Biện pháp quản lý cỏ dại trong canh tác hữu cơ

2058 lượt xem

Cỏ dại là loại cây trồng mọc không đúng mục đích của người sản xuất, như hạt giống lúa nảy mầm trong vườn cây ăn trái cũng có thể cạnh tranh với cây trồng chính. Tương tự như vậy, trong canh tác hữu cơ thì việc quản lý cỏ dại là yếu tố quan trọng để đạt năng suất cao do không thể sử dụng thuốc trừ cỏ hóa học.

Nếu không có biện pháp quản lý kịp thời cỏ dại có thể gây ra các tác hại như:

  • Cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng và nước với cây trồng chính. Do cỏ dại chủ yếu có cấu tạo rễ chùm, sinh trưởng nhanh, tạo sinh khối lớn. Vì thế, chúng sẽ hút dinh dưỡng và nước nhanh hơn cây trồng chính làm cây còi cọc, hạn chế độ hữu dụng của phân bón và làm giảm lượng nước của cây trồng.
  • Cạnh tranh ánh sáng.
  • Cầu nối cho bệnh phát triển và là ký chủ phụ đối với một số loại sâu hại chính. Như cỏ hôi (cỏ cứt lợn) là ký chủ phụ của bệnh héo xanh vi khuẩn, tuyến trùng nốt sần.

quan-ly-co-dai

Để quản lý cỏ dại hiệu quả, đầu tiên, người sản xuất cần xác định các yếu tố để quản lý cỏ dại hiệu quả như thời điểm, địa điểm, khí hậu, loại cây, phương thức canh tác sẽ tương ứng với loại cỏ nào.

Điều này sẽ tiết kiệm được rất nhiều công sức của người sản xuất do giai đoạn mầm, cỏ dại có thể diệt bằng biện pháp canh tác đơn giản. Bên cạnh đó, người sản xuất cần phân biệt cỏ hằng niên và cỏ đa niên (có thân ngầm, bộ rễ sâu hoặc rễ củ, sinh sản vô tính,… khó diệt trừ), nhóm cỏ chác lác, cỏ hòa bản,… để có áp dụng biện pháp hợp lý hơn.

Để phòng trừ cỏ dại hiệu quả, nên áp dụng kết hợp nhiều biện pháp gồm

1/ Biện pháp cơ học

  • Xới đất làm hạt cỏ dại bị vùi chôn, ngăn cản ánh sáng mặt trời, từ đó ngăn cản sự nảy mầm của hạt cỏ. Biện pháp này có thể kết hợp với vùi bón phân để tiết kiệm công sức, đồng thời cũng phá bỏ lớp váng đất mặt giúp đất thông thoáng và cây trồng hút chất dinh dưỡng tốt hơn.
  • Đối với một số loại cỏ “cứng đầu” như cỏ tranh, cỏ cú,… chủ yếu áp dụng biện pháp làm cỏ bằng tay, loại bỏ thân ngầm. Tuy nhiên biện pháp này rất tốn công lao động mà lại chưa chắc đạt được hiệu quả như mong đợi.
  • Sử dụng máy cắt chủ yếu để điều chỉnh độ cao cỏ, đối với vườn cây ăn trái có thể sử dụng cỏ làm lớp phủ. Phương pháp này không trừ tận gốc cỏ nhưng có thể cung cấp cho đất một phần hữu cơ, tiết kiệm thời gian, có thể kết hợp bón phân.

2/ Sử dụng giống sạch

  • Đối với vườn rau hữu cơ ngắn ngày thì nguồn giống có thể là nguyên nhân lưu tồn và phát tán cỏ dại cho vụ sau. Đây cũng là tập quán quen thuộc đối với người sản xuất lúa gạo Việt Nam khiến cỏ dại luôn song hành với cây lúa trong canh tác.
  • Do đó, việc tuyển chọn và sử dụng giống trong nông nghiệp hữu cơ phải được chú trọng ngay từ đầu. Người sản xuất cần chọn cơ sở cung cấp đạt chuẩn hoặc nếu giữ lại giống cũ cũng cần sàng lọc trước khi bảo quản.

3/ Ngăn ngừa cỏ xâm nhập thông qua phân bón, công cụ lao động, gia súc

  • Như đã biết, nông nghiệp hữu cơ sử dụng chủ yếu là phân bón hữu cơ, phân xanh ủ để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Tuy vậy, nếu người sản xuất không tuân thủ đúng quy trình ủ phân khiến hạt cỏ vẫn còn sống và khi gặp điều kiện thuận lợi chúng có thể sinh trưởng và gây hại. Phân xanh cần được ủ với thời gian tối thiểu 40-50 ngày (sử dụng chế phẩm ủ) hoặc 4-5 tháng (không sử dụng chế phẩm).
  • Hạn chế công cụ, máy móc và cho gia súc di chuyển từ vùng nhiễm cỏ sang khu vực canh tác.

4/ Côn trùng diệt cỏ dại

  • Côn trùng tấn công cây trồng để tìm thức ăn, nơi trú ngụ và đẻ trứng. Vì thế, người sản xuất có thể tận dụng đặc điểm này để hạn chế một số loại cỏ dại có chọn lọc.
  • Ví dụ, loài cây Ban Âu rất phổ biến ở Châu Âu, Mỹ, Úc và xuất hiện ven đường được kiểm soát bởi một loài bọ cánh cứng (Agrilus hyperici). Chúng ăn rễ cây và đẻ trứng vào đó.
  • Cây Mai Dương xuất hiện rất nhiều ở Việt Nam. Đây là loại cây thân gỗ, nhiều gai, lan nhanh và có thể cao đến 2 m. Loại cây này có thể được kiểm soát bởi sâu đục thân Carmenta mimosa.quan-ly-co-dai-2

5/ Sử dụng các chế phẩm từ nấm

  • Sử dụng các chế phẩm từ nấm hoặc bào tử nấm phát triển trực tiếp trên ký chủ là cây cỏ có thể ngăn chặn cây cỏ phát triển. Tuy nhiên, nên phân lập dòng nấm để không cùng ký chủ với cây trồng chính. Như nấm Exoserohilum monoseras đang được nghiên cứu có thể kiểm soát cỏ lồng vực.

6/ Trồng cây cạnh tranh (thảm thực vật)

  • Nên chọn loại cây có lá to, sinh trưởng nhanh, sinh khối nhiều, hiệu suất quang hợp cao, tốt nhất là các loại cây họ đậu. Ngoài ra, cây phủ xanh còn có thể tận dụng để làm phân xanh cung cấp lại cho cây trồng chính.
  • Những cây phổ biến có thể trồng như cỏ lạc, thanh thất, cốt khí,…

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết