7 công dụng đáng bất ngờ từ mật rỉ đường

2367 lượt xem

Với năng suất hơn 15 triệu tấn mía mỗi năm, ngành mía đường nước ta đã tạo ra hơn 600000 lít rỉ mật phụ phẩm. Tuy là sản phẩm cuối cùng trong quá trình sản xuất đường, nhưng đây lại là nguồn dinh dưỡng dồi giàu và được áp dụng một cách rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Vậy hôm nay, hãy cùng Đặng Gia Trang điểm qua 7 công dụng đáng bất ngờ từ mật rỉ, bạn nhé!

1/ Sử dụng trong ủ phân vi sinh

Mật rỉ đường được sử dụng phổ biến trong ủ phân vi sinh vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, là nguồn thức ăn phù hợp cho vi sinh vật phát triển, giúp rút ngắn thời gian ủ phân, tận dụng tốt các nguồn phế phẩm hữu cơ và tạo ra nguồn phân bón an toàn. Bên cạnh đó, rỉ đường còn cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, giúp cây phát triển và cho năng suất cao và tiết kiệm được chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, mật mía còn được bổ sung vào đất trồng để tăng hoạt tính sinh học của đất hoặc sử dụng trong thủy canh để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.

2/ Xử lý nước thải công nghiệp

Hiện nay, việc xử lý nước thải công nghiệp luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ chính các công ty sản xuất và toàn xã hội. Để xử lý nước thải có hiệu quả, các hệ thống luôn được chú trọng đầu tư vào quá trình nuôi vi sinh hiếu khí.

Trong quá trình nuôi vi sinh này, mật rỉ đường đóng vai trò là nguồn dinh dưỡng cho chúng. Trong rỉ mật có làm lượng các nguyên tố vitamin và chất khoáng, giúp các vi sinh vật hoạt động mạnh mẽ trong môi trường nước thải nghèo dinh dưỡng.

Ngoài ra, đây còn là nguồn cung cấp cacbon hữu cơ chủ yếu cho vi sinh vật trong các hệ thống xử lý nước thải có phương pháp xử lý sinh học. Vì vậy, mật rỉ được xem là biện pháp tối ưu và rẻ tiền, đem lại hiệu quả đáng kể cho quy trình xử lý nước thải công nghiệp.

3/ Kiểm soát Amonia và pH trong ao nuôi tôm

Trong quá trình nuôi tôm, mật rỉ đường là nguồn cung cấp một lượng lớn cacbon giúp kiểm soát hàm lượng Amonia trong ao nuôi. Kết quả thử nghiệm cho thấy, bón 30kg mật mía vào 1ha ao nuôi tôm sẽ loại bỏ khí độc NH3 và NO2 cũng như một số khí độc khác.

Đồng thời, rỉ mật còn là nguồn dinh dưỡng có lợi cho vi sinh trong ao phát triển, từ đó giúp phân hủy thức ăn thừa cũng như phân tôm. Ao nuôi sẽ được kiểm soát lượng tảo phát triển cũng như cân bằng được pH trong ao, giúp tôm nuôi phát triển một cách khỏe mạnh nhất.

Ngoài ra mật mía còn có tác dụng xử lý nguồn nước trong ao nuôi tôm, giúp ổn định chất lượng nguồn nước và hạn chế dịch bệnh cho ao nuôi hiệu quả. Ao nuôi tôm khi bón rỉ đường cần phải đủ lượng oxy hòa tan để các vi khuẩn dị dưỡng hiếu khí bán vào các hạt hữu cơ lơ lửng trong nước, và thực hiện quá trình đồng hóa nguồn nitrogen trong ao.

mat ri duong 2

4/ Phụ gia trong thức ăn chăn nuôi

Trong mật rỉ đường chứa nhiều đường nên từ lâu, đã được dùng làm thức ăn bổ sung cung cấp năng lượng cho gia súc, gia cầm. Giúp cung cấp năng lượng dễ tiêu, bổ sung khẩu phần ăn vào thức ăn thô có chất lượng thấp. Ngoài ra, mật mía còn chứa nhiều nguyên tố khoáng đa lượng và vi lượng rất cần thiết cho trâu, bò, lợn….

Rỉ mật đường có vị ngọt nên trâu, bò rất thích ăn, giúp kích thích cho gia súc gia cầm ăn ngon miệng hơn.

Việc áp dụng rỉ mật đường trong ngành chăn nuôi được sử dụng theo nhiều phương pháp như: trộn trực tiếp vào thức ăn, ủ phụ phẩm, pha vào nước, nguyên liệu trong ngành thức ăn chăn nuôi,…

5/ Trong ngành thực phẩm

Mật rỉ đường còn là một trong những nguyên liệu dùng trong sản xuất: bột ngọt, lên men rượu, sản xuất các loại bia có màu tối, làm hương liệu thuốc lá,…

6/ Trong ngành hóa học

Trong ngành hóa học, rỉ mật được tẩy trắng bằng magie clorua dùng để làm chất chống tạo băng. Đồng thời, đây cũng là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất cồn Etylic.

7/ Trong ngành công nghiệp và xây dựng

Từ xưa, khi chưa có sự xuất hiện của xi măng, ông cha ta đã áp dụng rỉ mật trộn với vữa vào xây dựng. Khi trộn mật vào hỗn hợp vữa và cát, sau một thời gian mật sẽ bị phân hóa thành CO2. Phản ứng với vôi khi đó, tường sẽ cứng từ bên trong ra, rất chắc chắn.

Ngoài ra, còn được ứng dụng làm tác nhân chelat hóa, phối hợp với keo để dùng trong ngành in.

Nhìn chung, mật rỉ dù chỉ là sản phẩm phụ trong ngành mía đường nhưng lại mang đến giá trị hữu ích cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác. Đây là nguồn nguyên liệu giá rẻ, dễ tìm và dễ dàng trong sử dụng nên cần tiếp tục được nhân rộng, phát huy và nghiên cứu thêm nhiều ứng dụng khác.

Sfarm.vn

*Xem thêm

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (3 bình chọn)