Các tiêu chuẩn sản xuất rau phổ biến tại Việt Nam

1715 lượt xem

Hiện nay, các mặt hàng nông sản trên thế giới và tại Việt Nam đều được định hướng canh tác theo những tiêu chuẩn đảm bảo an toàn và chất lượng. Đây sẽ là những tiêu chuẩn sản xuất rau điển hình, giúp nâng cao chất lượng nông sản cũng như tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt giúp tăng tính an toàn cho nông sản. Hôm nay, hãy cùng SFARM điểm qua một số tiêu chuẩn đang được áp dụng phổ biến tại nước ta nhé!

1/ Tiêu chuẩn cho rau an toàn và rau sạch

1.1 Việt GAP

VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.

VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.

Tiêu chuẩn VietGAP được tóm gọn trong bốn nhóm nội dung cơ bản gồm: tiêu chuẩn về kỹ thuật sản phẩm, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy xuất nguồn gốc.

1.2 Global GAP

Global GAP Global Good Agricultural Practice) có nghĩa là thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu. Tiêu chuẩn Global GAP với hơn 100 tiêu chí kiểm soát gần như toàn bộ các yếu tố trong canh tác hóa học như làm sạch nguồn đất, nguồn nước; lựa chọn con/cây giống mạnh khỏe ít bệnh tật; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, ưu tiên chọn các loại thuốc có nguồn gốc an toàn cho người sử dụng.

Tiêu chuẩn Global GAP cũng yêu cầu các nhà sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt bắt đầu từ khâu sửa soạn nông trại canh tác đến khâu thu hoạch, chế biến và tồn trữ. Người sản xuất phải tạo nhật ký canh tác đầy đủ (ghi chép lại toàn bộ quá trình sản xuất, bắt đầu từ khâu xuống giống đến khi thu hoạch và bảo quản) để phòng ngừa khi xảy ra sự cố như là ngộ độc thực phẩm hay dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép và có thể truy nguyên được nguồn gốc.

2/ Tiêu chuẩn sản xuất rau hữu cơ

2.1 PGS

Là Hệ thống đảm bảo có sự tham gia – PGS (Participatory Guarantee System) hiện đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil, New Zealand, Argentina, Peru… Các tiêu chuẩn hữu cơ PGS được trình bày trong 22 “nguyên tắc” nhằm hướng dẫn nông dân trong canh tác, làm cơ sở cho công tác thanh tra và cấp chứng nhận trong thị trường nội địa Việt Nam.

2.2 USDA Organic

Là chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, đây là chứng nhận hữu cơ nghiêm ngặt nhất. Cơ quan này yêu cầu sản phẩm chứa 95% thành phần hữu cơ mới được sử dụng logo của họ. Ngoài ra, cơ quan này cũng không cho phép sử dụng chất bảo quản tổng hợp và hầu hết các thành phần hóa học khi chế biến cũng như các hoạt động hữu cơ phải chứng minh rằng họ đang bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.

2.3 IFOAM

IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ) là một tổ chức phi lợi nhuận đã thiết lập các tiêu chuẩn hữu cơ trên toàn cầu từ năm 1980. Chứng nhận IFOAM được quốc tế công nhận là xác minh năng lực cho các tổ chức chứng nhận hữu cơ. IFOAM đã thiết lập các yêu cầu chứng nhận hữu cơ đầu tiên vào năm 1992, và đã hình thành các chứng nhận được thực hiện ở nhiều quốc gia và khu vực trong đó có Việt Nam với Chứng nhận thực phẩm hữu cơ PGS Việt Nam.

Ngoài ra, còn khá nhiều các chứng nhận tiêu biểu cho nông sản hữu cơ, tuy nhiên các chứng nhận này chưa quá phổ biến tại nước ta. Có thể kể đến: QAI – Cơ quan đảm bảo chất lượng Quốc tế của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, ACO – Chứng nhận hữu cơ của chính phủ Úc, EU Organic Bio – Chứng nhận thực phẩm hữu cơ của Liên minh Châu Âu EU,…

Thông qua các quy định nghiêm ngặt trong trồng trọt của các tiêu chuẩn trên, giúp cải thiện rõ rệt về độ an toàn cho nông sản. Hy vọng, đây sẽ là bước đệm hỗ trợ cho công tác phát triển nền nông nghiệp bền vững và an toàn.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (2 bình chọn)