Kiến vàng – bạn đồng hành không thể thiếu đối với vườn cây ăn trái

1804 lượt xem

1/ Kiến vàng

Kiến vàng là nhóm côn trùng có ích có khả năng khống chế và tiêu diệt nhiều loại côn trùng gây hại. Chúng sống theo bầy đàn, trong tổ kiến vàng bao gồm kiến thợ lớn, kiến thợ nhỏ, kiến đực và kiến chúa. Kiến vàng hiện diện quanh năm trong vườn cây ăn quả với mật số rất cao. Tuy nhiên mật độ có biến động qua các tháng trong năm. Tổ kiến vàng xuất hiện nhiều nhất vào đầu mùa mưa.

2/ Lợi ích của kiến vàng đối với vườn cây ăn trái

Từ lâu nông dân ĐBSCL có tập quán đem tổ kiến vàng về buộc trên cây. Nhất là trong vườn cam quýt, làm cầu cho kiến leo từ cây nọ sang cây kia. Đơn giản vì khi có mặt kiến vàng sẽ không còn bóng dáng lũ kiến hôi. Loại kiến đen làm cam quýt sượng và mất nước.

con kiến vàng

Một loại bệnh phổ biến khác trên cam quýt là greening do rầy chổng cánh gây ra. Làm lá có hiện tượng vàng lá gân xanh, trái nhỏ, bị vẹo, nhiều hạt lép và trái màu xanh. Khi kiến vàng xuất hiện sẽ góp phần tiêu diệt rầy chổng cánh, hạn chế bệnh greening. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở Viện Cây ăn quả Miền Nam.

Còn “trị” được một loại sâu khác là sâu vẽ bùa. Khi bà con nông dân sử dụng không đúng thuốc phòng trừ thì sâu vẽ bùa sẽ phát triển rất mạnh. Ong, ruồi ký sinh trên mình sâu vẽ bùa thường sinh sôi nảy nở mạnh mẽ. Nhưng nếu có kiến vàng, chúng sẽ áp đảo tiêu diệt sâu vẽ bùa.

Đặc biệt, một loài dịch hại đáng sợ khác là nhện, nhưng chúng lại rất “kỵ” kiến vàng. Nhiều nhà vườn trồng cam mật tiến hành nuôi kiến trong vườn thì lượng nhện giảm đi rõ rệt.

3/ Kỹ thuật nuôi kiến vàng trong vườn cây ăn trái

3.1 Cách thả

Nên thu thập các ổ kiến lá còn xanh, có độ to trung bình từ 20 cm trở lên, cấu tạo bởi 2 lớp lá, vì thường các tổ này dễ có Kiến chúa hơn.

Kiến hôi diệt kiến vàng nên phải diệt kiến hôi trước khi thả kiến vàng. Kiến mới và kiến vàng có sẵn trên cây cũng xung khắc nhau, chúng sát hại lẫn nhau. Trong lúc “chiến đấu” chúng tiết ra chất acid formic làm cho cành cây bị rám vỏ sau đó khô đi và bị chết. Nên phải diệt trước khi thả kiến mới. Nếu không diệt được hết kiến cũ thì phải thả kiến mới từ trên xuống để kiến mới xua đuổi kiến cũ xuống dưới gốc cây.

3.2 Thời gian thả

Để tránh kiến đánh diệt lẫn nhau, nên thu thập các tổ cùng một cây và để vào cùng một túi để các tổ kiến này cùng một nhóm. Kiến chúa, kiến đực và kiến thợ đều có mật số cao nhất từ tháng 7 đến tháng 10. Đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để thu thập tổ kiến thả vào vườn mới. Thả ít nhất 2 tổ đặt vào các chảng ba, chảng tư của cây.

3.3. Thức ăn

Cần phải cho kiến vàng ăn thêm bằng cách treo ruột gà, vịt, đầu cá… lên cây. Nhất là trong mùa khô thiếu thức ăn kiến sẽ bỏ đi. Nhưng chỉ cho ăn vài ba tháng một lần vì cho ăn nhiều kiến sẽ làm biếng không di chuyển và săn mồi.

3.4 Nơi phân bố

Để kiến có điều kiện phát triển và phân bố đều trong vườn. Cần tạo điều kiện cho kiến di chuyển từ cây này sang cây khác để săn mồi và làm tổ. Giăng dây hay gác cây từ cây này sang cây kia kiến sẽ di chuyển qua lại theo đường đó.

Kiến vàng sinh sống được trên tất cả các loại vườn: độc canh, xen canh và vườn tạp. Tuy nhiên, ở các vườn độc canh có trồng các cây khác như mận, xoài, cóc hay bình bát, quao, gòn trên bờ mương xung quanh vườn thì mật số nhiều hơn.

tổ kiến vàng

3.5 Lưu ý

Kiến vàng rất mẫn cảm với thuốc trừ sâu, vì thế nên hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học. Nếu sử dụng, phải dùng dầu khoáng hoặc thuốc ít độc đối với kiến. Thuốc nhóm Cúc tổng hợp giết kiến mạnh và nhanh nhất. Nếu sử dụng nên phun vào buổi chiều, khi kiến ít hoạt động và đã tập trung về tổ hoặc lúc sáng sớm. Tránh phun trực tiếp lên tổ. Để việc sử dụng kiến vàng có hiệu quả cần chú ý mật độ kiến phải đủ, phân bố đều và ổn định quanh năm.

Nuôi kiến vàng trên các vườn cây có múi là một biện pháp sinh học có hiệu quả cao và ít tốn kém. Đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Nhờ công dụng trong việc phòng trừ các loại sâu hại trên cây ăn trái. Đem lại hiệu quả cao trong canh tác cho nông dân và hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (6 bình chọn)