Trùn quế giúp tôm kháng bệnh và khỏe mạnh

164 lượt xem

Theo các chủ nuôi tôm công nghiệp với qui mô lớn ở Bến Tre thì trong lĩnh vực nuôi tôm, nếu tôm bị bệnh phân trắng là một mối nguy dẫn đến phá sản, nợ nần. Tôm bệnh đốm trắng vài bữa là tôm chết, còn bệnh phân trắng tôm lâu chết, người nuôi phải sử dụng thuốc, tốn thức ăn lâu dài để nuôi hy vọng, nhưng lâu ngày phải bán và lỗ nặng. Vì thế theo khuyến cáo của kỹ sư nuôi trồng thủy sản nếu có trùng quế cho tôm ăn sẽ tăng sức đề kháng của tôm. Dân nuôi tôm bước đầu cũng bán tín, bán nghi, nhưng thực tế hiệu quả đem lại từ nguồn thức ăn của trùn quế thật bất ngờ – tôm vượt qua bệnh phân trắng và lớn khá nhanh.

Chưa tin vào sự thực này, Phó Chủ nhiệm Đức lại đem chuyện này hỏi ngay với kỹ sư thủy sản, thì được trả lời: một số thầy đại học nói trùn quế rất có hiệu quả trong nuôi thủy sản, nhưng lâu nay chưa phát triển đại trà, nên rất ít thấy ai dùng trùn quế để làm nguồn thức ăn nuôi tôm công nghiệp. Không bỏ lỡ cơ hội này, sau khi thực hiện những chuyến tham quan, học hỏi các mô hình nuôi trùn quế ở TP Hồ Chí Minh, Long Xuyên (An Giang), anh Đức quyết định đầu tư nuôi trùn quế quy mô tại Ba Tri để nhằm tạo bước đột phá khi mà phong trào nuôi tôm hiện nay đang báo động ô nhiễm môi trường do xử lý thức ăn công nghiệp không khéo.

tom-su-phantrunque

Từ nguồn trùn ban đầu, bây giờ HTX đã có khoảng 75 tấn trùn sinh sống ở diện tích đất trên 2.000 m2. Khách hàng thì vô kể, nhưng do nguồn trùn cung cấp của HTX còn quá ít. Anh Đức tính toán: “Chỉ cần 1/5 diện tích nuôi công nghiệp ở Bến Tre hiện nay cũng phải cần 20 ha nuôi trùn quế, nghĩa là cần gấp 100 lần diện tích nuôi trùn như tôi mới đủ cung ứng. Nhiều người nuôi ở Bình Đại và Ba Tri cho ăn trùn quế, tôm đang bệnh trở nên khoẻ mạnh, họ thông tin với nhau nên người ta đổ xô đến tìm mua trùn mà HTX đâu thể nào đáp ứng hết, vì số lượng mới vài trăm kg mỗi ngày”. Anh Ba Minh, một đại gia từ TP. HCM về xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại đầu tư nuôi 32 ao tôm sú công nghiệp. Ngay vụ đầu, anh Ba Minh “gặp nạn” vì 16 ao bị bệnh buộc anh phải tiêu hủy. Khi được kỹ sư thủy sản khuyên nên thử mua trùn quế về cho ăn. Ban đầu, anh Ba Minh cương quyết không chịu vì không tin. Đuối quá, vì tôm càng ngày bệnh càng nặng anh mua trùn về cho tôm ăn ở ao tôm tệ nhất, sắp sửa bỏ trong số 16 ao còn lại để cho ăn thử nghiệm. Kết quả, tôm khoẻ trở lại. Bây giờ, cứ mỗi ngày anh cho công nhân từ Bình Đại chạy sang HTX nuôi trùn quế Thành Đạt ở Ba Tri mua 10 kg trùn về cho tôm ăn bổ sung luân phiên ở tất cả các ao.

Anh Đức đưa cho tôi xem một số giấy tờ mà Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Bến Tre ngỏ ý muốn anh làm đề tài nghiên cứu về tác dụng của trùn quế đối với việc nuôi tôm, để qua đó có kết luận “liệu trùn quế có thật sự là giải pháp cho các ao tôm ở nhiều tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến phức tạp về dịch bệnh” hay không? Anh Đức nói: “Khả năng của tôi là kinh doanh thì sao làm công việc này được. Nhưng tôi cùng với người em là kỹ sư của mình sẽ nhờ đến sự hỗ trợ của các Viện, Trường để giải thích và phân tích nhằm tìm ra câu trả lời chính xác…”. Hiện tại, HTX đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trùn quế lên 1 ha. Bên cạnh đó, cũng sẵn sàng cung cấp giống giá rẻ 10.000 đồng/kg trùn quế giống để nhiều người dân cùng nuôi. HTX sẽ bao tiêu sản phẩm trùn thịt và phân trùn của bà con nuôi trùn quế.

Sfarm.vn tổng hợp & biên tập

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (7 bình chọn)