Quy trình ủ rác nhà bếp không mùi hôi với Trichoderma

1912 lượt xem
Sử dụng phân hữu cơ trong nông nghiệp đã và đang là xu hướng mà nhiều gia đình, nhiều nông trại nhắm đến. Phân ủ từ rác bếp hay còn gọi là phân Compost, là loại phân có giá trị dinh dưỡng cao, thân thiện với môi trường và mang nhiều công dụng khác đối với cây trồng. Sau đây, hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu về quy trình ủ rác nhà bếp với Trichoderma nhé

1/ Lợi ích của việc ủ phân từ rác nhà bếp

Rác thải hữu cơ thông qua quá trình ủ phân sẽ đem lại rất nhiều lợi ích về kinh tế cũng như môi trường:

– Đầu tiên, ủ rác bếp là một phương pháp xử lý chất thải rắn vừa tiết kiệm, an toàn lại vô cùng hiệu quả. Nhờ quá trình này, rác thải hữu cơ được xử lý và tận dụng một cách triệt để, mà không phải thải bất kỳ chất lỏng hay khí độc hại nào ra môi trường.

– Thứ hai, ủ phân từ rác nhà bếp sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí mua phân bón, hay thậm chí là kiếm được tiền từ việc bán phân hữu cơ sau ủ. Phân được ủ từ rác bếp hữu cơ không chỉ an toàn mà còn có giá trị dinh dưỡng cao cho cây trồng.

2/ Tác dụng của phân ủ từ rác nhà bếp cho cây trồng

Phân được ủ từ rác bếp hữu cơ là một loại phân sinh học vừa thân thiện cho môi trường, lại vừa hiệu quả đối với cây trồng:

– Phân bón sau khi được ủ từ rác hữu cơ mang một lượng lớn mùn và dinh dưỡng. Đây là loại phân không gây độc cũng như không gây cháy cây như các loại phân hoá học khác.

– Phân được ủ từ chế phẩm Trichoderma có mang một lượng lớn vi khuẩn có lợi cho cây và đất. Đồng thời, không mang bất cứ mầm bệnh hay bào tử nấm nào khác. Chế phẩm Trichoderma còn giúp ngăn chặn sự phát trinh và lây lan của các loài nấm gây bệnh.

– Ngoài ra, phân được ủ từ rác bếp sẽ không có mùi hôi như những loại phân hữu cơ từ động vật khác.

U Rac Nha Bep Voi Trichoderma

3/ Chuẩn bị ủ rác nhà bếp với Trichoderma

3.1  Loại rác được sử dụng để ủ

Phân loại rác chính là bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất, quyết định đến sự thành công của quy trình ủ phân. Loại rác được sử dụng để ủ phân phải là rác thải hữu cơ như: Rau củ quả thừa, thịt cá ôi thiu, vỏ trứng, cơm thừa, xương,… Khi phân loại rác, tránh để lẫn các loại rác vô cơ như bao nilon, nhựa, thuỷ tinh,… Vì chúng không thể phân huỷ và sẽ gây hại cho cây khi bón vào.

Bạn không nên chọn các loại rác có chứa nhiều tinh dầu để ủ phân như: Bạc hà, nhựa thông, cam, quýt, xả,… Vì tinh dầu sẽ ức chế sự sinh sôi của các vi sinh vật phân huỷ rác, gây kéo dài thời gian ủ phân.

3.2 Nguyên liệu ủ

Nguyên liệu để ủ phân hữu cơ cực kỳ đơn giản và dễ tìm, bao gồm:

– Rác xanh: Là những loại rác thải rắn hữu cơ có khả năng cung cấp Nitơ cho phân khi bị phân giải. Loại chất thải hữu cơ xanh bao gồm các loại như: Rau củ quả thừa từ nhà bếp, râu, tóc, bả các loại cà phê và đậu lạc,…

– Rác nâu: Là loại rác hữu cơ khi bị phân giải hoàn toàn sẽ cung cấp cho đất một lượng lớn Carbon. Rác nâu bao gồm: Vụn gỗ, cỏ, rơm khô, giấy, bã trà, vỏ trứng,…

– Mật rỉ đường: Là phụ phẩm của quá trình sản xuất đường mía. Sử dụng mật rỉ đường trong ủ phân hữu cơ giúp tăng tốc độ quá trình ủ phân, đồng thời cung cấp cho phân lượng lớn dinh dưỡng.

– Trichoderma: Là một loại chế phẩm sinh học và là một loại nấm đối kháng có lợi cho cây. Trichoderma giúp hạn chế sự phát triển của các loại nấm gây hại, cũng như tăng tốc độ quá trình phân huỷ của rác thải hữu cơ, giúp rút ngắn thời gian ủ phân. Loại chế phẩm này có bán ở các cửa hàng nông nghiệp trên toàn quốc.

3.3 Dụng cụ ủ

Dụng cụ để ủ phân là một thùng chứa có dung tích từ 25-160 lít, tuỳ thuộc vào lựng rác thải của gia đình. Thùng ủ phân phải có những lỗ nhỏ trên thân, mỗi lỗ có kích thước khoảng 0,5 cm, các lỗ cách nhau 15 -20 cm. Thùng ủ phải có của có thêm để chốt và bản lề để cho rác vào và lấy phân ra trong quá trình ủ.

3.4 Vị trí ủ

Trong quá trình ủ phân hữu cơ rất khó tránh khỏi sẽ tạo ra những mùi thối, vì thế nên lựa chọn vị trí đặt thùng ủ phù hợp để không ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình.

Cần đặt thùng ủ ở vị trí địa chất ổn định, không sụp lún, không úng nước khi mưa. Dưới vị trí đặt cần chuẩn bị một lớp cát dày 20-40cm để lọc những chất lỏng sinh ra từ quá trình ủ, trước khi chúng chảy vào đất. Ngoài ra, cần ủ rác ở xa khu dân cư, phải là nơi thông thoáng và có nhiều ánh sáng mặt trời.

4/ Cách ủ rác nhà bếp với Trichoderma

Bạn có thể ủ rác nhà bếp với chế phẩm Trichoderma bằng các bước sau:

– Bước 1: Cho rác hữu cơ vào thùng chứa. Tiến hành chồng 10cm rác nâu lại thêm 10cm rác xanh, sau đó pha dung dịch nước rỉ mật và rải đều lên hỗn hợp. Đồng thời, rải lên trên cùng 1 lớp mỏng chế phẩm Trichoderma.

– Bước 2: Tiếp tục chồng các lớp rác lên với nhau như vậy cho đến khi lấp đầy thùng ủ. Lưu ý, rác trước khi ủ cần vắt nước nếu quá ẩm, hoặc tưới thêm ít nước vào thùng nếu hỗn hợp quá khô. Duy trì độ ẩm 50-60% là phù hợp.

– Bước 3: Đậy nắp thùng chứa và đem đặt ở vị trí phù hợp. Sau 15 ngày thì tiếp hành lấy ra và đảo đều hỗn hợp 1 lần.

5/ Ủ rác nhà bếp với Trichoderma bao lâu thì sử dụng được?

Thời gian ủ phân từ rác bếp phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm: Điều kiện ngoại cảnh, thành phần nguyên liệu ủ, độ ẩm, nhiệt độ ủ,…

Tuy vậy, nhìn chung sau khoảng thời gian từ 7-9 ngày sau khi ủ, bạn có thể dùng nước lên men từ rác hữu cơ để tưới cho cây (Tỉ lệ 1:100). Sau 25 ngày kể từ ngày ủ, bạn tiến hành lấy hỗn hợp ra, nếu thấy chưa hoai có thể thêm 1 ít nấm Trichoderma để trộn và tiếp tục ủ.

Trung bình, sau khoảng thời gian 1 tháng, khi phân có màu đen, mềm mịn và không có mùi hôi thì bạn có thể đem phân sử dụng để bón cây.

6/ Cách sử dụng phân bón từ ủ rác nhà bếp

Phân bón được ủ từ rác bếp có hàm lượng dinh dưỡng cao, lại an toàn cho cây. Bạn có thể sử dụng loại phân này tương tự như cách dùng của các loại phân vi sinh hay phân chuồng hoai. Có thể dùng cho bón lót hay bón thúc đều được. Ngoài ra, bạn có thể nắn phân lại thành các viên tròn và sử dụng để bón cho cây như những loại phân tan chậm.

7/ Những lưu ý khi ủ rác nhà bếp với Trichoderma

Để có thể ủ được phân hữu cơ từ rác bếp thành công và hiệu quả trong thời gian ngắn nhất, bạn cần thực hiện một số lưu ý sau:

– Hạn chế sử dụng các loại nguyên liệu: Nguyên liệu có chứa tinh dầu (Vỏ cam, bưởi, lá tràm,…), nguyên liệu là thịt, cá (Vì có nhiều vi khuẩn gây hại và khi phân huỷ sẽ có mùi rất hôi) và nguyên liệu từ sữa (vì sẽ ức chế quá trình phân giải của vsv).

– Kiểm soát độ ẩm trong suốt quá trình ủ: Quá trình phân giải các chất có trong rác cần có một lượng ẩm nhất định (40-60%). Vậy, xét thấy hỗn hợp có hiện tượng khô, hãy tưới thêm nước, hoặc khi thấy hỗn hợp rỉ nhiều nước, hãy thêm các nguyện liệu như rơm khô vào.

– Kiểm tra nhiệt độ của phân: Các phản ứng phân huỷ trong quá trình ủ sẽ gây nên sự tăng nhiệt độ của phân. Vậy ta có thể dễ dàng theo dõi quá trình này thông qua sự thay đổi của nhiệt độ. Khi ủ phân, hãy cắm 1 cây củi khô vào thùng, sau 7 ngày thì lấy ra, nếu thấy thanh củi ấm, thì quá trình ủ đang diễn ra tốt đẹp.

Ủ phân hữu cơ từ rác bếp là một phương pháp xử lý rác thải hiệu quả và phân thiện đối với môi trường. Phân từ ủ rác không chỉ có lượng dinh dưỡng cao mà còn tăng khả năng kháng bệnh cho cây nếu bón vào. Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn có thể tận dụng được những rác thải bỏ đi, để tạo ra phân bón sạch cho khu vườn của mình đúng không nào. Với bất cứ thắc mắc nào bạn hãy liên hệ ngay đến Hotline 0902.652.099 để được tư vấn nhiệt tình và chính xác nhất nhé!

Sfarm.vn

*Xem thêm

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết