Hướng dẫn kỹ thuật trồng hành lá cho năng suất cao

1670 lượt xem

Hành lá là một loại rau gia vị xuất hiện thường xuyên trong các món ăn hàng ngày như món xào, món kho, món hầm,… thậm chí chúng còn được sử dụng cho nguyên liệu làm bánh. Như một vai trò làm tăng hương vị cho các món ăn. Nhu cầu tiêu thụ hành lá ngày một tăng, trong khi đó năng suất trồng hành có thể sẽ bị giảm nếu không nắm rõ các biện pháp kỹ thuật. Vậy làm thế nào để trồng hành lá đạt năng suất? Hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu kỹ thuật trồng hành lá cho năng suất cao ngay sau đây.

1/ Đặc điểm của hành lá

Cây hành lá thuộc họ hành (Alliaceae), là cây thân thảo, lá có màu xanh đậm, rỗng bên trong. Cây sinh trưởng và phát triển lớn mạnh, đạt chiều cao đến 40cm. Mỗi gốc hành có từ 3 – 5 lá. Khi già hình thành hoa phía trên đỉnh lá. Nó được gọi là hành lá để phân biệt với hành tây. Vì lá của cây hành phát triển mạnh, phần củ không phình to như hành tây.

2/ Cách chọn giống hành lá

Giống hành lá có hai loại : hành sậy ( hành gốc tím) và hành hương ( hành gốc trắng). Hành hương là giống cây nhỏ, có mùi thơm hơn hành gốc tím. Hành sậy cho năng suất cao, ít sâu bệnh, ít đổ gãy lá.

Khi chọn củ làm giống cần chọn giống củ to, mẩy, không sâu bệnh, không chọn những củ bị óp.

3/ Thời vụ trồng

Hành lá có thể trồng quanh năm, nhưng thích hợp nhất nên trồng vào mùa nắng. Thời gian sinh trưởng của hai giống hành sậy và hành hương tương đương nhau từ 40 – 60 ngày.

4/ Cách làm đất trước khi trồng

Hành lá trồng được trên nhiều chân đất khác nhau, nhưng trồng chủ yếu trên đất thịt, đất phù sa, đất có độ pH trung tính bằng 7.

Trước khi trồng cần làm sạch cỏ dại, cày xới, phơi ải để tiêu diệt mầm bệnh. Sau đó tiến hành lên liếp, độ cao liếp từ 20 – 40cm, mặt liếp rộng 1,2 – 1,4m, khoảng cách rãnh cách nhau từ 20 – 30cm. Liếp trồng cần được đánh tơi, mịn.

5/ Xử lý hạt giống

Để đảm bảo hành giữ làm giống không bị sâu bệnh, nấm hại tấn công, cần xử lý hạt giống bằng thuốc hóa học trước thu hoạch 1 – 2 ngày. Tiến hành phun Regent 800WP hoặc Map-permethrin 50EC, nếu mật số sâu hại dày có thể sử dụng Dylan, Vimatox,…

6/ Cách nhân giống hành lá phổ biến hiện nay

Có hai biện pháp nhân giống được bà con sử dụng phổ biến hiện nay: nhân giống bằng biện pháp gieo hạt và nhân giống từ các tép hành.

6.1 Gieo hạt

Vỏ hạt hành lá khá cứng, nên ngâm hạt giống với nước ấm theo tỷ lệ 2 sôi: 3 lạnh từ 8 – 12 tiếng trước khi gieo hạt, sau đó vớt hạt để ráo nước và tiến hành ủ trong vòng 12 – 24 tiếng cho hạt nứt nanh thì đem gieo. Các hạt được gieo ra luống với khoảng cách hàng cách hàng 12cm, hạt cách nhau 7cm. Phủ một lớp trấu trên mặt luống giúp giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Cây hành sau khi phát triển 7 – 10cm có thể đem ra ruộng lớn trồng.

6.2 Tách tỉa từ tép hành

Biện pháp này đơn giản và dễ dàng thực hiện hơn nhân giống bằng hạt. Khi cây hành phát triển đạt chiều cao 7 – 15cm, có từ 4 – 5 tép, lúc đó có thể tách từng tép ra và đem trồng ngoài đồng ruộng.

Kỹ thuật trồng hành lá

Trồng hành lá

7/ Kỹ thuật trồng hành lá

7.1 Mật độ và khoảng cách trồng

khoảng cách hàng cách hàng từ 20 – 30cm, khoảng cách giữa các cây từ 20 – 25cm, mỗi gốc trồng 1 – 2 tép.

Trung bình lượng giống cần cho 1000m2 là 300 – 400kg.

Khoảng cách và mật độ trồng phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Mùa nắng nên trồng dày hơn mùa mưa.

7.2 Kỹ thuật trồng

Trước khi trồng cần tiến hành tưới ẩm liếp, có thể đục lỗ sâu 2 – 3cm sau đó mới tiến hành trồng. Phủ một lớp rơm rạ để giữ ẩm và tránh cỏ dại cạnh tranh.

8/ Kỹ thuật chăm sóc hành lá

8.1 Tưới nước

Hành lá cần rất nhiều nước trong quá trình sinh trưởng. Nên tưới nước định kỳ 1 – 2 lần trong ngày tùy vào điều kiện thời tiết. Nếu trồng với diện tích lớn có thể áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm như tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt,…

8.2 Làm cỏ

Thường xuyên làm cỏ, vệ sinh đồng ruộng thông thoáng, tỉa bỏ lá già dưới gốc, tập trung dinh dưỡng nuôi cây.

9/ Kỹ thuật bón phân cho hành lá

Bón phân cần dựa vào sức sản xuất của đất. Phải bổ sung nhiều dinh dưỡng thông qua phân bón đối với đất nghèo. Tiến hành bón lót trước khi trồng bằng vôi bột, phân hữu cơ hoai mục như phân chuồng hoai, phân trùn quế,…

Số lần bón thúc cho cây hành có thể từ 3 – 4 lần/ vụ. Một cách tiết kiệm chi phí công lao động là hòa tan phân vào cùng hệ thống tưới. Có thể tham khảo công thức phân bón cho diện tích 500m2 như sau:

Bón lót: 500kg phân chuồng, 25kg phân lân. Bón rải đều bề mặt liếp hoặc bón theo rãnh trồng sau đó lấp đất lại.

Bón thúc:

Lần 1 ( 10 ngày sau trồng): pha loãng 2kg phân đạm (Urê) nồng độ 0,5 – 1% (5 – 10g Urê/ 1 lít nước).

Lần 2 ( 20 ngày sau trồng): pha loãng 2kg phân đạm (Urê) nồng độ 0,5 – 1% (5 – 10g Urê/ 1 lít nước).

Lần 3 ( 30 ngày sau trồng): Bón rải theo rãnh giữa hai luống hành với liều lượng 6kg Urê, 500kg phân chuồng hoai, 3kg phân kali.

Lần 4 ( 40 ngày sau trồng): Tưới 2kg Urê, 2kg kali đã pha loãng.

10/ Phương pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại

Trên cây hành lá xuất hiện một số loại sâu bệnh tấn công phổ biến như: bệnh cháy đầu lá, bệnh thán thư, hiện tượng rã bẹn, dòi đục lá, sâu xanh,…

Cần áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, nhằm tối đa hiệu quả phòng trừ và tiết kiệm chi phí.

10.1 Biện pháp canh tác

Có thể trồng xen hoặc thường xuyên luân canh với cây trồng khác để hạn chế nguồn sâu, bệnh có trong đất.

Chọn giống khỏe, sạch bệnh.

Trồng cây với khoảng cách và mật độ thích hợp. Mùa nắng trồng dày hơn mùa mưa.

Vệ sinh đồng ruộng: Dọn sạch cỏ dại, tàn dư trên đồng ruộng. Loại bỏ lá già, cây bị sâu bệnh tấn công nặng, không còn khả năng sinh trưởng, tránh ảnh hưởng đến những cây khỏe mạnh.

10.2 Biện pháp vật lý – cơ học

Cày xới, phơi ải đất trước mùa vụ là việc làm hết sức cần thiết. Nhằm tiêu diệt mầm mống sâu bệnh có trong đất, đồng thời làm hiện lên những hạt cỏ nằm sâu dưới đất, dễ dàng cho công tác tiêu diệt cỏ dại.

Lên liếp cao, tăng khả năng thoát nước tốt, vật liệu che phủ phải sạch bệnh.

10.3 Biện pháp sinh học

Khuyến cáo nên sử dụng những chế phẩm thuốc có nguồn gốc sinh học trước khi áp dụng các biện pháp hóa học. Một số chế phẩm sinh học có thể áp dụng như tinh dầu neem, chế phẩm AIM, chất điều hòa sinh trưởng ( Atabron, Mimic,…), có tác dụng trong xua đuổi côn trùng, sâu hại.

11/ Thu hoạch hành lá

Thời gian thu hoạch hành lá phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và giá cả của thị trường. Thời điểm có thể cho thu hoạch từ sau 40 – 60 ngày sau trồng. Nên thu hoạch vào buổi chiều mát, loại bỏ hết đất, cát bám trên cây hành. Lưu ý, ngưng hoàn toàn phân bón, thuốc hóa học 15 ngày trước khi thu hoạch.

12/ Cách giữ giống hành lá cho vụ tiếp theo

Một cách tiết kiệm chi phí giống cho vụ sau, bà con có thể tự giữ giống tại nhà. Giữ giống bằng hạt hay củ đều được áp dụng phổ biến, tùy theo tập quán canh tác. Những cây hành giữ làm giống cần đảm bảo sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, không bị sâu, bệnh tấn công. Thời gian phát triển của cây hành phải đủ dài để đảm bảo chất lượng giống. Hạt, củ giống khi đem về phải phơi khô, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Vừa qua chúng tôi đã trình bày chi tiết kỹ thuật trồng hành lá đạt năng suất cao. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp ích cho bà con. Chúc bà con có mùa vụ bội thu. Mọi chi tiết thắc mắc vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 nhé!

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết