Giới thiệu về trùn quế – Sổ tay nuôi trùn Sfarm

843 lượt xem

PHẦN II. GIỚI THIỆU VỀ TRÙN QUẾ

2.1. Đặc điểm hình thái.

Cơ thể con trùn quế có hình trụ, dài hơi dẹp, phần đầu và đuôi hơi nhọn, cơ thể thon dài phân thành nhiều đốt. Mỗi đốt có một vòng tơ, khi di chuyển các đốt co duỗi kết hợp với lông tơ bên dưới các đốt bám vào cơ chất đẩy cơ thể di chuyển dễ dàng.

Trên cơ thể con trùn quế đã trưởng thành về sinh dục thường có 1 vòng có dạng như chiếc nhẫn, đây là đai sinh dục. Đai sinh dục thể hiện rất rõ khi trong giai đoạn sinh sản, thường vào ngày thứ 30 trong chu kỳ đời sống.

2.1.1. Màu sắc:

Tùy theo tuổi, trùn mới nở có màu trắng, trùn con có màu hồng nhạt, trùn trưởng thành và già có màu đỏ với màu mận chín có mặt lưng màu nhạt dần về phía bụng. Bên ngoài cơ thể có một lớp kitin mỏng chứa sắc tố do đó khi ra ánh sáng cơ thể chúng phát quang màu xanh tím, có đường kẻ dưới bụng màu nhạt và sáng ở gần vành miệng.

2.1.2. Kích thước:

Trùn nhỏ dài khoảng 3cm, tiết diện 0,2cm. Trùn trung bình dài khoảng 3 – 10cm, tiết diện thân 0,2 – 0,5cm. Trùn lớn dài trên 10cm, đường kính 5 – 6mm (Gautam và Chaudhuri, 2002. Trích dẫn bởi Nguyễn Văn Bảy, 2002)

2.1.3. Cấu tạo cơ thể trùn:

Hệ thống tiêu hóa: Gồm lỗ miệng → xoang miệng → hầu → thực quản → mề → dạ dày → ruột → manh tràng → trực tràng và hậu môn.

Lỗ miệng: Trùn nuốt thức ăn bằng lỗ miệng, lỗ miệng nằm ở đỉnh đầu và hơi lệch về phía bụng.

Xoang miệng: Nằm ở đốt I và II, không có răng, vách xoang miệng mỏng có tác dụng tiếp nhận và giữ thức ăn.

Hầu: Vách hầu có tầng cơ dày kéo dài từ đốt thứ III cho đến đốt thứ V.

Thực quản: Nằm ở đốt thứ VI và đốt thứ VII, hai bên thực quản nhô ra 1 hoặc nhiều đôi có dạng hình túi, đó là tuyến Ca, có tác dụng điều tiết độ pH, hỗ trợ các enzyme tiêu hóa hoạt động và hệ vi sinh vật hữu ích trong đường tiêu hóa tồn tại và hoạt động đồng thời cũng có tác dụng quan trọng trong việc thải khí CO2 ra ngoài.

Mề: Là bộ phận phình to của ống tiêu hóa có dạng túi tròn, thành mề mỏng, nằm ở đốt thứ VIII, IX, X. nó có tác dụng chứa thức ăn tạm thời, làm ướt và làm mềm thức ăn và cũng có tác dụng nhất định trong việc tiêu hóa một phần protein của thức ăn.

Dạ dày: Là phần thu hẹp lại của ống tiêu hóa, nằm ở đốt thứ XI đến đốt thứ XIV, thông với ruột non, có tác dụng tiết ra enzyme tiêu hóa như enzyme protease, amylase, lipase, cellulose, kitinase, ..

Trực tràng: Có thành mỏng và hẹp, không có tác dụng tiêu hóa thức ăn mà chỉ là nơi chứa các chất thải sau khi tiêu hóa và đẩy ra ngoài qua hậu môn.

Lượng thức ăn mỗi ngày được ghi nhận là tương đương với trọng lượng cơ thể nó. Những vi sinh vật cộng sinh có ích trong hệ tiêu hóa theo phân ra khỏi cơ thể trùn nhưng vẫn còn hoạt động ở màng dinh dưỡng trong một thời gian dài. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho phân trùn có hàm lượng dinh dưỡng cao và có hiệu quả cải tạo đất tốt hơn dạng phân hữu cơ phân hủy bình thường trong tự nhiên.

Hệ tuần hoàn: Có dạng ống khép kín, gồm có hệ mạch máu trung tâm, hệ mạch xung quanh ruột và vòng tuần hoàn ngoại biên. Máu của trùn quế là dịch thể màu hồng, không chứa các tế bào hồng cầu, nhưng trong huyết tương có Hemoglobin nên máu có màu đỏ. Hệ tuần hoàn kết hợp với hệ hô hấp thông qua mạng lưới mao mạch dưới da tạo điều kiện trao đổi khí qua da…

Hệ hô hấp: Không có cơ quan hô hấp riêng, trùn hô hấp qua da. Oxy trong môi trường được hòa tan vào chất nhầy trên bề mặt cơ thể trùn, sau đó thấm vào hệ thống mạch máu phân nhánh li ti bên trong rồi được vận chuyển đến các cơ quan; việc thải CO2 cũng thông qua một tiến trình tương tự.

Hệ bài tiết: Trùn bài tiết chất thải chứa đạm dưới dạng ammoniac và urea qua các cặp thận ở các đốt.

Hệ thần kinh: Gồm hạch não, chuỗi hạch thần kinh bụng và dây thần kinh cùng với cơ quan cảm giác và cung phản xạ, trong hệ thần kinh còn có một số tế bào tiết ra các kích thích tố ảnh hưởng rất lớn đối với sinh sản và tái sinh sản. Đáng chú ý là trùn quế không có mắt nhưng vẫn có cảm giác với ánh sáng nhờ tế bào cảm nhận ánh sáng nằm phân tán dưới da.

Hệ sinh dục: Trùn quế là loại động vật lưỡng tính, do đó chúng thụ tinh chéo để sinh sản, tuyến sinh dục tập trung ở một số đốt và có hệ thống dẫn tinh riêng.

  • Cơ quan sinh dục cái gồm: buồng trứng, ống dẫn trứng, túi nhận tinh.
  • Cơ quan sinh dục đực gồm có: tinh hoàn, túi chứa tinh, ống dẫn tinh và tiến liệt tuyến. Cơ quan sinh dục nằm về phía đầu của cơ thể.

2.2. Đặc điểm sinh lý.

Trùn quế sống trên mặt đất, thích sống nơi môi trường ẩm ướt, tối, có nhiều chất hữu cơ đang phân hủy và độ pH ổn định. Tế bào da của trùn quế rất mỏng, thường xuyên tiết ra chất nhờn để bảo vệ cơ thể và thích ứng với điều kiện chui rúc trong môi trường tối và ẩm thấp đo đó trùn quế rất nhạy, phản ứng mạnh với ánh sáng, nhiệt độ và biên độ nhiệt độ cao, độ mặn và điều kiện khô hạn.

Trùn giao phối

Hình: hai cá thể trùn đang giao phối

2.2.1 Nhiệt độ:

Con trùn quế có thể sống trong nhiệt độ từ 5 độ C – 30 độ C, nhiệt độ thích hợp nhất cho sự sinh trưởng và sinh sản của trùn là 25 độ C – 30 độ C, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới tương đối ổn định và có độ ẩm cao như điều kiện của khu vực phía nam, chúng sinh trưởng và sinh sản rất nhanh. Ở nhiệt độ môi trường quá cao, để thích nghi trùn sẽ huy động năng lượng bằng cách tăng cường hô hấp, kéo theo quá trình dị hóa tăng theo, từ đó tiêu tốn thức ăn cũng tăng lên do đó nhiệt độ cao chúng sẽ bỏ đi và chết dần. Quá trình trên theo chiều ngược lại ở nhiệt độ quá thấp, chúng sẽ ngừng hoạt động và có thể chết.

Tóm lại, chúng có thể chết khi nhiệt độ cao, quá thấp hoặc khi quá khô và nhiều ánh sáng nhưng chúng lại có thể tồn tại khá lâu trong môi trường nước có đầy đủ oxy.

2.2.2. Độ ẩm:

Nước là thành phần quan trọng chiếm 80 – 85% khối lượng cơ thể trùn, độ ẩm thích hợp nhất cho trùn sinh trưởng và phát triển là 60 – 70%. Độ ẩm và nhiệt độ có quan hệ lẫn nhau lên sự sinh trưởng và sinh sản của trùn, độ ẩm quá cao có thể làm kén trùn bị thối, không nở được.

2.2.3. Ánh nắng:

Trùn rất sợ ánh nắng nên cần phải che chắn để tránh ánh nắng trực tiếp rọi vào chuồng làm cho trùn sợ và chui xuống phía dưới để sống. Tuy nhiên, khi che chắn vẫn phải đảm bảo được sự thông thoáng của chuồng trại và nhiệt độ trong chuồng nuôi.

2.2.4. Độ pH:

Chúng có thể sống ở phổ pH khá rộng từ 4 – 9, tuy nhiên trùn quế sống và sinh sản tốt nhất ở pH 6,5 – 7,5. Nếu quá thấp chúng sẽ bỏ đi.

2.2.5. Không khí:

Con trùn quế hô hấp qua da, chúng có khả năng hấp thu oxy và thải CO2. Do đó, môi trường sống đòi hỏi thoáng khí, thức ăn của trùn là phân nên hàm lượng khí độc hại (CO2, H2S, SO3, NH4) luôn tồn tại trong luống nuôi và chuồng nuôi. Do đó phải tạo sự thông thoáng cho chuồng nuôi, tránh để tồn lưu khí độc hại ảnh hưởng tới sự phát triển của trùn. Theo Willis (1995) và Edward (1998) cho rằng p.excavatus không thể sống tốt trong chất thải hữu cơ chứa nhiều NH3.

2.2.6. Thức ăn:

Chúng ăn bất kỳ chất thải hữu cơ nào có thể phân hủy trong tự nhiên (rác đang phân hủy, phân gia súc, gia cầm…). Tuy nhiên, những thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao sẽ hấp dẫn chúng hơn, giúp cho chúng sinh trưởng và sinh sản tốt hơn. Đặc biệt là phân bò tươi.

2.3. Đặc điểm sinh sản.

Con trùn quế là sinh vật lưỡng tính (có cả cơ quan sinh dục đực và cái). Chúng có đai và các lỗ sinh dục nằm ở phía đầu của cơ thể, có thể giao phối chéo với nhau để hình thành kén ở mỗi con trùn quế. Kén được hình thành ở đai sinh dục. Kén trùn di chuyển dần về phía đầu.

Kén trùn quế có dạng thon dài, một đầu tròn và đầu kia nhọn hơn, gần giống như hạt bông cỏ. Kích thước cỡ kén khoảng 1mm ban đầu có màu trắng đục, sau chuyển sang xanh nhạt rồi vàng ngọc trai, sau đó chuyển tới màu xanh lục hoặc nâu nhạt rồi nâu sẫm khi kén sắp nở.

Thời gian nở hoàn toàn khác nhau tùy thuộc vào điều kiện môi trường – nhiệt độ, độ ẩm, trong điều kiện bình thường thời gian nở của kén trùn Perionys excavatus là 2 – 3 tuần, mỗi kén chứa từ 1 – 20 trứng. Khi nhiệt độ tăng thì thời gian trung bình kén nở giảm và tỷ lệ kén nở tăng.

Số lượng kén thay đổi theo giống loài. Thông thường nếu chăm sóc tốt trong điều kiện thích hợp trùn có thể đẻ kén liên tục, mỗi tuần đẻ một kén. Với loài sống hoang dã trong tự nhiên nó sinh sản theo mùa rõ rệt.
Số kén, tỷ lệ nở và tỷ lệ sinh sản mỗi tuần của con trùn quế trên chất hữu cơ động vật và thực vật đều cao hơn so với một số loài trùn khác.

Kén trùn quế

Hình: kén trùn

Con trùn quế trưởng thành (0,12g/con) → bắt đầu sinh sản → Kén (nở sau 2 – 3 tuần). Mỗi kén có thể nở từ 1 – 20 trùn con → Trùn con (<0,05g/con, dài 2 – 3mm). Sau 5 – 7 ngày cơ thể chúng sẽ chuyển dần sang màu đỏ và bắt đầu xuất hiện một vằn đỏ thẫm trên lưng dài 1 – 2cm.

Trùn sinh trưởng bằng cách tăng số lượng đốt thân hoặc tăng tiết diện đốt.

  • Khoảng từ 15 –30 ngày sau, chúng trưởng thành và bắt đầu xuất hiện đai sinh dục (theo Arellano, 1997); từ lúc này chúng bắt đầu có khả năng bắt cặp và sinh sản. Con trưởng thành khỏe mạnh có màu mận chín và có sắc ánh kim trên cơ thể.
  • Sau 60 ngày, trùn đạt 8 – 10cm (thu trùn thịt lúc này là tốt nhất).
  • Từ 70 – 90 ngày con trùn quế bắt đầu để trứng nhưng tỷ lệ nở thấp.
  • Từ 90 ngày tuổi trở đi, trùn trưởng thành hoàn chỉnh. Trùn đẻ rất khỏe (1 tuần/ lần). Và tỷ lệ trứng nở cao nếu trùn được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt. Những con trùn quế đã già có đai sinh dục thoái hóa.

Thời gian sinh sản của trùn liên tục quanh năm và cứ diễn ra trung bình một tuần một lần. Nếu không có yếu tố bất lợi thì sự phát triển của trùn quế luôn tăng theo cấp số nhân.

2.4. Tập tính ăn.

Con trùn quế thích nghi với phổ thức ăn rộng. Chúng có thể ăn bất kỳ chất thải hữu cơ nào có thể phân hủy như phân gia súc, gia cầm, rác mục… Tuy nhiên, thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao sẽ hấp dẫn và giúp chúng sinh trưởng, sinh sản tốt hơn.

Do vậy trong tự nhiên, trùn quế không đào hang sâu mà sống ở phía trên lớp bề mặt, những nơi ẩm thấp, gần cống rãnh, nơi có nhiều chất hữu cơ dễ phân hủy và thối rửa như trong đống phân động vật, rác hoai mục. Chúng thường tìm thức ăn khi trời tối.

Con trùn quế ít hiện diện trên các đồng ruộng canh tác dù nơi đây có nhiều chất thải hữu cơ. Có lẽ do tỉ lệ Carbon/Nitro của những chất thải này thường cao, không hấp dẫn và do môi trường nơi đây không đảm bảo điều kiện ẩm thường xuyên.

Bạn đang theo dõi bài viết trong chuyên mục Sổ tay nuôi trùn Sfarm được thực hiện bởi Đặng Gia Trang.

Bài viết tiếp theo: Lợi ích của trùn quế

Bài viết trước: Sổ tay nuôi trùn SFarm – Phần 1. Mở đầu

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (2 bình chọn)