Cách trồng dưa lê đúng mùa, đúng cách để cây khỏe, trái ngọt

2225 lượt xem

Cách trồng dưa lê đúng kỹ thuật sẽ quyết định rất lớn đến chất lượng và sản lượng thu hoạch. Trong bài viết này, SFARM sẽ chia sẻ toàn diện quy trình trồng dưa lê phù hợp theo mùa vụ, giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh, đậu trái đồng loạt và cho năng suất ngọt thơm đúng chuẩn. Ngoài ra hướng dẫn trồng dưa lê ngon bằng từ phân trùn quế, phân gà, phân bò

1. Đặc điểm sinh học của dưa lê

Dưa lê hay còn gọi là dưa ngọt, một loại quả nhiệt đới, có tên khoa học là Honeydew, được trồng phổ biến ở châu Á. Dưa lê là cây thân leo mềm, mọc bò trên mặt đất, thân có tua cuốn và các đốt ngắn. Lá hình tim, hoa đơn tính mọc ở nách lá, màu vàng tươi.

Quả hình tròn hoặc tròn dẹt, vỏ mỏng, khi chín có màu trắng ngà hoặc vàng kem, vị ngọt thanh mát. Trọng lượng trung bình mỗi quả từ 300 – 800g.

Cach Trong Dua Le Sieu Ngot (2)

2. Các giống dưa lê phổ biến hiện nay

Trên thị trường hiện nay có nhiều giống dưa lê siêu ngọt với đặc tính khác nhau. Mỗi giống có ưu thế riêng về vị, năng suất và phù hợp vùng trồng khác nhau. Một số giống phổ biến gồm:

  • Dưa lê siêu ngọt Polyme F1: Quả tròn trơn nhẵn không gân, vỏ trắng tuyết, ruột cam cá hồi bắt mắt, độ ngọt cao từ 14 – 16 brix. Trọng lượng trung bình từ 1,5 – 1,8 kg, thời gian thu hoạch từ 40 – 45 ngày sau thụ phấn.
  • Dưa lê siêu ngọt F1 VA.69 (Ngân Huy VA.69/: Quả tròn dẹt, vỏ vàng nhạt, ruột màu trắng xanh, độ ngọt 14,5 – 17 brix. Trọng lượng trung bình 350 – 500 g, thời gian thu hoạch 55 – 60 ngày sau gieo.
  • Dưa lê siêu ngọt F1 VA.68 (Ngân Hương VA.68/: Quả tròn dẹt, vỏ vàng nhạt, ruột màu trắng xanh. Trọng lượng trung bình 350 – 400g, thời gian thu hoạch khoảng 60 ngày sau gieo.
  • Dưa lê thơm F1 Hàn Quốc VA.76: Quả hình oval, vỏ màu vàng, ruột màu trắng ngà, độ ngọt 15 – 16 brix. Trọng lượng trung bình 500 – 600g, thời gian thu hoạch 60 – 65 ngày sau trồng.
  • Dưa lê siêu ngọt F1 Bạch Ngọc: Quả tròn, vỏ màu trắng sữa, ruột màu trắng ngà, độ ngọt 17 – 18 brix. Trọng lượng trung bình 500 – 600g, thời gian thu hoạch 40 – 48 ngày sau trồng.

3. Thời vụ trồng dưa lê ở miền Bắc và miền Nam

Thời điểm trồng dưa lê lý tưởng phụ thuộc vào khí hậu từng vùng. Ở miền Bắc, dưa lê nên được gieo từ tháng 2 đến tháng 4 hoặc từ tháng 8 đến tháng 9 âm lịch để tránh trùng với mùa mưa, giúp cây đậu trái tốt hơn và hạn chế sâu bệnh.

Tại miền Nam, do thời tiết ôn hòa, nắng ấm quanh năm nên có thể trồng dưa lê gần như bất kỳ thời điểm nào, tuy nhiên vụ chính và cho năng suất cao nhất thường rơi vào khoảng tháng 12 đến tháng 4 dương lịch, khi trời khô ráo, ít mưa.

4. Điều kiện sinh trưởng và phát triển của dưa lê

Dưa lê là loại cây trồng khá dễ tính nhưng để đạt năng suất cao và trái ngọt, cần tạo điều kiện môi trường lý tưởng cho cây phát triển. Trong đó, nhiệt độ, ánh sáng, đất trồng và chế độ dinh dưỡng đóng vai trò then chốt trong suốt chu kỳ sinh trưởng của cây.

4.1. Nhiệt độ và độ ẩm

Dưa lê phát triển tốt ở nhiệt độ 25 – 33 độ C, độ ẩm đất khoảng 75 – 80%. Thời tiết lạnh hoặc ẩm cao dễ làm giảm tỷ lệ đậu quả và tăng nguy cơ bệnh hại.

4.2. Ánh sáng và đất trồng

Dưa lê là cây ưa sáng nên cần được trồng nơi có ánh nắng trực tiếp ít nhất 6 – 8 giờ mỗi ngày để thúc đẩy quang hợp, giúp cây đâm chồi khỏe và nâng cao tỷ lệ đậu quả. Thiếu ánh sáng, đặc biệt trong giai đoạn cây con (2 – 3 lá thật), cây dễ bị lở cổ rễ, thối nhũn khi kết hợp với ẩm độ cao.

Về đất trồng, dưa lê thích hợp nhất với các loại đất thịt pha cát, đất phù sa hoặc đất thịt nhẹ đã được cải tạo. Các loại đất này vừa thoát nước tốt, vừa giữ dinh dưỡng và duy trì độ ẩm ổn định. Độ pH lý tưởng từ 5,5 – 6,5. Đất giàu hữu cơ sẽ giúp cây phát triển nhanh, quả ngọt và vỏ đẹp.

4.3. Dinh dưỡng và giống

Để đạt năng suất cao và cây phát triển khỏe mạnh, cần chú trọng cả yếu tố giống và nguồn dinh dưỡng. Nên chọn giống dưa lê F1 có tỷ lệ nảy mầm cao, sạch bệnh và khả năng chống chịu tốt với điều kiện môi trường.

Bên cạnh đó, đất trồng cần giàu mùn và khoáng chất, được bổ sung thường xuyên bằng phân hữu cơ hoai mục, phân trùn quế hoặc phân gà đã xử lý. Việc trồng luân canh hợp lý và để đất nghỉ giữa các vụ cũng giúp cải thiện cấu trúc đất, hạn chế tích tụ mầm bệnh và đảm bảo năng suất ổn định qua từng mùa vụ.

5. Cách trồng dưa lê bằng hạt chuẩn kỹ thuật

Cách trồng dưa lê bằng hạt là phương pháp phổ biến, dễ thực hiện và tiết kiệm chi phí giống, phù hợp với cả quy mô lớn lẫn trồng tại nhà. Tuy nhiên, để cây phát triển khỏe mạnh và cho trái ngọt, cần tuân thủ đúng kỹ thuật từ khâu chọn hạt, ngâm ủ đến làm đất và trồng cây.

5.1. Ngâm ủ và ươm cây con

Hạt dưa lê nên ngâm trong nước ấm 28-32 độ C khoảng 2-3 giờ, sau đó ủ trong khăn ẩm 24-36 giờ đến khi nứt nanh. Gieo vào bầu đất, để nơi thoáng, tưới nhẹ mỗi ngày. Bạn cần ươm trong khay với khoảng thời gian 12 ngày cây có 1,2 lá thật là có thể đem trồng.

Khi hạt giống dưa lê nứt nanh thì gieo vào bầu đất
Khi hạt giống dưa lê nứt nanh thì gieo vào bầu đất

5.2. Làm đất, lên luống và phủ bạt

  • Xới kỹ và làm tơi đất bằng máy xới, làm sạch cỏ dại.
  • Rải thêm vôi (30 – 40 kg/sào) để khử chua, rửa mặn cho đất hoặc dùng chế phẩm sinh học Trichoderma để tiêu diệt nấm bệnh tồn dư.
  • Lên luống rộng từ 1,8 – 2m, cao 25 – 30 cm và rãnh rộng 30 – 35cm. Vun luống thoải dần về hai mép để dễ thoát nước. Bổ hốc trồng trên luống, mỗi hốc cách nhau 50cm, giúp cây có đủ khoảng trống phát triển tán lá và trái.
  • Sau khi lên luống, phủ màng nông nghiệp với mặt bạc hướng lên trên, mặt đen xuống dưới. Màng phủ giúp giữ ẩm, giữ đất tơi xốp, tránh rửa trôi dinh dưỡng và cản cỏ dại. Cần kéo căng, ghim chặt, chèn mép bằng đất để tránh gió lùa. Đục 1 hàng lỗ giữa luống, đường kính lỗ khoảng 10 cm, cách nhau 38 – 40 cm.
Sau khi lên luống, phủ màng nông nghiệp với mặt bạc hướng lên trên
Sau khi lên luống, phủ màng nông nghiệp với mặt bạc hướng lên trên

5.3. Mật độ và khoảng cách trồng dưa lê

Với giàn đứng: cây cách cây 50cm, hàng cách hàng 1.5 m (25.000 cây/ha).

Trồng bò: khoảng 10.000 cây/ha, cây cách 50cm, hàng cách 3–4 m. Không nên trồng dày để tránh ẩm thấp gây bệnh.

6. Kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa lê siêu ngọt

Có hai cách phổ biến để trồng dưa lê: 

  • Trồng trực tiếp hạt vào hốc
  • Gieo hạt vào bầu trước khi đưa ra ruộng. 

Phương pháp gieo bầu tuy mất thêm thời gian chuẩn bị nhưng tỷ lệ cây sống cao, cây khỏe mạnh và phát triển đồng đều hơn. Gieo một hạt vào mỗi bầu, đặt nơi râm mát, tưới giữ ẩm 1 – 2 lần/ngày. Sau 5 – 10 ngày, khi cây có 1 – 2 lá thật thì đem trồng ra hốc.

Phương pháp gieo bầu tuy mất thêm thời gian chuẩn bị nhưng tỷ lệ cây sống cao
Phương pháp gieo bầu tuy mất thêm thời gian chuẩn bị nhưng tỷ lệ cây sống cao

6.1. Tưới nước và giữ ẩm

Giai đoạn cây con cần tưới nhẹ hằng ngày để duy trì độ ẩm. Khi cây bắt đầu ra hoa, nên giảm lượng nước để tăng tỷ lệ đậu trái. Trước thu hoạch 7 – 10 ngày, hạn chế tưới để dưa có độ ngọt cao và vỏ chắc.

6.2. Cách bấm ngọn dưa lê đúng thời điểm

Khi cây mọc được 5 lá thật thì tiến hành bấm ngọn lần đầu để cây phát triển nhánh cấp 1. Giữ lại 3-4 nhánh khỏe nhất. Khi nhánh cấp 1 có 5-6 lá, tiếp tục bấm ngọn để 5 nhánh cấp 3 sinh trưởng. 

Sau khi bấm ngọn đúng kỹ thuật, mỗi cây có thể cho ra tới 70 bông hoa cái, nhưng chỉ nên để lại 6 – 14 trái tùy vào sức cây. Để tránh gió làm lật dây, cần phủ đất nhẹ lên dây dưa lê mỗi 50 – 60 cm hoặc cố định bằng ghim tre. Tỉa bớt lá và nhánh phụ cũng giúp cây thông thoáng, hạn chế sâu bệnh và giúp trái phát triển đồng đều hơn.

Bấm ngọn đúng cách sẽ giúp cây ra trái
Bấm ngọn đúng cách sẽ giúp cây ra trái

6.3. Tỉa nhánh, để trái và chọn quả

Tỉa bỏ các nhánh yếu, sâu bệnh từ gốc đến lá thứ 4 để cây tập trung phát triển nhánh khỏe.

Chọn quả từ nhánh cháu thứ 5 trở đi, mỗi nhánh chỉ giữ lại 1 quả đạt tiêu chuẩn: tròn đều, cân đối, không vết sâu bệnh và có cuống dài. Sau 30 – 35 ngày kể từ khi cây ra quả, tiến hành chọn và tỉa quả để mỗi cây chỉ giữ lại 7 – 10 quả, tránh quá tải khiến cây suy yếu và quả kém chất lượng.

Với mỗi nhánh mang quả, nên giữ lại 2 lá phía trên rồi bấm ngọn để tập trung nuôi dưỡng trái. Kết hợp giữ tán thông thoáng giúp hạn chế sâu bệnh và nâng cao năng suất trái.

Loại bỏ các nhánh yếu, sâu bệnh và chỉ để lại 2 – 3 quả khỏe trên mỗi nhánh. Ưu tiên chọn quả nằm trên nhánh phát triển tốt, bỏ quả méo hoặc bị sâu để cây tập trung dinh dưỡng.

7. Cách trồng dưa lê tại nhà (ban công, chậu nhỏ)

Trồng dưa lê tại nhà đang trở thành xu hướng được nhiều người ưa chuộng nhờ tính tiện lợi và thú vị. Chỉ cần một ban công nhỏ, vài chiếc chậu và sự chăm sóc tỉ mỉ, bạn hoàn toàn có thể thu hoạch những trái dưa lê ngọt mát ngay tại không gian sống của mình. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể giúp bạn bắt đầu dễ dàng.

7.1. Chọn chậu và giá thể

Nên chọn chậu có đường kính từ 60 cm và sâu tối thiểu 40 cm để đảm bảo đủ không gian cho rễ phát triển. Mỗi chậu trồng 1 – 2 cây là phù hợp. Nếu sử dụng thùng xốp lớn, có thể trồng 2 – 3 cây/thùng. Giá thể gồm đất hữu cơ sạch trộn với xơ dừa, tro trấu và phân trùn quế theo tỉ lệ 3:1:1:1, giúp giữ ẩm tốt và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho cây phát triển.

7.2. Gieo hạt và chăm sóc đơn giản

Ươm hạt dưa lê khá đơn giản. Bạn chỉ cần gieo hạt vào bầu với đầu nhọn hướng xuống, tưới đẫm một lần rồi đặt ở nơi râm mát. Sau 1 – 2 ngày, hạt sẽ nảy mầm. Lưu ý không tưới quá nhiều vì dễ gây úng. Đất ươm nên trộn sẵn phân trùn quế hoặc phân chuồng hoai để cây con phát triển khỏe. Khi cây có lá thật, đem trồng vào chậu hoặc thùng xốp và chăm sóc như bình thường.

8. Cách bón phân cho dưa lê theo giai đoạn

Chia rõ từng lần bón giúp dưa lê hấp thu dinh dưỡng đúng giai đoạn:

Bón lót (trước trồng): 

Bón toàn bộ phân chuồng hoai hoặc phân trùn quế vào đất trước khi trồng để cải tạo đất và bổ sung dinh dưỡng nền.

Bón thúc (sau 10 ngày):

  • Lần 1 (10 – 15 ngày sau gieo): Pha loãng 5 kg NPK (16:16:8) tưới quanh gốc để thúc cây phát triển thân lá.
  • Lần 2 (20 – 22 ngày sau gieo): Khi cây đã lấy phấn hoa xong, bón 10 kg NPK (16:16:8) và 2 – 3 kg kali sunphat để tăng khả năng đậu quả và nuôi trái non.
    Lần 3 (30 – 35 ngày sau gieo): Sau khi chọn quả, bón lần cuối với 7 – 10 kg NPK (16:16:8) và 3 – 4 kg kali sunphat nhằm nuôi quả lớn, ngọt đậm và vỏ dày.

Lưu ý: Nếu cây phát triển chậm, có thể pha loãng ure + kali hoặc NPK để tưới bổ sung. Không bón quá đậm dễ gây cháy rễ, giảm sinh trưởng.

Bón nuôi trái (sau đậu quả):

Khi trái đã đậu quả, tập trung bón kali và lân để nuôi quả lớn, ngọt và đạt chất lượng cao.

Nên ưu tiên phân hữu cơ như phân trùn quế, phân gà hoai hoặc phân tự ủ. Nếu dùng phân hóa học, bạn cần pha loãng theo đúng khuyến cáo để tránh gây xót rễ, cháy lá.

9. Phòng trừ sâu bệnh khi trồng dưa lê

Dưa lê ngọt nên dễ bị nhiễm sâu bệnh hại, dưới đây là 1 số sâu bệnh và cách phòng trừ.

  • Bọ trĩ: Dùng tau – Fluvalinate 25%Ec (marvik/ có nồng độ 3000, Bendiocard 50%Wp (Garvox, Multamet).
  • Bệnh chảy nhựa thân: Tưới hoặc phun gốc Benlate, Ridomil, Copperb 23%, Aliette 80Wp.
  • Bệnh sương mai: Phun luân phiên 5 – 7 ngày/ lần bằng Ridomil MZ nồng độ 400, Metiran 80% nồng độ 500.
  • Bệnh lở cổ rễ: Bón vôi luân canh cùng với cây trồng, phun phòng định kỳ bằng Topsin, Ridomil…
  • Bệnh phấn trắng: Phun Benlate 0,01%, Topsin 0,1%, Anvil…
  • Bệnh thán thư: Phun định kỳ 7 – 10 ngày/ lần với Antrcol 70Wp, Zineb.Phòng bệnh hiệu quả bằng cách luân canh cây trồng, xử lý đất bằng vôi hoặc chế phẩm sinh học trước trồng, tưới gốc thay vì phun lá để hạn chế lây lan.

Ngoài ra, nên thường xuyên vệ sinh vườn, tỉa bớt lá già và giữ độ thông thoáng. Ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học như Trichoderma Plus Humic SFARM, nấm xanh, nấm trắng hoặc dịch tỏi – gừng – ớt để phòng trừ nấm bệnh và côn trùng hại thay thế thuốc hóa học. 

10. Thu hoạch và bảo quản dưa lê

Từ lúc gieo đến khi thu hoạch dưa lê siêu ngọt thường mất khoảng 65 – 70 ngày tùy mùa vụ. Sau khi hoa cái tàn, quả cần khoảng 30 – 35 ngày để chín, lúc này vỏ chuyển màu trắng sáng và tỏa mùi thơm nhẹ.

Thời gian thu hoạch rộ kéo dài khoảng 25 – 30 ngày. Sau khi hái, nên để dưa ở nơi thoáng mát 1 – 2 ngày để tăng phẩm chất và hương vị, sau đó bảo quản lạnh 7 – 10 ngày. Tránh xếp chồng gây dập quả.

Thời gian thu hoạch dưa kéo dài khoảng 25 – 30 ngày
Thời gian thu hoạch dưa kéo dài khoảng 25 – 30 ngày

Bạn đã nắm vững cách trồng dưa lê đúng kỹ thuật từ hướng dẫn của SFARM chưa? Đừng quên kết hợp thêm bón phân hữu cơ để nâng cao sức đề kháng cho cây, chất lượng quả chắc và ngọt. Truy cập SFARM Blog để khám phá thêm nhiều kiến thức trồng trọt khác!

Xem thêm:

SFARM – Đặng Gia Trang vinh hạnh là nhà cung cấp tin cậy các sản phẩm vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh học của hơn 1500 đại lý, cửa hàng trên toàn quốc. Mời quý Khách hàng liên hệ thông tin sau để đội ngũ SFARM có thể nhanh chóng hỗ trợ:

Website: https://sfarm.vn/ 

Hotline: 0902652099

Zalo: CSKH SFARM – 0902652099

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết