Áp dụng giống kháng trong canh tác hữu cơ

1735 lượt xem

Hiện nay, canh tác hữu cơ đang nhận được sự quan tâm rộng khắp từ người tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh cho đến những hộ sản xuất nhỏ lẻ. Thêm vào đó, nhà nước cũng nhận ra tiềm năng to lớn của nông sản hữu cơ, phá bỏ bế tắc hiện nay của nông sản Việt Nam về vấn đề an toàn và chất lượng.

Nhưng trước tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường và sâu bệnh tăng cao thì cần có giải pháp hữu hiệu cho người canh tác, đặc biệt là canh tác hữu cơ. Để giải quyết vấn đề đó, giống kháng sẽ là một trong những liệu pháp hợp lý, vừa giúp đảm bảo năng suất nhưng vẫn có khả năng chống chịu trước những tình hình tác động từ môi trường và sâu bệnh.

2

1/ Thế nào là giống kháng?

Biện pháp giống kháng là sử dụng những giống cây trồng mang gen chống dịch hại hoặc chịu đựng dịch hại, hạn chế hoặc ngăn ngừa sự phát triển của dịch hại, có khả năng chống chịu hơn các giống cùng loài trong một điều kiện bất lợi nào đó.

Tuy nhiên không phải cây trồng nào cũng có giống kháng sâu bệnh. Giống kháng với sâu bệnh này nhưng không kháng sâu bệnh khác. Chưa có giống cây trồng nào cùng kháng nhiều loại sâu bệnh. Trong thực tế lai tạo giống khó có thể kết hợp đặc tính kháng sâu bệnh với đặc tính nông học tốt.

Ví dụ: Giống lúa CR203 kháng rầy nâu nhưng lại nhiễm bệnh khô vằn, rầy lưng trắng. Giống lúa Tám thơm kháng bạc lá nhưng lại nhiễm khô vằn, đục thân,…

2/ Đặc điểm biểu hiện

Đặc điểm kháng này được cây trồng biểu hiện bằng 2 cách: cấu trúc gen và hình thái.

  • Cấu trúc gen sẽ quy định hệ thống miễn dịch trong cây trồng gồm 2 lớp: thụ cảm và hệ thống phòng thủ nhằm chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh.
  • Hình thái tự nhiên như: gai, biểu bì dày để không cho côn trùng và nấm bệnh tấn công, tiết ra một chất hóa học để xua đuổi côn trùng hay tiêu diệt mầm bệnh hoặc giai đoạn phát triển và ra hoa không trùng với giai đoạn phát triển cực thịnh của sâu bệnh,…

3/ Phân loại

Có nhiều khái niệm khác nhau về tính kháng của giống cây trồng, dựa vào khả năng chống chịu của giống với sâu bệnh mà chia giống thành các dạng khác nhau:

  • Miễn dịch: Khả năng cây trồng không bị tấn công hay xâm nhiễm bởi một loại sâu hay mầm bệnh chỉ định.
  • Kháng: Khả năng cây trồng hạn chế sự tăng trưởng và phát triển của một loại sâu hoặc mầm bệnh chỉ định hoặc ít thiệt hại hơn khi so sánh với các giống cây trồng trong cùng áp lực và điều kiện môi trường.
  • Sức đề kháng cao: Khả năng chịu đựng được dịch hại cao hơn giống mẫn cảm
  • Kháng trung bình: Chịu được dịch hại thấp hơn giống có sức đề kháng cao và có thể biểu hiện nặng hơn dưới áp lực bệnh cao và kéo dài.
  • Mẫn cảm: Chống chịu thấp hoặc không có khả năng chống chịu đối với một loại sâu hoặc mầm bệnh nào đó.
  • Chống chịu: Khả năng chịu đựng về mặt sâu, bệnh hay cả căng thẳng (stress) sinh lý mà môi trường gây ra nhưng mức độ tổn thất năng suất không vượt quá ngưỡng thiệt hại của giống. Như giống lúa chịu hạn CH207, giống lúa chịu mặn OM6976…

4/ Các yếu tố tác động tới tính kháng của giống

Về cơ bản, mối quan hệ giữa cây trồng và sâu bệnh rất phức tạp. Trên thực tế, khả năng kháng của giống cây trồng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố môi trường, phương thức canh tác, đặc điểm của cây trồng, tuổi cây, áp lực sâu bệnh, mức độ tương tác của sâu hại đối với bệnh hại và bệnh hại đối với bệnh hại,…

giống kháng

5/ Ưu và nhược điểm của giống kháng

5.1 Ưu điểm

  • Giảm chi phí cho người nông dân
  • Không gây nhiễm bẩn môi trường sống
  • Thích hợp với các biện pháp khác trong bảo vệ thực vật
  • Ích lợi với những giống cây trồng giá trị thấp
  • Có tác dụng bất chấp mật độ dịch hại
  • Không bị ảnh hưởng của điều kiện thời tiết
  • Yêu cầu kiến thức không cao của người nông dân
  • Hiệu quả mang tính tích lũy

5.2 Nhược điểm

  • Thời gian nghiên cứu, tạo giống chống dịch hại lâu
  • Phát triển những loài dịch hại mới.
  • Trong một số trường hợp giống nhanh bị mất tính kháng

6/ Một số giống kháng điển hình tại Việt Nam

  • Giống lúa ĐB6, cứng cây chống đổ, chịu rét, kháng sâu bệnh. +
  • Hai giống lúa SH4 và LT25 có tính chống chịu sâu bệnh tốt, ít nhiễm bạc lá, đạo ôn, khô vằn, bông to, cứng cây, chống đổ tốt.
  • Giống ngô nếp lai HN88 đánh giá: có khả năng chống chịu sâu đục bắp, ngoài ra vẫn có các ưu điểm về năng suất, chất lượng bắp, khả năng kháng sâu bệnh, chịu hạn, úng, dễ chăm sóc…
  • Giống lúa nếp DT-22 có khả năng chống chịu sâu bệnh và cho năng suất, chất lượng tốt.

Để phát triển nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ và an toàn với người tiêu dùng thì giải pháp giống kháng là điều không thể thiếu. Việc quan tâm đúng mức ngay trước khi cây được trồng có thể hạn chế nhiều rủi ro về quản lý dịch hại trong canh tác hữu cơ. Để giống kháng được áp dụng rộng rãi vào sản xuất, rất cần sự hợp tác của 4 nhà – “nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp”. Hi vọng, đây sẽ là một trong những liệu pháp hiệu quả sẽ được nhân rộng và tăng cường thêm các nghiên cứu trong tương lai.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết