Sử dụng bẫy tự nhiên bằng cây dẫn dụ để phòng trừ sâu bệnh

1971 lượt xem

Trong canh tác hữu cơ, để hạn chế các loại sâu bệnh hại tấn công cây trồng, ta cần áp dụng phối hợp nhiều biện pháp phòng trị tự nhiên như: bắt côn trùng, thuốc trừ sâu sinh học, bẫy côn trùng, sử dụng bẫy tự nhiên cây dẫn dụ,…

Trong đó, biện pháp sử dụng bẫy tự nhiên bằng cây dẫn dụ để phòng trừ sâu bệnh đang được người nông dân tin tưởng và bước đầu ghi nhận hiệu quả khả quan. Cùng tìm hiểu rõ hơn về biện pháp này nhé!

2

1/ Thế nào là cây dẫn dụ (cây bẫy)?

Mỗi loại dịch hại đều biểu hiện ưa thích một số cây trồng hoặc thường gây hại ở giai đoạn sinh trưởng nào đó của cây trồng. Dựa vào đặc điểm này của sâu hại người ta trồng cây bẫy nhằm mục đích thu hút và tập trung sâu hại vào một nơi nhất định để tiêu diệt, ngăn chặn chúng xâm nhập vào cây trồng chính.

Cây bẫy có thể là loại cây khác với cây trồng chính, hoặc cùng loại với cây trồng chính được trồng với diện tích nhỏ (từ 1 đến vài phần trăm so với diện tích chính vụ) sớm hơn thời điểm xuống giống cây trồng chính hoặc sử dụng giống ngắn ngày. Trồng cây bẫy là biện pháp có nhiều triển vọng được được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Brazil, Nigeria, …

2/ Các hình thức cây dẫn dụ thường thấy

Cây có thể đóng vai trò làm rào chắn tự nhiên đối với sự di chuyển của các loài gây hại. Bờ dậu ngăn cản rệp vào vườn; một vài hàng ngô có thể bảo vệ vụ đậu không bị rệp vào phá hoại và một hàng cây đậu Hà lan hoặc đậu leo có thể được sử dụng để bảo vệ cà chua, khoai tây và bắp cải không bị nhện đỏ tấn công.

Một phương pháp khác là bẫy côn trùng bằng những cây dẫn dụ. Cây dẫn dụ có thể là cỏ mọc trong ruộng hay có thể là các loại cây mẫn cảm được trồng thành những hàng xung quanh ruộng. Côn trùng thích những cây dẫn dụ này sẽ tấn công phá hoại chúng và không động chạm đến cây trồng chính trong ruộng.
Những cây bị côn trùng phá hoại sau đó có thể bị nhổ bỏ và làm phân ủ hoặc cho gia súc ăn. Hàng chắn và cây dẫn dụ cũng sẽ tạo ra môi trường sống thích hợp khuyến khích các động vật ăn mồi tới cư trú ở trên ruộng và ăn sâu hại.

1

3/ Một số ví dụ sử dụng cây dẫn dụ để bẫy côn trùng gây hại

  • Người ta trông giống đậu nành chín sớm bên cạnh đậu nành chính vụ để tiêu diệt bọ xít xanh, bọ rùa ăn lá, …
  • Tại Nghệ An, dùng giống lúa chín sớm trồng bên cạnh lúa chính vụ để diệt bọ xít hôi.
  • Trồng xen cây hướng dương vào mép liếp đậu phộng để thu hút bướm sâu xanh, sâu khoang đến đẻ trứng.
  • Trồng cây cải xanh (mù tạc) để hấp dẫn sâu tơ đối với cây bắp cải hay trồng xen cây cà chua với cây bắp cải để hạn chế sâu tơ gây hại (2 liếp bắp cải xen 1 liếp cà chua).
  • Trồng những loại hoa có sức sống tốt, phát triển nhanh, đậm hương, sai hoa như cúc chùm, cúc vạn thọ để thu hút các loài côn trùng dịch hại nhằm bảo vệ vườn ươm cây giống rau.
  • Dẫn dụ côn trùng bằng những luống rau thơm (húng quế, thì là, bạc hà) xen giữa các vườn xà lách, bắp cải, su hào,… để chống côn trùng.
  • Trồng cây hoa hướng dương trên đầu các bờ ruộng lúa, để thu hút sâu đến đẻ trứng, phun diệt trừ chúng trên các cây này dễ hơn rất nhiều trên cây lúa.
  • Trồng xen tỏi với các loại rau khác trong khu vườn tránh được sự tấn công của các côn trùng gây hại, bao gồm cả loài bọ cánh cứng, ruồi và bướm đêm.
  • Trồng xen ổi vào vườn cây có múi để hạn chế rầy chổng cánh – môi giới truyền bệnh vàng lá greening trên cây có múi.
  • Trồng cúc Vạn Thọ, cúc Ấn Độ và lạc dại với mục đích xua đuổi tuyến trùng ký sinh trong đất, trong rễ cây cà phê.
  • Ngoài ra, sử dụng bẫy cây trồng để diệt chuột.
  • Rệp bị hấp dẫn bởi cỏ sữa và cây lương thực sẽ được bảo vệ không bị chúng tấn công.
  • Cây đậu được trồng theo hàng để dẫn dụ xung quanh ruộng trồng bắp cải hoặc bông để bảo vệ những loại cây này không bị nhện đỏ tấn công.

Sử dụng bẫy tự nhiên bằng cây dẫn dụ để phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng ngày càng được nhiều nông dân áp dụng. Phương pháp này đang trở thành hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp với mục đích thu được sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng, không gây ô nhiễm môi trường và gây hại cho người sử dụng.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết