Ruộng lúa bờ hoa – mô hình dễ làm nhưng hiệu quả cao

1985 lượt xem

Ruộng lúa bờ hoa – Trồng hoa quanh ruộng lúa làm gia tăng quần thể thiên địch, góp phần hạn chế sâu rầy bảo vệ lúa, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập. Cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu về mô hình này qua bài viết sau.

1/ Mô hình Ruộng lúa bờ hoa

Mô hình “Ruộng lúa bờ hoa” nằm trong chương trình “Quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái” do Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) triển khai thí điểm đầu tiên ở vụ lúa Đông Xuân 2009 – 2010 tại hai huyện Cai Lậy và Cái Bè của tỉnh Tiền Giang.

Đây là mô hình kết hợp việc trồng hoa trên bờ ruộng giúp thu hút các loài côn trùng có ích đến hút mật, sinh sản và làm gia tăng quần thể thiên địch góp phần hạn chế sâu rầy, bảo vệ lúa.

Ngoài ra còn giúp hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giúp giảm chi phí cho người nông dân, bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Trong thời gian gần đây, mô hình này ngày càng được ứng dụng rộng rãi và thu được nhiều kết quả khả quan.

ruong-lua-bo-hoa-2

2/ Hiệu quả của mô hình

2.1 Giảm thiểu được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Nông dân trong vùng được hướng dẫn trồng nhiều loại hoa chung quanh khu ruộng. Với việc làm này, các loại dịch hại bị thu hút bởi màu sắc, hương thơm của hoa mà hạn chế tấn công cây trồng chính. Đồng thời, hoa trên bờ mẫu cũng là nơi tồn tại của nhiều loại thiên địch, từ đó giúp hạn chế các loại dịch hại bùng phát.

Từ đó, giảm thiểu được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhờ hạn chế côn trùng có hại. Kết quả, tính trên mỗi ha tiết kiệm được đến 500 nghìn đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật và công phun. Chính vì giảm được chi phí trong việc mua thuốc bảo vệ thực vật nên hiệu quả kinh tế lại được nâng cao hơn.

2.2 Duy trì năng suất cây trồng

Ruộng lúa bờ hoa được kết hợp áp dụng biện pháp “1 phải 5 giảm (giảm lượng giống; giảm phân bón; giảm thuốc hóa học; giảm lượng nước tưới; giảm thất thoát) và quy trình GlobalGAP ghi nhận nhiều kết quả khả quan.

Kết quả cho thấy, ruộng lúa gần như không phải phun thuốc trừ sâu, rầy mà vẫn đạt năng suất hơn 6 tấn/ha ở vụ hè thu và thu đông, còn vụ đông xuân lên đến hơn 7 tấn/ha, tăng gần một tấn/ha so canh tác bình thường. (mô hình canh tác tại An Giang)

2.3 Phát triển thiên địch

Qua phản ánh của những nông dân thực hiện mô hình thì khi trồng những cây ra hoa màu trắng và màu vàng thường có nhiều phấn, sẽ càng thu hút nhiều thiên địch đến tấn công các loài sâu hại nên không phải phun thuốc như lối canh tác thông thường.

Còn các cán bộ kỹ thuật thì đánh giá mô hình “ruộng lúa bờ hoa” mang lại hiệu quả rất lớn, vì nó dẫn dụ thiên địch tìm đến và hầu hết các loại thiên địch đều ăn các loại côn trùng có hại như: rầy nâu, sâu cuốn lá và kể cả nhện gié. Ðặc biệt, những thiên địch như nhện, bọ rùa… bắt sâu cuốn lá, rầy và tất cả các loài sâu hại khác rất giỏi nên ruộng không cần phun thuốc trừ sâu rầy mà hầu như không xảy ra dịch bệnh gì.

Áp dụng mô hình này sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường, tạo được cân bằng sinh thái trên đồng ruộng và còn giúp nông dân bảo vệ sức khỏe, nâng cao trình độ kỹ thuật, nhất là trong quản lý dịch hại trên ruộng lúa. Ðây là một mô hình mới rất có triển vọng, phù hợp với việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

2.4 Bảo vệ môi trường và sức khỏe con người

Mô hình “Ruộng lúa bờ hoa” không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế, mà còn giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe của nông dân. Khi tham gia mô hình, nông dân giảm sử dụng các loại thuốc trừ sâu, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm các loại rác thải (chai, lọ thuốc trừ sâu) gây hại cho môi trường.

3/ Các lưu ý khi thực hiện mô hìnhruong-lua-bo-hoa-1

Qua các mô hình đã thực nghiệm thành công, có thể nhận thấy: Ðể thực hiện có hiệu quả mô hình sản xuất lúa theo công nghệ sinh thái cần thiết kế thửa ruộng có bờ cao, rộng hợp lý, nhất là không bị ngập úng hay mặt bờ quá hẹp.

Còn về giống các loài hoa được khuyến cáo trồng trên bờ để vừa có tác dụng thu hút, nhân nuôi tốt các loài côn trùng có ích, nhất là loài ong ký sinh, thì bao gồm nhiều loại như: hoa sao nhái, hoa cẩm chướng, hoa cúc, hoa quỳ, hướng dương, bông trang, mè, đậu bắp, đậu xanh… Những loài hoa này nên trồng trước khi sạ lúa, tốt nhất là khoảng một tháng để thu hút các loài côn trùng có ích trước khi cây lúa cần bảo vệ.

Mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái “ruộng lúa bờ hoa” trên cây lúa tuy đơn giản, dễ dàng thực hiện nhưng lại thu về nhiều hiệu quả khả quan, đã mở ra triển vọng mới và vững chắc cho sản xuất lúa gạo sạch ở ÐBSCL. Ðồng thời, giúp bà con nông dân trồng lúa giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe và môi trường sống tốt hơn. Hi vọng, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng, triển khai trên diện tích canh tác lớn và đa dạng thêm trên nhiều mô hình canh tác.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (1 bình chọn)