Cách trồng và chăm sóc lan u lồi đơn giản nhất

1783 lượt xem

Lan u lồi chỉ thích hợp sinh trưởng và phát triển ở những vùng có khí hậu lạnh, cây có thể chết sau khi ra hoa đợt một nếu trồng ở vùng nóng. Vì vậy khi chọn chơi u lồi cần phải cân nhắc thật kỹ. Tuy nhiên không phải chỉ có vùng lạnh mới trồng được loại cây này, nếu bạn hiểu được điều kiện sinh trưởng của cây thì việc sở hữu một chậu lan u lồi rực rỡ ngay tại xứ nóng là điều rất đơn giản . Hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu cách trồng và chăm sóc lan u lồi hiệu quả ngay sau đây.

1/ Đặc điểm của lan u lồi

1.1 Nguồn gốc, phân bố

Ở nước ngoài, lan hoàng thảo u lồi được tìm thấy ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Bhutan, Myanmar, Thái Lan… Khi vào đến Việt Nam, loại lan này chỉ ưa khí hậu mát mẻ và tìm thấy ở các vùng như Lào Cai (Sapa) hay Ninh Bình (rừng Cúc Phương: núi Mây Bạc).

1.2 Đặc điểm hình thái

Lan u lồi thuộc chi hoàng thảo có tên khoa học là Dendrobium wardianum. Ngoài cái tên u lồi, chúng còn có nhiều tên gọi khác như hoàng thảo đốm tía, hoàng thảo tứ bảo sắc… Chiều cao thân dao động từ 50 – 90cm, chia nhiều đốt, mỗi đốt dài 4 – 5cm. Lá của lan u lồi dài khoảng 8 – 11cm, chiều rộng từ 5 – 6cm. Hoa u lồi nở vào cuối mùa Đông đến đầu mùa Xuân, hoa mọc ra từ các đốt thân đã rụng hết lá gồm 2 – 3 bông trên mỗi đốt, cánh hoa có hình bầu dục màu trắng và phần chóp đỉnh hơi nhọn màu tím hồng, môi hơi tròn với phần họng màu vàng nhạt và điểm hai chấm tím ở giữa.

2/ Cách nhận biết lan u lồi

Ngoài những đặc điểm hình thái kể trên, lan u lồi còn đặc trưng bởi sự phình to ra ở đỉnh mỗi đốt thân trông giống với trúc đùi gà kiểng. Đây là đặc điểm nhận dạng phổ biến của lan u lồi. Tuy nhiên, một số cây lan u lồi phần đốt không có dấu hiệu phình to, thân vẫn thon thả như những loại lan khác, có thể là do sự sai khác trong điều kiện chăm sóc hoặc lan bị đột biến.

3/ Điều kiện sinh thái của lan u lồi

Đặc điểm sinh trưởng của lan u lồi thích hợp với những vùng có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ nằm trong khoảng 24 – 28 độ C. Đặc biệt u lồi ưa ánh sáng mạnh và độ ẩm cao, nhưng cây không chịu bị đọng nước. Ẩm độ thích hợp vào mùa Hè cho cây phát triển là 80%, vào mùa Đông giữ cho độ ẩm còn 50% là phù hợp nhất. Tại nhiều nơi khi đưa cây này về trồng không ra hoa hoặc cây bị chết có thể là do điều kiện môi trường không phù hợp hoăc kỹ thuật chăm bón chưa đúng cách. Do đó cần phải hiểu rõ nhu cầu sinh thái cũng như cách chăm bón giúp cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.

cach trong lan u loi

Hoa lan u lồi nở hoa

4/ Chuẩn bị trồng lan u lồi

4.1 Chậu trồng

Cây lan u lồi ưa độ ẩm cao nên thích hợp cho trồng chậu. Nên chọn những loại chậu bằng đất nung là tốt nhất. Vì rễ cây vẫn cần thông thoáng cho nên chậu phải đảm bảo có lỗ thoát nước.

4.2 Chọn và xử lý giá thể trồng

Đặc điểm lan u lồi có rễ kim nhỏ, ưa ẩm nhưng không được quá cao. Giá thể trồng cây thích hợp có thể là vỏ thông, xơ dừa, dớn vụn hoặc rêu giữ ẩm. Bạn có thể tham khảo công thức phối trộn theo tỷ lệ 40% vỏ thông : 60% xơ dừa và bổ sung thêm phân trùn quế, rêu hoặc dớn chile giúp cây giữ ẩm tốt. Lưu ý giá thể cần phải được xử lý sạch mầm bệnh trước khi trồng. Ngâm giá thể vào nước vôi trong trong vòng vài ngày sau đó vớt ra rửa lại bằng nước sạch.

4.3 Chọn và xử lý giống trồng

Hiện nay, giống lan u lồi đã có mặt phổ biến tại nhiều vườn giống, bạn có thể tìm mua dễ dàng. Nên chọn những cây lan có thân phát triển to, khỏe, lá xanh tốt, không bị nhiễm sâu bệnh. Hơn nữa, không được chọn những cây bị ẩm và ngấm nước nhiều, cây con sau này sẽ sinh trưởng và ra hoa đẹp hơn.

4.4 Cách trồng lan u lồi

Đối với tất cả các loại hoa lan nói chung và lan u lồi nói riêng, sau khi mua cây giống về không nên trồng ngay mà phải để cây thích nghi với môi trường mới và xử lý mầm bệnh cho cây. Tháo bỏ cây giống khỏi giá thể cũ và loại bỏ hết phần rễ khô, rễ thối cũng như những lá bị dập nát. Ngâm bó lan vào dung dịch Physan 20SL trong vòng 10 – 20 phút, vớt ra treo ngược để ráo trong vòng 1 ngày. Tiếp tục ngâm cây vào dung dịch kích thích rễ B1 hoặc atonik trong 10 phút, vớt ra để nơi thoáng mát và bắt đầu trồng.

Cho vỏ thông vào đáy chậu sau đó bỏ xơ dừa vào ngập ⅔ chậu. Tiến hành đặt cây vào mép chậu, dùng dây cố định chắc phần thân cây, tránh cho cây bị lung lay ảnh hưởng đến khả năng ra rễ. Phủ một lớp rêu (hoặc dớn) mỏng lên trên để giữ ẩm. Trồng xong tưới nước ngay và treo chậu cây lên nơi thoáng mát có mái che.

5/ Cách chăm sóc lan u lồi

5.1 Tưới nước

Cách chăm sóc hoa lan u lồi tương tự như giả hạc, hạc vỹ. Cây cần nhiều nước trong giai đoạn sinh trưởng, dựa vào tình trạng của giá thể để điều chỉnh lượng nước tưới cho cây, thường sẽ tiến hành tưới nước khi bề mặt chậu trở nên khô. Nên tưới nước giữ ẩm dưới dạng phun sương, tránh gây hiện tượng đọng nước trên thân, lá sẽ làm thối cây. Đặc biệt đối với u lồi sau khi nở hoa cây cần một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, giai đoạn này không được tưới nước cho lan. Hãy treo chậu ra chỗ có ánh nắng trong vòng 1 – 2 tuần, bắt đầu tưới nước trở lại khi các giả hành héo lại.

5.2 Bón phân

Dinh dưỡng cho lan u lồi có thể được bổ sung bằng các loại phân hữu cơ như phân dê, phân trùn quế, phun qua lá hoặc tưới gốc bằng phân NPK. Định kỳ tưới ¼ – ½ muỗng cà phê phân bón hòa chung với 4 lít nước, tưới đều lên cây 1 lần/tuần. Từ mùa Xuân cho đến giữa mùa Hè, khuyến cáo sử dụng phân có hàm lượng Ni tơ cao, tiếp theo đó cho đến hết mùa Thu nên bón phân có chứa nhiều Phốt pho.

5.3 Sâu bệnh

Tương tự như những loại lan khác, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Một biện pháp phòng bệnh đơn giản là sử dụng nước vôi trong phun xịt định kỳ lên cây 2 lần/tháng, vừa cung cấp canxi vừa diệt khuẩn cho cây. Ngoài ra, sử dụng một số sản phẩm phòng trừ bệnh khác chuyên dùng cho lan như starner…

Việc sở hữu một chậu u lồi đón Tết không còn quá khó khăn sau khi đọc xong bài viết này. Vậy còn chần chừ gì nữa mà không mang ngay một em về trang trí nhà bạn cho thêm sắc màu. Nếu có bất cứ thắc mắc gì thì vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 bạn nhé!

Sfarm.vn

*Xem thêm

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết