Kỹ thuật trồng dừa, cách chăm sóc và bón phân cho dừa

1501 lượt xem

Dừa là cây trồng quen thuộc, nhưng để đạt năng suất cao, cần áp dụng đúng kỹ thuật trồng dừa. SFARM sẽ hướng dẫn bạn từ khâu chọn giống, chăm sóc đến bón phân, giúp cây phát triển tốt, cho quả sai, chất lượng cao.

1. Đặc điểm sinh học của cây dừa

1.1. Hệ rễ của cây dừa 

Rễ dừa là loại rễ bất định, phát triển liên tục từ đáy gốc thân và không có rễ cọc. Ban đầu, rễ có màu trắng, sau chuyển đỏ nâu. Cây không có lông hút mà dinh dưỡng được hấp thụ qua các rễ nhỏ mọc ra từ rễ chính, đồng thời hỗ trợ quá trình trao đổi khí.

Dừa có khả năng chịu nước nhưng không chịu ngập. Khi bị ngập lâu, rễ sẽ thiếu oxy, làm giảm sự phát triển của cây. Trong tuần đầu tiên sau khi nảy mầm, cây con sẽ mọc rễ cấp 1 dài khoảng 5cm. Sau 10 ngày, rễ thứ hai xuất hiện, và sau 6 tuần, trung bình cây có ba rễ cấp 1, trong đó rễ dài nhất đạt khoảng 20cm.

Ở tuổi 5 năm, mỗi cây có khoảng 548 rễ cấp 1 và có thể đạt 5.200 rễ cấp 1 khi 13 năm tuổi. Ở cây trưởng thành, số lượng rễ này dao động từ 2.000 đến 16.500 rễ, chủ yếu tập trung trong bán kính 1,5-2m quanh gốc và ăn sâu đến 4m, trong đó 50% rễ nằm trong 50cm lớp đất mặt.

Kỹ thuật trồng dừa, cách chăm sóc và bón phân cho dừa
Đặc điểm bộ rễ của dừa

1.2. Đặc điểm thân cây dừa

Thân dừa thẳng, không phân nhánh, có chiều cao trung bình từ 15-20m. Trong những năm đầu sau khi trồng, thân phát triển chậm, đến khi đạt độ lớn ổn định mới bắt đầu vươn cao, quá trình này kéo dài khoảng 4 năm tùy giống.

Dựa vào gốc dừa, có thể phân biệt giống dừa cao và dừa lùn. Dừa lùn có gốc nhỏ, trong khi dừa cao và dừa lai thường có gốc phình to. Số lượng sẹo lá trên mỗi mét thân giúp đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của cây.

Do thân dừa không có tầng sinh mô thứ cấp, các tổn thương trên thân không thể phục hồi. Quan sát thân có thể đánh giá sức sống của cây. Nếu thân to, không bị tổn thương, sẹo lá lớn và khít nhau thì chứng tỏ cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Ngoài ra, đỉnh sinh trưởng (củ hủ) là phần quan trọng nhất, nếu bị côn trùng như đuông dừa tấn công, cây có thể chết.

Kỹ thuật trồng dừa, cách chăm sóc và bón phân cho dừa
Đặc điểm thân cây dừa

1.3. Lá và khả năng quang hợp

Cây dừa trưởng thành có khoảng 30-35 tàu lá, mỗi tàu dài từ 5-6m. Một tàu lá gồm hai phần: cuống lá và phần mang lá chét. Cuống lá phồng to ở đáy, bám chặt vào thân, khi rụng để lại sẹo trên thân.

Trung bình, mỗi bên tàu lá có 90-120 lá chét, không đối xứng hoàn toàn. Cây dừa liên tục sản sinh lá mới theo quy trình: một lá mới xuất hiện, một lá già rụng đi.

Mỗi năm, cây dừa cao mọc từ 14-16 lá, còn dừa lùn có thể ra 16-18 lá. Mùa khô, tốc độ ra lá nhanh hơn mùa mưa. Một tàu lá dừa có vòng đời khoảng 5 năm, trong đó 2,5 năm để phát triển và 2,5 năm từ khi xuất hiện đến khi rụng. Nếu cây thiếu nước hoặc dinh dưỡng, số lượng lá sẽ giảm.

Quan sát tán lá có thể đánh giá được sức khỏe của cây. Cây dừa có nhiều lá xanh tốt thường có năng suất cao hơn.

Kỹ thuật trồng dừa, cách chăm sóc và bón phân cho dừa
Đặc điểm của lá dừa

1.4. Hoa và quá trình thụ phấn

Từ khi cây dừa bắt đầu hình thành nụ hoa đến khi hoa nở mất khoảng 30-40 tháng. Mỗi nách lá thường mang một phát hoa. Tuy nhiên, nếu cây bị thiếu dinh dưỡng hoặc gặp điều kiện bất lợi, phát hoa có thể bị thui, làm giảm năng suất.

Hoa dừa thuộc loại đơn tính đồng chu, nghĩa là hoa đực và hoa cái nằm trên cùng một gié hoa. Mỗi phát hoa có từ 20-40 hoa cái tùy giống. Dừa lùn thường có nhiều hoa cái hơn dừa cao. Thời gian hoa cái nở và thụ phấn kéo dài 5-7 ngày ở dừa cao, 10-14 ngày ở dừa lùn. Hoa đực có thời gian nở từ 18-22 ngày.

Dừa cao thường thụ phấn chéo do hoa đực nở trước hoa cái, trong khi dừa lùn chủ yếu tự thụ phấn do hai pha trùng nhau. Dừa lai có thể tự thụ phấn một phần.

Côn trùng, đặc biệt là ong mật, đóng vai trò quan trọng trong quá trình thụ phấn. Việc nuôi ong trong vườn dừa giúp tăng năng suất đáng kể. Rụng trái non thường xảy ra từ ba tuần sau khi đậu trái đến tháng thứ sáu, nguyên nhân có thể do thiếu dinh dưỡng, khô hạn, ngập úng, sâu bệnh hoặc nguyên nhân sinh lý.

Kỹ thuật trồng dừa, cách chăm sóc và bón phân cho dừa
Đặc điểm của hoa dừa

1.5. Trái dừa và các giai đoạn phát triển

Trái dừa thuộc loại quả hạch, gồm ba phần: ngoại quả bì (vỏ ngoài), trung quả bì (xơ dừa) và nội quả bì (gáo, nước và cơm dừa).

  • Vỏ dừa: Dày từ 1-5cm tùy giống, chứa khoảng 30% xơ dừa và 70% bụi xơ dừa. Bụi xơ có khả năng giữ ẩm cao.
  • Gáo dừa: Dày 3-6mm, bắt đầu hình thành ở tháng thứ 4 sau thụ phấn và cứng hơn khi trái được 8 tháng tuổi.
  • Nước dừa: Xuất hiện từ tháng thứ 3, đạt thể tích lớn nhất ở tháng thứ 8, sau đó giảm dần khi trái khô.
  • Cơm dừa: Hình thành từ tháng thứ 5 và có thể thu hoạch từ tháng thứ 7-8 để lấy nước. Thời gian từ khi hoa thụ phấn đến khi trái chín khoảng 12 tháng.

Trọng lượng cơm dừa khô dao động từ 100-350g/trái, chứa 65-74% dầu dừa. Hình dạng và kích thước trái khác nhau tùy giống. Khi thu hoạch trái để làm giống, nên chọn trái từ tháng thứ 11 trở đi để đảm bảo chất lượng.

Kỹ thuật trồng dừa, cách chăm sóc và bón phân cho dừa
Đặc điểm của trái dừa

2. Điều kiện sinh thái thích hợp để trồng dừa

2.1. Yêu cầu về khí hậu

Cây dừa sinh trưởng tốt trong điều kiện nhiệt độ trung bình khoảng 27°C, dao động từ 20-34°C. Nếu nhiệt độ xuống dưới 15°C, cây có thể gặp rối loạn sinh lý, ảnh hưởng đến năng suất. Dừa thích hợp với những khu vực có độ cao dưới 500m so với mực nước biển. Lượng mưa trung bình lý tưởng dao động từ 1.500-2.300mm/năm và cần được phân bố đều. Độ ẩm không khí nên duy trì từ 80-90%, nếu dưới 60% có thể gây rụng trái non. Ngoài ra, cây dừa cần ánh sáng tốt, với tối thiểu 2.000 giờ nắng mỗi năm (khoảng 4 giờ/ngày). Gió nhẹ giúp quá trình thụ phấn và đậu trái tốt hơn, đồng thời thúc đẩy sự hút nước và dinh dưỡng của cây.

2.2. Đặc điểm đất trồng phù hợp

Dừa có thể phát triển trên nhiều loại đất khác nhau, kể cả đất cát nghèo dinh dưỡng. Tuy nhiên, kỹ thuật trồng dừa hiệu quả thường áp dụng trên đất thịt pha cát, có khả năng thoát nước tốt. Độ pH đất phù hợp nằm trong khoảng 5,5-7. Khu vực bị khô hạn hoặc ngập úng kéo dài không thích hợp cho cây dừa vì sẽ làm giảm năng suất. Ngoài ra, vùng đất nhiễm mặn có thể khiến trái dừa nhỏ hơn bình thường.

2.3. Lượng nước và nhu cầu tưới tiêu

Mặc dù cây dừa có khả năng chịu hạn tốt, nhưng để đạt năng suất cao, việc cung cấp đủ nước là rất quan trọng. Lượng nước cây cần phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, loại đất và giai đoạn sinh trưởng. Trung bình, cây dừa cần khoảng 100-150 lít nước/ngày trong điều kiện khô nóng. Trong kỹ thuật trồng dừa, hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun mưa được khuyến khích để tiết kiệm nước và tăng hiệu quả cung cấp độ ẩm cho cây. Đặc biệt vào mùa khô, cần đảm bảo tưới đều đặn để tránh tình trạng cây bị thiếu nước.

2.4. Các khu vực trồng dừa phổ biến ở Việt Nam

Ở Việt Nam, cây dừa được trồng phổ biến ở khu vực miền Tây Nam Bộ, trong đó Bến Tre được mệnh danh là “thủ phủ dừa” với diện tích lớn và sản lượng cao. Ngoài ra, các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang và Sóc Trăng cũng có diện tích trồng dừa đáng kể. Miền Trung cũng có những vùng trồng dừa nổi bật như Bình Định, đặc biệt là khu vực Tam Quan với giống dừa bản địa chất lượng tốt. Các vùng trồng dừa này đều có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, giúp cây phát triển mạnh, cho năng suất cao.

3. Chọn giống dừa phù hợp

Để đảm bảo cây dừa sinh trưởng tốt và cho năng suất cao, việc lựa chọn giống phù hợp là một trong những yếu tố quan trọng trong kỹ thuật trồng dừa. Dưới đây là các nhóm giống dừa phổ biến và tiêu chí để chọn giống khỏe mạnh, giúp cây phát triển bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao

3.1. Phân biệt các giống dừa phổ biến

Dựa trên đặc điểm sinh trưởng và năng suất, các giống dừa hiện nay được chia thành ba nhóm chính: dừa cao, dừa lùn và dừa lai.

Dừa cao

Là nhóm giống dừa phổ biến nhất, thích nghi tốt với nhiều loại điều kiện khí hậu và đất đai. Các đặc điểm chính:

  • Thụ phấn chéo, cần sự can thiệp của các yếu tố môi trường để tạo quả.
  • Thời gian cho trái muộn: Khoảng 5 – 7 năm sau trồng.
  • Trái lớn, số trái trên mỗi quầy ít.
  • Cây phát triển nhanh, khi trưởng thành cao 18 – 20m.
  • Gốc phình to, chịu được gió bão tốt.
  • Cơm dừa dày (1,2 – 1,3cm), hàm lượng dầu cao (65 – 67%).
  • Chu kỳ khai thác lâu dài, từ 50 – 60 năm.
  • Khả năng thích nghi tốt với các điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Các giống dừa cao phổ biến:

  • Dừa ta: Chia thành hai dạng ta xanh và ta vàng. Giống này chủ yếu dùng để ép dầu và chế biến.
  • Dừa dâu: Trái sai, 80-100 trái/cây/năm, hàm lượng dầu cao (63-65%).
  • Dừa bung: Cây cao, gốc lớn, trái to, tuổi thọ lên đến 60 năm.
Kỹ thuật trồng dừa, cách chăm sóc và bón phân cho dừa
Hình ảnh cây dừa cao

Dừa lùn 

Là nhóm giống chủ yếu được trồng để lấy nước, phù hợp với canh tác quy mô nhỏ.

  • Tự thụ phấn, không phụ thuộc vào gió bão, côn trùng.
  • Thời gian cho trái nhanh, chỉ 3 – 4 năm sau trồng.
  • Trái nhỏ, số trái trên quầy nhiều.
  • Cây thấp, cao 10 – 12m khi trưởng thành.
  • Gốc nhỏ, thân thẳng.
  • Cơm dừa mỏng (0,7 – 1 cm), hàm lượng dầu dưới 63%.
  • Chu kỳ khai thác ngắn hơn, 30 – 40 năm.
  • Khả năng thích nghi kém hơn dừa cao.

Các giống dừa lùn phổ biến:

  • Dừa xiêm xanh: Nước ngọt thành, trái nhỏ, năng suất cao (120-150 trái/cây/năm).
  • Dừa sáp: Có cơm dẻ dào, số lượng trái ít, giá trị kinh tế cao.
Kỹ thuật trồng dừa, cách chăm sóc và bón phân cho dừa
Hình ảnh cây dừa lùn

Dừa lai

Dừa lai là kết quả lai tạo giữa dừa cao và dừa lùn, kết hợp những đặc tính tốt nhất của hai giống:

  • Ra hoa sớm, cho trái nhanh hơn dừa cao.
  • Năng suất cao, số lượng trái trên quầy nhiều.
  • Hàm lượng dầu cao, gần bằng dừa cao.
  • Thích nghi tốt với một số điều kiện môi trường bất lợi.

Nhờ những đặc điểm này, dừa lai ngày càng được khuyến khích trồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện kinh tế cho người nông dân.

3.2. Tiêu chí chọn giống dừa khỏe mạnh

Việc chọn giống dừa có chất lượng tốt là yếu tố quan trọng giúp cây phát triển mạnh và cho năng suất cao. Một số tiêu chí cần lưu ý gồm:

  • Nguồn gốc rõ ràng: Chọn giống từ những cây đầu dòng trên 10 năm tuổi, có năng suất ổn định và không bị sâu bệnh.
  • Trái giống chất lượng: Ưu tiên chọn những trái dừa to, màu sắc đồng đều, đặc biệt nên chọn trái dừa nước vì trái dừa sáp thường khó nảy mầm.
  • Quy trình ươm giống đúng kỹ thuật: Sau khi thu hoạch, trái giống được phơi khô, vạt mặt rồi ươm trong đất hoặc bịch chứa xơ dừa và phân chuồng. Vườn ươm cần che lưới giảm ánh sáng và duy trì tưới nước đều đặn. Khi cây đạt chiều cao khoảng 50cm, rễ phát triển tốt mới đem ra trồng.

Việc lựa chọn và nhân giống đúng cách theo kỹ thuật trồng dừa sẽ giúp cây phát triển khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhà vườn.

4. Kỹ thuật trồng dừa

4.1. Thời vụ trồng dừa tốt nhất

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, thời vụ trồng dừa tốt nhất là vào tháng 6-7 dương lịch, khi mùa mưa bắt đầu, giúp tiết kiệm chi phí tưới nước. Tuy nhiên, nếu có nguồn nước tưới chủ động, bạn có thể trồng dừa quanh năm.

4.2. Chuẩn bị đất trồng

Đào hố hoặc đắp mô trồng dừa

  • Vùng đất thấp: Nên trồng trên mô để tránh úng nước. Mô có dạng chóp, đường kính 60 – 80 cm, cao 30 – 40 cm. Trộn đất phù sa hoặc đất mặt với 5 – 10 kg phân hữu cơ và 0,5 kg phân lân, sau đó đắp mô và để 1 – 2 tuần trước khi trồng.
  • Vùng đất cao, thoát nước tốt: Đào hố trồng kích thước 60 x 60 x 60 cm, trộn đất mặt với phân hữu cơ hoai mục và phân lân rồi lắp vào hố tương tự như đắp mô.

Kích thước hố trồng tiêu chuẩn
Hố trồng cần có kích thước 0,6 x 0,6 x 0,4 m để tạo điều kiện tốt cho rễ phát triển.

4.3. Khoảng cách trồng dừa hợp lý

Khoảng cách trồng phụ thuộc vào giống dừa, điều kiện đất đai, khí hậu và mô hình trồng xen.

  • Giống dừa cao: Lá dài 5-6m, trồng thưa hơn giống dừa lùn.
  • Giống dừa lùn: Lá dài 3-4m, có thể trồng dày hơn.
  • Vùng đất màu mỡ, mưa nhiều: Cây phát triển mạnh, cần trồng thưa để tránh cạnh tranh ánh sáng.
  • Vùng đất kém màu mỡ, khí hậu khô hạn: Nên trồng dày hơn để tận dụng diện tích.

Khoảng cách trồng theo giống:

  • Dừa cao: 9m x 9m, mật độ 143 cây/ha.
  • Dừa lai: 8,5m x 8,5m, mật độ 160 cây/ha.
  • Dừa lùn: 8m x 8m, mật độ 180 cây/ha.

Nếu trồng xen, khoảng cách có thể điều chỉnh thưa hơn (9 – 10m) tùy theo loại cây xen canh.

Xem thêm: 1 công đất trồng được bao nhiêu cây dừa? Cách tính chuẩn nhất. Tại đây.

4.4. Kỹ thuật trồng cây con đúng cách 

Ươm cây con trực tiếp trên đất

  • Xới đất sâu 20cm, làm sạch cỏ, bón phân.
  • Đặt quả đã nảy mầm theo hình tam giác, khoảng cách 60 x 60 x 60cm.
  • Cứ 3 hàng chừa một lối đi rộng 1m để thuận tiện chăm sóc.

Ươm cây con trong túi bầu

  • Dùng túi nhựa đen (40x40x40 cm) có 24-30 lỗ thoát nước.
  • Giá thể gồm đất mặt, phân hữu cơ, bụi xơ dừa (tỷ lệ 1:1:3), trộn đều và ủ trước 1 tháng.
  • Đổ đất vào ½ – ⅔ túi, đặt quả dừa nảy mầm vào, thêm giá thể đến gần đầy túi (cách mép 1-2cm).
  • Đặt túi bầu theo hình tam giác, khoảng cách 60cm.

Chăm sóc cây con trong vườn ươm

  • Bón lót ngay sau khi vô bầu: 100g Super lân/cây.
  • Lần 2 (sau 2 tháng): 20g Ure + 25g KCl/cây.
  • Lần 3 (sau 4-5 tháng): 25g Ure + 40g KCl/cây.

Tiêu chuẩn cây giống xuất vườn

  • Chiều cao 50 – 60cm.
  • Có 5-6 lá xanh khỏe.
  • Cây xanh tốt, không sâu bệnh.
  • Gốc thân to, tán lá xum xuê.

>>Mời bạn tham khảo thêm về kỹ thuật trồng cây chuối chuẩn khoa học, năng suất, sai trĩu quả. Tại đây.

>> Xem thêm: Hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng và cách chăm sóc đúng cách. Tại đây.

Kỹ thuật trồng dừa, cách chăm sóc và bón phân cho dừa
Kỹ thuật trồng cây con

5. Chăm sóc vườn dừa

5.1. Tưới nước và giữ ẩm cho cây dừa

Cây dừa cần được cung cấp đủ nước để phát triển tốt. Trong giai đoạn đầu sau khi trồng, nên tưới nước hàng ngày, đặc biệt trong mùa khô. Việc giữ ẩm cho đất giúp cây hấp thu dinh dưỡng hiệu quả hơn.

5.2. Bón phân cho cây dừa theo từng giai đoạn

  • Thời kỳ kiến thiết cơ bản (1-3 năm tuổi): Cần tưới nước đều đặn và tủ gốc bằng rơm, rạ, cỏ khô trong mùa nắng. Bón 0,5kg NPK (15-15-15)/gốc/năm, chia làm 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa. Năm thứ hai bón 0,75kg/gốc, năm thứ ba tăng lên 1kg/gốc. Trong giai đoạn này, bệnh do bò cánh cứng, kiến vương và đuông dừa cần được kiểm soát sát sao.
  • Thời kỳ kinh doanh: Khi cây bước vào giai đoạn kinh doanh, cần duy trì bón 30-50kg phân hữu cơ hoai mục/gốc/năm. Tỉa bớt cây trồng xen để tăng ánh sáng cho dừa. Bón phân theo tỷ lệ 0,8kg Urê – 1,5kg Super lân – 1,5kg Cloruakali/cây/năm, chia làm 2 lần bón đầu và cuối mùa mưa. Vào giai đoạn 4-6 tuổi, nên dọn dẹp bãi lá khô, nhen, bông mo để giảm nguy cơ kiến vương và đuông dừa gây hại.

5.3. Kiểm soát cỏ dại và vệ sinh vườn dừa

Cỏ dại là tác nhân cạnh tranh dinh dưỡng và gây tình trạng ẩm ớt thu hút sâu bệnh. Cần làm cỏ xung quanh gốc thường xuyên kết hợp dọn dẹp bẹ lá khô và rửa tán để phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ năng suất và chất lượng dừa.

Với quy trình chăm sóc khoa học, đảm bảo đầy đủ các yếu tố như tưới nước, bón phân, kiểm soát sâu bệnh, vệ sinh vườn… người trồng có thể tăng năng suất và duy trì tuổi thọ của cây dừa một cách bền vững.

5.4. Phòng trừ sâu bệnh hại phổ biến

Bọ cánh cứng hại dừa 

Đặc điểm gây hại: Loài này tấn công chủ yếu vào đọt non, khiến cây còi cọc, chậm phát triển, ảnh hưởng đến năng suất.

Biện pháp phòng trừ:

  • Dùng bẫy đèn hoặc bẫy pheromone để thu hút và tiêu diệt bọ trưởng thành.
  • Thả ong ký sinh để kiểm soát số lượng bọ theo phương pháp sinh học.
  • Vệ sinh vườn thường xuyên, loại bỏ cây bị nhiễm nặng để ngăn ngừa lây lan.
Kỹ thuật trồng dừa, cách chăm sóc và bón phân cho dừa
Bọ cánh cứng gây hại cho cây dừa

Sâu đầu đen hại dừa  

Đặc điểm gây hại: Sâu đầu đen ăn lá, thân, buồng và trái dừa, làm cây mất khả năng quang hợp, lá khô héo, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng.

Biện pháp phòng trừ:

  • Phương pháp sinh học: Sử dụng ong ký sinh để tiêu diệt sâu, phương pháp này đang được áp dụng hiệu quả tại nhiều vùng trồng dừa như Bến Tre.
  • Phương pháp canh tác: Cắt tỉa và tiêu hủy lá nhiễm sâu, vệ sinh vườn để hạn chế nơi trú ẩn.
  • Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Khi mật độ sâu cao, có thể dùng thuốc sinh học hoặc hóa học theo hướng dẫn an toàn.
Kỹ thuật trồng dừa, cách chăm sóc và bón phân cho dừa
Hình ảnh sâu đầu đen hại dừa

Bệnh vàng lá, thối rễ trên dừa  

Nguyên nhân: Bệnh do nấm gây thối rễ, khiến cây dừa không hấp thu được dinh dưỡng, dẫn đến tình trạng vàng lá và suy yếu dần.

Triệu chứng: Lá cây dần chuyển vàng, rễ có mùi hôi, dễ gãy, cây sinh trưởng kém.

Biện pháp phòng trừ:

  • Quản lý nước: Đảm bảo hệ thống thoát nước tốt, tránh tình trạng ngập úng kéo dài.
  • Cải tạo đất: Bổ sung phân hữu cơ hoai mục, sử dụng chế phẩm sinh học giúp tăng cường hệ vi sinh vật có lợi trong đất.
  • Sử dụng thuốc đặc trị: Khi bệnh nặng, áp dụng thuốc chống nấm theo hướng dẫn của chuyên gia nông nghiệp để kiểm soát hiệu quả. 
Kỹ thuật trồng dừa, cách chăm sóc và bón phân cho dừa
Bệnh vàng lá ở cây dừa

Lưu ý: Trong kỹ thuật trồng dừa, cần kết hợp nhiều biện pháp phòng trừ sâu bệnh để đạt hiệu quả cao, hạn chế sử dụng hóa chất nhằm bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe cây trồng.

6. Trồng xen canh trong vườn dừa

Trồng xen canh trong vườn dừa là phương pháp kết hợp trồng các loại cây ngắn ngày hoặc cây có giá trị kinh tế cao cùng với cây dừa. Phương pháp này giúp tận dụng không gian, tăng thu nhập và cải thiện hiệu quả sử dụng đất.

6.1. Các loại cây trồng xen canh phù hợp 

Giai đoạn kiến thiết cơ bản (vườn dừa mới trồng):

  • Hoa màu, rau và đậu: Có thể trồng xen lúa rẫy, các loại rau và đậu để tận dụng đất, giúp “lấy ngắn nuôi dài”.
  • Mía, lúa và chuối: Mô hình trồng xen dừa với mía, lúa hoặc chuối đã mang lại hiệu quả cao ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Giai đoạn cây dừa trưởng thành (đang cho quả):

  • Cây có múi: Chanh, cam, quýt và bưởi giúp đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng lợi nhuận.
  • Cây có củ: Khoai lang, khoai mỡ, gừng thích hợp trồng trên đất cao.
  • Ca cao: Trồng ca cao dưới tán dừa giúp tăng thu nhập mà vẫn giữ độ che phủ tốt.
Kỹ thuật trồng dừa, cách chăm sóc và bón phân cho dừa
Các loại cây trồng xen canh với dừa

6.2. Lợi ích của mô hình trồng xen

  • Tăng thu nhập: Cung cấp nguồn thu sớm từ cây trồng xen trong khi chờ dừa cho quả.
  • Tận dụng không gian, tài nguyên: Giảm chi phí làm cỏ, tưới tiêu và tối ưu hóa diện tích đất.
  • Cải thiện độ phì nhiêu của đất: Các loại cây họ đậu giúp cố định đạm, làm đất tơi xốp hơn.

6.3. Lưu ý khi canh tác hỗn hợp với dừa

  • Lựa chọn cây phù hợp: Đảm bảo cây trồng xen không cạnh tranh quá nhiều về nước, ánh sáng, dinh dưỡng với dừa.
  • Quản lý sâu bệnh: Kiểm soát chặt chẽ để tránh lây lan sang cây dừa.
  • Bố trí hợp lý: Đảm bảo khoảng cách và mật độ phù hợp để cây dừa phát triển tốt.

Áp dụng mô hình trồng xen canh trong vườn dừa không chỉ giúp tối ưu hóa kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, hướng đến nông nghiệp bền vững.

7. Thu hoạch và bảo quản dừa

Việc thu hoạch và bảo quản dừa đúng kỹ thuật trồng dừa không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn giúp kéo dài tuổi thọ cây và nâng cao giá trị kinh tế.

7.1. Dấu hiệu nhận biết dừa sẵn sàng thu hoạch

  • Dừa uống nước: Thu hoạch sau khoảng 7 tháng kể từ khi trổ bông. Khi đó, nước dừa có vị ngọt mát, cơm dừa mềm, thích hợp để uống trực tiếp.
  • Dừa khô: Thu hoạch sau khoảng 12 tháng. Khi vỏ chuyển sang màu nâu sẫm, cơm dừa dày và cứng, thích hợp để sản xuất dầu dừa và các sản phẩm chế biến khác.

7.2. Kỹ thuật thu hoạch dừa an toàn và hiệu quả

  • Phương pháp leo cây: Sử dụng dây an toàn và dụng cụ chuyên dụng để hái từng trái dừa. Phương pháp này phù hợp với người có kỹ năng leo trèo và thể lực tốt.
  • Sử dụng sào hái: Dùng sào dài gắn dao hoặc móc để cắt cuống dừa từ dưới đất. Cách này an toàn hơn và thích hợp với cây dừa có chiều cao trung bình.

7.3. Bảo quản và vận chuyển dừa sau thu hoạch

  • Làm sạch: Loại bỏ bụi bẩn và tạp chất bám trên vỏ dừa để đảm bảo vệ sinh.
  • Phân loại: Sắp xếp dừa theo kích thước, chất lượng và mục đích sử dụng để dễ dàng bảo quản và chế biến.
  • Bảo quản: Đặt dừa ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và độ ẩm cao để ngăn ngừa nấm mốc, hư hỏng.
  • Vận chuyển: Sắp xếp dừa gọn gàng trên phương tiện vận chuyển, hạn chế va đập mạnh để bảo toàn chất lượng sản phẩm.

Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng dừa trong thu hoạch và bảo quản sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo chất lượng dừa khi đến tay người tiêu dùng.

8. Câu hỏi thường gặp về kỹ thuật trồng dừa 

Trong quá trình canh tác, bà con nông dân thường có nhiều thắc mắc liên quan đến kỹ thuật trồng dừa, từ mật độ trồng, cách chăm sóc đến thời gian thu hoạch. Dưới đây là những câu hỏi phổ biến nhất cùng lời giải đáp giúp bà con áp dụng hiệu quả vào thực tế.

Kỹ thuật trồng dừa, cách chăm sóc và bón phân cho dừa
Câu hỏi thường gặp về kỹ thuật trồng dừa

8.1. 1000 mét vuông trồng được bao nhiêu cây dừa?

Mật độ trồng dừa phụ thuộc vào khoảng cách giữa các cây. Nếu trồng theo khoảng cách 8m x 8m, thì mỗi hecta (10.000 m²) sẽ trồng được khoảng 156 cây. Như vậy, trên diện tích 1.000 m², có thể trồng khoảng 15-16 cây.

8.2. Cho muối vào cây dừa có tác dụng gì?

Việc bổ sung muối giúp cung cấp natri – một nguyên tố quan trọng cho sự phát triển của dừa. Điều này có thể cải thiện chất lượng trái và tăng năng suất. Tuy nhiên, cần bón muối với liều lượng hợp lý để tránh ảnh hưởng xấu đến cây và đất.

8.3. Khoảng cách trồng dừa là bao nhiêu?

Khoảng cách trồng dừa phổ biến nhất là 8m x 8m, giúp cây có đủ không gian phát triển, hấp thụ đủ ánh sáng và thuận tiện cho quá trình chăm sóc.

8.4. Dừa ra hoa bao lâu thì thu hoạch?

Thời gian thu hoạch dừa tùy thuộc vào mục đích sử dụng:

  • Dừa uống nước: Khoảng 7 tháng sau khi trổ bông.
  • Dừa khô: Khoảng 12 tháng sau khi trổ bông.

Lưu ý: Thời gian thu hoạch có thể thay đổi tùy theo giống dừa và điều kiện canh tác.

Nắm vững kỹ thuật trồng dừa, kết hợp với chế độ chăm sóc và bón phân hợp lý sẽ giúp cây phát triển tối ưu, tăng năng suất và chất lượng quả. Hy vọng bài viết đã cung cấp thông tin hữu ích để bạn áp dụng hiệu quả vào thực tế. Đừng quên theo dõi SFARM Blog để cập nhật thêm nhiều kiến thức nông nghiệp bổ ích!

Xem thêm:

SFARM – Đặng Gia Trang vinh hạnh là nhà cung cấp tin cậy các sản phẩm vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh học của 1500 đại lý, cửa hàng trên toàn quốc. Mời quý khách liên hệ thông tin sau để đội ngũ SFARM có thể nhanh chóng hỗ trợ:

Website: https://sfarm.vn/

– Hotline: 0902652099

– Zalo: CSKH SFARM – 0902652099

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết