Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long

1929 lượt xem

Với giá trị xuất khẩu cao, diện tích trồng thanh long trên cả nước ngày càng được mở rộng. Khi tham quan tại vườn, có phải bạn đã nghĩ thanh long rất khó trồng và tốn công chăm sóc không? Không đâu, điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn tìm hiểu kỹ. Hãy cùng Đặng Gia Trang giải đáp những băn khoăn này với kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long nhé!

1/ Đặc điểm cây thanh long

Thanh long có xuất xứ từ nhiệt đới, chịu hạn giỏi nhưng không chịu được ngập úng, cho trái sau 2 – 3 năm chăm sóc.

Thân thanh long thuộc dạng thân bò lan, thân và nhánh đều có màu xanh. Nhánh thanh long có 3 cạnh, chứa nhiều gai nhỏ, dài khoảng 80 – 100cm.

Thanh long có 2 loại rễ: Địa sinh và khí sinh. Rễ địa sinh là rễ chính, rễ khí sinh là rễ mọc quanh thân chính bám vào trụ. Những rễ khí sinh mọc gần đất, sẽ bám đất và trở thành rễ địa sinh.

Hoa thanh long là hoa lưỡng tính, có mùi hương dễ chịu, thời gian nở và thụ phấn từ 3 – 5 ngày.

2/ Các giống thanh long phổ biến ngày nay

Ngày nay trên thị trường có nhiều giống thanh long độc lạ, nhưng phổ biến nhất vẫn là thanh long ruột trắng vỏ đỏ, thanh long ruột đỏ và thanh long ruột đỏ hồng.

Thanh long ruột trắng, vỏ đỏ trồng ở những vùng có cường độ ánh sáng cao như các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Thanh long ruột đỏ và thanh long ruột đỏ hồng được nghiên cứu bởi Viện Cây ăn quả miền Nam và được trồng rộng rãi ở Tiền Giang, Long An, Bình Thuận. Giống thanh long này đòi hỏi lượng dinh dưỡng cao hơn ruột trắng.

3/ Thời vụ trồng thanh long hợp lý

Nếu bạn có điều kiện tưới tiêu tốt trồng thanh long từ tháng 10 – 11 dương lịch là tốt nhất. Đây là thời điểm tỉa cành nên bạn không cần lo việc thiếu hom giống, có thể tận dụng độ ẩm cuối mùa mưa và những vùng đất thấp không lo bị ngập úng.

Những vùng thiếu nước tưới tiêu, bạn nên trồng thanh long vào đầu mùa mưa – từ tháng 4 đến tháng 5 dương lịch vì khi cây chưa lớn sẽ không chịu được khô hạn, tuy nhiên bạn nên có kế hoạch giâm hom từ trước vì lúc này đang rơi vào giai đoạn thu hoạch.

4/ Cách lựa chọn giống thanh long đạt tiêu chuẩn

Trồng thanh long bằng hom đang là lựa chọn của bà con nông dân. Thanh long có thể trồng bằng hạt nhưng thời gian sinh trưởng và phát triển kéo dài.

Tiêu chuẩn hom giống:

– Tuổi cành: 1 – 2 năm tuổi, đã cho trái

– Chiều dài hom: 40 – 50cm

– Hom mập, có màu xanh đậm và sạch bệnh

– Các mắt chùm gai mẩy, 3 – 5 gai, khả năng nảy chồi tốt

Sau khi đã có hom giống ưng ý, đáy hom gọt sạch phần thịt để lại phần lõi 2 – 3cm. Xử lý hom qua thuốc trừ nấm, cắm hom xuống đất khô ráo, thoáng gió, 10 – 15 ngày sau hom ra rễ có thể mang đi trồng.

5/ Chuẩn bị trồng thanh long

5.1 Làm đất

Vùng đất xám bạc màu, đất núi ít dinh dưỡng, dễ xói mòn, rửa trôi (Bình Thuận, Vũng Tàu, Đồng Nai) cần bón nhiều phân hữu cơ (Phân chuồng ủ hoai) cải tạo đất. Sau khi xác định vị trí và chôn trụ xong, đào quanh trụ sâu tầm 15 – 20cm, rộng tầm 2cm, bón lót phân và đặt hom.

Ở Tiền Giang, Long An,.. những vùng đất trũng, nhiễm phèn tiến hành lên liếp rửa phèn. Mặt liếp cao hơn mặt ruộng khoảng 40cm, tránh ngập úng trong mùa mưa.

Bạn nên cày đất, phơi ải, xử lý mầm cỏ dại cẩn thận trước khi trồng, tiết kiệm chi phí trừ cỏ sau này và tiêu diệt được nhiều mầm bệnh.

5.2 Trụ trồng

Trụ xi măng lõi sắt được khuyến khích sử dụng, trụ 11x11cm, cao 1,8m. Khi chôn xuống đất trụ còn khoảng 1,3 – 1,4m, độ cao này thuận tiện để chăm sóc và nhánh thanh long trưởng thành không chạm đất.

Số lượng trụ = Diện tích/Khoảng cách trụ. Ví dụ: Trồng ở khoảng cách 3x3m, diện tích 1ha, ta có phép tính: 10.000/(3*3)= 1.100 trụ/ha.

Trước khi trồng 1 tháng, tiến hành chôn trụ, trụ đứng thẳng, không bị lệch. Phía đầu trụ gắn 1 cái khung hoặc thanh sắt để sau này thanh long lớn có thể bám vào và rủ xuống.

6/ Kỹ thuật trồng thanh long

Khoảng cách trồng được áp dụng nhiều hiện nay: 2,7×2,7m; 2,7×2,5m; 2,4×2,6m. Nếu trụ cao thì thanh long sẽ tỏa nhánh nhiều và cần khoảng không rộng hơn so với trụ thấp, số lượng trụ sẽ giảm đi.

Cách đặt hom: Đặt 3 – 4 hôm giống/trụ

– Đặt hom cách mặt đất khoảng 0,5cm tránh thối rễ do ẩm đất.

– Áp phần mặt phẳng hom vào trụ, như vậy khi ra rễ sẽ nhanh bám, lưu ý không nên áp quá sát vì nhiệt độ trụ cao khi trời nóng sẽ tổn hại đến hom.

Dùng dây mềm cột cố định các hom vào trụ tránh lung lay vì lúc này hom chưa hình thành rễ bám vào trụ, tưới nhẹ, dùng rơm rạ tủ gốc giữ nước.

7/ Chăm sóc sau khi trồng thanh long

7.1 Tưới nước

Thanh long có khả năng chịu hạn tốt, không nên để cây trong tình trạng thiếu nước lâu dài sẽ làm giảm năng suất và rối loạn hoạt động sinh lí cây trồng. Duy trì tưới 5 – 7 ngày/lần đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng. Đặc biệt không để cây thiếu nước trong giai đoạn nở hoa, đậu quả.

7.2 Tủ gốc

Dùng rơm rạ tủ gốc ngay khi đặt hom giúp giữ nước, hạn chế bốc hơi nước. Ngoài ra tủ gốc còn góp phần hạn chế cỏ dại.

7.3 Tỉa cành

Đây là kỹ thuật quan trọng trong giai đoạn kinh doanh.

Tỉa lựa: Tỉa thường xuyên trong quá trình chăm sóc, cắt những cành hư hại, sâu bệnh và mọc chỗi với những cành khác. Để cành theo nguyên tắc: 1 cành mẹ 2 cành con, trên đỉnh trụ cắt tỉa sao cho đỉnh tròn, phân bố đều quanh trụ.

Cách trồng thanh long

Cách trồng thanh long

Tỉa sửa cành: Lúc cây ra trái ổn định, cây vẫn tiếp tục mọc cành non, cần cắt bỏ những cành này để tập trung dinh dưỡng nuôi trái.

Tỉa đau: Sau 1 đợt thu hoạch trái, tỉa bỏ ⅔ số cành già, cành hư hại.

8/ Cách bón phân khi trồng thanh long

8.1 Bón phân giai đoạn kiến thiết cơ bản

Giai đoạn này kéo dài từ lúc trồng đến 2 năm tuổi.

– Năm thứ nhất:

Phân hữu cơ: Bón lót trước khi trồng và 6 tháng sau khi trồng, 10 – 15 kg/trụ + 0,5 kg Super Lân/trụ.

Phân hóa học: Định kỳ bón hàng tháng với liều lượng 50g ure + 100g phân NPK 20 – 20 – 15/trụ. Bón quanh gốc, tủ rơm và tưới nhẹ.

– Năm thứ hai:

Phân hữu cơ: Bón đầu và cuối mùa mưa, 20kg/trụ + 0,5kg Super Lân/trụ.

Phân hóa học: Bón 100g ure + 200g NPK 20 – 20 – 15/trụ, bón định kỳ hàng tháng.

8.2 Bón phân giai đoạn kinh doanh

Cần cung cấp đủ dinh dưỡng trong giai đoạn này để cây cho trái nhiều, đạt năng suất cao, không còi cây.

Phân hữu cơ: Vẫn bổ sung 2 lần/năm vào đầu và cuối mùa mưa, 30kg phân hữu cơ hoai mục + 0,5kg Super Lân/trụ.

Phân hóa học: Trước khi ra hoa bón phân có tỉ lệ dinh dưỡng 1:2:2, giai đoạn nuôi nụ và nuôi trái sử dụng phân bón có hàm lượng N và K cao hơn P.

Ngày nay, phân trùn quế được nhiều nhà vườn ưa chuộng sử dụng cho cây thanh long. Vì với dinh dưỡng lành tính, giàu acid humic, acid fulvic, IAA cùng hệ vi sinh vật có lợi. Giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh, tăng hương vị và màu sắc quả.

9/ Phương pháp phòng trừ sâu bệnh trên thanh long

Côn trùng gây hại: Lưu ý tiêu diệt kiến lửa, bọ xít và ruồi vàng. Áp dụng bẫy kiến từ cơm dừa, mỡ lợn, đường và thuốc trừ sâu Regent tiêu diệt. Sử dụng bã mồi SOFRI protein dẫn dụ và loại bỏ ruồi vàng đực, khi thấy ruồi chết phun thuốc Viserin 4.5EC loại bỏ ấu trùng ruồi vàng.

Bệnh hại: Thối cành và nám cành là loại bệnh chủ yếu trên cây thanh long, sử dụng Ridomil Gold 68WG để phòng trừ.

10/ Kỹ thuật xử lý ra hoa, đậu quả trên thanh long

Có nhiều biện pháp xử lý ra hoa cho thanh long, phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất là châm đèn.

Trước khi xử lý, cần bón bổ sung phân có tỉ lệ lân và kali cao.

Thắp đèn liên tục 15 – 20 ngày, thắp 7 – 10 giờ/đêm, sau khi ngưng đèn khoảng 5 ngày thì cây ra hoa. Từ khi ra hoa đến lúc thu hoạch khoảng 55 ngày.

11/ Cách chăm sóc trái thanh long

Trên mỗi cành để 3 – 4 quả, dùng vải không dệt bao quả tránh bị tác động thời tiết và côn trùng gây hại.

12/ Thu hoạch

Sau khi trái chuyển từ màu xanh sang màu đỏ được 3 ngày thì có thể thu hoạch.

Đặng Gia Trang đã cung cấp cho bạn cách trồng thanh long chi tiết nhất rồi. Nếu trong quá trình trồng thanh long và có gì thắc mắc, bạn hãy liên hệ Hotline 0902.652.099 để được giải đáp nhé!

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết