân bón hóa học cung cấp kali cho cây trồng dưới dạng ion K+, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình tạo ra chất xơ, chất đường và chất dầu.

Phân kail còn giúp cây tăng khả năng chịu hạn, chịu rét và chống lại sâu bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Phân kali thường được sử dụng kết hợp với các loại phân bón khác để tối ưu hóa sự phát triển của cây.

Hàm lượng dinh dưỡng trong phân kali được xác định dựa vào tỷ lệ phần trăm khối lượng K₂O có trong thành phần phân bón. Các muối KCl và K₂SO₄ là thành phần chủ yếu trong việc sản xuất phân kali. Bên cạnh đó, tro thực vật chứa K₂CO₃ cũng được sử dụng như một dạng phân kali tự nhiên, giúp cung cấp kali cho đất và cây trồng.

Phân hỗn hợp

Phân hỗn hợp, còn được gọi là phân NPK, là loại phân bón có thành phần chính bao gồm Nitơ, Photpho và Kali. Ví dụ, phân nitrophotka là hỗn hợp của KNO₃ và (NH₄)₂HPO₄. Tùy vào loại cây trồng và đặc điểm đất đai, người ta sẽ chọn loại phân có tỷ lệ N:P:K phù hợp để cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cây.

Phân hỗn hợp được tạo thành từ việc phối trộn hai hoặc nhiều loại phân vô cơ, bao gồm phân đa, trung và vi lượng. Quá trình phối trộn có thể thực hiện theo ba hình thức chính:

  • Trộn và ve thành viên.
  • Trộn các loại phân khô với nhau bằng phương pháp cơ giới.
  • Sản xuất phân hỗn hợp với nhiều yếu tố lỏng.

Phân phức hợp

Phân phức hợp là loại phân bón chứa hỗn hợp các chất được tạo thành đồng thời qua các phản ứng hóa học giữa các thành phần. Ví dụ, khi amoniac tác dụng với axit photphoric, sẽ thu được phân phức hợp amophot, chứa hỗn hợp các muối NH₄H₂PO₄ và (NH₄)₂HPO₄.

Loại phân này chứa ít nhất hai nguyên tố dinh dưỡng trở lên, được sản xuất bằng cách kết hợp các thành phần để tạo ra các phản ứng hóa học, từ đó tạo thành một hợp chất ổn định, có hàm lượng dưỡng chất cao.

Phân DAP (Diamon photphat)

Phân DAP (Diammonium Phosphate) chứa hai dưỡng chất chính là lân P₂O₅, chiếm từ 44-46%, và đạm (N), chiếm từ 16-18%. Loại phân này thích hợp sử dụng cho các loại đất phèn, đất bazan, vì cung cấp đồng thời cả đạm và lân cho cây.

Tuy nhiên, phân DAP không phù hợp để bón cho cây lấy củ, đất cát, đất bạc màu hoặc những khu vực đất thiếu kali.

Phân kali nitrat (KNO₃)

Đây là loại phân có giá trị cao, thích hợp để kích thích cây trồng ra hoa. Là loại phân kali phức hợp, có 45 – 46% trong thành phần là K₂O và 13% là đạm.

Phân vi lượng

Phân vi lượng giống như các loại phân bón hóa học khác, cung cấp các nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu như kẽm, bo, đồng, mangan, molipden,… giúp cây trồng tăng cường khả năng sinh trưởng, trao đổi chất và nâng cao hiệu quả quang hợp.

Phân vi lượng thường được bón với hàm lượng nhỏ, kết hợp cùng các loại phân bón hữu cơ hoặc các loại phân bón vô cơ. Tuy nhiên, hiệu quả của phân vi lượng chỉ rõ rệt khi áp dụng đúng liều lượng cho từng loại cây và loại đất, vì nếu sử dụng không hợp lý, phân vi lượng có thể gây hại cho cây.

Các loại phân bón vô cơ phổ biến
Các loại phân bón vô cơ phổ biến

Nhóm các loại phân bón hữu cơ

Khái niệm phân bón hữu cơ

Phân hữu cơ là những hợp chất có nguồn gốc từ tự nhiên, được sử dụng rộng rãi trong canh tác nông nghiệp. Các loại phân bón hữu cơ được tạo ra từ phân động vật, lá, cành cây, chất thải nhà bếp, chất thải sinh hoạt, bùn than, và các phụ phẩm từ nhà máy sản xuất thủy hải sản, nhằm mục đích:

  • Cung cấp chất mùn, chất hữu cơ: Giúp tăng độ phì nhiêu và màu mỡ cho đất.
  • Cung cấp dưỡng chất thiết yếu: Bao gồm đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng đa, trung và vi lượng cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Khác với các loại phân bón vô cơ (phân bón hóa học) các loại phân bón hữu cơ cung cấp một loạt các chất dinh dưỡng tự nhiên một cách cân bằng và lâu dài, góp phần cải thiện chất lượng đất và duy trì hệ sinh thái bền vững.

Phân loại phân bón hữu cơ

Phân bón hữu cơ được chia thành hai nhóm chính: phân hữu cơ truyền thốngphân hữu cơ chế biến công nghiệp. Cùng tìm hiểu các loại phân bón hữu cơ ngay dưới đây: 

Phân hữu cơ truyền thống có nguồn gốc từ phân động vật và phụ phẩm trong canh tác nông nghiệp như lá cây, thân cây. Loại phân này được chế biến bằng các phương pháp truyền thống như ủ phân chuồng, phân rác, phân xanh.

Phân hữu cơ chế biến công nghiệp được sản xuất từ các chất hữu cơ thông qua quy trình công nghiệp hiện đại, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn so với nguyên liệu đầu vào. Loại phân này bao gồm phân hữu cơ thông thường, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng, phân vi sinh và phân bón lá hữu cơ.

Việc kết hợp sử dụng cả hai loại phân bón này sẽ mang lại hiệu quả tối ưu trong cải tạo đất và hỗ trợ cây trồng phát triển bền vững.

Ưu điểm và nhược điểm của phân bón hữu cơ

Ưu điểm:

  • Chứa nhiều yếu tố dinh dưỡng khoáng đa, trung, và vi lượng cần thiết cho cây trồng.
  • Khi sử dụng lâu dài, các loại phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, màu mỡ, chống xói mòn và rửa trôi các chất dinh dưỡng.
  •  Các loại phân bón hữu cơ không gây hại đến môi trường và an toàn với sức khỏe con người.
  • Thúc đẩy sự phát triển của các vi sinh vật có lợi trong đất, từ đó cải thiện chất lượng đất.
  • Tạo điều kiện phát triển bền vững cho cả cây trồng và đất đai, đồng thời các loại phân bón hữu cơ giúp cây trồng hấp thu tốt hơn các chất dinh dưỡng, đề kháng tốt với sâu bệnh và các điều kiện bất lợi.

Nhược điểm:

  • Một số ít các loại phân bón hữu cơ truyền thống chứa ít dinh dưỡng và có hiệu quả chậm.
  •  Thường các loại phân bón hữu cơ cần bón với lượng lớn, dẫn đến khó khăn trong vận chuyển và sử dụng.
  • Phân chuồng chưa ủ hoai mục có thể mang mầm bệnh (E. coli, Salmonella, trứng giun…), gây hại cho cây trồng và con người.
  • Các loại phân bón hữu cơ nếu sử dụng không đúng cách, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Các loại phân bón hữu cơ cho cây trồng của SFARM
Các loại phân bón hữu cơ cho cây trồng của SFARM

Vì sao bón phân cho cây

Rễ cây hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết từ đất để hỗ trợ quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Tuy nhiên, đất không thể tự cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng mà cây trồng cần, nên cần sử dụng các loại phân bón để bổ sung dinh dưỡng cần thiết.

Ngay cả trên những mảnh đất được coi là phì nhiêu, quá trình canh tác liên tục qua nhiều vụ mùa cũng khiến lượng dinh dưỡng trong đất bị cạn kiệt dần. Theo thời gian, đất trở nên thoái hóa và bạc màu, làm giảm năng suất cây trồng.

Do đó, việc sử dụng các loại phân bón để bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, từ đó đạt năng suất và chất lượng vụ mùa cao.

Bên cạnh đó, phân bón còn giúp tái bổ sung lượng dưỡng chất mà cây đã lấy đi từ đất, đảm bảo đất không bị thiếu hụt dinh dưỡng, duy trì khả năng cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng trong các vụ mùa tiếp theo.

Các loại phân bón bổ sung dinh dưỡng cho đất và cây trồng
Các loại phân bón bổ sung dinh dưỡng cho đất và cây trồng

Các dinh dưỡng khoáng thiết yếu

Cũng giống như con người, cây trồng luôn cần được cung cấp “thức ăn” trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển. Cây hấp thụ các dưỡng chất từ đất và phân bón để duy trì sự sống và phát triển. Các chất dinh dưỡng khoáng cần thiết cho cây trồng được chia thành ba nhóm chính như sau:

Nhóm đa lượng: Đây là nhóm chất dinh dưỡng chính mà cây trồng sử dụng với lượng lớn để phục vụ quá trình sinh trưởng và phát triển. Bao gồm ba nguyên tố dinh dưỡng quan trọng:

  • Đạm (N)
  • Lân (P)
  • Kali (K)

Nhóm trung lượng:
Nhóm này gồm các chất dinh dưỡng mà cây trồng cần sử dụng với một lượng vừa phải. Bao gồm:

  • Lưu huỳnh (S)
  • Canxi (Ca)
  • Silic (Si)
  • Magie (Mg)

Nhóm vi lượng:
Đây là nhóm các chất dinh dưỡng mà cây trồng chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng không thể thiếu, bao gồm:

  • Đồng (Cu)
  • Mangan (Mn)
  • Sắt (Fe)
  • Bo (B)
  • Clo (Cl)
  • Molypden (Mo),…

Vai trò một số chất dinh dưỡng cần thiết với cây trồng

Vai trò của các chất đa lượng

Đạm (N)

Đạm là thành phần dinh dưỡng mà cây trồng cần nhiều nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc cấu tạo các chất hữu cơ như protein, diệp lục tố, acid nucleic và các enzyme. Đạm thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển của cây, từ quá trình nảy mầm, ra lá non, chồi non đến sự phát triển của quả. Đạm không chỉ quyết định năng suất mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nông sản.

Lân (P)

Lân giữ vai trò trung tâm trong các quá trình trao đổi năng lượng và tổng hợp protein. Đây là thành phần chính trong các hợp chất như ATP, ADP và cấu tạo nên protein, acid nucleic, nhiễm sắc thể.

Lân cần thiết cho sự phân chia tế bào, kích thích sự phát triển của rễ, phân hóa mầm hoa, thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển quả. Ngoài ra, lân còn giúp cây trồng tăng khả năng chống chịu với các điều kiện khắc nghiệt như giá rét và hạn hán.

Kali (K)

Kali hoạt động như một chất xúc tác, tham gia vào quá trình quang hợp, hô hấp, tổng hợp và vận chuyển các chất dinh dưỡng, đồng thời giúp tích lũy chất khô từ lá đến quả và các cơ quan dự trữ.

Kali có vai trò điều chỉnh độ pH, tăng khả năng thẩm thấu các chất qua màng tế bào, giúp cây trồng tăng sức đề kháng với sâu bệnh và cải thiện khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi của thời tiết.

Vai trò của các chất đa lượng
Vai trò của các chất đa lượng

Vai trò của các chất trung lượng

Lưu huỳnh (S)

Lưu huỳnh là nguyên tố dinh dưỡng cần thiết đứng thứ tư sau đạm (N), lân (P), và kali (K). Nó tham gia vào cấu tạo protein và một số acid amin, thúc đẩy quá trình quang hợp, đồng thời góp phần hình thành diệp lục.

Lưu huỳnh quyết định việc tạo ra các hợp chất tạo mùi vị đặc trưng cho cây như hành, tỏi, và giúp cây trồng tăng khả năng chống rét, chống hạn, cũng như thúc đẩy quá trình chín của hạt và quả.

Canxi (Ca)

Canxi chủ yếu tham gia vào cấu tạo vách tế bào, giúp tăng cường sự phát triển của rễ và hoa. Canxi thúc đẩy vận chuyển gluxit và quá trình trao đổi chất trong cây trồng, đồng thời duy trì sự cân bằng của môi trường bên ngoài tế bào. Nhờ đó, cây trồng có khả năng chịu úng tạm thời và phát triển ổn định.

Magie (Mg)

Magie đóng vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp và tổng hợp các chất, là thành phần cấu tạo nên diệp lục. Nó điều hòa độ pH trong cây, cần thiết cho quá trình tổng hợp protein, tạo thành lipit, thúc đẩy sự hấp thu và vận chuyển lân. Ngoài ra, magiê tham gia vào thành phần hoặc kích thích hoạt động của nhiều loại enzyme, hỗ trợ sự phát triển toàn diện của cây trồng.

Silic (Si)

Silic giúp cây trồng tăng khả năng quang hợp, giúp lá vươn thẳng và hấp thụ ánh sáng hiệu quả hơn. Ngoài ra, silic làm cây cứng cáp, hạn chế tình trạng đổ ngã và giảm tác hại của sâu bệnh như sâu cuốn lá, sâu đục thân, tăng hiệu quả sử dụng lân (P) và đạm (N), góp phần cải thiện năng suất cây trồng.

Vai trò các chất vi lượng

Kẽm (Zn)

Kẽm kích thích quá trình quang hợp, hô hấp và tổng hợp các chất hữu cơ, góp phần quan trọng vào sự hình thành và phát triển của hạt. Kẽm còn tăng khả năng chống chịu của cây trồng với các điều kiện khắc nghiệt như hạn hán và rét.

Sắt (Fe)

Sắt là nguyên tố cần thiết trong quá trình tổng hợp diệp lục và các chất hữu cơ. Nó đóng vai trò là thành phần chính của nhiều enzyme quan trọng trong sự chuyển hóa diệp lục tố, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của cây.

Đồng (Cu)

Đồng tham gia vào các quá trình quang hợp, hô hấp và tổng hợp chất dinh dưỡng. Ngoài ra, đồng giúp cây tăng cường khả năng chống chịu trước các điều kiện bất lợi của môi trường.

Mangan (Mn)

Mangan đóng vai trò quan trọng trong quang hợp, tổng hợp các chất hữu cơ, vận chuyển gluxit và thúc đẩy sự nảy mầm, ra hoa, kết trái.

Bo (B)

Bo ảnh hưởng đến quá trình hình thành và vận chuyển các chất dinh dưỡng trong cây. Nó giúp điều hòa quá trình hấp thụ và sử dụng đạm, đảm bảo sự phát triển cân đối và bền vững của cây trồng.

Molypden (Mo)

Molypden xúc tiến sự cố định và chuyển hóa đạm, đóng vai trò là thành phần của nhiều enzyme xúc tác trong quá trình hô hấp và quang hợp.

Clo (Cl)

Clo kích thích hoạt động của một số enzyme, ảnh hưởng đến khả năng giữ nước của tế bào và quá trình chuyển hóa hydrat cacbon. Ngoài ra, clo còn tham gia vào cấu tạo một số loại auxin, các chất kích thích tăng trưởng cho cây trồng.

Qua bài viết trên, SFARM Blog đã thông tin đến bà con nhà nông các loại phân bón hiện nay cùng với công dụng và cách sử dụng của chúng. Hy vọng bài viết tại SFARM, có thể giúp bà con nắm được thông tin về các loại phân bón và chọn các loại phân bón phù hợp cho cây trồng nhà mình nhé!  

Xem thêm:

SFARM – Đặng Gia Trang vinh hạnh là nhà cung cấp tin cậy các sản phẩm vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh học của hơn 1500 đại lý, cửa hàng trên toàn quốc. Mời quý Khách hàng liên hệ thông tin sau để đội ngũ SFARM có thể nhanh chóng hỗ trợ:

Website: https://sfarm.vn/

Hotline: 0902652099

– Zalo: CSKH SFARM – 0902652099

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết