Kỹ thuật trồng đậu đen đạt năng suất cao nhất

1788 lượt xem

Cây đậu đen là một trong những loại hạt ngũ cốc được trồng phổ biến ở Việt Nam. Về cơ bản các loại cây họ đầu có kỹ thuật trồng trọt khá giống nhau và nếu trồng vào đúng mùa vụ sẽ không phải lo sợ vấn đề mất mùa. Tuy nhiên, để cây đậu đen sinh trưởng, phát triển tốt đạt năng suất và hiệu quả kinh tế thì phải chú ý đến kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả. Hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu tất tần tật về kỹ thuật trồng đậu đen ngay sau đây nhé.

1/ Đặc điểm và công dụng cây đậu đen

Cây đậu đen hay còn gọi là đỗ đen, có tên khoa học là Vigna unguiculata (L., ) Walp subsp, thuộc cây họ đậu. Cây đậu đen là loại cây thân thảo, phân cành nhánh nhiều, lá màu xanh lục, thuộc lá kép lông chim gồm 3 lá chét, lá mọc so le nhau. Hoa đậu đen có màu tím nhạt, cho quả mọc thành chùm hình trụ thẳng hoặc hơi cong. Khi chín vỏ quả chuyển từ màu xanh sang nâu đen hoặc vàng, mỗi quả có chứa khoảng 10 hạt đậu bên trong. Đậu đen được trồng phổ biến ở Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, trong đó hai tỉnh Bình Định và Gia Lai được đánh giá là nơi trồng đậu đen tốt nhất.

2/ Kỹ thuật trồng cây đậu đen

2.1 Thời vụ trồng đậu đen

Để đạt năng suất cao và hiệu quả kinh tế nên gieo trồng đậu đen vào đúng thời vụ, tùy vào đặc điểm khí hậu và tập quán canh tác của địa phương sẽ có thời gian gieo trồng khác nhau. Thời vụ trồng đậu đen thích hợp từ tháng 2 – 6 hoặc tháng 11 – 12 hàng năm.

2.2 Cách chọn hạt giống

Hạt giống dùng để gieo trồng có thể sử dụng lại giống tự bảo quản ở vụ trước nhưng biện pháp này khá rủi ro vì không có kỹ thuật bảo quản chặt chẽ. Hạt giống F1 từ các công ty giống uy tín vẫn được tin dùng nhiều nhất với kích thước hạt to, đều, bóng mịn, hạt không bị xây xát, tỷ lệ nảy mầm trên 80%. Hiện nay có hai giống đậu đen chính đó là đậu đen xanh lòng và đậu đen trắng lòng, lựa chọn giống trồng phù hợp với điều kiện thời tiết và mục đích sử dụng. Vỏ đậu đen khá mỏng, do đó không cần phải ngâm ủ trước khi gieo trồng.

2.3 Đất trồng đỗ đen

Cơ bản đậu đen không yêu cầu cao về đất trồng nhưng cần đảm bảo thông thoáng, tơi xốp, thoát nước vào mùa mưa và giữ ẩm tốt vào mùa khô.

Đất trồng cần làm sạch cỏ dại, cày xới, phơi ải để diệt trừ bớt mầm bệnh có trong đất. Sau đó tiến hành lên luống rộng 1,2 – 1,5m, các luống cách nhau 25cm để thoát nước và đi lại, chiều cao luống từ 20 – 35cm, tùy điều kiện của từng vùng. Bón lót bằng phân hữu cơ và vôi để khử trùng, bổ sung thêm lân để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển tốt.

2.4 Tiến hành gieo trồng đậu đen

Lượng hạt giống cần cho 100m2 từ 1,8 – 2kg là phù hợp. Gieo từ 2 – 3 hạt trên một hố, mỗi hố cách nhau 25cm, hàng cách hàng 40cm, bỏ hạt vào hố và lấp đất lại.

trong dau denTrồng đậu đen năng suất

3/ Kỹ thuật chăm sóc

3.1 Tưới nước

Việc tưới nước không cần phải áp dụng liên tục vì cây đậu đen có khả năng chịu hạn khá tốt. Chỉ cấp nước bổ sung khi đất trở nên quá khô hoặc trong giai đoạn ra hoa đậu quả để hạn chế tình trạng rụng hoa, trái non ảnh hưởng đến năng suất toàn vụ.

3.2 Trồng dặm

Trồng dặm được xem là cần thiết để đảm bảo mật độ cây trồng cho năng suất cao. Sau khi gieo hạt nên để giành một lượng nhỏ gieo ở bên ngoài đề phòng cây bị chết hoặc còi cọc. Tiến hành trồng dặm khi cây con phát triển hai lá mầm, trồng dặm và kết hợp tỉa thưa những vị trí cây mọc quá dày.

3.3 Làm cỏ, xới đất

Tiến hành làm cỏ kết hợp với bón phân, xới xáo đất. Làm cỏ lần 1 khi cây mọc được khoảng 10 ngày, xới xáo nhẹ tránh va chạm vào cây vì giai đoạn này cây còn non và yếu. Lần 2 tiến hành cách lần 1 khoảng 20 ngày, làm cỏ kết hợp vun gốc, đồng thời nhổ bỏ cây bệnh, cây phát triển thấp kém. Cuối cùng phải làm cỏ trước khi cây trổ hoa để tránh việc làm rụng hoa khi vun xới.

3.4 Bón phân

Trung bình thời gian sinh trưởng của cây đậu đen từ 80 – 90 ngày, có thể chia làm 3 lần bón như sau:

Lần 1: Khi cây đậu được 10 ngày tuổi, xới nhẹ tay và kết hợp làm cỏ, xới phá váng.

Lần 2: Cách lần 1 khoảng 20 ngày, làm sạch cỏ trước khi bón phân.

Lần 3: Thực hiện bón phân trước khi cây ra hoa, kết hợp vun gốc chống đổ ngã.

Liều lượng và loại phân bón sẽ khác nhau cho từng vùng khí hậu khác nhau và tùy thuộc vào sức sản xuất của đất.

3.5 Hãm ngọn

Khi cây phát triển chiều cao khoảng 40 – 50cm thì tiến hành ngắt ngọn để cây phát triển nhiều nhánh bên, tăng năng suất cây trồng. Nếu không cắt bỏ ngọn, cây sẽ sinh trưởng mạnh về chiều cao và không đậu nhiều quả sau này. Việc hãm ngọn nên thực hiện thường xuyên và kết thúc trước khi cây ra hoa.

3.6 Phòng trừ sâu bệnh

Trên đậu đen cũng như các cây họ đậu nói chung thường có một số sâu, bệnh hại như sâu đục thân, sâu ăn lá, rầy rệp, bệnh lở cổ rễ, bệnh đốm lá, bệnh cháy lá,…

Để hạn chế và đề phòng sâu, bệnh hại tấn công cần trồng cây với mật độ thích hợp, vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo trồng, luân canh với cây trồng khác họ, loại bỏ cây bị bệnh sớm để tránh lây lan… Khi mật độ phát triển vượt quá mức kiểm soát mới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

4/ Thu hoạch và bảo quản

Khi quả đậu đen chuyển từ màu xanh sang nâu đen thì tiến hành thu hoạch, đậu đen sẽ cho nhiều lần thu hoạch rải rác cho đến khi cây không còn khả năng ra hoa nữa. Thu hoạch đậu về phơi khô, tách vỏ và tiếp tục phơi 3 – 4 nắng, loại bỏ tạp chất, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Nếu muốn để giống cho vụ sau nên chọn hạt mẩy, to từ lần thu hái đầu tiên và lần thứ hai, bảo quản trong chai lọ thật kỹ, tránh để ẩm lọt vào, thường xuyên kiểm tra sâu mọt trong thời gian bảo quản.

Trên đây là hưỡng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc đậu đen cho năng suất cao, hy vọng bài viết này hữu ích với bạn. Nếu có bất cứ thắc mắc gì thì vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099 bạn nhé!

Sfarm.vn

*Xem thêm

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết