LÀM SAO ĐỂ CÓ NỀN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG?

235 lượt xem
Để có được bền vững nông nghiệp người ta thấy cần phải đạt được một số điểm sau đây:
  1. Đạt được sự hoà hợp của các chu trình sinh học tự nhiên và kiểm soát được chúng.
  2. Bảo vệ và khôi phục độ phì đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
  3. Tối ưu hoá được việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên của nông trại.
  4. Giảm thiểu việc sử dụng các nguồn không tái sinh được và nguồn đầu vào của sản xuất phải mua từ bên ngoài.
  5. Đảm bảo đầy đủ và đáng tin cậy nguồn thu nhập của nông trại.
  6. Khuyến khích được gia đình và cọng đồng nông dân.
  7. Giảm thiểu được tác động xấu lên sức khoẻ con người, sự an toàn, các loài hoang dại, chất lượng nước và môi trường.
bền vững nông nghiệp
Rõ ràng là các mục tiêu đặt ra của một nền nông nghiệp bền vững rất tuyệt vời và xứng đáng. Tuy nhiên để làm tốt các mục tiêu đó không phải là chuyện dễ dàng. Ngay cả những nước phát triển ở Au, Mỹ cũng cần phấn đấu để dần có được một nền nông nghiệp bền vững như các mục tiêu đề ra ở trên. Các mục tiêu này nhắm đến một sự bền vững cho cả thế giới, và phải có bước đi thích hợp để đảm bảo cho cuộc sống hiện tại của mọi cư dân trên trái đất. Không thể vì một mục tiêu cứng nhắc nào mà quên đi các mục tiêu khác, nhất là sự sinh tồn của cả cộng đồng.
Một ví dụ, khi chúng ta khuyến khích cho việc áp dụng máy thu hoạch nông sản, điều đó rất tốt cho việc sử dụng tối ưu nguồn vốn và tăng thu nhập cho nông trại, nhưng ngược lại, nó làm giảm lao động tuyển dụng và có thể sẽ có thêm nhiều người thấp nghiệp, thiếu ăn.
Một ví dụ khác, một số người cho rằng nông nghiệp hữu cơ là một cách làm nông nghiệp bền vững. Họ lấy ví dụ về một số hộ gia đình đầu tư, làm ra sản phẩm “sạch” với kiểu canh tác “hữu cơ”, sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón tự nhiên và tự tiếp thị, kinh doanh sản phẩm của mình, họ bán sản phẩm với giá cao, kinh doanh phát đạt và thu được nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, đây chỉ là khe hở của thị trường. Nếu nhiều người thấy vậy cũng lao vào kinh doanh khiến đây không còn là những khe hở nữa. Những mặt hàng này trở nên dư thừa và ế ẩm và do vậy còn gì là bền vững. Đó là chưa nói đến một nền “Nông nghiệp hữu cơ” trên trên diện rộng liệu có nuôi nổi số dân cư hiện hữu của thế giới?
Những ví dụ trên cho thấy ý nghĩa bền vững ở đây không phải được bao quanh bằng một biên giới nhân tạo, nhỏ lẻ, mà nó phải được hiểu trên một phạm vi rộng lớn. Sự kết hợp giữa nhỏ, lẻ và rộng lớn cũng nhằm đưa đến việc mở rộng sự bền vững trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên các nông trại càng lớn càng cần phải bền vững hơn, vì nó có hệ số gia quyền cao hơn. Tuỳ theo hoàn cảnh của mình mà các nông trại chọn cho mình sự ưu tiên hơn những mục tiêu cụ thể nào đó.
Ngoài việc đảm bảo thu nhập, lợi tức thì vấn đề môi trường cần luôn được quan tâm đúng mức trong một nền nông nghiệp bền vững. Hiện nay trên thế giới đã có nhiều trang trại lớn thực hành kiểu canh tác thân thiện với môi trường, trong đó có quản lý sâu bệnh hại tổng hợp, bảo vệ và dự trữ nguồn nước, tạo ra những công việc có tiền lương cao, giảm thiểu công việc nặng nhọc, công việc dễ gây tai nạn lao động, sử dụng máy móc tiết kiệm năng lượng v.v..
Tuy nhiên hiện còn tiềm ẩn những mối nguy lớn về sự đi lệch quỹ đạo của một nền nông nghiệp bền vững. Ví dụ, việc sử dụng dầu của thế giới là không bền vững. Dự trữ dầu ngày càng giảm sút trong khi các kho dự trữ hàng hoá nông nghiệp là thấp nhất trong nhiều năm qua. Dự báo về việc dân số thế giới tăng cho thấy sự không bền vững. Nông nghiệp thế giới có bền vững hay không phụ thuộc vào sự bền vững của việc tăng dân số. Để nuôi số dân thế giới 50 năm sau và xa hơn, chúng ta nhiều khi phải khai thác để sản xuất ra phân hoá học, thuốc trừ sâu và lấy nước ngầm một cách quá mức và ngay cả khi việc làm đó tạo ra sự không bền vững. Rõ ràng là trong một hoàn cảnh nào đó chúng ta phải chấp nhận cả sự không bền vững tạm thời.
Nông nghiệp chỉ là một phần của xã hội. Muốn có sự bền vững trong nông nghiệp, thì xã hội, như là một tổng thể, cần phải sử dụng các nguồn tài nguyên của nó như không khí, nước, đất, năng lượng và tất cả những thứ khác theo cách bền vững hơn.
TS. Lê Xuân Đính (Sfarm.vn tổng hợp)
=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết