Suy giảm chất lượng đất: hiện trạng, nguyên nhân và giải pháp

1727 lượt xem

Chất lượng đất trồng đang ngày càng suy giảm. Đất nghèo dinh dưỡng, đất bạc màu, đất bị xói mòn, rửa trôi, thiếu mùn trong đất,… là vô số các vấn đề mà những người làm nông nghiệp đang phải đối mặt. Vậy thực hư, diễn biến hiện trạng thế nào? Nguyên nhân vấn đề từ đâu mà có? Liệu có biện pháp nào để cứu vãn những khu đất trồng xuống cấp? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này.

4

1/ Hiện trạng suy giảm chất lượng đất

Trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn,… đất trồng trọt ngày càng thiếu hụt dinh dưỡng do bị rửa trôi, không đủ phù sa bồi đắp, chưa kể hạn mặn gia tăng làm đất dần trở nên khô cằn.

Đất canh tác nếu bón nhiều phân đạm (urê) và kali lâu năm, và nhất là điều kiện nóng, ẩm mưa nhiều như ở ĐBSCL thì sự suy thoái đất diễn ra khá nhanh chóng. Khi đất bị suy thoái, khoáng sét trong đất bị phá hủy, đất mất dần cấu trúc, trở nên rời rạc, mềm nhão khi gặp nước và kết dính đóng váng khi khô, đất trở nên bí chặt kém thông thoáng.

Cây trồng không có năng suất cao do đất không đủ khoáng chất cần thiết để cung cấp cho cây. Từ đó dẫn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp đều không có hiệu quả kinh tế. Trong khi nông dân đầu tư chi phí cao cho giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhưng nông sản kém chất lượng. Vấn đề chính nằm ở việc đất quá nghèo dinh dưỡng.

2/ Nguyên nhân

Đất trồng trọt bị suy giảm độ phì nghiêm trọng như hiện nay là do tác động từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có cả yếu tố khách quan về ngoại cảnh, lẫn yếu tố chủ quan về tập quán canh tác của nông dân. Điển hình như thói quen sản xuất: trồng nhiều vụ trên năm, bón quá nhiều phân NPK, dẫn đến đất bị bạc màu, mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu trung, vi lượng và các chất hữu cơ.

Bên cạnh đó, việc bón phân sai cách cũng là nguyên nhân khiến đất bị chua (độ pH giảm dưới 5). Cũng như nếu việc quản lý cỏ không tốt, không tạo được độ che phủ bề mặt thì khả năng đất bị rửa trôi là rất cao.

Ngoài ra, việc lạm dụng các loại phân thuốc hóa học, hóa chất độc hại để phòng trừ sâu bệnh trong suốt thời gian dài canh tác, cũng gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ phì của đất. Các nguyên tố hóa học, kim loại nặng khi tích tụ lâu ngày sẽ làm phá vỡ hết tất cả cấu trúc đất, khiến đất bị trơ và không còn canh tác được nữa.

3/ Giải pháp

Trong quá trình canh tác, thường xuyên kiểm tra độ chua của đất, điều chỉnh pH về mức 6 – 6,5 thông qua việc bón (tưới) vôi; quản lý cỏ trong vườn hợp lý; tạo độ che phủ cho bề mặt đất; tưới đúng cách; bón phân đầy đủ, cân đối, bổ sung phân trung, vi lượng và humic cho đất vườn; xới xáo, phá váng lớp đất mặt. Các biện pháp này sẽ giúp ngăn chặn sự suy thoái của đất, từng bước tăng dần độ phì và dinh dưỡng trong đất, giúp cho việc trồng trọt, sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững hơn.

3

Bên cạnh đó, phải giảm thiểu tối đa việc lạm dụng phân bón hóa học vào canh tác vì đây là nguyên nhân cốt lõi gây ra tình trạng suy thoái đất nông nghiệp. Thay vào đó, nên bổ sung cho đất và cây trồng các loại phân bón hữu cơ. Đây sẽ là nguồn phân bón giúp cây trồng khỏe mạnh, lại có thể giúp cải tạo các tính chất hóa lý cho đất, bổ sung hệ vi sinh phong phú và cải tạo đất trồng một cách hiệu quả, bền vững

Tóm lại, đất trồng là yếu tố có vai trò đặc biệt quan trọng đối với canh tác nông nghiệp. Chính vì vậy, việc khai thác sản xuất phải đi kèm với trách nhiệm bảo tồn. Trang bị kiến thức cần thiết để đảm bảo làm đúng quy trình kỹ thuật, bón phân đúng cách, tưới tiêu hợp lý và kết hợp các phương thức luân canh, xen canh, mùa vụ để đảm bảo chất lượng đất.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết