1/ Tưới nước là cách làm cho hoa hồng nở to số 1
Từ xưa ông bà ta đã dạy “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” để áp dụng trong canh tác cây trồng. Và để trồng hoa hồng, bạn cũng cần xem việc tưới nước là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp hoa phát triển tốt.
Tùy từng giống hoa hồng sẽ có nhu cầu nước khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung, hoa hồng cần nước vừa phải, đủ ẩm và sợ ngập úng.
Tưới nước cho hoa hợp lý từ 1 – 2 lần/ngày. Tưới vào buổi sáng sớm và chiều mát nhưng hạn chế tưới quá muộn, nước đọng trên lá qua đêm sẽ dễ gây bệnh. Những ngày mưa lớn nên tìm cách thoát nước, tránh cây bị ngập úng.
2/ Cắt tỉa
Cắt tỉa là một thao tác chăm sóc quan trọng nhằm loại bỏ những cành già yếu, cành bị sâu bệnh để hạn chế lây lan. Cắt tỉa cũng nên được tiến hành sau mỗi đợt hoa. Việc cắt tỉa giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi cành khỏe. Đồng thời, cắt tỉa giúp thúc đẩy nhanh quá trình đẻ nhánh, tạo tán cho hoa hồng.
3/ Ánh sáng
Ánh sáng ảnh hưởng đến sự quang hợp của hoa hồng. Phần lớn các giống hoa hồng hiện nay là cây ưa ánh sáng. Cung cấp đủ ánh sáng thì hiệu quả quang hợp tốt nhất, cây phát triển nhanh và cho hoa rực rỡ. Ngược lại, thiếu sáng cây quang hợp kém dẫn đến còi cọc, ít ra hoa. Tuy nhiên cần lưu ý khi ánh sáng quá mạnh cũng có thể gây ra hiện tượng cháy lá. Nên điều chỉnh lượng ánh sáng cho hoa hồng bằng cách chọn vị trí trồng hoặc dùng lưới che khi cần thiết.
4/ Bón phân
Nếu như nước tưới là yếu tố quan trọng hàng đầu thì việc bón phân sẽ quyết định cây có đủ dưỡng chất để sinh trưởng tốt và cho hoa to, đẹp hay không.
Các dinh dưỡng đa lượng là đạm, lân, kali, canxi là không thể thiếu. Bổ sung các dưỡng chất này bằng các loại phân bón hữu cơ như phân trùn quế, đạm cá, dịch chuối,..
Bón phân với nguyên tắc đầy đủ – cân đối sẽ giúp cây hoa hồng phát triển tối ưu. Trong đó nguyên tố kali giúp hoa nở to, màu sắc rực rỡ và kéo dài độ bền hoa. Do đó giai đoạn nuôi hoa cần tăng cường bón dịch chuối với hàm lượng kali cao để hoa hồng nở đẹp nhất.
5/ Kiểm soát sâu hại
Loại sâu hại phổ biến hiện nay trên hoa hồng là nhện đỏ. Nhện đỏ dùng miệng chích hút làm cho lá chuyển sang màu vàng xám. Lá bị gây hại nặng có xuất hiện các đốm hoại tử li ti, dần dần làm lá mất khả năng quang hợp gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng của cây. Để phòng trừ có thể sử dụng các chế phẩm sinh học phun qua lá, định kỳ phun 1 – 2 tuần/lần khi có xuất hiện triệu chứng gây hại.
6/ Kiểm soát bệnh hại
Bệnh hại rất thường gặp trên hoa hồng là bệnh gỉ sét và bệnh đốm lá.
Bệnh gỉ sét do sợi nấm đa bào sinh sản hữu tính của Phragmidium mucronatum và gây bệnh cho cây trồng, thường xuyên sống và tồn tại trên ký chủ thứ cấp và tồn dư của cây bị hư hỏng. Nhiệt độ lý tưởng để truyền bệnh là 17-18 độ C. Trên bề mặt lá có thể thấy những chấm nhỏ, giai đoạn đầu lá có màu vàng cam, cuối cùng chuyển sang màu gỉ sắt. Lá mất màu xanh, khô và dễ rụng. Sự phát triển của cây bị chậm lại, có tác động tiêu cực đến chất lượng hoa.
Bệnh đốm lá do các sợi nấm vô tính đa bào của nấm Mycosphaerella rosicola gây ra, phát triển các vòi hút xâm nhiễm vào cây trồng. Khi thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ 15-30 độ C, bệnh phát sinh gây hại nặng. Các mảng tròn hoặc bất định nổi lên ở cả hai mặt của lá, ở giữa màu xám nhạt có viền đen, lá nhạt dần và rụng nhanh chóng.
7/ Vị trí trồng
Cây hoa hồng được trồng ở vị trí đầy đủ ánh nắng thường có thân hình cân đối, tán lá xanh tươi sinh động, tạo ra nhiều hoa hơn. Cây trồng ở nơi chỉ có 3-4 giờ nắng thì sẽ mọc cao, mảnh, ít nở hoa.
Hoa hồng trồng nơi râm mát hoặc dưới tán cây khác dễ bị tàn và rụng. VÌ cây sẽ cần rất ít nước nếu được trồng ở vị trí không có ánh nắng chiếu vào. Nếu bạn quên kiểm tra đất trồng hoa hồng, và theo thói quen tưới nước cho cây hoa hồng mỗi ngày, để giữ cho bề mặt ẩm. Sẽ khiến bệnh hại xuất hiện, thân hoa hồng nhanh chóng bị thâm đen và giá thể trồng sớm bị mốc, ngăn cản rễ hoa hồng phát triển.
8/ Lớp phủ
Lớp phủ thực vật là một vật liệu được rải trên mặt đất vì nhiều lợi ích, trong đó phổ biến nhất là để kiểm soát cỏ dại, giảm thiểu việc chăm sóc và làm đẹp cho hoa hồng. Lớp phủ thêm một lớp mùn cho lớp đất mặt, cải thiện cấu trúc và hàm lượng chất dinh dưỡng đồng thời tăng khả năng đệm của đất. Đối với mặt đất, nó giúp điều hòa nhiệt độ. Hạn chế xói mòn, rửa trôi, tránh trực di phân bón khi ta tưới nước. Duy trì vi sinh vật có lợi, và duy trì môi trường đất sạch bệnh. Trong quá trình phân hủy, nó cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng.
9/ Biện pháp hữu cơ là cách làm cho hoa hồng nở to hiệu quả
9.1 Vỏ chuối
Vỏ chuối chứa nhiều vitamin như B6, B12, chứa các nguyên tố như Kali, magie, kẽm,..Sử dụng vỏ chuối để bón cho hoa hồng là biện pháp vừa hiệu quả vừa an toàn lại tiết kiệm.
Bạn có thể ủ vỏ chuối cùng các loại rác thải từ nhà bếp khác thành phân hữu cơ bón cho hoa hồng. Hoặc đơn giản hơn là ngâm vỏ chuối với nước từ 1 – 2 ngày sau đó lấy nước đem tưới cho cây.
9.2 Vỏ trứng
Bên cạnh vỏ chuối, vỏ trứng cũng là loại rác từ nhà bếp mà bạn có thể tận dụng để bón cho hoa hồng. Có nhiều cách dùng vỏ trứng, phổ biến như sau sau:
- Trộn vỏ trứng với đất trồng hoa hồng như một loại phân để bón lót.
- Ủ vỏ trứng thành phân hữu cơ. Xay nhuyễn vỏ trứng thành bột. Trộn 1kg bột này với 20g trichoderma và nước trong 15 – 20 ngày là có thể đem bón.
Ngoài bổ sung dinh dưỡng, vỏ trứng còn có một công dụng phổ biến là đuổi ốc sên hại hoa hồng. Những cạnh sắc của vỏ trứng là khắc tinh của ốc sên. Bạn chỉ cần rải vỏ trứng được bóp nhuyễn quanh gốc hồng, ốc sên sẽ không dám đến gần để gây hại.
9.3 Bã cà phê
Bã cà phê là loại phân bón dễ tìm mà lại chứa nhiều dưỡng chất, trong đó nhiều nhất là đạm, các loại khoáng chất vi lượng như photpho, kali, đồng,..
Bên cạnh đó, việc bổ sung bã cà phê vào đất còn giúp cho đất tăng hàm lượng hữu cơ, tăng độ mùn và tơi xốp hơn. Từ đó rễ dễ dàng phát triển và hấp thu dinh dưỡng hiệu quả.
Để biến bã cà phê thành dưỡng chất nuôi hoa hồng nở to, bạn nên ủ bã với nấm trichoderma trong từ 10 – 14 ngày. Bón đều vào chậu và nên cách xa gốc, bón lượng vừa phải để hạn chế cây bị ngộ độc do dư thừa Nitơ.
9.4 Cỏ linh lăng
Cỏ linh lăng hay còn gọi là cỏ 3 lá, là loại cây thuộc họ đậu. Cỏ linh lăng chứa nhiều vitamin, muối khoáng và hàm lượng diệp lục gấp 4 lần loại cây thông thường. Với những dưỡng chất trên, sử dụng phân bón hữu cơ từ cỏ linh lăng là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho hoa hồng phát triển tốt nhất
9.5 Các loại GE
GE là chế phẩm vi sinh được tạo ra bằng cách lên men rác thải hữu cơ trong điều kiện yếm khí. Trong GE chứa các hợp chất hữu cơ đặc biệt và rất đa dạng gồm nhiều thành phần như: các chuỗi protein, peptide tự nhiên, muối khoáng, hormone tăng trưởng, enzyme …
GE thường được sử dụng cho cây hoa hồng với nhiều mục đích như: cung cấp dinh dưỡng như 1 loại phân bón, bổ sung lượng lớn vi sinh vật để cải tạo đất, tăng độ mùn và có thể dùng để xua đuổi côn trùng. Từ đó giúp cây khỏe, tăng sức đề kháng và cho nhiều hoa.
Vậy là Đặng Gia Trang vừa chia sẻ với bạn nhiều cách làm hoa hồng nở to và chuẩn dáng. Chúc bạn sớm có vườn hoa hồng đẹp như ý. Nếu có bất cứ thắc mắc nào xin vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 để được giải đáp bạn nhé!
*Xem thêm