Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc lan hương duyên chuẩn nhất

1778 lượt xem

Các loài lan rừng luôn mang vẻ đẹp gì đó rất đặc biệt và cuốn hút, lan hương duyên cũng vậy. Bởi thế mà hoàng thảo hương duyên rất được lòng những người chơi lan. Nếu bạn là người mới bắt đầu trong bộ môn này và cũng đã phải lòng loài lan của núi rừng, vẫn còn chưa biết cách trồng và chăm sóc lan hương duyên đúng cách, đừng lo lắng nhé! Hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu qua bài viết sau.

1/ Đặc điểm

Lan hương duyên có tên latinh là Dendrobium ellipsophylla, tại Việt Nam còn gọi là lan hoàng thảo hương duyên hoặc hoàng thảo cuộn, thuộc họ Phong Lan orchidaceae, nhóm cây phụ sinh.

Hoàng thảo hương duyên chủ yếu sống trong rừng rậm hoang sơ, được tìm thấy ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar. Tại Việt Nam, lan hương duyên mọc tự nhiên ở Tây Nguyên, DakLak, Lâm Đồng, Kontum, Gia Lai. Những vùng ở độ cao 300 – 1.000m so với mực nước biển là nơi lý tưởng để lan hương duyên mọc tự nhiên và trồng mà không cần nhà kính.

2/ Cách nhận biết lan hương duyên

Lan hương duyên sinh trưởng thành bụi trong các cánh rừng tự nhiên, thân mảnh nhỏ chỉ khoảng ngón tay út nhưng rất cứng cáp, chiều cao trung bình 30 – 50cm, thân có đốt như mía, có rãnh sâu dọc theo thân.

Hoàng thảo hương duyên có hình elip, mọc rất dày đặc ở ngọn và thưa dần về gốc, hướng về cùng 1 phía, gây cho người xem có cảm giác đây là sự sắp xếp có chủ đích. Lá không to, chỉ dài khoảng 4 – 5cm.

Lan hoàng thảo hương duyên cho hoa vào mùa xuân và mùa hè, chính vì thế loài lan này rất thích hợp để chơi Tết, ngụ ý mang điềm lành, vươn lên mạnh mẽ trong môi trường khắc nghiệt. Điều đặc biệt của loài lan này, hoa không mọc thành từng chùm mà mọc đơn độc trên mỗi đốt của thân. Đường kính hoa khoảng 2cm, lấy màu trắng làm chủ đạo với 2 cánh bẻ cong ngược ra phía sau cánh đài, môi hoa có 3 vạch màu nâu đỏ mọc nhô ra phía ngoài – là điểm đậu chân lý tưởng của các loài côn trùng khi đến hút mật. Hoa có mùi thơm đặc trưng của chi Dendrobium, tuổi thọ hoa khá bền, theo nghiên cứu nước ngoài có thể kéo dài 40 – 50 ngày.

3/ Điều kiện sinh trưởng của lan hương duyên

3.1 Ánh sáng

Lan hương duyên yêu cầu lượng ánh sáng không quá cao, dao động 18.000 – 25.000 lux. Do đó, cần sử dụng lưới che để giảm bớt cường độ ánh sáng và tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào lan.

3.2 Nhiệt độ

Lan hoàng thảo hương duyên phân bố rộng rãi ở Đông Nam Á, chính vì thế khoảng nhiệt độ thích hợp cũng khá rộng, có sức chịu được cái nóng của mùa hè và cái lạnh lúc về đông. Nhiệt độ ban ngày dao động 29 – 30 độ, ban đêm tầm 20 độ, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lên đến 10 độ thì hoàng thảo hương duyên vẫn sinh trưởng tốt. Thậm chí, chênh lệch nhiệt độ cao đến 16 độ và nhiệt độ hạ thấp xuống khoảng 8 độ vào mùa đông, cây vẫn sinh trưởng bình thường. Tuy nhiên, lan hoàng thảo hương duyên sinh trưởng mạnh mẽ nhất vào mùa xuân. Nếu muốn kích thích lan hoàng duyên ra hoa, chỉ cần điều chỉnh nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch 11 – 16 độ.

3.3 Độ ẩm

Lan hương duyên cần độ ẩm trung bình 65 – 75% vào mùa xuân và mùa thu. Từ mùa đông đến mùa xuân năm sau chỉ cần độ ẩm 60% là được.

4/ Giá thể trồng lan hương duyên

Một số loại giá thể phổ biến ngoài thị trường như vỏ thông, dớn, xơ dừa, than củi,… Giá thể trồng lan hoàng thảo hương duyên cần đảm bảo bộ rễ luôn ẩm nhưng vẫn thông thoáng tốt. Xơ dừa phải được ngâm nước loại bỏ muối, các loại giá thể phải được xử lý sạch sẽ.

hoa lan hương duyên

Hoa hoàng thảo hương duyên

5/ Cách trồng lan hương duyên

Hoàng thảo hương duyên có thể trồng bằng 2 cách sau:

Trồng trực tiếp lên cành gỗ to hoặc gỗ lũa, nếu bạn có điều kiện cấp ẩm trong suốt mùa hè, vì cách trồng này bốc thoát hơi nước rất nhanh.

Trồng trong chậu: Cho vỏ thông vào chậu chiếm ⅔ thể tích, đặt cây giống vào và phủ dớn hoặc xơ dừa lên trên. Cách này giúp thoát nước tốt ở đáy và giữ ẩm phía trên tốt nhờ xơ dừa.

6/ Cách chăm sóc lan hương duyên

6.1 Cách tưới nước

Nhu cầu nước của lan hương duyên thay đổi theo mùa. Cần tưới 1 lần/ngày và tưới nhiều nước vào mùa xuân và mùa hè. Đến mùa đông giảm lượng nước tưới còn ⅓ .

Lưu ý khi tưới chỉ cần làm ẩm giá thể, không cần tưới quá đẫm, hạn chế phát sinh nấm bệnh gây hại.

6.2 Chu kỳ thay chậu

Cứ trồng khoảng 2 – 3 năm thì thay chậu 1 lần. Vì lúc này chậu không còn cân xứng với sinh trưởng của lan và giá thể cũng bắt đầu hoai mục, đây là môi trường tốt để nấm bệnh sinh sôi và côn trùng sinh sống cắn phá rễ.

6.3 Phân bón

Tùy vào mùa và giai đoạn sinh trưởng của lan hương duyên mà sử dụng loại phân bón khác nhau. Vào mùa xuân và mùa hè sử dụng phân bón có hàm lượng N cao để thúc đẩy phát triển thân lá, đến mùa thu thì bón tỷ lệ P cao để tích lũy dinh dưỡng ở giai đoạn nghỉ.

Có thể bón NPK 10 – 10 – 10 hoặc 20 – 20 – 20 hòa với nước tưới hàng tuần, bạn cũng có thể sử dụng các loại phân hữu cơ dạng viên nén chậm tan để cung cấp dinh dưỡng đều đặn và tiết kiệm thời gian, chẳng hạn phân trùn quế dạng viên nén của SFARM, đặt gói phân bón 20 – 30gr lên giá thể, cấp ẩm để phân tan từ từ.

6.4 Sâu bệnh

Các loại lan rừng có khả năng kháng các bệnh gây hại rất tốt, nhưng nếu chăm sóc không đúng cách vẫn bị các bệnh tấn công, do đó cần có biện pháp phòng ngừa như:

Phun thuốc trị nấm định kỳ 2 tuần/lần.

Giá thể phải được xử lý sạch sẽ, không còn mầm bệnh.

Hạn chế gây tổn thương cây, trầy xước trong lúc chăm sóc.

7/ Những lưu ý quan trọng khi trồng và chăm sóc hoàng thảo hương duyên

Cung cấp nhiều nước vào mùa xuân và mùa thu, giảm nước vào mùa đông. Lưu ý chỉ tưới nước khi hơi nước đã bốc hơi hết khỏi giá thể. Tưới nước vào buổi sáng, không được tưới vào ban đêm.

Không để lan hoàng thảo hương duyên bị khô hạn trong thời gian dài.

Dùng hệ thống phun sương làm ẩm không khí thay vì tưới nước làm ẩm giá thể.

Ngưng bón phân ở giai đoạn cây nghỉ (Tức là mùa đông) và bắt đầu bón lại vào mùa xuân.

Cách trồng và chăm sóc hoàng thảo hương duyên khá đơn giản đúng không nào? Đừng ngần ngại, hãy tự tay chăm sóc và sở hữu chậu hương duyên độc đáo và mạnh mẽ nào. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc và lo lắng, hãy vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 để được giải đáp tận tình nhé!

Sfarm.vn

*Xem thêm

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết