Cách trồng cà chua beef tại nhà cho quả căng mọng

1719 lượt xem
Cà chua beef không còn là loại quả xa lạ đối với nhiều người. Loại quả này không chỉ là nguyên liệu chế biến thức ăn, mà nó còn chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể và sức khỏe của con người.
Là loại quả thân thuộc với con người là thế, nhưng chắc ít ai biết rằng để trồng được một mùa vụ cà chua beef sai quả thì cần rất nhiều kĩ thuật. Sau đây, Đặng Gia Trang sẽ mang đến những kiến thức thú vị về kỹ thuật trồng cà chua beef tại nhà cho quả căng mọng.

1/ Điểm khác biệt giữa cà chua beef và cà chua thường

Cà chua thường là loại quả thuộc họ Cà (Solanaceae), Cà chua beef cũng thuộc họ Cà, có nguồn gốc từ Hà Lan.Cả hai đều có màu xanh khi còn non và màu đỏ khi chín, hình dạng và đặc điểm dinh dưỡng cũng tương tự nhau. Mặc dù đều là giống quả thuộc họ cà nhưng chúng là hai loại cây khác nhau.

Về hình dạng:

–  Cà chua beef: Quả có kích thước to và trên quả thì có các khía.

– Cà chua thường: Quả thì có kích thước nhỏ hơn, hình dạng giống với quả trứng gà. 

Cấu tạo bên trong: 

– Cà chua beef: Quả dày, cơm chắc, rất ít hạt, khi bổ ra các khoảng trống không nhiều.

– Cà chua thường: Quả thì mềm hơn, hạt to và nhiều, khi bổ ra khoảng trống và nước nhiều.

Trọng lượng: Cà chua thường có trọng lượng nhỏ hơn cà chua beef.

2/ Đặc điểm của cà chua beef

2.1 Đặc điểm hình thái

Cây cà chua beef có rễ chùm, ăn sâu, phân nhánh và rễ phụ phát triển nhiều, vì vậy, cây cà chua chịu hạn rất tốt. Thân cây cà chua beef có dạng hình trụ, phủ nhiều lông mềm, phân nhiều nhánh. Lá là lá kép lông chim phân thùy, có 3-4 đôi lá chét trên mỗi lá, ngọn lá có một lá đỉnh, có răng cưa ở rìa lá chét và phiến lá phủ lông tơ. Hoa cà chua có màu vàng, mọc thành chùm, mỗi chùm có 5 đến 20 hoa. Trái cà chua có màu xanh khi còn non và màu đỏ khi chín, quả to trung bình nặng khoảng từ 0,5 cho đến 1kg.

2.2 Đặc điểm sinh thái

Cây cà chua beef là loại cây hằng năm, ưa khí hậu ấm áp, nhiệt độ thích hợp để cây cà chua beef sinh trưởng và phát triển tốt khoảng 21-24 độ C. Cây ưa sáng, vì vậy không nên trồng cây ở nơi bóng râm. Cà chua beef là loại cây chịu hạn tương đối tốt nhưng độ ẩm phù hợp cho cây khoảng 60-70%. Có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng lý tưởng nhất vẫn là đất có độ PH từ 6,0-7,0, nhiều mùn, giữ ẩm và thoát nước tốt.

3/ Công dụng của cà chua beef

Về mặt dinh dưỡng, cà chua beef có yếu tố và hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Đặc biệt là cà chua beef có chứa chất lycopene cực kì có lợi cho làn da, giúp da luôn căng mịn, trắng sáng.

Thành phần vitamin A và vitamin K có chứa trong quả cà chua beef giúp tăng cường thị lực, giảm quáng gà và giảm được thoái hóa điểm vàng.

Với hàm lượng lớn chất chống oxy hóa là carotenoid và chất bioflavonoid. Các chất này sẽ phòng ngừa được một số căn bệnh ung thư trong người, chữa các bệnh mãn tính và kiểm soát lượng đường trong máu.

Thậm chí cà chua beef còn có thể cải thiện giấc ngủ, giảm cân, giữ xương chắc khỏe, tốt cho tóc và chống mất nước hiệu quả.

Ca Chua Beef

4/ Chuẩn bị trồng cà chua beef

4.1 Thời gian trồng

Cà chua beef là loại cây quanh năm nên có 3 mùa vụ chính như sau:

– Mùa vụ sớm: Gieo trồng vào khoảng tháng 7-8, thu hoạch vào cuối tháng 10-12.

– Mùa vụ chính: Gieo trồng vào tháng 9-10, thu hoạch vào tháng 2-3 năm sau.

– Mùa vụ muộn: Gieo Trồng vào khoảng tháng 11-12, thu hoạch vào tháng 3-4 năm sau.

Thời điểm gieo trồng trong ngày thích hợp vào buổi sáng, thời tiết khô ráo, không mưa, ấm áp.

4.2 Giống

Bạn có thể mua hạt giống hoặc có thể lấy hạt giống từ quả cà chua chín mọng. Nhưng để đảm bảo năng suất cao bạn nên mua giống ở những địa điểm cung cấp giống uy tín trên thị trường. Giống cây phải được xử lý sạch và kháng chịu sâu bệnh tốt.

4.3 Dụng cụ trồng

Cà chua beef là loài cây có tán lớn nên tốt nhất hãy chọn chậu hoặc thùng xốp có kích thước lớn, khoảng 35 – 40 cm để đảm bảo cây có không gian phát triển tốt. Dưới đáy chậu hoặc thùng phải có lỗ thoát nước để cây không bị úng. Còn lại là các dụng cụ như bay, xẻng, bình tưới nước…

4.4 Đất trồng

Có thể trồng cây cà chua với nhiều loại đất khác nhau nhưng Đất phải là đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, giữ ẩm, nhiều mùn và thoát nước tốt.

Bạn có thể trộn đất với trấu, xơ dừa và các loại phân hữu cơ như phân trùn quế, hoặc phân chuồng khác như gà, bò, vịt, heo…

Công thức đất trồng trước khi cho hạt vào gieo trồng ở các bầu ươm như sau: Đất : xơ dừa/trấu : phân trùn quế có tỉ lệ là 6 : 3 : 1.

5/ Cách trồng cà chua beef tại nhà

5.1 Ngâm, ủ hạt giống

Để cây có tỉ lệ nảy mầm cao, trước khi ươm, bạn nên ngâm trong nước ấm có nhiệt độ khoảng 40-45 độ C trong 2-3 giờ, vớt ra rồi để ráo. Sau đó, ủ hạt bằng một chiếc khăn ở nhiệt độ 20-25 độ C, khi hạt có biểu hiện nứt nanh là có thể mang ra ươm.

5.2 Ươm cây non

Cho hạt giống gieo đều trong bầu ươm, rải một lớp tro mỏng bên trên, phủ thêm một lớp rơm mỏng ở trên cùng. Điều này giúp bảo vệ hạt giống khỏi côn trùng và giữ độ ẩm cho đất. Sau cùng, hãy đặt bầu ươm ở nơi có đủ ánh sáng và tưới nước để cung cấp độ ẩm cho đất. Trung bình cây sẽ bắt đầu nảy mầm từ 7- 14 ngày.

5.3 Tiến hành trồng cây non

Sau khi cây cà chua được 1 tháng tuổi thì bạn có thể tiến hành trồng cây non theo các bước như sau:

Bước 1: Tiến hành xử lí đất, trộn đất với trấu, xơ dừa và các loại phân hữu cơ. Cho vào thùng xốp hoặc chậu và tạo lỗ trồng cây.

Bước 2: Đặt cây non vào lỗ trồng cây trong thùng xốp (trung bình mỗi thùng có tối đa 2 cây), trồng đủ chiều sâu sao cho thân cây ở dưới đất bằng ½ thân cây. Trồng thẳng hoặc nghiêng để có thể kích thích rễ phát triển khỏe mạnh.

Bước 3: Ấn nhẹ xung quanh đất dưới gốc cây để cây chắc chắn và tưới phun nước nhẹ để cung cấp độ ẩm.

6/ Cách chăm sóc cà chua beef

6.1 Tưới nước

Khi cây được 7-10 ngày tuổi thì cần tưới nước đều đặn mỗi ngày. Trung bình mỗi ngày khoảng 500ml nước ấm ở nhiệt độ 25-30 độ C. Thời gian thích hợp để tưới nước là buổi sáng sớm hoặc chiều tối.

Lưu ý: Nên tưới từ phần thân trở xuống, không nên tưới từ trên lá vì sẽ dễ gây nhiều loại bệnh cho cây, ví dụ như như bệnh bạc lá.

Khi cây ở giai đoạn ra hoa và đậu quả, bạn cần tưới nhiều nước nhất để cung cấp đủ lượng nước cho cây. Ở thời điểm này, cây rất cần nước, nếu thiếu nước cây sẽ khô héo, quả non dễ rụng. Tuy nhiên, hãy tưới vừa đủ cho cây, tránh ngập úng làm thối rễ và chết cây.

Vào mùa mưa, quả cà chua sẽ chín chậm hơn và sẽ bị nứt quả, có thể dùng nước vo gạo để tưới cho cây và cẩn thận chú ý thoát nước kịp thời cho cây trồng.

6.2 Làm giàn

Cây cà chua là cây có thân yếu, dễ bị quật ngã, nhất là khi gặp gió, mưa hoặc sai quả nhiều. Vì vậy, khi cây được 1,5-2 tháng tuổi bạn nên làm giá đỡ cho cây để cây không bị đổ. Bạn chỉ cần dùng cọc tre cắm vào chậu trồng, sau đó cố định thân cây vào cọc tre sao cho cây có cảm giác cứng cáp và chắc chắn.

6.3 Cắt tỉa, bấm ngọn

Khi cây phát triển lớn hơn, bạn nên thường xuyên cắt tỉa và bấm ngọn.

Tỉa chồi: Cần phát hiện kịp thời các chồi bên hoặc chồi mới nhú chỉ dài 1-1,5cm và nhanh chóng cắt tỉa chúng để cây tập trung đủ các chất dinh dưỡng nuôi quả.

Lưu ý: Hãy dùng tay đẩy gãy, không dùng kéo hoặc móng tay cắt tỉa. Tránh làm cây bị nhiễm bệnh qua vết thương, nếu dùng dụng cụ thì hãy khử trùng trước khi sử dụng.

Tỉa lá: Khi các lá đã già và chuyển sang màu vàng, lúc này lá vàng sẽ dùng nhiều hơn lượng đường chúng sản xuất. Vì vậy, cần nhanh chóng loại bỏ để giúp cây khỏe mạnh và ngăn ngừa bệnh.

Tỉa chùm mang quả: Nên giữ 4-5 chùm mang quả khỏe mạnh trên một cây, vì nếu giữ lại nhiều hơn số lượng cần thiết, chất lượng quả sẽ bị giảm sút. Quả sẽ bị nhỏ và ít lại vì cây không đủ chất dinh dưỡng nuôi hết các chùm. Hãy chừa lại ngọn trên cùng của cây, còn gọi là ngọn chính.

Bấm ngọn: Ở giai đoạn cuối mùa thu hoạch, bạn cần bấm ngọn cây để cây tập trung chất dinh dưỡng cốt yếu để nuôi quả, giúp quả to và chín đều.

6.4 Bón phân

Cà chua beef là loài cây cần rất nhiều chất dinh dưỡng, nên sau khi trồng cây cà chua thì sẽ có 4 lần bón thúc sau đây:

Bón thúc lần 1 (giai đoạn cây được 10-15 ngày tuổi): Pha 1-2ml phân đạm cá + 1l nước hoặc hỗn hợp NPK 40-10-10 dạng gel + 1g phân + 1l nước. Dùng hỗn hợp để phun lá và tưới xung quanh gốc cây.

Bón thúc lần 2 (lúc hoa bắt đầu có nụ): Pha 1g phân lân xanh + 1l nước để tưới cho cây, đồng thời bổ sung thêm 20g phân trùn quế để tái tạo keo.

Bón thúc lần 3 (khi cây ra hoa rộ): Dùng phân gà hoai mục hoặc các loại phân làm từ vỏ trái cây để bổ sung chất Kali ở dạng hữu cơ cho cây cà chua beef. Nếu muốn tăng tỉ lệ đậu trái thì hãy bổ sung thêm 1ml Boron + 1-2l nước phun đều lá và cứ lặp lại sau bảy ngày.

Bón thúc lần 4 (Sau lần thu hoạch đầu tiên): Pha 1ml phân đạm cá + 1g phân lân xanh + 1l nước để tưới cho cây cà chua. Ngoài ra bạn cũng có thể dùng hỗn hợp 1g NPK 40-10-10 + 1g phân lân xanh + 1l nước để tưới. Sau khi bón thúc lần 4 xong thì hãy lặp lại vòng bón thúc từ lần 1 cho đến khi kết thúc vụ mùa thu hoạch cây cà chua beef.

7/ Phòng trừ sâu bệnh hại trên cà chua beef

Cây cà chua là loài cây dễ bị sâu bệnh phá hoại, vì vậy hãy có biện pháp thích hợp để phòng trừ kịp thời.

7.1 Sâu hại

Ở cà chua thường xuất hiện nhiều loài sâu hại lá, quả khác nhau. Những loại sâu hại này sẽ khiến cây giảm năng suất, chất lượng quả cũng như khiến cây chết nếu nặng. Các loại sâu hại phổ biến là: Sâu xanh đục quả, ruồi vàng, rầy, nhện đỏ, sâu xanh da láng,…

Để phòng trừ các loại sâu hại này cho cây cà chua beef, bạn cần thực hiện các biện pháp sau:

– Thường xuyên kiểm tra, theo dõi dấu hiệu sâu hại.

– Tạo môi trường thông thoáng cho cây bằng dọn cỏ và làm vệ sinh vườn.

– Sử dụng các chế phẩm trừ sâu sinh học để giúp phòng trừ bệnh hiệu quả: Dung dịch nước ớt, tỏi, gừng,…

7.2 Bệnh hại

Bệnh hại ở cây cà chua thường bị gây ra bởi các loại nấm, vi khuẩn và vi rút gây bệnh. Các bệnh thường gặp là: Bệnh mốc đe, bệnh thán hư, bệnh xoăn lá, bệnh loét, bệnh sương mai,…

Để có thể phòng trừ tốt các loại bệnh hại, bạn cần: Vệ sinh vườn tược thường xuyên, xử lý các phế phẩm thực vật cũ, sử dụng giống cà chua kháng bệnh, phun thuốc phòng nấm định kỳ 3 tuần/lần và sử dụng các chế phẩm trừ sâu hữu cơ nếu cần.

7.3 Tuyến trùng gây hại

Nhiệt độ nóng ẩm và đất trồng tơi xốp chính là điều kiện thích hợp cho tuyến trùng phát triển. Tác nhân gây ra chính là tuyến trùng Meloidogyne incognita. Khi tuyến trùng xâm hại sẽ làm cây cằn cỗi và chuyển dần sang màu vàng, rễ sẽ xuất hiện những nốt sưng phồng và sẽ bị thối đen. Cách tốt nhất để phòng trừ cây bệnh này là loại bỏ và tiêu hủy sớm các cây bị nhiễm bệnh hoặc có thể dùng vôi và chế phẩm sinh học có chứa nấm Trichoderma để bón.

8/ Thu hoạch cà chua beef

Sau 85 ngày trồng cây, khi thấy quả cà chua beef chuyển sang màu đỏ, đây chính là lúc thích hợp để thu hoạch.

Lưu ý: Hãy dùng dụng cụ chuyên dụng hoặc dùng kéo cắt nhẹ để thu hoạch, tránh làm ảnh hưởng đến phần còn lại của cây. 

Với những kiến thức thú vị và hữu ích về kỹ thuật trồng cây cà chua beef tại mà Đặng Gia Trang đã chia sẻ ở trên, chắc chắn rằng bạn sẽ có một mùa vụ cà chua beef thật trĩu quả sắp tới! Mọi thắc mắc cần tư vấn, xin vui lòng liên hệ đến Hotline 0902.652.099.

Sfarm.vn

*Xem thêm

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết