Quýt đường là loại quả thơm ngon chứa nhiều chất bổ dưỡng nên được rất nhiều người yêu thích. Hiện nay, quýt đường được trồng phổ biến ở nhiều nơi vì cho năng suất tốt và mang lại giá trị kinh tế cao. Cách trồng và chăm sóc quýt đường cũng không hề phức tạp. Hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu về kỹ thuật trồng quýt đường cho năng suất cao qua bài viết sau đây nhé!
1/ Đặc điểm quýt đường
Trái quýt đường có vỏ mỏng, dạng hình cầu, màu xanh đến xanh vàng, vỏ dễ bóc. Thịt màu cam đậm, mỗi quả có khoảng 10 múi, mỗi múi có khoảng 1 – 2 hạt, trọng lượng trung bình 150 – 200g/quả. Thời gian ra hoa đến khi thu hoạch khoảng 8 – 10 tháng. Thời gian bảo quản tối đa 15 ngày, không nên để hơn vì sẽ giảm giá trị thương phẩm.
2/ Kỹ thuật canh tác
2.1 Thời vụ
Thời điểm thích hợp để trồng quýt đường là vào cuối mùa khô đầu mùa mưa (tháng 4 – 5) để đỡ công chăm sóc đồng thời thời tiết mát mẻ giúp cây dễ bén rễ và phát triển nhanh hơn.
2.2 Giống
Cây quýt đường có thể trồng bằng nhiều phương pháp như trồng hạt, giâm, chiết, trồng bầu. Giống quýt được lựa chọn phải có nguồn gốc rõ ràng, có phẩm chất tốt và cho năng suất cao. Việc lựa chọn giống rất quan trọng nên chọn mua giống quýt tại các nhà vườn cây giống có uy tín.
2.3 Mật độ trồng
Quýt đường có thể trồng thẳng hàng với mật độ 6 x 6 m hoặc 5 x 5 m, tạo không gian thoải mái cho cành vươn. Cũng có thể trồng dày 3 x 4 m khi trồng so le nhưng sẽ rậm rạp dễ phát sinh sâu bệnh.
2.4 Chuẩn bị đất trồng
Có thể trồng quýt đường được trên nhiều loại đất, tầng canh tác tối thiểu 0,5 m, đất trồng có pH từ 5 – 7, phải tơi xốp và thoát nước tốt. Cây sinh trưởng tốt nhất trên đất thịt pha (đất ruộng, đất phù sa bồi) chứa nhiều dinh dưỡng.
2.5 Đào hố trồng quýt
Việc đào hố trồng cần được tiến hành trước khi trồng cây khoảng 20 – 25 ngày để phơi đất, loại bỏ các mầm bệnh trước đó. Hố có kích thước 60 x 60 x 60 cm, mỗi hố trộn với 30 – 50 kg phân chuồng hoai (hoặc 25 kg phân hữu cơ vi sinh công nghiệp) + 250 – 300 g supe lân + 200 – 250 g kali sunfat + 1 kg vôi bột. Trồng ở các vùng trũng cần đắp mô cao 50 – 80 cm để hạn chế ngập úng vào mùa mưa.
2.6 Tủ gốc và giữ ẩm
Khi trồng quýt đường dùng cuốc lấp đầy hố bằng hỗn hợp đất + phân như trên, đào 1 lỗ giữa hố kích thước lớn hơn bầu ươm một chút. Xé nhẹ lớp nilon bầu ươm, tránh làm bể bầu, đặt cây giống vào chính giữa hố, lấp đất và dùng chân nén nhẹ xung quanh gốc.
Sau khi trồng nên tưới nước ngay. Thường xuyên kiểm tra độ ẩm của đất và bổ sung nước thường xuyên trong suốt 1 – 2 tháng đầu sau khi trồng. Nếu trồng vào mùa khô, khoảng 3 – 5 ngày tưới nước 1 lần. Kết hợp với phủ rơm, lá khô để giữ ẩm. Nếu trồng ở khu vực trống trải, nhiều gió, cần cắm cọc cố định cây.
Cây quýt đường
3/ Chăm sóc quýt đường
3.1 Tưới nước
Sau khi trồng, cần tưới nước giữ ẩm đều đặn trong vòng 2 tháng đầu để cây thích nghi với môi trường mới và nhanh bén rễ. Quýt đường không chịu được úng ngập nên không cần tưới quá nhiều nước tuy nhiên cũng không được để cây thiếu nước. Thông thường tưới nước cho cây 3 – 4 ngày/lần, vào mùa khô nên tưới 1 – 2 ngày/lần vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Cần tưới nước rộng theo độ phủ của tán cây vì rễ quýt đường khá gần mặt đất. Thời điểm cây bắt đầu ra hoa và đậu quả cần tăng lượng nước tưới.
3.2 Phân bón
3.2.1 Đối với cây 1 – 2 năm tuổi
Trong 1 – 2 năm đầu, bổ sung dinh dưỡng cho cây bốn lần một năm. Trong đó, 3 lần bón NPK phức hợp, lần còn lại bón bổ sung phân NPK hàm lượng kali cao ở giai đoạn đậu quả để trái to, vỏ bóng và tạo độ ngọt cho múi.
+ Phân NPK phức hợp: 2 – 3 tháng bón một lần, pha phân vào nước để tưới.
+ Phân NPK hàm lượng kali cao: bón một lần vào giai đoạn quả bắt đầu to.
3.2.2 Đối với cây trưởng thành
Khi cây trưởng thành thì bón phân 4 lần một năm như sau:
- Lần 1: Trước khi cây ra hoa: bón 1/3 Urê
- Lần 2: Sau khi đậu trái 6 – 8 tuần: bón 1/3 Urê + 1/2 Kali.
- Lần 3: Trước thu hoạch trái 1 – 2 tháng: bón 1/2 Kali còn lại.
- Lần 4: Sau khi thu hoạch trái bón toàn bộ Lân và 1/3 Urê.
Kết hợp bón 10 – 20kg phân hữu cơ/gốc/năm. Phân vi lượng bổ sung vào giai đoạn cây ra chồi non và trái có đường kính khoảng 3 cm.
3.2.3 Cách bón
Dựa theo độ phủ của tán cây để bón, cuốc rãnh vòng cách gốc 0,5 – 1 m, rãnh sâu 5 – 10 cm, rộng 10 – 20cm, bón phân xong lấp đất lại và tưới nước. Khi cây giao tán nên dùng cuốc xới nhẹ lớp đất xung quanh gốc theo hình chiếu của tán, cách gốc khoảng 50cm.
3.3 Cắt tỉa
Cắt tỉa giúp cây giữ tán, cho nhiều trái và tránh mất dinh dưỡng nuôi những cành không cần thiết. Sau khi trồng 1 – 2 tháng, cây đã hồi phục và bắt đầu ra đọt non, tiến hành cắt hãm ngọn giữ lại 7 – 10 chồi khỏe mạnh, tỏa đều các hướng. Sau mỗi vụ thu hoạch cần tỉa các cành già, cành bị sâu bệnh, cành không mang trái để cây ra đọt mới. Làm cỏ và vệ sinh vườn thường xuyên để tránh cạnh tranh dinh dưỡng.
3.4 Xử lý ra hoa
Đối với những cây quýt đường trưởng thành để cây ra hoa đồng loạt, tăng tỷ lệ thụ phấn và đậu trái cần tiến hành xử lý ra hoa cho cây quýt đường bằng cách cắt nước. Sau khi thu hái quả, cắt tỉa cây và bón phân xong thì cắt nước khoảng 3 tuần để cây háo nước. Khi thấy cây héo thì tiến hành tưới nước trở lại như bình thường để cây bung đọt, ra hoa. Biện pháp này giúp kéo dài thời gian cho trái của cây quýt đường.
3.5 Phòng trừ sâu bệnh hại
3.5.1 Sâu vẽ bùa
- Triệu chứng: Xuất hiện khi cây ra lá non từ tháng 4 – tháng 10, đục dưới biểu bì lá tạo các đường trắng ngoằn nghèo khiến lá bị cong, đổi dạng.
- Biện pháp: Sử dụng thiên địch như kiến vàng, tỉa cành tạo tán, tỉa bỏ chồi vượt, bón phân cho cây ra lá non tập trung, phun Comda gold 5WG hoặc Saimida 100SL xen kẽ với sunfat nicotine 0,2% theo liều lượng khuyến cáo.
3.5.2 Rầy mềm
- Triệu chứng: Hút nhựa của các chồi ngọn làm cây chậm phát triển, vàng lá.
- Biện pháp: Ngắt các cành có rầy, vệ sinh vườn thường xuyên, tỉa bỏ các cành già, phun Wofatox, BI 58 hoặc Metinparation 0,1% theo liều lượng khuyến cáo.
3.5.3 Rầy chổng cánh
- Triệu chứng: Chích hút nhựa của đọt non, lá non khiến lá non bị rụng, cành và đọt non bị chết khô, rầy chổng cánh là trung gian truyền bệnh vàng lá gân xanh.
- Biện pháp: Phun Wofatox, BI 58, Metinparation 0,1% theo liều lượng khuyến cáo, trồng một số cây chắn gió như dương, bình linh lá… bao quanh vườn quýt để ngăn chặn rầy từ nơi khác bay đến.
3.5.4 Nhện đỏ
- Triệu chứng: Xuất hiện vào mùa Đông và Xuân, chích hút trái non làm cho vỏ bị phồng rộp, giảm chất lượng trái.
- Biện pháp: Phun Comite hoặc phun Kentan 0,1% theo liều lượng khuyến cáo hoặc sử dụng thiên địch như bọ rùa…
3.5.5 Bệnh loét
- Triệu chứng: Xuất hiện các vết loét trên trái, lá, cành non. Vết bệnh mới hình tròn vàng, có thể chảy gôm sau đó chuyển màu nâu đậm và loét ướt.
- Biện pháp: Vệ sinh vườn, cắt bỏ cành, trồng với mật độ thích hợp, tỉa cành sâu bệnh trước mùa mưa để vườn thông thoáng, bón thêm canxi nitrat giúp cây chống chịu, chống xốp trái và nứt trái, phun Bordeaux 1%, Zineb 0,5 – 1% theo liều lượng khuyến cáo.
3.5.6 Bệnh thối gốc chảy mủ
- Triệu chứng: Ban đầu vết bệnh làm cho vỏ của thân cây vùng gốc bị úng nước, thối nâu thành những vùng bất dạng, sau đó khô, nứt dọc và chảy mủ, vỏ cây bị bung ra.
- Biện pháp: Đắp mô, lên liếp cao ở những vùng đất thấp để tránh ngập úng vào mùa mưa, trồng với mật độ hợp lý, nếu trồng cây ghép thì vị trí ghép phải cao hơn mặt đất 20 – 30 cm, khi chăm sóc tránh gây vết thương cơ giới để hạn chế nấm xâm nhập gây bệnh, khi cây chớm bệnh dùng một trong các loại thuốc sau: Aliette 80WP, Ridomil MZ 72WP/BHN, Cuate – M8 72WP để phun xịt lên vùng gốc của cây.
3.5.7 Bệnh vàng lá gân xanh
- Triệu chứng: Lá cây vàng lấm chấm, lồi, gân lá xanh, trái bé, chẻ dọc thấy tâm bị lệch, hạt lép thường bị thối có màu đen.
- Biện pháp: Chọn giống cây sạch bệnh,trồng cây chắn gió như xoài, dâm bụt để hạn chế rầy chổng cánh hoặc trồng xen ổi, tỉa cành, tạo tán để vườn thông thoáng, tránh giao tán, không bón quá nhiều đạm để cây ra chồi non tập trung, phun trừ một số loại thuốc như: Trebon, Sherpa theo liều lượng khuyến cáo.
3.5.8 Bệnh ghẻ lồi
- Triệu chứng: Bệnh gây hại trên lá, trái, cành non, vết bệnh lúc đầu nhỏ, tròn có màu xanh nhạt sau đó nhô lên, khi vết bệnh già trên đỉnh có màu vàng nhạt đến nâu nhạt. Bệnh nặng làm trái nhỏ, hoặc vàng và rụng, cành bị khô chết, trái sượng, méo mó.
- Biện pháp: Thường xuyên vệ sinh vườn cây, cắt tỉa và thu gom các bộ phận bị bệnh đem tiêu hủy, phun ngừa khi cây ra đọt non hoặc khi hoa rụng cánh 2/3 bằng thuốc gốc đồng hoặc gốc sunfua (Sulfex 80WG).
4/ Thu hoạch
Sau khi ra hoa khoảng 8 – 10 tháng tiến hành thu hoạch, quả đủ độ chín khi 1/3 vỏ quả chuyển vàng, khi thu hoạch cần chọn ngày nắng ráo. Quả chỉ nên bảo quản tối đa 15 ngày, sau thời gian này quả sẽ bị úng, khô, giảm giá trị thương phẩm.
Như vậy, bài viết này đã chia sẻ đến bà con kỹ thuật trồng quýt đường cho năng suất cao. Hy vọng bà con sẽ có một vụ mùa bội thu. Mọi chi tiết thắc mắc vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 nhé!
*Xem thêm
- Trồng cam xoàn thu tiền tỷ
- Kỹ thuật bón phân cho sầu riêng nghịch vụ
- Kỹ thuật trồng chăm sóc bưởi da xanh chuẩn chuyên gia