Bộ rễ cây sầu riêng: Đặc điểm, vai trò, chăm sóc rễ khỏe mạnh

1846 lượt xem

Khi chăm sóc cây sầu riêng bà con thường quan tâm sầu riêng mấy năm có trái, để biết kết quả chính xác thì bà con cần có cái nhìn tổng quát về đặc tính sinh trưởng của cây. Điều này sẽ giúp tạo ra điều kiện canh tác tốt nhất cho cây. Tìm hiểu ngay bộ rễ cây sầu riêng cùng với SFARM để hiểu rõ về cây trồng này nhé!

Đặc điểm bộ rễ cây sầu riêng

Bộ rễ của cây sầu riêng có đặc điểm phân nhánh và phát triển rất mạnh mẽ. Rễ chính của cây cắm sâu xuống đất để tìm nước và chất dinh dưỡng, trong khi các rễ phụ lan rộng ra xung quanh, giúp cây hấp thu đủ dưỡng chất cần thiết. Rễ của cây sầu riêng có thể đâm sâu tới 5-6 mét.

Điểm khác biệt của cây sầu riêng là rễ không có nhiều lông hút như các loại cây trồng khác. Thay vào đó, rễ cây liên kết với hệ nấm rễ Mycorhizae trong đất để tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng. Vì vậy, nếu bà con thường xuyên sử dụng thuốc hóa học, hệ nấm này sẽ dễ bị tổn thương, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Hoạt động của rễ diễn ra gần như cùng lúc với cành lá, nhưng thời gian hoạt động của rễ kéo dài hơn và kết thúc muộn hơn. Khi đọt mới nhú, rễ cũng bắt đầu phát triển và chúng phát triển mạnh nhất vào mùa hè. Phần lớn rễ tập trung quanh tán cây, ở độ sâu khoảng 20-30cm, đây là lý do tại sao việc bón phân và tưới nước hiệu quả là rất quan trọng cho cây.

Ngoài ra, sự phân bố của rễ còn phụ thuộc vào tính chất đất, mực nước ngầm và cách bà con chăm sóc cây từ việc gieo hạt, chiết cành đến ghép cây. Những yếu tố này đều ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của bộ rễ sầu riêng.

Khi bộ rễ khỏe mạnh thì cây trồng mới có sức đề kháng tốt. Nếu phần thân và lá phía trên bị sâu bệnh tấn công, cây vẫn có thể nhận dưỡng chất từ rễ để phục hồi. Nhưng một khi rễ gặp vấn đề, cả cây sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng. Vì vậy, việc chăm sóc để bộ rễ phát triển tốt là vô cùng quan trọng.

Cây có bộ rễ khỏe thường có những dấu hiệu như sau: xuất hiện nhiều rễ tơ trên mặt đất với đầu rễ có màu trắng sáng. Rễ bên cũng thường trồi lên mặt đất, phát triển to khỏe và có màu hồng hào. Đây là những biểu hiện cho thấy cây đang hấp thụ tốt dinh dưỡng và có khả năng chống chọi với các tác động từ môi trường.

Bộ rễ cây sầu riêng
Bộ rễ cây sầu riêng

Cơ chế hấp thu dinh dưỡng của bộ rễ cây sầu riêng

Bà con thân mến, quá trình hấp thu chất dinh dưỡng của cây có thể diễn ra theo hai hình thức: hấp thu bị động và hấp thu chủ động.

  • Hấp thu bị động là khi chất dinh dưỡng di chuyển từ nơi có nồng độ cao sang nơi có nồng độ thấp, không cần cây phải tiêu tốn năng lượng. Cơ chế này không có tính chọn lọc, nghĩa là mọi chất khoáng đều có thể di chuyển qua. 
  • Hấp thu chủ động là khi chất dinh dưỡng di chuyển từ nơi có nồng độ thấp sang nơi có nồng độ cao, cần tiêu hao năng lượng. Quá trình này có tính chọn lọc, chỉ những chất cây cần mới được hấp thụ.

Các yếu tố ngoại cảnh cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự hấp thu nước và khoáng hòa tan của cây. Khi nhiệt độ đất quá thấp, rễ cây khó hút nước, gây mất cân bằng nước trong cây, làm cho cây có thể bị héo dù đất vẫn còn nước. Hiện tượng này được gọi là hạn sinh lý, xảy ra khi nhiệt độ đất rơi vào khoảng 0-10°C. Cây sầu riêng đặc biệt thích hợp với nhiệt độ ấm, từ 22-36°C, vì thế chỉ phát triển tốt ở các khu vực nhiệt đới, quanh vùng xích đạo.

Ngoài ra, nồng độ oxy trong đất cũng rất quan trọng. Rễ cây cần nhiều oxy để thực hiện quá trình hô hấp, giúp hút nước và chất dinh dưỡng. Khi đất bị ngập úng hoặc bị nén chặt, thiếu oxy, rễ phải hô hấp yếm khí, tạo ra ít năng lượng và dẫn đến tích tụ ethanol, gây thối rễ. 

Đất có nồng độ oxy khoảng 10-12% là tốt nhất cho sự phát triển của rễ. Nếu nồng độ oxy giảm dưới 5%, cây sẽ chịu tổn hại nghiêm trọng do quá trình hô hấp yếm khí kéo dài. Đây là lý do vì sao bà con cần lưu ý lên mô cho cây sầu riêng khi canh tác. Việc trồng rễ nổi trên bề mặt giúp tránh tình trạng rễ bị ngập sâu trong đất, dễ gây ra nấm bệnh. 

Ngoài ra, quản lý cỏ trong vườn một cách hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng. Cỏ giúp giữ đất tơi xốp, tạo điều kiện cho oxy len lỏi vào đất, đồng thời giúp đất thoát nước tốt hơn vào mùa mưa, tránh tình trạng ngập úng làm ảnh hưởng đến rễ cây. Điều này sẽ giúp cây sầu riêng phát triển khỏe mạnh và bền vững hơn.

Nước từ đất đi vào rễ cây thông qua quá trình thẩm thấu, nên nồng độ dung dịch trong đất đóng vai trò quan trọng. Khi nồng độ dung dịch đất cao hơn nồng độ trong rễ, cây không chỉ không hút được nước mà còn bị mất nước ngược ra ngoài đất. Đây là tình trạng thường gặp khi cây bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, hoặc khi bà con bón quá nhiều phân khoáng một lần.

Để cây hấp thụ tốt dinh dưỡng, nồng độ dung dịch trong đất nên duy trì ở mức loãng, khoảng 0,02 – 0,05% là tốt nhất. Vì vậy, các chuyên gia thường khuyến cáo bà con chia nhỏ lượng phân bón và bón nhiều lần để đảm bảo cây hấp thu hiệu quả.

Trong trường hợp bón phân quá liều, cần tưới nước để làm giảm nồng độ chất tan quanh khu vực rễ. Tương tự, khi gặp hạn mặn, nếu có nguồn nước ngọt, bà con nên tưới nhiều nước để rửa mặn cho đất, giúp cây hồi phục nhanh chóng.

Quá trình vận chuyển nước trong cây sầu riêng

Bà con có thể hình dung quá trình nước di chuyển trong cây qua ba chặng chính như sau:

Chặng 1: Nước từ tế bào lông hút trên rễ di chuyển qua các tế bào biểu bì, rồi qua một số lớp tế bào nhu mô vỏ. Sau đó, nước đến lớp nội bì, nơi có thành tế bào hóa bần bốn mặt, và tiếp tục qua các tế bào nhu mô trước khi vào mạch dẫn của rễ.

Chặng 2: Nước từ mạch dẫn của rễ tiếp tục được vận chuyển lên lá thông qua mạch gỗ.

Chặng 3: Từ mạch dẫn của lá, nước đi qua các lớp tế bào nhu mô lá (mô giậu và mô khuyết) rồi ra ngoài qua khí khổng để thoát hơi nước vào không khí.

Cây hút nước nhờ vào ba yếu tố quan trọng: quá trình thoát hơi nước ở lá tạo động lực hút nước và muối khoáng; áp suất rễ giúp đẩy nước lên; sự liên kết của các phân tử nước trong mạch dẫn, giúp duy trì dòng chảy liên tục từ rễ lên lá.

Chăm sóc bộ rễ cây sầu riêng khỏe mạnh

Khi trồng cây sầu riêng con, bà con cần lưu ý trồng bầu đất cao hơn mặt hố khoảng 2-3 cm, tránh trồng ngập gốc vào đất để hạn chế ứ đọng nước, gây ra các bệnh hại rễ. Việc lên liếp, lên mô cao cũng rất quan trọng để tạo độ thoáng cho bộ rễ phát triển và giúp cây khô hạn tốt hơn khi cần xử lý ra hoa.

Để bộ rễ phát triển khỏe mạnh và lan rộng, bà con có thể sử dụng các loại phân bón kích thích rễ như phân humic, phân hữu cơ lỏng, đồng thời bổ sung chất dinh dưỡng cho đất. Ngoài ra, cần chú ý đến các yếu tố ngoại cảnh như tính chất đất, thời tiết, dinh dưỡng trong đất, cũng như các yếu tố mầm bệnh và côn trùng trong đất. Những yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của bộ rễ:

  • Mầm bệnh trong đất: Nấm Fusarium solanai, nấm Phytophthora spp., nấm Pythium spp., nấm Rhizoctonia solani 
  • Tuyến trùng trong đất: Pratylenchus sp
  • Côn trùng trong đất: Rệp sáp rễ

Ngoài ra, bà con cũng cần bảo vệ bộ lá khỏe mạnh, tránh sự tấn công của sâu bệnh và rầy rệp để đảm bảo các cơ quan khác của cây, bao gồm cả bộ rễ, được nuôi dưỡng tốt.

Bộ rễ cây sầu riêng khỏe mạnh
Bộ rễ cây sầu riêng khỏe mạnh

Các bệnh thường gặp ở bộ rễ cây sầu riêng

Thối bộ rễ cây sầu riêng

Nguyên nhân vàng lá, thối rễ ở sầu riêng:

  1. Nấm Phytophthora và Fusarium: Hai loại nấm gây thối rễ, trong đó Phytophthora palmivora là chủ yếu. Tuyến trùng cũng tấn công rễ, làm cây suy kiệt nhanh hơn.
  2. Thiếu dinh dưỡng: Cây thiếu các nguyên tố đa, trung, vi lượng (Ca, K, Mg, Fe, Zn…) khiến lá teo nhỏ, vàng, biến dạng và rụng nhiều.
  3. Ngập úng, thoát nước kém: Nấm Phytophthora phát triển mạnh trong môi trường ngập úng, thiếu oxy, làm rễ thối nhanh hơn.
  4. Lạm dụng phân hóa học: Đất chua, chai cứng, pH thấp dưới 5 thuận lợi cho nấm bệnh phát triển.

Biểu hiện:

– Lá vàng từ trên xuống, đọt cong, chóp lá cháy. Trường hợp nặng, lá rụng nhiều, cây còi cọc, có thể chết.

– Rễ thối nâu, vỏ rễ tuột, rễ cái thối đen, cây không hấp thụ được nước và dinh dưỡng.

Bệnh thối bộ rễ cây sầu riêng
Bệnh thối bộ rễ cây sầu riêng

Giải pháp khắc phục:

– Dọn cỏ, xới đất quanh gốc, tạo độ thông thoáng.

– Đào mương, xẻ rãnh thoát nước tốt.

– Sử dụng thuốc trị thối rễ như Ridomil Gold, Aliette, Eddy… Tưới 2 lần cách nhau 7 ngày.

– Sau 20 ngày, tưới phân loãng kích rễ (1 lít đạm cá + 200g humic + 200 lít nước).

– Phun vi lượng giúp lá xanh lại.

Giải pháp phòng bệnh:

– Thăm vườn thường xuyên, xử lý kịp thời.

– Dùng phân chuồng ủ hoai mục kết hợp nấm Trichoderma.

– Chuẩn bị đất kỹ, bón vôi, lên mô, đào rãnh thoát nước.

– Bón định kỳ phân hữu cơ, đạm cá, humic, Trichoderma để cải thiện đất và phòng nấm bệnh.

Bệnh tuyến trùng bộ rễ cây sầu riêng

Nguyên nhân

Tuyến trùng hại rễ, như Meloidogyne và Pratylenchus, tấn công hệ thống rễ cây, gây tổn thương và làm giảm khả năng hấp thụ nước, dinh dưỡng.

Biểu hiện

– Thân cây: Còi cọc, dáng thon, dễ ngã.

– Nhánh: Độ phân lóng thấp, thưa thớt.

– Lá: Biến dạng, co lại, nốt màu lạ, khô và rụng sớm.

– Bộ rễ: Thối rữa, màu đen hoặc nâu, mất tính đàn hồi, có u bướu.

Bệnh tuyến trùng bộ rễ cây sầu riêng
Bệnh tuyến trùng bộ rễ cây sầu riêng

Biện pháp khắc phục

– Sử dụng hóa chất để tiêu diệt tuyến trùng.

– Sử dụng chế phẩm sinh học để tiêu diệt và bảo vệ rễ.

Biện pháp phòng ngừa

– Vệ sinh vườn, dọn cỏ dại, cải tạo đất.

– Cung cấp đủ nước và dinh dưỡng cho cây.

– Thiết kế vườn thoát nước tốt để tránh ngập úng.

Lở cổ rễ sầu riêng

Nguyên nhân

Khoảng thời tiết mưa nhiều và độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng cho Phytophthora phát triển, gây ra các bệnh như nứt thân, xì mủ và lở cổ rễ trên cây sầu riêng. Loại nấm này rất mạnh mẽ, có khả năng tàn phá cây trồng nhanh chóng.

Biểu hiện

Khi cây bị nhiễm bệnh, bà con sẽ thấy:

– Thân cây: Xuất hiện các vết chảy nhựa, nứt vỏ, và có màu nâu đỏ.

– Cành: Còi cọc, lá vàng héo, sinh trưởng chậm.

– Cổ rễ: Thối và lở, làm cho cây nhanh chóng suy kiệt.

Biện pháp khắc phục

Điều trị nứt thân: Khống chế bệnh bằng cách xới đất, rải vôi quanh gốc và sử dụng chế phẩm đặc trị (tưới gốc 1,5 – 2cc/lít nước). Sau đó, quét dung dịch lên các vết xì mủ và phun ngừa để ngăn bệnh lây lan.

 Biện pháp phòng ngừa

– Chọn giống: Lựa chọn cây giống khỏe mạnh, không có dấu hiệu bị thối.

– Xử lý đất: Sử dụng vôi để khử trùng đất trước khi trồng từ 7 – 10 ngày.

– Cung cấp dinh dưỡng: Cân bằng phân bón, ưu tiên phân hữu cơ, tránh thừa đạm.

Kết quả

Sau khoảng 10 ngày điều trị (số ngày chính xác tuỳ vào sản phẩm điều trị), vết bệnh dừng chảy nhựa, phần lõi trắng xuất hiện và cây hồi phục khỏe mạnh, lá xanh tốt trở lại. Điều này chứng tỏ các biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả.

Trên đây là tất tần tật thông tin về bộ rễ cây sầu riêng mà SFARM Blog đã cung cấp. Hy vọng bà con đã hiểu hơn về giống cây này. Chúc bà con vụ mùa bội thu!

Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết