Hiểm họa môi trường từ việc lạm dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học

1746 lượt xem

Với mục tiêu gia tăng sản lượng và lợi nhuận trong canh tác nông nghiệp, các loại thuốc BVTV và phân bón hóa học được áp dụng vào sản xuất một cách thiếu kiểm soát. Không thể phủ nhận những lợi ích mà chúng mang lại, tuy nhiên điều đó chỉ đúng khi được sử dụng hợp lý. Khi lạm dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV, không chỉ làm mất an toàn cho sản phẩm, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng mà còn là nguyên nhân to lớn cho tình trạng ô nhiễm môi trường. Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp cho tình hình này ra sao?

lạm dụng phân hóa học

1/ Thực trạng lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc nhập khẩu và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang gia tăng một cách đáng báo động. Số lượng thuốc BVTV nhập khẩu từ 20.000 tấn năm 2005 lên đến gần 50.000 tấn năm 2014.

Cả nước có khoảng 20.000 đại lý buôn bán thuốc BVTV, 97 nhà máy chế biến thuốc với khoảng 30.000 – 40.000 tấn/năm. Cùng với đó, số lượng phân bón cũng tăng đáng kể. Từ năm 1985 đến nay, số lượng phân bón tiêu thụ đã tăng tới 500%. Việt Nam hiện sử dụng khoảng 10 triệu tấn phân bón các loại mỗi năm.

Theo những số liệu thống kê mới đây, việc sử dụng tràn lan thuốc BVTV, phân bón hóa học vẫn ở mức báo động. Năm 2017, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 979 triệu USD thuốc BVTV, tăng hơn 200 triệu USD so với năm 2016. Riêng quý I-2018, kim ngạch nhập khẩu thuốc BVTV lên tới 194 triệu USD.

Trong quá trình dùng thuốc bảo vệ thực vật, bà con nông dân có tâm lý muốn phòng ngừa dịch hại, diệt sâu nhanh, hiệu quả, nên không ít nông dân tự ý tăng liều lượng, sử dụng thuốc ngoài danh mục. Nhiều vùng sản xuất, lượng thuốc BVTV được sử dụng gấp 2 – 3 lần so với bình thường, với liều lượng, độc tính cao (vượt mức khuyến cáo).

Tình trạng người dân các địa phương sử dụng các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ cho cây trồng ngày càng trở nên phổ biến. Trong khi đó, việc kiểm tra, kiểm soát, cấp phép kinh doanh các loại thuốc BVTV chưa thật nghiêm ngặt.

2/ Tác hại của lạm dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học đến môi trường

Theo FAO, hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45 – 50%. Đồng nghĩa với việc cứ bón 100 kg phân urea hoặc NPK vào đất, chỉ có 45 – 50 kg phân là được cây trồng hấp thụ và cho ra sản phẩm nông sản. Số lượng phân bón bị rửa trôi mà cây không hấp thụ được chính là một trong những nguồn gây ô nhiễm đất, một số loại phân bón có tồn dư axit, làm chua đất, giảm năng suất cây trồng và tăng độc tố trong đất.

Trong quá trình sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học, một lượng đáng kể thuốc và phân bón không được cây trồng tiếp nhận được xả thẳng ra môi trường thông qua các kênh, sông, gây ô nhiễm môi trường mặt nước, đất, không khí.

Tình trạng vứt vỏ thuốc BVTV ngay tại ruộng lúa, bờ mương không chỉ ở một hay vài nơi mà ở đâu cũng có. Lượng thuốc BVTV sau khi sử dụng còn sót lại trong các bao bì, chai lọ đựng thuốc, trong khi bao bì đựng thuốc BVTV rất khó phân hủy đã gây ô nhiễm môi trường đất, nước và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng.

3/ Nguyên nhân

  • Việc quản lý kinh doanh thuốc BVTV và phân bón hóa học còn lỏng lẻo, các loại thuốc độc hại, thuốc cấm tràn lan trên thị trường nhưng không kiểm soát được
  • Chạy theo lợi nhuận trước mắt, muốn tăng năng suất nhanh chóng mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm
  • Một bộ phận người dân chưa hiểu hết tác hại của thuốc BVTV và phân bón hóa học khi bị lạm dụng
  • Ý thức bảo vệ môi trường đất, nước, không khí,… và sức khỏe chưa cao, dẫn đến tình trạng sau khi sử dụng vứt bừa bãi các vỏ thuốc.
  • Định hướng phát triển nông nghiệp thiếu nhất quán và rõ ràng

lạm dụng phân hóa học

4/ Giải pháp khắc phục

  • Các cơ quan chức năng và địa phương cần đầu tư xây các bể xử lý vỏ thuốc BVTV tập trung ở nương rẫy để thu gom, xử lý vỏ thuốc.
  • Tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân sử dụng đúng thuốc BVTV, không chỉ bảo vệ tốt mùa màng mà còn bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.
  • Tuyên truyền cho nông dân hiểu rõ sự nguy hiểm của thuốc BVTV,. Cần khuyến cáo nông dân hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV, chỉ sử dụng khi thật cần thiết và theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.
  • Sau mỗi vụ, huy động các đoàn thể tổ chức cho đoàn viên, hội viên thu gom và xử lý vỏ thuốc BVTV theo quy định, góp phần bảo vệ môi trường.
  • Ðẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại theo hướng sinh học, sử dụng công nghệ sạch…
  • Đẩy mạnh công tác rà soát quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp tại địa phương. Đồng thời sát sao hơn nữa việc loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng.
  • Các cơ quan chức năng cần ngăn chặn các hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón hay thuốc BVTV giả và kiểm soát tốt các hoạt động nhập ngoại vào thị trường trong nước.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (1 bình chọn)