Cách trồng đậu đũa tại nhà đang dần trở thành xu hướng của các gia đình yêu thích thực phẩm sạch. Với hướng dẫn từ SFARM, bạn sẽ dễ dàng thực hiện từ khâu chuẩn bị đất, chọn giống đến chăm sóc, thu hoạch đậu đũa hữu cơ, trĩu quả, an toàn.
1. Đặc điểm cây đậu đũa và điều kiện sinh trưởng
1.1. Đặc điểm cây đậu đũa
Đậu đũa (Vigna unguiculata subsp. sesquipedalis), hay còn gọi là đậu dải áo, thuộc họ đậu, dạng thân leo, thường được trồng để lấy quả làm rau ăn. Quả dài từ 30–100cm, mềm, tròn dài, rất dễ chế biến trong bữa ăn hàng ngày.
Cây có tốc độ sinh trưởng nhanh, dễ trồng và thích nghi tốt với nhiều vùng khí hậu. Một điểm nổi bật là cây có khả năng cố định đạm trong đất, giúp cải thiện đất và giảm lượng phân bón cần sử dụng. Đây là yếu tố quan trọng trong cách trồng đậu đũa theo hướng nông nghiệp bền vững.
1.2. Điều kiện sinh trưởng của đậu đũa
Đậu đũa phát triển tốt nhất trong điều kiện khí hậu ấm áp, nhiệt độ dao động từ 25–30°C. Đây là khoảng nhiệt lý tưởng giúp cây sinh trưởng nhanh, ra hoa đồng loạt và đậu quả ổn định. Nhưng nếu nhiệt độ lên đến 30-35°C sinh trưởng bị ức chế. Đậu đũa rất sợ nhiệt độ thấp, dưới 10°C cây sinh trưởng kém và chết ở 0°C. Gặp nhiệt độ thấp lá bị xoăn và có tốc độ phát triển rất chậm.
Là cây ưa sáng, đậu đũa cần được trồng nơi có ánh nắng trực tiếp ít nhất vài giờ mỗi ngày. Nếu thiếu sáng, cây dễ bị còi cọc, ít hoa và giảm năng suất – điều cần lưu ý trong cách trồng đậu đũa tại nhà.
Chọn đất tơi xốp, giàu chất hữu cơ, thoát nước tốt là yếu tố quan trọng để cây phát triển khỏe mạnh. Độ pH thích hợp từ 6,0–7,0. Đất cát pha thịt nhẹ thường được ưa chuộng vì giúp rễ thông thoáng và hạn chế sâu bệnh.
Đậu đũa ưa ẩm nhưng không chịu được ngập úng. Khi trồng vào mùa mưa, cần chú ý hệ thống thoát nước. Mùa khô nên tưới đều, tránh để đất quá khô hoặc úng kéo dài vì có thể ảnh hưởng đến khả năng ra hoa và kết trái.

2. Thời vụ trồng đậu đũa
2.1. Thời vụ trồng đậu đũa ở miền Bắc
Để đạt năng suất cao, bà con cần lựa chọn thời vụ trồng đậu đũa phù hợp với khí hậu từng mùa. Ở miền Bắc, cây đậu đũa có thể gieo trồng quanh năm theo 3 vụ chính:
- Vụ xuân hè: Gieo trồng đậu đũa đúng vụ từ tháng 2–4, thu hoạch vào tháng 5–6. Thời tiết giai đoạn này khô ráo, nhiều nắng, rất thuận lợi cho cây sinh trưởng mạnh.
- Vụ hè thu: Trồng từ tháng 5–7, thu hoạch tháng 8–9. Đây là thời điểm có mưa nhiều, nên cần lưu ý phòng bệnh và thoát nước tốt.
- Vụ thu đông: Gieo hạt từ tháng 8–9, thu hoạch trong tháng 10–11. Mặc dù thời tiết bắt đầu se lạnh, nhưng cây vẫn cho trái tốt nếu đủ nắng và chăm sóc hợp lý.
Lựa chọn đúng lịch trồng đậu đũa theo mùa giúp cây sinh trưởng ổn định, hạn chế sâu bệnh và nâng cao chất lượng nông sản. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong kỹ thuật trồng đậu đũa ở miền Bắc an toàn và hiệu quả.
2.2. Trồng đậu đũa vào tháng mấy?
Nhờ khí hậu ổn định, nhiều nắng và nhiệt độ phù hợp, bà con miền Nam có thể trồng đậu đũa quanh năm. Đây là lợi thế giúp cây sinh trưởng đều và dễ chăm sóc.
Tuy nhiên, để đạt năng suất và chất lượng quả cao, nên ưu tiên trồng vào mùa khô – từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Lúc này ít mưa, ánh nắng ổn định, cây khỏe mạnh và ít sâu bệnh.
Chọn đúng thời điểm trồng không chỉ giúp đậu đũa phát triển tốt mà còn giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc. Đây là một trong những bí quyết về cách trồng đậu đũa hiệu quả và tiết kiệm hơn.
Nếu còn phân vân nên trồng đậu đũa vào tháng mấy, mùa khô chính là gợi ý lý tưởng để canh tác, thu hoạch thuận lợi và đạt năng suất cao.

3. Chuẩn bị trồng đậu đũa
3.1. Dụng cụ trồng đậu đũa
Tùy vào không gian và hình thức canh tác, người trồng cần chuẩn bị dụng cụ phù hợp:
- Trồng đậu đũa tại nhà: Nên dùng thùng xốp trồng rau, chậu nhựa hoặc khay có đục lỗ thoát nước. Kích thước thùng nên sâu từ 25–30cm để rễ phát triển tốt.
- Trồng đậu đũa ngoài trời: Chuẩn bị luống rộng, đất vườn cao ráo, thoát nước tốt. Nên làm luống cao 20–30cm, mặt luống rộng 1–1,2m để tiện chăm sóc.
- Làm giàn leo: Đậu đũa là cây thân leo nên cần giàn bằng sào tre hoặc dây nilon, cao khoảng 1,5–2m.
- Dụng cụ bổ trợ: Chuẩn bị bình tưới, bay nhỏ, cuốc xới… để phục vụ quá trình gieo trồng và chăm sóc thuận tiện hơn.
Việc lựa chọn đúng dụng cụ trồng đậu đũa sẽ tạo nền tảng giúp cây phát triển khỏe, nâng cao năng suất và chất lượng thu hoạch.
3.2. Chuẩn bị đất trồng đậu đũa
Đất trồng đậu đũa cần đảm bảo các tiêu chí: tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt và giữ ẩm vừa phải. Những loại đất thích hợp gồm đất thịt nhẹ, đất phù sa hoặc đất pha cát.
Để chuẩn bị đất trồng đậu đũa hiệu quả, nên tiến hành các bước sau:
- Làm đất kỹ, xới tơi, nhặt sạch cỏ và tàn dư thực vật.
- Lên luống cao 20–30cm, rộng 1–1,2m để tránh ngập úng vào mùa mưa.
- Bón lót theo công thức phổ biến: 2m³ phân chuồng hoai mục (hoặc phân hữu cơ); 50kg vôi bột/1.000m² để cải tạo pH và khử khuẩn trong đất.
3.3. Chọn hạt giống phù hợp
Việc chọn hạt giống đậu đũa phù hợp quyết định trực tiếp đến năng suất và cách chăm sóc:
- Giống đậu leo: Cây cao, thân leo dài, cần làm giàn. Quả dài từ 40–70cm, năng suất cao, thích hợp trồng ngoài trời hoặc diện tích lớn. Có nhiều loại như đậu leo hạt trắng, hạt đỏ, hạt đen…
- Giống đậu lùn: Cây thấp, cao khoảng 50–70cm, không cần giàn. Quả ngắn hơn (30–35cm) nhưng chắc thịt, dễ chăm sóc, thích hợp trồng đậu đũa tại nhà hoặc nơi diện tích nhỏ.

4. Ngâm ủ hạt giống
Hạt đậu đũa có vỏ cứng, nên trước khi gieo cần thực hiện bước ngâm ủ đúng kỹ thuật để tăng tỷ lệ nảy mầm:
- Ngâm hạt trong nước ấm theo tỷ lệ 2 sôi : 3 lạnh trong 2 – 3 giờ.
- Sau đó vớt ra, để ráo nước, rồi ủ trong khăn ẩm từ 12 – 24 giờ.
- Khi thấy hạt bắt đầu nứt nanh (tách vỏ) là có thể đem gieo.
5. Cách trồng đậu đũa đúng kỹ thuật
5.1. Cách trồng đậu đũa xuống đất
Cách trồng đậu đũa xuống đất cần đảm bảo mật độ hợp lý để cây sinh trưởng tốt:
- Đào các hốc nhỏ, cách nhau 25–30cm, hàng cách hàng 50–60cm.
- Gieo 2–3 hạt đậu đũa đã nứt nanh vào mỗi hốc.
- Phủ một lớp đất mỏng lên hạt, tránh lấp sâu làm thối hạt.
Sau khi gieo, có thể dùng rơm rạ phủ lên mặt đất để giữ ẩm và tránh ánh nắng trực tiếp. Tưới nhẹ mỗi ngày để duy trì độ ẩm, giúp hạt nhanh nảy mầm.
Khoảng 10–15 ngày sau gieo, cây con sẽ mọc lên, bắt đầu ra lá. Lúc này, tiến hành tỉa bớt cây yếu, cây mọc quá dày, và trồng dặm những chỗ hạt không nảy mầm.
Lưu ý:
- Mùa nắng nên gieo hạt thưa để cây có không gian phát triển.
- Mùa mưa có thể gieo dày hơn để tăng năng suất và thuận tiện chăm sóc.
Tuân thủ đúng kỹ thuật trồng đậu đũa xuống đất giúp cây phát triển đồng đều, tăng khả năng đậu trái và đạt năng suất cao.
5.2. Cách trồng đậu đũa lùn
Đậu đũa lùn có đặc điểm sinh trưởng thấp, thân không leo nên không cần làm giàn, rất phù hợp để trồng trong thùng xốp, chậu lớn hoặc luống đất ngoài vườn.
Do tán lá nhỏ, cây phát triển gọn nên có thể trồng với mật độ dày hơn so với đậu leo:
- Khoảng cách trồng: Cây cách cây 20–25cm, hàng cách hàng 40–50cm.
- Gieo 2–3 hạt mỗi hốc, lấp đất mỏng và tưới nhẹ giữ ẩm đều.
Nên đặt thùng xốp ở nơi nắng nhiều, thoáng khí, tránh để nước đọng gây úng rễ. Đất trồng cần tơi xốp, giàu dinh dưỡng, có thể phối trộn đất thịt nhẹ với phân hữu cơ và tro trấu để tăng độ thoát nước.
Sau khoảng 10–15 ngày, cây bắt đầu ra lá thật. Lúc này có thể tỉa bớt cây yếu, cây mọc dày, giúp các cây còn lại phát triển mạnh.
Cách trồng đậu đũa lùn trong thùng xốp mang lại hiệu quả cao, dễ quản lý sâu bệnh, thích hợp cho người làm vườn tại nhà hoặc trồng rau sạch trên ban công, sân thượng.

6. Chăm sóc đậu đũa để cây sai quả
6.1. Tưới nước đúng cách
Đậu đũa là cây chịu hạn tốt, nhưng để cây phát triển tối ưu, ra nhiều quả, cần tưới nước hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng:
- Giai đoạn cây con: Tưới nước 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát để hạt nảy mầm nhanh, cây bén rễ tốt. Đảm bảo đất luôn giữ độ ẩm khoảng 70%.
- Giai đoạn cây ra hoa, đậu quả: Tiếp tục duy trì độ ẩm vừa phải. Không tưới quá nhiều, tránh gây úng rễ hoặc rụng hoa, rụng quả non. Nên giảm số lần tưới, nhưng đảm bảo đất không khô hạn.
6.2. Xới đất, vun gốc
Để đậu đũa sinh trưởng tốt và hạn chế sâu bệnh, cần xới đất và làm cỏ định kỳ. Khi cây cao khoảng 15–20cm, tiến hành vun gốc nhẹ, giúp rễ phát triển mạnh và giữ cho cây đứng vững, nhất là vào mùa mưa.
- Xới đất nhẹ nhàng quanh gốc, tránh làm tổn thương rễ.
- Vun đất cao lên gốc sau mỗi đợt mưa hoặc sau bón phân.
- Làm cỏ thường xuyên để loại bỏ cạnh tranh dinh dưỡng và nơi trú ẩn của sâu hại.
Lưu ý: Không xới đất quá sâu, chỉ xới lớp mặt 3–5cm, thực hiện vào lúc đất còn ẩm vừa phải để dễ thao tác và không làm khô đất.
6.3. Bón phân cho cây đậu đũa
Bón phân đúng kỹ thuật giúp cây đậu đũa phát triển khỏe, ra hoa đậu quả đều, năng suất cao:
- Bón lót: Trước khi gieo, trộn đều đất với phân chuồng hoai mục (khoảng 2–3kg/m²) kết hợp lân để tăng khả năng phát triển rễ.
- Bón thúc lần 1: Khi cây có 3–4 lá thật, bón NPK 16-16-8 giúp cây con sinh trưởng nhanh, thân lá phát triển tốt.
- Bón thúc lần 2: Khi cây bắt đầu ra hoa, bổ sung thêm kali và NPK để thúc đẩy quá trình hình thành hoa và ngăn rụng hoa.
- Bón thúc lần 3: Khi quả bắt đầu phát triển, tiếp tục bón NPK+kali để quả to, chắc, tăng chất lượng và sản lượng thu hoạch.
Lưu ý:
- Sau mỗi lần bón, cần tưới nước nhẹ để phân tan đều.
- Tránh bón sát gốc, nên rải phân quanh gốc, cách gốc 10–15cm.
6.4. Làm giàn cho cây đậu đũa
Với giống đậu đũa leo, việc làm giàn là cần thiết để cây phát triển tốt, leo bám dễ dàng, giúp tăng năng suất và hạn chế sâu bệnh.
- Loại giàn: Có thể làm giàn chữ A, U hoặc X tùy diện tích và điều kiện vườn.
- Chiều cao giàn: Tối thiểu 1,8m để cây thoải mái leo và đón nắng tốt.
- Vật liệu: Dùng tre, nứa, dây kẽm hoặc lưới nilon bền chắc.
- Thời điểm làm giàn: Tiến hành khi cây cao khoảng 20–25cm để kịp thời dẫn dây.
Lưu ý:
- Nên buộc nhẹ thân cây vào giàn để cây bám chắc, tránh gãy đổ khi có gió mạnh.
- Giàn chắc chắn còn giúp việc chăm sóc và thu hoạch thuận tiện hơn.
6.5. Phòng trừ sâu bệnh cho đậu đũa
Trong quá trình trồng, đậu đũa thường gặp nhiều sâu bệnh hại như bệnh virus, sâu ăn tạp và ruồi đục lá. Dưới đây là cách phòng trừ sâu bệnh cho đậu đũa hiệu quả:
Bệnh virus (do côn trùng chích hút truyền lan)
Tác nhân: Bọ trĩ, rầy mềm, rệp… thường gây hại nặng vào mùa nắng.
Biện pháp phòng trị:
- Kiểm tra ruộng thường xuyên trong giai đoạn 15–30 ngày sau trồng.
- Nhổ bỏ cây nhiễm bệnh, đem đốt hoặc chôn kỹ để tránh lây lan.
- Phun thuốc trừ côn trùng ở mặt dưới lá, dùng sản phẩm chứa hoạt chất: Dinotefuran (≥89%), Clorfenapyr (≥94%), Diafenthiuron.
Sâu ăn tạp (sâu tơ, sâu khoang…)
Gây hại suốt chu kỳ, nặng nhất khi cây ra hoa, đậu quả.
Cách trị sâu ăn lá đậu đũa:
Phun luân phiên các loại thuốc sinh học hoặc hóa học có chứa: Emamectin Benzoate, Lufenuron (≥96%), Flubendiamide (≥95%), Chlorantraniliprole

Ruồi đục lá
Gây hại mạnh vào mùa khô nắng nóng.
Phòng trừ ruồi đục lá:
- Dùng bẫy dính màu vàng để bắt ruồi trưởng thành.
- Phun thuốc trừ sâu có hoạt chất: Cyromazine 100g/l, Deltamethrin 30g/l + Fipronil 30g/l
Lưu ý khi sử dụng thuốc
- Phun kỹ mặt dưới lá, nơi sâu và trứng thường trú ngụ.
- Thuốc trừ sâu nên phun lên lá non và lá bánh tẻ.
- Thuốc trị bệnh virus nên phun vào lá già và lá bánh tẻ.

7. Thu hoạch và bảo quản đậu đũa
7.1. Trồng đậu đũa bao lâu thu hoạch?
Cây đậu đũa thường bắt đầu cho thu hoạch sau khoảng 50–55 ngày kể từ ngày gieo. Thời gian thu trái kéo dài hay ngắn phụ thuộc vào điều kiện chăm sóc.
Vào giai đoạn thu hoạch rộ, nên thu trái 2–3 ngày/lần để đảm bảo đậu đạt chất lượng ngon, mềm, không bị già xơ. Khi hái nên dùng tay vặn nhẹ hoặc dao cắt, tránh giật mạnh làm rụng hoa, ảnh hưởng đến những đợt trái sau.

7.2. Trồng đậu đũa có ngắt ngọn không?
Cây đậu đũa nên được ngắt ngọn để kích thích ra nhánh, tập trung nuôi hoa và quả, giúp tăng năng suất. Việc ngắt ngọn thường thực hiện khi cây có từ 5 – 6 lá thật, hoặc khi cây leo cao khoảng 1,2 – 1,5m (với giống đậu leo).
Ngắt ngọn đúng thời điểm còn giúp cây phát triển đều, hạn chế tình trạng vươn dài, giảm sâu bệnh và thuận tiện hơn trong việc chăm sóc, thu hoạch.
7.3. Cách thu hoạch đậu đũa đúng kỹ thuật
Nên thu hoạch đậu đũa khi quả còn non, hạt chưa lộ rõ, thường sau 50 – 55 ngày gieo trồng. Lúc này, quả đậu mềm, ăn giòn và ngọt hơn.
Thời điểm thu hoạch tốt nhất là vào sáng sớm, khi thời tiết còn mát mẻ, giúp giữ độ tươi lâu cho đậu đũa và hạn chế mất nước. Thu đều đặn 2 – 3 ngày/lần để kích thích cây ra trái liên tục. Sau khi thu, nên bón bổ sung phân hữu cơ như phân trùn quế, phân bò hoai hoặc phân gà vào chiều mát để cây tiếp tục phát triển và ra trái đều.
Đậu đũa sau khi thu có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng, rất thích hợp cho bữa cơm gia đình hàng ngày.
8. Câu hỏi thường gặp khi trồng đậu đũa
8.1. Đậu đũa lùn và đậu đũa leo khác nhau như thế nào?
Đậu đũa lùn là giống có chiều cao thấp, thân mọc bụi, không cần làm giàn, phù hợp trồng trong thùng xốp, sân thượng. Quả thường ngắn (30–35cm), chắc thịt, thời gian sinh trưởng ngắn (70–75 ngày).
Đậu đũa leo có thân dài, sinh trưởng vô hạn, cần làm giàn để leo. Quả dài hơn (40–70cm), năng suất cao và có nhiều giống như hạt trắng, đỏ, đen… thích hợp trồng ngoài ruộng hoặc luống lớn.
8.2. Đậu đũa trồng trên sân thượng có hiệu quả không?
Có. Đậu đũa là cây dễ trồng, thích hợp với môi trường nhiều nắng như sân thượng. Chỉ cần chọn loại đậu đũa lùn, thùng xốp có lỗ thoát nước, đất tơi xốp, thoát nước tốt và đảm bảo đủ nắng ít nhất 6 tiếng/ngày. Nếu chăm sóc đúng cách, cây vẫn cho năng suất ổn định.
8.3. Vì sao cây đậu đũa ra hoa nhưng không đậu quả?
Đậu đũa ra hoa nhưng không đậu quả có thể do các nguyên nhân:
- Thiếu ánh sáng, nước hoặc dinh dưỡng trong giai đoạn ra hoa.
- Tưới nước không đều, gây sốc cho cây.
- Côn trùng gây hại làm rụng hoa hoặc quả non.
- Thụ phấn kém, nhất là khi trồng ở nơi kín gió, ít ong bướm.
Cách khắc phục: Bổ sung phân kali, đảm bảo cây đủ ẩm, đủ nắng, và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
8.4. Cách khắc phục hiện tượng quả đậu đũa bị cong, nhỏ?
Quả đậu đũa bị cong, nhỏ hoặc không đều thường do:
- Thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là kali và canxi.
- Thiếu nước trong giai đoạn hình thành quả.
- Sâu bệnh tấn công, nhất là ruồi đục quả hoặc sâu ăn tạp.
Biện pháp:
- Bón bổ sung kali, canxi và phân hữu cơ hoai mục.
- Duy trì độ ẩm đất ổn định.
- Thường xuyên kiểm tra vườn, phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc sinh học an toàn.
Với cách trồng đậu đũa đơn giản, đúng kỹ thuật và thân thiện với môi trường như trên, bạn có thể dễ dàng thu hoạch đậu sạch, ngon và an toàn tại nhà. Đừng quên theo dõi SFARM Blog để cập nhật thêm nhiều mẹo trồng rau hữu ích cho không gian xanh của bạn!
Xem thêm:
- Các bước trồng cây cơ bản, đúng kỹ thuật không thể bỏ qua.
- Kỹ thuật trồng dừa, cách chăm sóc và bón phân cho dừa.
- Cách trồng cây cảnh sân vườn đơn giản, chuẩn phong thủy.
- Cách trồng dưa lưới 2025 quả ngọt, chuẩn chuyên gia
SFARM – Đặng Gia Trang vinh hạnh là nhà cung cấp tin cậy các sản phẩm vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh học của 1500 đại lý, cửa hàng trên toàn quốc. Mời quý khách liên hệ thông tin sau để đội ngũ SFARM có thể nhanh chóng hỗ trợ:
– Website: https://sfarm.vn/
– Hotline: 0902652099
– Zalo: CSKH SFARM – 0902652099