Kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan lọng chuột

1686 lượt xem

Lan lọng chuột là một loài lan đẹp, mang một hương thơm quyến rũ mà còn là loài lan dễ trồng và chăm sóc. Tuy chưa được phổ biến, nhưng lan lọng chuột là một loài lan độc đáo và được nhiều người săn đón. Vậy sau đây hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu về kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan lọng chuột qua bài viết này nhé!

1/ Đặc điểm lan lọng chuột

Lan lọng chuột là một loài thực vật phụ sinh, thuộc họ phong lan và có tên khoa học là Bulbophyllum putidum. Cây phân bố chủ yếu ở Lào, Việt Nam, Thái Lan và một số nước Châu Á.

Lan lọng chuột có thân rễ mập và dài. Giả hành dạng trái xoan, cao 1 – 2cm, nằm xa nhau và chỉ mang 1 lá.

Lá hoa lọng chuột có dạng trái xoan, khá dày, dài từ 12 – 15cm. Hoa có màu vàng sọc nâu, dài 6-10cm. Cụm hoa có từ 1-2 hoa mọc ra từ giả hành, cánh đài kéo dài thành một cái đuôi nhọn.

2/ Điều kiện sinh trưởng của lan lọng chuột

Lan lọng chuột là loài lan sinh sống ở độ cao 1000-2000m so với mực nước biển. Cây ưa sáng nhưng không chịu được ánh sáng trực tiếp từ mặt trời, nên lan lọng chuột thường mọc dưới tán thưa của cây rừng. Ngưỡng nhiệt độ của cây nằm vào khoảng 7-35oC và ưa thích ở mức độ ẩm 70%.

Với ngưỡng sinh thái rộng và khả năng thích ứng tốt, lan lọng chuột là một lựa chọn tốt cho vườn lan của bạn.

3/ Chuẩn bị trồng lan lọng chuột

3.1 Giá thể trồng

Là một giống lan thích ẩm, lan lọng chuột yêu cầu loại giá thể có khả năng hút, giữ ẩm tốt và thông thoáng. Vậy để trồng lan lọng chuột bạn có thể dùng viên đất nung làm giá thể, không chỉ tiện lợi mà lại vừa hiệu quả. Ngoài ra, hỗn hợp giá thể gồm: Than củi, xơ dừa cũng là một lựa chọn không tồi cho cây.

3.2 Giống trồng

Giống lan lọng chuột bạn có thể mua ở các cơ sở bán lan uy tín. Cây lan lọng chuột tiêu chuẩn phải đáp ứng các yêu cầu sau:

– Thân cùng với giả hành phải mập và mọng nước.

– Lá cây phải xanh, dày và không bị chuyển màu vàng.

– Rễ mập, phát triển ổn định, không bị nấm bệnh và có nhiều rễ con.

4/ Cách trồng lan lọng chuột

Để trồng lan lọng chuột hiệu quả, bạn nên làm theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị chậu. Chậu nên là chậu đất nung màu sáng, nhiều lỗ thông khí và có kích thước phù hợp.

Bước 2: Xử lý giá thể. Ngâm viên đất nung vào nước lọc có pha một ít dung dịch dinh dưỡng trong 20 phút. Đối với viên đất nung đã qua sử dụng, bạn nên ngâm vào nước sôi 10 phút và ngâm vào thuốc diệt nấm 10 phút.

Bước 3: Cho một lớp viên đất nung vào 1/3 chậu và đặt cây lan vào chính giữa sao cho rễ không bị gấp. Tiến hành cho các viên đất nung còn lại vào chậu cho đến khi cách mép chậu 1cm thì dừng lại.

Bước 4: Lắc đều chậu cho giá thể xếp được đều. Tuyệt đối không nên nén hay ấn mạnh vì sẽ làm rễ bị tổn thương.

Lan lọng chuột

Hoa lan với hình thù thú vị

5/ Cách chăm sóc lan lọng chuột

5.1 Ánh sáng

Lan lọng chuột sinh trưởng tốt ở nơi có nhiều ánh sáng phản xạ. Vậy, bạn đừng nên đặt cây ở ngay dưới ánh sáng mặt trời hay vị trí có quá ít ánh sáng.

Bạn có thể dựa vào trạng thái của cây để điều chỉnh lượng ánh sáng sao cho phù hợp: Nếu thấy lá cây nhạt màu và mỏng hãy chuyển cây vào nơi râm mát hơn. Còn nếu thấy cây sinh trưởng chậm và ít ra hoa bạn hãy chuyển cây tới vị trí có nhiều ánh sáng.

5.2 Độ ẩm

Lan cực kì thích ẩm, độ ẩm thích hợp cho cây là 60% vào ban ngày và 80-85% vào ban đêm. Bạn cũng có thể duy trì độ ẩm khoảng 70% cho cây. Tuy nhiên, việc độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho nấm và sâu bệnh phát triển, vậy bạn cũng phải tạo điều kiện thoáng gió cho cây.

5.3 Nhiệt độ

Nhìn chung, giới hạn nhiệt độ của cây là 7-35oC. Nhiệt độ trung bình ngày là 28-31°C, nhưng không được quá 35-37°C, nhiệt độ ban đêm không quá 24°C. Cây sinh trưởng tốt nhất ở ngưỡng nhiệt độ từ 18°C đến 22°C.

5.4 Cách tưới nước

Lan lọng chuột yêu cầu độ ẩm tương đối cao, vì thế bạn phải bổ sung nước nhiều cho cây. Đặc biệt, rễ cây trong điều kiện ẩm sẽ sinh ra nhiều lông hút, nếu bị khô rễ sẽ héo và cây sẽ bị ảnh hưởng. Vậy bạn nên tưới nước cho cây 2 ngày/lần với lượng nước tưới vừa đủ (tùy mùa và thời tiết). Không nên tưới cây vào ban tối vì nước đọng lại sẽ dễ gây thối cây.

6/ Bón phân và phòng trừ sâu bệnh

6.1 Bón phân

Cây cần nhiều dinh dưỡng đặc biệt vào những thời kỳ sinh trưởng tích cực. Vậy bạn nên bón cho cây 1 tháng/lần với phân trùn quế nén bằng cách rải 20-30g lên bề mặt chậu. Hoặc bạn có thể bón tưới NPK 8:8:8 cho cây với liều lượng 40mg/lít.

6.2 Phòng trừ sâu bệnh

Bệnh đen thân cây lan: Bệnh do nấm Fusarium sp. gây nên. Bạn nên tách cây ra riêng và xử lý những phần thối bằng cách cắt bỏ. Ngâm cây vào dung dịch thuốc diệt nấm Carbenzim.

Bệnh thán thư: Bệnh do nấm Colletotricum sp. gây ra. Bạn phải cắt bỏ các lá vàng và phun thuốc diệt nấm Carbenzim 5-7 ngày/lần.

Bệnh thối nâu vi khuẩn: bệnh do vi khuẩn Erwnia carotovora gây ra. Bệnh làm cho cả thân, lá, mầm cây đều bị thối. Ban đầu vết bị bệnh có màu nâu nhạt về sau chuyển dần sang nâu đậm và thối. Sử dụng thuốc Kasumin và khử khuẩn cho cây.

– Rệp vảy: Các thân giả hành còn non sẽ có dấu hiệu của rệp. Bạn nên dùng bàn chải chà xát rồi ngâm cây lan vào dung dịch thuốc Malathion 50 pha loãng.

Lưu ý: Khi cây bị bệnh hãy thay thế toàn bộ vật liệu trồng trước đó như: Chậu, giá thể hay thậm chí là cọc cắm cây.

Hiện nay, trên thực tế lan lọng chuột chưa thật sự phổ biến với nhiều người. Tuy nhiên với tiềm năng vốn có, loài lan này sẽ là một ứng cử viên xứng đáng cho bộ sưu tập lan của bạn. Với bất cứ nghi vấn nào cần giải đáp hãy liên hệ ngay đến Hotline 0902.652.099 để được tư vấn nhiệt tình và chính xác nhất nhé!

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết