Kỹ thuật trồng Khoai lang Nhật năng suất cao

2400 lượt xem

Thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, do đó diện tích canh tác khoai lang nhật cũng mở rộng theo. Canh tác khoai lang nhật đạt năng suất cao, hiệu quả kinh tế khả quan và đầu ra sản phẩm lớn. Nếu bạn muốn khởi nghiệp từ khoai lang nhật mà chưa biết cách trồng chính xác, hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu qua bài viết Kỹ thuật trồng khoai lang nhật bên dưới nhé.

1/ Đặc điểm khoai lang nhật

Khoai lang nhật có thân to, mập, màu tím, khả năng phân nhánh kém. Củ dạng thuôn dài, vỏ màu hồng tím, ruột có màu vàng đậm.

Đây là giống khoai lang có sản lượng cao, khả năng sinh trưởng mạnh, thời gian sinh trưởng phát triển kéo dài 105 – 120 ngày. Năng suất trung bình 9 – 15 tấn/ha, dùng để luộc, chế biến hoặc xuất khẩu.

2/ Chuẩn bị gì khi trồng khoai lang nhật

2.1 Thời vụ trồng khoai lang nhật

Thông thường khoai lang nhật được trồng 2 vụ trong năm: Vụ đông trồng từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, vụ xuân hè trồng từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3.

2.2 Đất trồng khoai lang nhật

Đất trồng khoai lang nhật được cày bừa, lên luống và làm sạch cỏ dại. Bề mặt luống bằng phẳng, bề rộng luống 1,2 – 1,5m, cao khoảng 35 – 40cm, thiết kế luống trồng theo hướng đông tây là thích hợp nhất, đảm bảo mỗi dây khoai đều nhận được lượng ánh sáng như nhau.

2.3 Chọn giống

Dây khoai lang được chọn phải khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, là dây bánh tẻ, chưa có hoa và rễ. Độ tuổi của dây khoai lang khoảng 45 – 75 ngày, chỉ lấy đoạn 1 và 2 tính từ ngọn để làm dây giống, mỗi đoạn dài khoảng 35 – 40cm.

2.4 Cách nhân giống

Khoai lang nhật thường được nhân giống bằng dây hoặc bằng củ, nhưng trồng bằng dây đang được áp dụng rộng rãi hơn vì tiết kiệm chi phí. Tiêu chí lựa chọn dây giống tương tự như chọn giống trồng.

3/ Kỹ thuật trồng khoai lang nhật

Cách trồng khoai lang nhật rất dễ dàng, bạn chỉ cần làm một vài thao tác đơn giản:

Trồng vào thời tiết mát mẻ, đất ẩm.

Khoảng cách trồng dao động 5 – 6 dây/m chiều dài luống. Mật độ khoảng 38.000 – 40.000 dây/ha.

Trồng khoai lang nhật theo hàng đơn là tốt nhất, trồng giữa luống, chạy dọc theo chiều dài nối đuôi nhau, đoạn dây song song với mặt luống. Trồng ở độ sâu khoảng 5cm, phần ngọn phía trên khoảng 10 – 15cm (2 đốt thân). Tưới nước hàng ngày để đất đủ ẩm giúp cây sinh trưởng tốt hơn.

kỹ thuật trồng khoai lang nhậtKỹ thuật trồng khoai lang nhật

4/ Chăm sóc cây khoai lang nhật

Để củ khoai đạt chất lượng tốt, kích thước tiêu chuẩn, quá trình chăm sóc đóng vai trò rất quan trọng.

Tùy vào tình trạng đất và thời tiết, tưới nước sao cho đất vừa đủ ẩm. Đảm bảo độ ẩm 65 – 80%, nếu khí hậu quá khô hạn thì áp dụng biện pháp tưới rãnh.

Sau khi trồng khoảng 25 ngày, tiến hành vun đất quanh gốc, làm cỏ, và tiến hành bón thúc lần 1.

Thời điểm cây 25 – 30 ngày tuổi, bấm ngon khoai lang, kích thích phân nhánh, phát triển thân lá ở giai đoạn đầu. Bên cạnh đó tiến hành nhấc dây làm đứt rễ để tập trung dinh dưỡng nuôi củ. Việc này cần được tiến hành thường xuyên và sau khi nhấc cần đặt dây đúng vị trí ban đầu, hạn chế tổn thương thân lá.

Ở thời điểm 40 – 45 ngày, vun xới gốc và làm cỏ, bón thúc lần 2.

Thăm đồng thường xuyên để phát hiện sâu bệnh hại kịp thời và có biện pháp phòng ngừa hợp lý.

5/ Bón phân cho khoai lang nhật

Kỹ thuật bón phân ở khoai lang nhật không tiến hành riêng lẻ mà kết hợp với làm cỏ, vun xới, hãm ngọn.

Tổng lượng phân bón cần dùng cho 1ha khoai lang nhật khoảng 10 – 15 tấn phân chuồng, 90kg kali, 60kg ure, 30kg phân lân.

Phân bón được chia làm các lần nhỏ để cây hấp thụ tốt hơn:

Lần 1: Bón lót hết lượng phân chuồng và phân lân, 30% phân ure, 20% phân kali.

Lần 2: Bón 50% phân đạm và 30% phân kali.

Lần 3: Bón hết lượng còn lại.

6/ Phòng trừ sâu bệnh hại khoai lang nhật

Khoai lang nhật thường mắc các loại bệnh phổ biến ở khoai lang, cần kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trừ hợp lý. Bên cạnh đó còn bị tấn công bởi các loại côn trùng như:

Bọ cánh cứng: Hoạt động cả ban ngày và ban đêm, đẻ trứng lên các lỗ nhỏ trên dây và chui theo các kẻ đất để trứng trực tiếp lên củ khoai.

Sùng non: Đục lỗ trên dây và củ, làm dây phát triển kém, phình to tại các vị trí đục. Củ bị đục thì thối, thường có vị đắng.

Để hạn chế các loại sâu bệnh hại trên khoai lang nhật, chúng tôi đề xuất các biện pháp như sau:

Sau 2 – 3 vụ trồng khoai lang, bạn nên trồng các loại cây khác như lúa hoặc rau màu. Điều này giúp cân bằng lại dinh dưỡng trong đất và thay đổi đối tượng cây trồng.

Sau khi thu hoạch phân loại củ bị sùng, bị sâu bệnh mang đi tiêu hủy.

Có thể cho nước vào ruộng ngâm trong 2 – 3 ngày để giết các loài nhộng, sùng còn tồn đọng trong đất.

Xử lý hom giống cũng rất quan trọng. Ngâm hom trong dung dịch Oncol 25EC khoảng 30 phút, vớt ra để ráo rồi đem trồng.

Sau khi trồng khoai lang nhật bạn cần bổ sung thường xuyên kích rễ, các vi sinh vật có lợi cho đất, giúp ngăn ngừa tình trạng héo dây, thối hom.

Khi cây bắt đầu xuất hiện củ, khoảng 1 tháng sau trồng, rắc thuốc bột Lorsban 15G (6 – 8 kg/ha), vun cao đất. Tưới nước thường xuyên cho cây, thời gian cách ly thuốc Lorsban là 15 ngày.

7/ Thu hoạch và bảo quản khoai lang nhật

Thu hoạch khoai lang nhật đúng thời điểm để củ khoai đạt chất lượng cao nhất. Khi thấy dây khoai ngừng các dấu hiệu sinh trưởng như lá gần gốc có màu vàng, vỏ khoai nhẵn thì tiến hành thu hoạch.

Thu hoạch khi trời nắng ráo, tránh làm tróc vỏ sẽ làm giảm giá trị củ khoai.

Vậy là Đặng Gia Trang đã cung cấp tất cả thông tin cần thiết trong cách trồng khoai lang nhật rồi. Chúng tôi hy vọng những thông tin này thật sự hữu ích và giúp bạn trồng khoai lang nhật thành công. Nếu gặp bất cứ khó khăn gì, hãy liên hệ với chúng tôi qua Hotline 0902.652.099 bạn nhé!

Sfarm.vn

*Xem thêm

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết