Làm sao để đạt được chứng nhận hữu cơ?

1609 lượt xem

Chỉ cần tìm kiếm cụm từ “sản phẩm chứng nhận hữu cơ tại Thành phố Hồ Chí Minh” đã có đến trên 93 triệu kết quả. Khi tìm hiểu sâu hơn, người tiêu dùng sẽ bị bủa vây bởi hàng ngàn lời mời chào, quảng cáo hấp dẫn như “sản phẩm hữu cơ trị bệnh”, “bổ dưỡng”… Hay dạo một vòng quanh siêu thị Coopmart, Vincom, người tiêu dùng sẽ được “sờ tận tay day tận mắt”, “nếm tận miệng” các sản phẩm này.

Chính vì thế người tiêu dùng có lý do để nghi ngờ sản phẩm mình mua có thực sự là hữu cơ không, dựa vào đâu để xác nhận là sản phẩm hữu cơ là thật? Hiện tại, ở Việt Nam, người tiêu dùng có thể tin tưởng vào hệ thống PSG (hệ thống đảm bảo có sự tham gia), dựa vào đó, có thể chắc chắn rằng sản phẩm họ đang sử dụng là hữu cơ.

Vậy tại sao chỉ cần một hệ thống có thể quyết định giá trị sản phẩm gấp 3-4 lần bình thường?

Câu trả lời nằm ở cấu trúc của PSG, trong đó, mỗi đơn vị (4 đơn vị: hộ sản xuất, nhóm sản xuất, liên nhóm, nhóm điều phối PSG) có vai trò và nhiệm vụ riêng hỗ trợ và kiểm tra lẫn nhau. Và để được cấp chứng nhận, người sản xuất phải trải qua tiến trình gồm 8 bước có liên kết chặt chẽ lẫn nhau.

4

Bước 1

Hộ sản xuất liên hệ với nhóm sản xuất để làm thủ tục tham gia nhóm. Các nhóm sản xuất hữu cơ được hình thành và hoạt động trên những khu vực được cấp chứng nhận sản xuất rau hữu cơ. Hộ sản xuất phải tham gia khóa tập huấn về tiêu chuẩn hữu cơ PGS và ký cam kết tự nguyện làm theo các tiêu chuẩn và thủ tục cấp chứng nhận PGS. Đồng thời, hộ sản xuất phải nộp lên kế hoạch quản lý khu vực sản xuất.

Bước 2

Liên nhóm sẽ thẩm tra xem kế hoạch quản lí khu vực sản xuất của hộ sản xuất có được hoàn thành đầy đủ không và sau đó sẽ thông báo cho nhóm sản xuất để tiến hành thanh tra chéo.

Bước 3

Hộ sản xuất và nơi sản xuất sẽ được thanh tra bởi các thành viên khác trong nhóm sản xuất. Ít nhất có ba thành viên của nhóm sản xuất cần có mặt trong một buổi kiểm tra chéo (nhóm có thể cử thêm thành viên) và đều phải kí vào phần báo cáo trong mẫu danh mục thanh tra theo nhóm.

Công việc thanh tra gồm cả việc kiểm tra thực tế trong nơi sản xuất (đồng ruộng, nhà kho, khu sơ chế, nhà ở,…) và sổ sách tài liệu được hộ sản xuất lưu giữ theo quy định. Các câu hỏi sẽ được đưa ra để kiểm tra xem người nông dân có hiểu các tiêu chuẩn hữu cơ PGS mà họ đã đồng ý làm theo hay không.

Trong quá trình thanh tra, các thanh tra viên sẽ lấy mẫu đất và nước để kiểm tra. Nông dân sẽ được bỏ qua khâu này nếu họ đã được kiểm tra trong vòng 12 tháng trước đây hoặc nếu nông dân đã có chứng nhận rau an toàn.

Một trong số các thanh tra viên sẽ chịu trách nhiệm đặt câu hỏi cho nông dân được thanh tra theo biểu danh mục thanh tra và khi kết thúc, thanh tra viên này sẽ đọc to báo cáo thanh tra để nông dân nghe rõ, nếu nông dân có bất kỳ ý kiến nào thì nhóm thanh tra sẽ phải ghi bổ sung ý kiến đó vào trong báo cáo. Báo cáo sau đó sẽ được ký bởi hộ sản xuất và các thành viên tham gia vào quá trình thanh tra.

Bước 4

Dựa trên báo cáo thanh tra theo danh mục và các báo cáo khác (ví dụ báo cáo kết quả kiểm tra đất và nước) cũng như kiểm tra bản cam kết của hộ sản xuất và kế hoạch quản lí nơi sản xuất, Hội đồng chứng nhận liên nhóm sẽ ra quyết định về tình trạng cấp chứng nhận của nơi sản xuất. Quyết định sẽ được gửi tới nhóm điều phối trong đó bao gồm các họat động cần thực hiện nếu có sai phạm.

Bước 5

Nhóm điều phối sẽ nhập các thông tin tóm tắt của từng hộ sản xuất vào hệ thống dữ liệu và gửi giấy chứng nhận tới hộ sản xuất có giá trị trong 1 năm kể từ ngày thanh tra. Mỗi giấy chứng nhận của hộ sản xuất có ghi số nhận diện (số ID) của từng nông dân gồm cả mã số cho hộ sản xuất và liên nhóm.

Bước 6

Các khu vực sản xuất sẽ được thanh tra lại hàng năm. Giám đốc chứng nhận của liên nhóm sẽ điều khiển tiến trình tái thanh tra. Trước khi thanh tra, nông dân phải cập nhật kế hoạch quản lí đồng ruộng và kiểm tra hồ sơ ghi chép của họ (ghi chép vật tư đầu vào đã được sử dụng và việc bán sản phẩm).

vườn rau chứng nhận hữu cơ

Bước 7

Tiến trình thanh tra, ra quyết định và phê chuẩn theo các bước từ 3 đến 5 ở trên

Kiểm tra dư lượng: Khu vực sản xuất sẽ được chọn ngẫu nhiên một tỉ lệ nhỏ để kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trong các loại cây đang trồng trên nơi sản xuất. Việc kiểm tra dư lượng thuốc sâu sẽ được điều khiển bởi nhóm điều phối nhưng liên nhóm sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động nếu được yêu cầu.

Bước 8

Hàng năm, giám đốc chứng nhận của liên nhóm sẽ chọn ngẫu nhiên khoảng 10% các báo cáo thanh tra để các thành viên của liên nhóm tái thanh tra các khu vực sản xuất này và báo cáo tới hội đồng chứng nhận liên nhóm về các kết luận tái thanh tra theo danh mục. Hội đồng chứng nhận sẽ thông qua các báo cáo và ra quyết định phê chuẩn hoặc thay đổi tình trạng chứng nhận cho hộ sản xuất. Những khu vực được tái thanh tra sẽ được đánh dấu trong hệ thống dữ liệu.

Ngoài ra, Người sản xuất phải thông qua 22 tiêu chuẩn cơ bản về sản xuất và chế biến các sản phẩm hữu cơ. Các tiêu chuẩn này sẽ là thước đo cho người sản xuất về nguồn nước, phương thức sản xuất, loại cây trồng, phương pháp bảo vệ đất,…

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (4 bình chọn)