Lạm dụng các sản phẩm hóa học vào canh tác nông nghiệp tại Việt Nam

1666 lượt xem

Sản phẩm hóa học là cách gọi chung của phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, khi sử dụng một cách thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Đặc biệt là khi những sản phẩm này đang trở thành “gia vị chính” trên mâm cơm của người tiêu dùng hiện nay bởi dư lượng tồn dư chất hóa học luôn ở mức đáng báo động.

Vậy tác hại của câu chuyện này ra sao? Cách giải quyết như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!

1/ Thực trạng

Theo nghiên cứu về các vấn đề sử dụng sản phẩm hóa học vào nông nghiệp, theo đó, quá trình sử dụng chất hóa học gồm 3 giai đoạn chính:

– Trạng thái cân bằng: nhu cầu sử dụng cao, có hiệu quả

– Trạng thái dư thừa: sử dụng quá mức, tăng mức độ tồn lưu hoạt chất trong đất, mức độ hiệu quả giảm dần, sinh ra các loài kháng thuốc.

– Trạng thái khủng hoảng: quá lạm dụng chất hóa học, tồn lưu đến sản phẩm cuối cùng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng, hủy hoại môi trường, phải tổ hợp các loại thuốc để mang lại hiệu quả rõ ràng.

Nếu tính theo các giai đoạn này, nông nghiệp Việt Nam đang ở đâu trên biểu đồ sử dụng chất hóa học và so với thế giới thì sao?

lam-dung-chat-hoa-hoc-2

Năm 2017, tính riêng mảng thuốc bảo vệ thực vật, Việt Nam đã nhập 4000 tỷ tương đương 127 ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật và tăng 250 % so với năm 2005. Đó là chưa kể con đường tiểu ngạch và nạn chất hóa học giả kém chất lượng len lỏi khắp mọi đồng quê.

Chỉ với số liệu thô sơ này cũng đủ để thấy tình hình sử dụng tràn lan sản phẩm hóa học trong nền nông nghiệp nước ta. Các đơn vị sản xuất, phân phối thuốc BVTV mọc ở nhiều nơi và thiếu kiểm soát. Nông dân ngày càng tăng số lần và liều lượng các loại thuốc hóa học với mục tiêu khống chế và kiểm soát sâu bệnh triệt để.

Nhưng trên thực tế, các loại dịch bệnh ngày càng gia tăng, khó kiểm soát và tốn rất nhiều chi phí nhưng thiệt hại vẫn ở mức cao. Chính vì vậy, là dù tăng sử dụng chất hóa học nhưng năng suất nông sản Việt Nam lại không tăng.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu năng suất không tăng vậy việc lạm dụng ở Việt Nam nhằm mục đích gì?

Đơn giản vì việc sử dụng chúng không cần các biện pháp quản lý, kỹ thuật rườm rà, những quy định gò bó bắt buộc, đỡ tốn công sức, thời gian. Nên dần dần thói quen lạm dụng ấy đã thấm dần trong tiềm thức của người sản xuất nước ta.

2/ Tác hại

2.1 Mất cân bằng hệ sinh thái

Quy chuẩn lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật tốt của người sản xuất nước ta là “Xịt 1 lần, chết nhiều lần và chết nhiều con”. Điều này cũng vô tình tận diệt các loài cáo lợi như thiên địch, nấm đối kháng,…

Hay các loại phân bón hóa học được sử dụng một cách liên tục mà không quan tâm hiệu quả ra sao, chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cây khi vào đất mà không quan tâm đến quần thể vi sinh tự nhiên giúp ít cho việc hấp thu dinh dưỡng này hoạt động.

Việc áp dụng liên tục và tăng liều lượng các chất hóa học dẫn đến chết dần các loài thiên địch, tiêu diệt các chủng vi sinh vật có lợi cho cây trồng. Điều này làm cho cây trồng phụ thuộc vào các sản phẩm đó và cũng ngày một mẫn cảm hơn với loài gây hại.

2.2 Thúc đẩy cơ chế kháng thuốc BVTV của sâu bệnh hại

Tính kháng thuốc là khả năng quen dần, chịu được lượng thuốc ngày càng lớn hơn so với thời gian đầu do được sử dụng lập lại. Khả năng này còn có thể di truyền cho thế hệ sau.

Chính vì thế, sau một thời gian sử dụng, một bộ phận dịch hại bị suy yếu do thuốc nhưng nếu sau một thời gian lắng xuống, các cá thể còn sống ở đợt trước phát triển trở lại sẽ trở thành dịch hại nguy hiểm hơn.

Những dịch hại mới xuất hiện sẽ khó xử lý hơn và người sản xuất lại tiếp tục sử dụng những sản phẩm phải độc hại hơn như một vòng lẩn quẩn không hồi kết. Chỉ thấy, cây trồng giảm năng suất, chi phí sản xuất tăng nhưng hiệu quả không hề có.

2.3 Tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản

Khi sử dụng bừa bãi các chất hóa học mà không có thời gian cách ly hợp lý, các chất độc này sẽ tồn dư trong sản phẩm, gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe con người. Trong đó, việc tồn dư thuốc BVTV hay tồn dư nitrat có thể dẫn đến biến đổi mùi vị nông sản, ăn vào dễ ngộ độc thực phẩm hoặc tích tụ trong cơ thể tạo thành các bệnh tiền ung thư.

2.4 Ô nhiễm môi trường

Một lượng lớn thuốc BVTV và phân bón hóa học sẽ ngấm vào nước ngầm, vào đất, vào các ao hồ và bốc hơi vào không khí. Gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của con người, về lâu dài sẽ làm ô nhiễm trầm trọng môi trường tự nhiên.

Rác thải từ các loại thuốc BVTV thường được vứt bừa bãi, tồn dư hàng trăm năm trong đất và tạo thành một loại rác thải cực kỳ nguy hiểm.

lam-dung-chat-hoa-hoc

3/ Biện pháp cải thiện

– Thắt chặt đầu vào sản phẩm, nhằm hạn chế nhập tràn lan vào thị trường Việt Nam sản phẩm kém chất lượng.

– Kiểm tra và ban hành danh sách các loại thuốc có thể lưu hành trong sản xuất. Loại bỏ nhóm thuốc có độ độc cao.

– Lập chiến lược thay thế thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học bằng những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc sinh học. Quan trọng hơn là kết hợp xây dựng vườn chuẩn, vườn mẫu không sử dụng sản phẩm hóa học nhằm làm gương cho người sản xuất.

– Quản lý, tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị cho các sản phẩm hữu cơ tự nhiên không sử dụng chất hóa học.

– Tuyên truyền về tác hại lâu dài của các loại chất hóa học đến sức khỏe, môi trường,… và hướng đến phát huy nông nghiệp theo hướng bền vững hơn trong tương lai.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết