Kỹ thuật trồng nấm hương tại nhà siêu đơn giản

1864 lượt xem

Nấm hương là loại nấm thơm ngon, có giá trị cao và được nhiều người yêu thích. Từ rất lâu, nấm hương đã được nuôi trồng nhưng chủ yếu là để kinh doanh. Hiện nay, xu hướng trồng nấm hương tại nhà đang ngày càng phổ biến. Vậy cách trồng nấm hương có đơn giản không? Trồng và chăm sóc như nào để nhanh cho thu hoạch và chất lượng nấm tốt? Hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu trong bài viết sau nhé.

1/ Đặc điểm của nấm hương

Nấm hương là một loại nấm ăn còn có tên gọi khác là nấm đông cô, có danh pháp khoa học là Lentinula edodes, nguồn gốc từ Đông Á. Loại nấm này có hình dáng như cái ô, kích thước đường kính khoảng từ 4 – 10cm. Cuống nấm hương hình trụ, màu trắng và ở giữa tai nấm. Mặt trên tai nấm màu nâu, có nhiều vảy nhỏ màu trắng, còn mặt dưới có nhiều bản mỏng xếp lại. Thịt nấm hương màu trắng và có hương vị thơm ngon.

2/ Điều kiện sinh trưởng của nấm hương

– Độ ẩm: Nấm hương sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện độ ẩm không khí lý tưởng là khoảng 90%, độ ẩm cơ chất khoảng 65 – 70%.

– Ánh sáng: Cũng giống các loại nấm khác, nấm hương không cần ánh sáng trong giai đoạn sợi nấm phát triển. Khi ở thời kỳ hình thành thể quả thì nấm hương cần ánh sáng khuếch tán.

– Nhiệt độ: Bào tử nấm hương nảy mầm ở nhiệt độ tốt nhất là từ 22 – 26 độ C. Nhiệt độ phù hợp để sợi nấm phát triển là khoảng 24 – 26 độ C và thể quả hình thành khi nhiệt độ khoảng 8 – 21 độ C.

– Độ pH: Nấm hương sinh trưởng tốt nếu độ pH trung tính, tức khoảng 5 – 6. Nhưng giai đoạn phân hóa thể quả thì độ pH thích hợp là khoảng 3.5 – 4.5.

ky thuat trong nam huong tai nha sieu don gianTrồng nấm hương

3/ Trồng nấm hương bằng mùn cưa

3.1 Xử lý mùn cưa trước khi trồng nấm hương

Mùn cưa để trồng nấm hương phải đảm bảo độ ẩm khoảng 70%, không có tinh dầu, không bị mốc và không hóa chất. Trước khi xử lý thì cần ủ mùn cưa khoảng 4 – 6 ngày, và cứ 2 – 3 ngày thì đảo một lần.

Việc xử lý mùn cưa trước khi trồng nấm hương rất quan trọng vì sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và chất lượng nấm sau này. Chuẩn bị túi nilon chịu nhiệt, kích thước chiều rộng 25cm, chiều dài 40cm. Sau khi ủ thì trộn mùn cưa cùng 3% bột nhẹ CaCO3 hoặc 1,5% vôi bột, cho vào mỗi túi khoảng 1,5kg. Thắt cổ túi bằng ống nhựa và bông, rồi tiến hành thanh trùng túi mùn cưa bằng 1 trong 2 cách sau:

– Sử dụng nồi Autoclave để hấp túi mùn cưa với nhiệt độ 121 độ C, trong khoảng 90 phút.

– Nếu trồng nấm hương với số lượng lớn, nên xây lò hoặc hấp trong thùng phuy như sau: Đáy dùng chảo ngang, quấn tôn xung quanh, dùng amiăng và bông thủy tinh để bảo ôn lớp tôn rồi xây gạch bọc ngoài. Xếp túi mùn cưa vào thùng hấp cách thủy trong khoảng 10 – 12 giờ kể từ khi sôi với nhiệt độ 100 độ C. Nhiên liệu dùng để đốt nên dùng than hoặc củi.

Để hoàn thành công đoạn này, các túi mùn cưa sau khi thanh trùng được lấy ra đặt ở vị trí sạch sẽ cho đến khi nguội.

3.2 Cây giống

Cây giống nấm hương được lấy từ các tủ cấy vô trùng sang túi mùn cưa đã được xử lý. Lưu ý tỷ lệ mỗi túi là 2,5 – 3% lượng cây giống so với nguyên liệu.

3.3 Ươm túi mùn cưa đã cấy giống và chăm sóc

Các túi mùn cưa đã cấy giống được chuyển vào nhà ươm thoáng mát, sạch sẽ và không có ánh sáng. Nhà ươm cần được bố trí khoảng nhiều tầng giàn tùy điều kiện sao cho các tầng cách nhau 50cm. Xếp các túi mùn cưa đã cấy giống lên từng tầng giàn với khoảng cách 7 – 10cm. Tiến hành ươm với nhiệt độ 24 – 26 độ C, trong khoảng thời gian từ 60 – 70 ngày.

Một thời gian sợi nấm sẽ phát triển, ngấm dần vào nguyên liệu và hình thành màu trắng đồng nhất. Lúc này, bạn cần chú ý độ thông thoáng trong nhà ươm, phòng trừ các loại chuột tấn công. Kiểm tra thường xuyên để kịp thời loại bỏ những túi bị nhiễm bệnh, nhiễm khuẩn do nấm mốc.

3.4 Cách chăm sóc

Sau khi ươm, bạn cần chuyển các túi đã có sợi nấm mọc kín đáy sang phòng khác có ánh sáng, nhiệt độ khoảng 16 – 18 độ C và độ ẩm không khí trên 80%. Lúc này, bạn tháo bông và mở miệng túi rộng ra, đều đặn tưới nước ở dạng phun sương khoảng 2 – 3 lần/ngày. Khoảng 15 ngày sau, nấm hương lên nhiều và lớn dần thì cần phải thay đổi nhiệt độ là 13 – 25 độ C trong 8 – 12 tiếng để kích thích mạnh hơn sự hình thành thể quả.

3.5 Thu hoạch

Khoảng 4 – 5 tháng nuôi trồng và chăm sóc, bạn có thể thu hoạch nấm hương. Trong suốt quá trình nuôi trồng, bạn cần đảm bảo việc chăm sóc đúng kỹ thuật thì mới đạt hiệu quả. Mỗi đợt thu hoạch có thể đạt tới 600 – 800g nấm hương/túi. Nấm hương sau khi thu hoạch bạn có thể sử dụng ở dạng tươi hoặc sấy khô ở nhiệt độ 40 – 45 độ C. Nếu sấy khô thì phải bảo quản trong túi nilon và buộc kín miệng lại để tránh nấm mốc.

4/ Trồng nấm hương bằng gỗ

4.1 Xử lý gỗ trước khi trồng nấm hương

Trước tiên, bạn phải chọn gỗ phù hợp để trồng nấm hương, có thể là gỗ khô hoặc còn tươi đều được. Lưu ý gỗ phải không bị sâu bệnh và không chứa tinh dầu. Một số loại gỗ để trồng nấm hương đạt năng suất cao như gỗ sồi, gỗ dẻ, gỗ sau sau,…

Thời điểm chặt gỗ để trồng nấm hương nên vào đầu xuân (tức tháng 4 dương lịch) hoặc mùa thu đông (tức tháng 10 – 11). Bạn chọn những đoạn gỗ thẳng rồi cắt thành các khúc dài khoảng 1 – 1,2m và đường kính khoảng 5 – 20cm, sao cho lớp vỏ không bị xây xát.

Gỗ đã chặt xong được đặt ở trong nhà thoáng mát, sạch sẽ. Khoảng 5 – 10 ngày, bạn rửa sạch rồi quét nước vôi đặc vào 2 đầu khúc gỗ. Tạo các lỗ trên gỗ với đường kính 1,5cm và sâu 3 – 4cm bằng khoan hoặc búa chuyên dụng. Các lỗ được đục so le nhau, mỗi lỗ cách nhau 15 – 20cm, mỗi hàng cách nhau 7 – 10cm.

4.2 Cây giống

Cây giống nấm hương phải đảm bảo khỏe mạnh, không bị sâu bệnh và được bảo quản trong môi trường vô trùng. Bạn có thể mua cây giống ở những cửa hàng uy tín để đảm bảo chất lượng và được tư vấn chi tiết.

4.3 Ươm

Sau các bước chuẩn bị, bạn tiến hành ươm giống nấm hương. Đầu tiên, bạn tra giống nấm vào gần đầy miệng lỗ trên gỗ, rồi dùng phôi gỗ làm nắp đậy kín lại. Lưu ý chia đều 3kg giống cho mỗi khúc gỗ. Tiếp tục dùng xi măng hòa cùng nước giống vữa trát tường để quét trên miệng nắp gỗ.

Sau đó, xếp gỗ thành đống cao 1,5cm theo kiểu cũi lợn sao cho cách mặt đất khoảng 15 – 20cm. Sử dụng các bao tải gai để phủ kín đống gỗ.

Giai đoạn ươm giống, bạn chỉ cần tưới nước mỗi ngày, tưới đủ cho ướt lớp bao tải. Nếu tưới quá nhiều làm nước ngấm vào thân gỗ sẽ khiến giống bị chết. Định kỳ 2 tháng phải đảo đống gỗ và kiểm tra độ ẩm của gỗ một lần. Nếu gỗ quá khô thì tưới phun sương xung quanh thân gỗ cho ẩm rồi ủ đống lại như ban đầu.

Tùy từng loại gỗ mà thời gian ươm giống có thể trong khoảng từ 6 – 16 tháng. Khi ươm giống thì cần có biện pháp phòng trừ chuột, côn trùng. Nếu xuất hiện khúc gỗ bị bệnh hay nấm mốc thì phải nhanh chóng lấy ra khỏi đống ủ để tránh lây lan.

4.4 Chăm sóc

Quá trình nấm hương bắt đầu hình thành thể quả, từ bề mặt thân gỗ sẽ xuất hiện những chấm nhỏ màu hồng nhạt chính là mầm nấm. Vài ngày sau, mầm nấm lớn dần như hạt ngô rồi từ từ hình thành cây nấm hoàn chỉnh.

Sau giai đoạn ươm giống, bạn dựng đứng các khúc gỗ theo kiểu giá súng với khoảng cách giữa các hàng là từ 50 – 60cm. Lúc này có thể xếp gỗ trong nhà thoáng mát, có mái che, độ ẩm cao và có ánh sáng khuếch tán. Tiếp tục tưới ẩm nhẹ nhàng lên thân gỗ mỗi ngày khoảng 2 – 3 lần. Đồng thời, bạn phải đảo đầu khúc gỗ khoảng 2 tháng một lần để độ ẩm được đồng đều.

4.5 Thu hoạch

Trải qua quá trình chăm sóc, quan sát nấm hương có kích thước đạt tiêu chuẩn và đồng nhất thì bạn có thể thu hoạch. Với cách trồng nấm hương bằng gỗ thì thời gian thu hoạch khoảng 3 – 6 tháng/năm. Lưu ý khi nhiệt độ cao hơn 20 độ C thì bạn phải xếp gọn gỗ lại rồi ươm như lúc mới cấy giống đến chu kỳ lạnh năm sau thì chăm sóc và thu hoạch tiếp.

Khi thu hái nấm hương, bạn dùng một tay đè lên điểm gần cuống, và tay còn lại xoay nhẹ cây nấm để hái không bị sót lại phần cuống. Sau đó, bạn cắt bỏ phần gốc còn bám vào thân gỗ. Nấm hương sau khi thu hoạch cũng được sử dụng, bảo quản tùy theo nhu cầu và mục đích của gia đình.

Mọi chi tiết thắc mắc, bạn vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099!

Sfarm.vn

*Xem thêm

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết