8 yếu tố quan trọng nhất mà đất trồng hữu cơ cần có

1692 lượt xem

Trong bất kì hệ thống canh tác nào, dù là nông nghiệp truyền thống hay nông nghiệp hữu cơ thì đất đai, thổ nhưỡng cũng là yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng. Đặc biệt, trong canh tác hữu cơ vấn đề về nguồn đất “sạch” và dinh dưỡng đất được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, đất trồng cây theo hướng sản xuất này cần phải đạt được một số yếu tố nhất định. Vậy đó là những yếu tố nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!

đất trồng hữu cơ

1/ Không bị ảnh hưởng bởi các nguồn chất thải độc hại

Vùng đất được chọn để bắt đầu hoặc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ cần cách xa nguồn nước thải của khu dân cư, chất thải từ nhà máy, xí nghiệp, cách xa các bệnh viện, bãi rác… để tránh nhiễm bẩn không khí, nguồn nước và vi sinh vật có hại từ các nguồn ô nhiễm này.

2/ Gần nguồn nước sạch, có nhiều ánh sáng mặt trời

Nơi canh tác cần có nguồn nước sạch đủ đảm bảo tưới tiêu cho mùa vụ hoặc có vùng dự trữ nước sạch. Không phí phải thông thoáng, nhiều ánh sáng mặt trời để hỗ trợ tốt cho quá trình phát triển của cây.

3/ Khả năng thoát nước

Một vùng đất tốt là vùng đất có khả năng thoát nước và giữ nước ở mức phù hợp. Tránh tình trạng đất quá khô cằn, thấm hút nước kém, giữ ẩm kém, cung cấp rất nhiều nước nhưng nước mau chóng bốc hơi và thất thoát mà cây trồng chưa kịp hấp thụ. Ngoài ra, đất cũng không được giữ nước quá chặt, dễ gây tình trạng úng rễ, cơ cấu đất kém dẫn đến tình trạng bị lèn đất và các chất dinh dưỡng khó hấp thu cũng như phân giải.

4/ Dinh dưỡng trồng trọt

Đất trồng cần đảm bảo đầy đủ các yếu tố về thành phần dinh dưỡng đa, trung, vi lượng như (16 nguyên tố) : C, H, O, N, P, K, Ca, Mg, S, Fe, Zn,…. Những chất này tham gia vào thành phần cấu tạo các chất hữu cơ chủ yếu trong cây, hoặc xúc tác cần thiết cho sự tổng hợp vật chất và các quá trình sinh lý trong cây.

Ngoài ra, đất tốt còn có tỉ lệ mùn và chất hữu cơ trong đất cao, vi sinh vật tự nhiên trong đất đa dạng để giúp cây trồng chuyển hóa các chất một cách hiệu quả.

Nếu nguồn đất chưa thực sự đảm bảo dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng, nên tiến hành cải tạo, chuyển đổi bằng các biện pháp tự nhiên như: trồng cây che phủ, trồng các cây họ đậu, bổ sung phân bón hữu cơ,… Thời gian cải tạo đất sẽ phụ thuộc vào chất lượng đất hiện tại.

5/ Đất được áp dụng các biện pháp làm đất hiệu quả

Trước khi canh tác, đất trồng cần được làm đất sao cho đất tơi xốp, độ thoáng khí cao, thoát nước tốt, tránh thì trạng đất bị bí chặt. Có thể áp dụng các biện pháp như: lên luống, cày xới, xen canh, luân canh,…

6/ Tạo vùng đệm để cách ly

Trong canh tác hữu cơ, vùng đất trồng cần đảm bảo cách ly với các vùng canh tác khác để đảm bảo độ an toàn về thành phần trong đất, nước, không khí. Cách thường được áp dụng là tạo vùng đệm cách ly, vùng này có thể áp dụng trồng cỏ, hoa, các loại cây trồng phụ để tăng thêm thu nhập hoặc phòng tránh côn trùng gây hại

7/ Nếu khu vực nhiều gió cần có hàng rào hoặc tường, thậm chí là nhà lưới để đảm bảo cây trồng không bị ảnh hưởng

Có thể sử dụng các hàng rào chắn sinh học bằng các loại cây cao hơn cây trồng canh tác để tránh các bệnh lây lan qua gió cũng như sự di chuyển của côn trùng. Nếu cần thiết có thể áp dụng nhà lưới để bảo vệ cây trồng tốt nhất.

đất trồng hữu cơ

8/ Đất không bị ô nhiễm bởi phân thuốc hóa học và kim loại nặng

Không phải đất nào cũng trồng được các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, do đất trồng trọt trong quá trình canh tác đã bón nhiều loại phân hóa học, các loại thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ,… Lâu ngày các tồn dư của các chất này tích lũy trong đất, theo thời gian càng tăng lên thì đất đai từ đó cũng bị bạc màu và thiếu dinh dưỡng trầm trọng.

Do đó, khi nguồn đất đã bị nhiễm quá nhiều các nguyên tố hóa học sẽ dẫn đến đất bị chua, không còn độ tơi xốp, khả năng thấm nước và giữ nước cũng kém đi. Chưa kể số lượng vi sinh vật trong đất cũng dần suy giảm, đất thiếu độ mùn, trở thành đất trơ, nên không thể canh tác được nữa.

Đồng thời, việc tồn dư các chất hóa học trong đất có khả năng làm ảnh hưởng đến chất lượng và độ an toàn của sản phẩm. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng nhất khi đánh giá đất trước khi canh tác hữu cơ.

Muốn chuyển sang canh tác hữu cơ cần có thời gian “chuyển đổi” đất theo tiêu chuẩn nhất định, vì vậy cần phải quy hoạch thành vùng đất chuyên cho các loại cây trồng để sản xuất hữu cơ.

Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ có rất nhiều yếu tố, nhưng đất chính là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng, đóng góp vào thành công của một vùng hay những cây trồng chính trong sản xuất hữu cơ. Tóm lại, muốn sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bạn hãy bắt đầu ngay từ việc chăm sóc đất.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết