Những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ điển hình

1590 lượt xem

Nông nghiệp hữu cơ – xu thế tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Nhận thấy tiềm năng, lợi ích và nhu cầu to lớn trong thị trường nông sản hữu cơ, đã rất nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ ra đời và ghi nhận những bước thành công đáng bất ngờ.

1/ Chè Shan Tuyết – chè hữu cơ xuất khẩu đến nhiều quốc gia

Đây là mô hình sản xuất và xuất khẩu chè hữu cơ do đơn vị Ecomart đảm nhận với thương hiệu chè Shan Tuyết.

Hiện, chè Shan Tuyết được sản xuất tại huyện Bắc Hà của tỉnh Lào Cai (300ha) và huyện Quang Bình của tỉnh Hà Giang (500ha). Đây là 2 huyện có địa hình núi cao, khí hậu mát mẻ và hoàn toàn cách ly với các vùng trồng chè thâm canh truyền thống. Công ty đã xây dựng 2 nhà máy chè: một tại Bắc Hà và một tại Quang Bình. Sản phẩm chè hữu cơ của công ty đã được xuất khẩu sang Châu Âu và Mỹ.

san-pham-huu-co-dien-hinh-2

Các đặc điểm đặc trưng nhất trong hoạt động sản xuất chè hữu cơ của Ecolink-Ecomart là chỉ sử dụng một giống chè địa phương Shan Tuyết, sản xuất với các hộ nông dân đã đăng ký và được đào tạo. Các trang trại chè chỉ bón phân hữu cơ ủ mục, không dùng phân khoáng và không phun thuốc trừ sâu hóa học.

Sản phẩm của Công ty đã được cấp giấy chứng nhận hữu cơ của tổ chức ICEA (Ialia) từ năm 2009. Giá tiêu thụ chè hữu cơ sang châu Âu và Mỹ đạt khoảng 5,5 – 6,0 USD/kg so với 2,2 – 3,0 USD cho 1 kg chè thường xuất sang thị trường Ai Cập.

2/ Sản phẩm rau hữu cơ

Công ty Organik Đà Lạt đóng tại phường Xuân Thọ, thành phố Đà lạt, tỉnh Lâm Đồng, là địa bàn lý tưởng để sản xuất rau theo phương pháp hữu cơ.

Hiện công ty đang sản xuất khoảng 150 chủng loại rau các loại, cung cấp cho nhiều khách sạn cao cấp tại các thành phố: Đà Lạt, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội,… và khoảng 1000 khách hàng ngoại quốc đang làm việc tại Việt Nam. Công ty cũng đang xuất khẩu sản phẩm rau hữu cơ sang thị trường Đài Bắc và một số nước khác.

Organik Đà Lạt sử dụng phân hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng hóa chất và thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, thực hành tốt các nguyên lý và phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), luân canh cây trồng để loại trừ cây ký chủ nguồn bệnh, dùng các loại cây hoa có màu sắc để xua đuổi côn trùng….

Công ty đã được cấp chứng chỉ HACCP cho sản phẩm rau hữu cơ do HACCP của Hà Lan cấp. Công ty hiện cũng có ý tưởng sẽ tiến hành nghiên cứu và phát triển sản phẩm gạo, đường và muối hữu cơ.

3/ Sản phẩm gạo hữu cơ

Công ty Viễn Phú Green Farm đã đi đầu trong việc gia công, chế biến và sản xuất gạo hữu cơ để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trang trại của công ty được đặt tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau trên diện tích 320 ha, trong đó 200 ha để canh tác cây trồng.

Công ty bắt đầu sản xuất lúa hữu cơ với 80 ha trong vụ hè thu 2011 và khoảng 200 ha năm 2012. Lúa hữu cơ được sản xuất theo quy trình riêng của công ty, kể cả giống lúa cũng do công ty tuyển chọn, sử dụng phân hữu cơ do Viện Nghiên cứu Vật liệu hữu cơ của Mỹ cấp chứng chỉ để sản xuất, không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu hóa học trong quá trình sản xuất.

Sản phẩm lúa gạo hữu cơ của công ty được các tổ chức chứng nhận quốc tế theo tiêu chuẩn EU và USDA kiểm tra, giám sát và công nhận.

Sản phẩm chính của công ty là gạo hữu cơ đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn của châu Âu và Mỹ, có các thương hiệu “Hoa Sữa trắng”, “Hoa Sữa đen”, “Hoa Sữa Tím”, “Hoa Sữa Đỏ”…

san-pham-huu-co-dien-hinh

4/ Cafe hữu cơ L’amant

Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (tỉnh Gia Lai) – chủ sở hữu thương hiệu cà phê hữu cơ L’amant Café, có bề dày trong hoạt động xuất khẩu cà phê và nằm trong top 10 doanh nghiệp trong lĩnh vực cà phê đạt doanh số xuất khẩu lớn nhất cả nước. Doanh nghiệp xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững, sản phẩm đáp ứng các nhu cầu khắt khe về chất lượng từ các nước nhập khẩu.

Năm 2014, Cty Vĩnh Hiệp đã đầu tư xây dựng trang trại Vĩnh Hiệp với diện tích 45 ha tại huyện Chư H’drong, tỉnh Gia Lai theo mô hình hữu cơ (organic) để tiến tới một sản phẩm sạch đúng nghĩa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Năm 2018, trang trại đã được đánh giá và cấp chứng nhận organic theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Sau đó, trang trại của công ty còn tiếp tục nhận chứng nhận hữu cơ theo chuẩn của Nhật Bản, EU và Hàn Quốc.

Năm 2016, bên cạnh đầu tư vùng nguyên liệu organic, công ty đầu tư dây chuyền rang xay, chế biến cà phê theo tiêu chuẩn EU với công nghệ Probat nhập khẩu từ Đức. Vĩnh Hiệp xây dựng thương hiệu L’amant Café sản xuất các dòng cà phê rang xay mang hương vị đậm đà thuần khiết với phương châm “Sạch từ nông trại đến ly cà phê”.

Công ty ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thay đổi xu hướng tiêu dùng, tập trung mạnh vào sản xuất hữu cơ khi phát triển thị trường nội địa. Thời gian tới, Vĩnh Hiệp tiếp tục mở rộng diện tích canh tác hữu cơ bằng trang trại trực tiếp hoặc thông qua các nông hộ vệ tinh.

Trên đây là bốn mô hình nông nghiệp hữu cơ điển hình đã đi vào hoạt động ổn định. Ngoài ra, còn rất nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ quy mô doanh nghiệp và cả quy mô hộ gia đình, các mô hình khởi nghiệp trên toàn quốc. Điều đó chứng tỏ, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng và là nhu cầu tất yếu của một nền nông nghiệp bền vững.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (6 bình chọn)