Hoa lan hoàng lạp – Nhận biết, cách trồng & chăm sóc cực đơn giản

1789 lượt xem

Nhắc đến những loài lan được nhiều người ưa chuộng thì không thể bỏ qua cái tên lan hoàng lạp. Với những chùm hoa sắc vàng tươi tắn đã làm nổi bật thêm không gian vườn nhà bạn. Hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu về loại lan đặc sắc này cũng như cách trồng và chăm sóc nhé!

1/ Đặc điểm của lan hoàng lạp

Lan Hoàng Lạp (Dendrobium chrysotoxum) là giống phong lan phụ sinh, thân cây hình thoi, cao 20 – 40cm, đường kính từ 2 – 3cm. Lá hình bầu dục, có 4 – 8 chiếc ở đỉnh, dài 7 – 19cm, rộng 2,5 – 3cm. Hoa mọc thành chùm 8 – 20 bông ở các đốt gần ngọn, đường kính hoa 3,5 – 4cm, rất thơm và mau tàn. Hoa nở vào tháng 2 – 3, màu vàng, cánh hoa hình trứng, môi gần tròn, mép uốn lượn gấp nếp nhẹ.

Hoa Lan Hoang LapHoa lan hoàng lạp đẹp tươi tắn

2/ Cách nhận biết lan hoàng lạp

2.1 Qua thân lá

Lan hoàng lạp với nhiều giả hành cứng, căng tròn hoặc có nhiều rãnh ở dọc thân. Gốc hoàng lạp thóp bé, thân phình to ở giữa và tóp nhỏ ở đầu ngọn. Lá thuôn dài, mọc ở đầu giả hành khoảng 2 – 7 lá, dài 7 – 15cm, rộng 2 – 3cm. Hoàng lạp có nhiều kiểu thân lá khác nhau, thiếu nước giả hành sẽ còi cọc và tương đối ngắn. Vào cuối thu đến đầu xuân, giả hành trữ nước rất nhiều nên sẽ căng bóng và mập mạp, không thấy rõ các rãnh nữa.

2.2 Qua mặt hoa

Hoa hoàng lạp mọc chùm ở nách lá đầu cành, cho từ 8 – 15 bông khá thưa nhau. Hoa màu vàng tươi, đường kính khoảng 3 – 4cm, hoa khá bền khoảng 7 – 10 ngày.

3/ Phân biệt lan hoàng lạp và lan sơn thủy tiên

Sơn thủy tiên là một loại đột biến của lan hoàng lạp được nhiều người săn đón. Về hình dạng thân, lá thì không thể phân biệt được 2 loại này. Tuy nhiên, về mặt hoa thì sơn thủy tiên lại có họng hoa màu nâu đen hoặc sọc đỏ nổi bật hơn hoàng lạp. Đây chính là chi tiết để phân biệt giữa lan hoàng lạp và lan sơn thủy tiên tránh gây nhầm lẫn.

4/ Chuẩn bị trồng lan hoàng lạp

4.1 Chọn và xử lý giống

Khi lựa chọn giống cần đảm bảo cây giống không còi cọc, mầm hay rễ cây mập mạp, lá xanh rờn. Để đảm bảo được những yêu cầu này thì phải mua ở những cửa hàng có uy tín.

Cây giống mới mua về tiến hành tỉa bỏ lá dập nát, rễ già để lại tầm 2cm để bắn ghim, còn lại cắt bỏ hết. Rồi bôi keo liền sẹo vào vết cắt cho khô lại.

Pha dung dịch Physan 20 nồng độ 1ml với 1 lít nước hoặc dung dịch Benkona 2ml với 1 lít nước. Ngâm lan 5 đến 10 phút trong dung dịch rồi vớt ra để ráo trong vài tiếng. Tiếp tục ngâm B1+Atonik theo nồng độ trên bao bì trong 30 phút. Lưu ý, không nên lạm dụng Atonik nhiều, có thể làm hại cho cây.

4.2 Chọn và xử lý giá thể

Có thể trồng lan hoàng lạp bằng xơ dừa hoặc bó vào dớn, vào các khúc gỗ. Nếu trồng trong chậu phải chọn chậu thoát nước tốt, tránh tình trạng ứ đọng nước trong chậu quá lâu làm thối cây. Chọn chậu kích thước nhỏ vì giả hạc thích sống chật chội.

Bạn có thể phối trộn giá thể gồm các thành phần như vỏ thông, dớn, vỏ đậu phộng, xơ dừa… để trồng lan đều được. Để tiện lợi và nhanh chóng, nên mua các loại giá thể dành riêng cho hoa lan tại cửa hàng cây cảnh.

Giá thể trồng lan hoàng lạp nên được trộn thêm với một ít xơ dừa, trùn quế, than củi… rồi đem ủ 10 – 12 ngày. Việc này giúp tăng thêm dinh dưỡng trong giá thể, tốt cho sự phát triển của lan. Tuy nhiên, trồng lan hoàng lạp bằng cách bó vào dớn là tốt nhất vì cách này gần gũi với môi trường sống ngoài thiên nhiên của lan.

cách trồng lan hoàng lạpTrồng lan hoàng lạp

5/ Cách trồng lan hoàng lạp

Phần rễ được bắn ghim hoặc găm vào bảng dớn, gỗ, lũa thật chắc chắn để đảm bảo cây ra rễ tốt. Lưu ý phần mắt ngủ phải hướng ra ngoài và sử dụng càng ít ghim càng tốt.

Nếu trồng chậu thì lót một miếng xốp dưới đáy chậu, sau đó cho giá thể từ kích thước lớn đến kích thước nhỏ vào khoảng ¾ chậu thì đặt lan lên. Cố định cây chắc chắn vào chậu rồi rải giá thể nhỏ lên mặt chậu.

Sau khi ghép lan xong nên treo lên giàn luôn để lan được tiếp xúc ánh nắng từ 60 – 70% (1 lớp lưới xanh đen của Thái). Nếu bạn ở nơi có nhiệt độ nóng thì khoảng cách dưới lưới là 1,5m, còn ở vùng cao mát mẻ thì chỉ cần 1,2m là đủ.

6/ Cách chăm sóc lan hoàng lạp

6.1 Tưới nước

Mùa hè là thời điểm lan phát triển mạnh nhất, giai đoạn này chăm sóc lan hoàng lạp khá là dễ dàng, chỉ cần tưới nước cho cây từ 2 – 4 lần/tuần là đủ.

Sang giai đoạn mùa thu, cây sẽ tăng trưởng chậm hơn vì thế bạn cũng nên tưới nước ít lại. Tần suất tưới nước nên giảm xuống từ 1 – 2 lần/tuần, chỉ cần đảm bảo cây không bị thiếu nước và còi cọc là được. Giai đoạn lan hoàng lạp chuẩn bị ra hoa nên dừng hẳn việc tưới nước.

6.2 Bón phân

Có thể sử dụng phân bón hữu cơ, phân dê, phân bò khô đã qua xử lý để bón cho hoàng lạp. Ngoài ra, phân vô cơ như phân tan chậm, phân rynan cũng là một lựa chọn tương đối. Dùng phân bón giàu đạm vào nửa mùa xuân, cuối xuân thì bón phân hàm lượng đạm thấp hơn để cây ra hoa. Khi cây bắt đầu nhú nụ thì ngưng bón, sau khi hoa tàn thì bón nhiều đạm và lân cho cây phục hồi.

Hoa Lan Hoang Lap (2)Chăm sóc lan hoàng lạp

6.3 Phòng trừ sâu bệnh

Trong thời gian trồng và chăm sóc lan hoàng lạp vẫn gặp một số loại sâu bệnh như các loại rầy, rệp non, bệnh phấn trắng… Cần phải thăm nom thường xuyên để phát hiện kịp thời mầm bệnh từ đó có cách trị bệnh hiệu quả hơn.

  • Định kỳ hàng tháng bạn tiến hành phun Movento + Pesieu 1 lần để phòng trừ nhện đỏ, rầy, rệp, bọ trĩ…Cứ 15 – 30 ngày phun 1 lần pha chung thuốc trừ nấm và vi khuẩn phun phòng 1 lần, nếu trời mưa nhiều thì 7 ngày phun 1 lần.
  • Thuốc trị nấm gồm: Ridomil Gold, Daconil, Antracol, Aliette, Topsin M…
  • Thuốc trị vi khuẩn gồm: Mathian, Kasumin, Poner, Starner, Physan …

Mong là qua bài viết này, bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích về lan hoàng lạp cũng như về cách trồng và chăm sóc. Mọi chi tiết thắc mắc vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 nhé!

Sfarm.vn

*Xem thêm

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết